Các yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp quản lý NSĐP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân cấp quản lý ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 46 - 49)

5. Kết cấu luận văn

1.2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp quản lý NSĐP

1.2.5.1. Bối cảnh và xu thế phát triển kinh tế xã hội ở địa phương

Trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương không có sự biến động lớn thì nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN ổn định, khi nền kinh tế, chính trị, xã hội bất ổn định thì nguồn thu NSNN trên địa bàn bị ảnh hưởng, nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế, chi cho đảm bảo an ninh quốc phòng và giải quyết các vấn đề xã hội phải thay đổi theo chiều hướng khác.

Khi nền kinh tế càng phát triển khả năng tích luỹ của nền kinh tế càng lớn, khả năng chi cho đầu tư phát triển càng cao. Như vậy cơ chế phân cấp quản lý nhà nước cũng vì thế mà thay đổi cho phù hợp.

Trong điều kiện hiện nay, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đang là nhân tố ảnh hưởng đến phân cấp quản lý NSNN ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Bởi lẽ sự tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã làm thay đổi chức năng nhiệm vụ của nhà nước trong thời kỳ mới. Trong thời kỳ hội nhập, nhà nước không can thiệp sâu sắc và trực tiếp vào nền kinh tế mà chỉ đóng vai trò người cầm cân nảy mực, tạo môi trường hành lang pháp lý cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô, việc đầu tư trực tiếp cho nền kinh tế bằng nguồn vốn NSNN chỉ tập trung ở những khâu trọng yếu không có khả năng thu hồi vốn và đáp ứng các nhu cầu phúc lợi xã hội. Vì vậy đây là nhân tố gây ảnh hưởng tới phân cấp quản lý NSNN.

1.2.5.2. Tính chất cung cấp hàng hoá công cộng

Hàng hoá công cộng được hiểu là các hàng hoá, dịch vụ mà việc sử dụng nó của các chủ thể này không làm cản trở tới việc sử dụng các chủ thể khác. Có thể nói đó là các hàng hoá mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng và lợi ích từ việc sử dụng đó đối với bất kỳ chủ thể nào cũng hoàn toàn độc lập với các chủ thể khác cùng sử dụng.

Trong quản lý hành chính nhà nước, chính quyền nhà nước các cấp vừa phải đảm bảo chức năng quản lý vừa phải đảm bảo chức năng phục vụ công cộng cho xã hội. Phần lớn các hàng hoá công cộng đều được cung cấp bởi khu vực công (chính quyền nhà nước ở trung ương và địa phương).

Hàng hoá công cộng được cung cấp ở phạm vi quốc gia như: Quốc phòng, an ninh, phát thanh truyền hình trung ương; ở phạm vi địa phương như phát thanh, truyền hình, đường giao thông, khu vui chơi giải trí thể thao của các cấp chính quyền địa phương…

Đây là yếu tố căn bản khi phân giao quyền hạn và trách nhiệm giữa các cấp trong bộ máy chính quyền giữa trung ương và địa phương trong việc cung cấp hàng hoá công cộng. Điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ đòi hỏi phải phân chia nguồn lực từ NSNN, đây chính là tiền đề để phân cấp quản lý NSĐP cho từng cấp chính quyền địa phương.

1.2.5.3. Đặc điểm tự nhiên, xã hội ở địa phương

Đây là một nhân tố có tính đặc thù mà cần được quan tâm. Tính đặc thù đó thường được biểu hiện ở những đặc điểm tự nhiên về địa hình, vùng có tài nguyên, có địa thế hay có điều kiện xã hội đặc biệt. Ở những vùng, những địa phương này có thể coi là một đối tượng đặc biệt của cơ chế phân cấp dẫn tới những nội dung phân cấp đặc thù cho phù hợp.

Sự đa dạng về mặt xã hội tạo ra sự khác biệt về nhu cầu, sở thích đối với hàng hóa dịch vụ công do mức thu nhập tạo ra. Khi sự khác biệt nảy sinh thì đòi hỏi cơ chế phân cấp phù hợp sẽ mang lại hiệu quả hơn.

1.2.5.4. Mức độ phân cấp về quản lý hành chính - kinh tế - xã hội giữa các cấp chính quyền

Việc tổ chức bộ máy nhà nước theo các đơn vị hành chính lãnh thổ nảy sinh yêu cầu hình thành những cấp NSNN tương ứng với từng cấp hành chính đó. Tuy nhiên đây mới chỉ là điều kiện cần, bởi vì có nhiều cách khác nhau

trong việc chuyển giao một bộ phận trong tổng thể các nguồn tài chính cho việc thực hiện các nhiệm vụ của mỗi đơn vị hành chính.

Thực chất của quá trình phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là quá trình phân giao nguồn lực tài chính quốc gia cho các cấp chính quyền phân phối, sử dụng. Trình độ tổ chức, quản lý của các cấp chính quyền về kinh tế - xã hội nói chung và tài chính nói riêng có tính quyết định đến hiệu quả việc sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia. Gắn với trình độ tổ chức, quản lý nhất định có mức phân cấp quản lý phù hợp, phổ biến theo 2 loại hình sau:

- Phân quyền: là việc phân giao quyền hạn, nghĩa vụ cho các cấp trong hệ thống; mỗi cấp chính quyền được quyền quyết định về các vấn đề đã được giao. Khi đã thực hiện phân quyền, chính quyền cấp trên công nhận quyền tự quản của các cấp dưới; các cấp chính quyền được tự chủ trong việc quyết định các hoạt động trong phạm vi quản lý hành chính của mình phù hợp với Luật, các quy định chung của chính quyền cấp hơn. Với mô hình này, các cấp chính quyền ở địa phương cần được tự quản cao về mặt tài chính, có một ngân sách độc lập tương xứng với quyền tự quản của mình. Do vậy cần hình thành các cấp ngân sách ở địa phương.

- Tản quyền: là biện pháp tổ chức quyền lực hành chính của nhà nước mà qua đó các cơ quan Trung ương uỷ nhiệm cho các cơ quan địa phương quyền quản lý hành chính, tổ chức thực hiện các phân cấp quản lý do Trung ương ban hành. Trung ương chuyển một phần quyền lực của mình cho các cơ quan của nhà nước tại địa phương và bổ nhiệm các công chức ở địa phương để đại diện cho các cơ quan Trung ương nhằm thực hiện các nhiệm vụ của mình tại địa phương; các cơ quan ở địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan Trung ương về các hoạt động của mình. Trong mô hình này, hoạt động của các cơ quan nhà nước địa phương do ngân sách cấp trên đảm bảo, do đó không cần hình thành một cấp ngân sách riêng cho các đơn vị hành chính.

Từ nhận thức như trên đã có cơ sở đề ra các nguyên tắc, các yêu cầu trong việc xây dựng cơ chế phân cấp quản lý NSĐP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên một cách khách quan. Từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả, thực tế nhằm đổi mới và hoàn thiện cơ chế phân cấp hiện hành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân cấp quản lý ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)