Khâu thiết kế còn yếu kém, trình độ sản xuất thấp.: Trình độ thiết kế của Việt Nam còn thấp và non kém, trong khi người Hoa Kỳ lại yêu thích những sản phẩm thời trang hiện đại, cá tính, tạo được điểm nhấn trong phong cách riêng cho mỗi người. Các DN dệt may Việt Nam hiện nay chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ thiết kế có trình độ chuyên môn và khả năng sáng tạo để sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của dệt may Việt Nam còn yếu kém trong nhiều khâu gây tốn kém thời gian, chi phí để sản xuất.
Chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường: Phần lớn các sản phẩm dệt may của Việt Nam được xuất khẩu sang Hoa Kỳ dưới tên thương hiệu của bên thứ ba. Chính điều này gây thiệt thòi lớn cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam khi những sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất nhưng khi mang nhãn mác của thương hiệu nước ngoài thì có giá đắt hơn gấp nhiều lần giá trị được bán với tem mác “Made in Vietnam ”. Bên cạnh đó khâu tiếp thị của DN còn yếu kém khiến cho người tiêu dùng Hoa Kỳ khó tiếp cận với sản phẩm của Việt Nam.
Giá trị gia tăng của ngành thấp: Hiện nay, các sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu theo hình thức gia công, khâu thiết kế chưa phát triển.
45
Phương thức xuất khẩu này khiến DN dệt may Việt trở nên thụ động trong sản xuất vì họ chỉ thực hiện theo yêu cầu của bên đặt hàng và nhận tiền thù lao gia công. So với các hình thức xuất khẩu khác đây là hình thức tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất.
Quy mô DN dệt may chỉ ở mức vừa và nhỏ: Quy mô DN nhỏ khiến cho các DN chưa đạt được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu của một vài thị trường. Hơn nữa, hầu hết các DN không có khả năng huy động vốn để thực hiện đơn hàng của các đối tác lớn. Các DN Hoa Kỳ khi đặt hàng phải chia nhỏ các đơn hàng tại nhiều đơn vị sản xuất, điều này cho thấy các đối tác cũng lo ngại về khả năng nhận các đơn hàng lớn của các DN sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam. Việc đầu tư đổi mới công nghệ và trang thiết bị của các DN cũng rất hạn chế do tiềm lực tài chính không đủ mạnh.
Chất lượng nguồn lao động không cao: nguồn lao động là một điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam bởi phần lớn lao động dệt may hiện nay chưa qua đào tạo bài bản. Nguồn lao động chất lượng cao trong quản lý sản xuất kỹ thuật còn yếu kém. Năng suất lao động của công nhân Việt Nam còn chưa cao, tính kỷ luật trong lao động còn thấp khiến DN mất đi lợi thế cạnh tranh.
Ngành dệt nhuộm và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển: Điều này gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng để đáp ứng cho ngành may. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may luôn là mối lo ngại lớn bởi hiện nay 70% đều được nhập khẩu từ nước ngoài, các DN khó kiểm soát được chất lượng cũng như giảm sức cạnh tranh về giá thành do bị phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu nhập khẩu. Trong khi đó, hiện nay, nhiều đơn hàng từ phía Hoa Kỳ yêu cầu DN Việt Nam phải chủ động trong nguồn cung nguyên liệu gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành dệt may chưa đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của chính phủ Hoa Kỳ.