Hoàn thiện công tác lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở thuộc công đoàn viên chức tỉnh lai châu​ (Trang 103 - 107)

5. Kết luận của luận văn

4.2.2. Hoàn thiện công tác lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng

- Đổi mới công tác lập kế hoạch

Kế hoạch hoá nguồn nhân lực là quá trình đánh giá xác định nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu công việc của tổ chức và xây dựng các kế hoạch lao động để đáp ứng được các nhu cầu: do đó vai trò của lập kế hoạch hoá nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng là giúp cho tổ chức công đoàn đạt được mục tiêu là đẩy mạnh phong trào công nhân, viên chức, lao động, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh. Vì vậy kế hoạch hoá nguồn nhân lực là yêu cầu luôn cần thiết đối với mọi tổ chức; là cơ sở cho các hoạt động biên chế nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực.

Đối với tỉnh Lai Châu việc lập các kế hoạch đào tạo cán bộ công chức nói chung và cán bộ công đoàn nói riêng đã được tiến hành thường xuyên và khá tốt. Công tác lập kế hoạch dài hạn hay ngắn hạn đều được căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu công việc, bên cạnh đó cần làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ và quy hoạch đào tạo, củng cố kiện toàn cán bộ công đoàn tránh tình trạng đào tạo lại đối với cán bộ chưa đủ trình độ. Như vậy sẽ đem lại hiệu quả hơn cho việc lập kế hoạch và tiến hành đào tạo.

Trong các kế hoạch đào tạo cần tăng cường đào tạo cán bộ trẻ do độ tuổi trung bình của cán bộ công chức kiêm nhiệm công tác công đoàn tương đối cao, đồng thời cũng cần tăng cường đào tạo cán bộ nguồn cho các đơn vị. Trong các kế hoạch đào tạo ngắn hạn hay dài hạn mục tiêu của chương trình phải được cụ thể hoá về số lượng và chất lượng của cán bộ được đào tạo. Các kế hoạch về đào tạo cán bộ khi được xây dựng trước hết cần phải xem xét, đánh giá nhu cầu hiện tại và nhiệm vụ của tỉnh cũng như tổ chức công đoàn trong tương lai. Trong kế hoạch đào tạo phải đánh giá được đội ngũ nhân lực hiện tại kết hợp với xem xét yêu cầu của công việc từ đó đưa ra được chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Như vậy, trong kế hoạch đào tạo cán bộ cần phải có đó là: Mục tiêu về số lượng cán bộ cần đào tạo và tương ứng với đó là bao nhiêu phần trăm số lượng được đào tạo đạt tiêu chuẩn, nội dung và chương trình đào tạo, trình độ kỹ năng cán bộ phải đạt được tương ứng với mỗi đối tượng cán bộ công chức nói chung và cán bộ công đoàn nói riêng, thời gian của chương trình đào tạo, các chương trình đào tạo khác… Kế hoạch đào tạo cán bộ được xây dựng thành văn bản, các mục tiêu, tiêu chuẩn về số lượng người được đào tạo, số lượng người phải đạt tiêu chuẩn, các mục tiêu, tiêu chuẩn về trình độ và kỹ năng phải đạt được…có thể được thiết kế thành bảng để tiện theo dõi, đánh giá, kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ phải được xây dựng theo chu kỳ ngắn hạn và dài hạn, trong mỗi chu kỳ đó có sự khác biệt về nội dung kế hoạch đào tạo cán bộ dài hạn tổng quát hơn, đánh giá được nhu cầu cán bộ trong nhiều năm (từ 3- 5 năm), trong các kế hoạch ngắn hạn phải đưa ra được mục tiêu đào tạo cán bộ đáp ứng nhu cầu cán bộ này phải phải được đánh giá, nhận xét và tổng kết vào cuối mỗi chu kỳ, từ đó rút ra được những ưu nhược điểm của chương trình và có hướng khắc phục.

- Đối với chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng

+ Đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở ngoài các chương trình đào tạo theo hệ thống giáo dục quốc dân (như đào tạo trung cấp, đại học, sau đại học v v); tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở thuộc những mảng kiến thức trọng điểm của công đoàn là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đảm bảo quán triệt đường lối, quan điểm đổi mới đất nước của Đảng; bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu; đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ cán bộ, công chức cũng như yêu cầu bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của từng cán bộ công đoàn cơ sở.

Xây dựng và hoàn thiện chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng nâng cao kiến thức, kỹ năng hành chính cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở theo ngạch và theo chức vụ đang đảm nhận, kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, kiến thức và kỹ năng. Cán bộ công đoàn cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn quy định đối với từng ngạch, từng chức danh; bổ sung và cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý theo tiêu chuẩn quy định của các chức danh mà công chức đảm nhận.

Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở: Hình thành 3 loại chương trình: chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch; chương trình đào tạo theo chức danh và chương trình bồi dưỡng cập nhật theo nhu cầu chuyên sâu. Đổi mới theo hướng trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành cho cán bộ công đoàn cơ sở; chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước dành cho cán bộ công đoàn cơ sở... Tỉnh phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng, đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình bồi dưỡng trong phạm vi thẩm quyền của tỉnh theo hướng chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn phù hợp với từng chức danh công chức, gắn học tập lý luận với kỹ năng thực hành; bổ sung, hoàn chỉnh nội dung chương trình bồi dưỡng kỹ năng quản lý nhà nước cho các đối tượng.

+ Từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, phương thức, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở.

Phối hợp linh hoạt các phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở. Tiếp tục duy trì phương thức học tập tại chức đối với cán bộ công đoàn cơ sở lớn tuổi (theo quy định). Đối với cán bộ công đoàn cơ sở trẻ, trong diện quy hoạch nguồn cán bộ chủ chốt, có triển vọng phải đưa đi đào tạo chính quy, tập trung. Cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước những chuyên gia đầu ngành hoặc những lĩnh vực mà tỉnh chưa đáp ứng được. Trên cơ sở phân cấp cán bộ chọn, cử công chức đi học tập, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc cấp Trung ương, bộ, ngành, địa phương hoặc nước ngoài.

+ Các trường và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở phải chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, đề cao vai trò chủ động và tính sáng tạo của học viên. Chú ý bồi dưỡng phương pháp tư duy, phương pháp công tác; bám sát thực tiễn, hướng vào thực hành kỹ năng giải quyết tình huống cụ thể xuất phát từ thực tế. Hình thức tham quan, nghiên cứu thực tế phải gắn với nội dung học tập thiết thực.

Các tổ chức, doanh nghiệp phải tận dụng tiềm lực và khả năng sẵn có, thực hiện phương thức bồi dưỡng tại chỗ cho công chức thụng qua các hình thức phong phú như: hướng dẫn kỹ năng, truyền đạt kinh nghiệm, giao việc thử thách, luân chuyển, điều động...

+ Phải thường xuyên có kế hoạch đào tạo lại và cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở, đặc biệt là kiến thức về kinh tế thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý để khắc phục nguy cơ tụt hậu về tri thức và kỹ thuật, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng theo tinh thần học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, chuyển quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ công đoàn cơ sở.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở thuộc công đoàn viên chức tỉnh lai châu​ (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)