7. BỐ CỤC CỦA ĐỀ TÀI
1.1.2. Các nghiên cứu về năng lực cạnh tranh theo các nhân tố ảnh hưởng và mô
hình phân tích năng lực cạnh tranh
Trong số các nghiên cứu về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh hiện nay thì những nghiên cứu của Michael Porter đã nghiên cứu đầy đủ nhất về năng lực cạnh tranh. Trong nghiên cứu về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh quốc tế, M. Porter có 16 cuốn sách và hơn 100 bài báo viết về chiến lược và năng lực cạnh tranh từ cấp độ doanh nghiệp, ngành cho đến quốc gia thuộc các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Ở mọi các cấp độ và các lĩnh vực, ông đều đưa ra phân tích, kết luận đúng mức nhất về các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.
M. Porter với Cách năng lực cạnh tranh hình thành chiến lược ra đời năm 1979 đã chỉ ra được các nhân tố tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đó là 5 nhân tố: yếu tố đầu vào; nhu cầu của thị trường; doanh nghiệp hỗ trợ và liên quan; môi trường, thể chế kinh tế và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác; chiến lược của doanh nghiệp [110]. Căn cứ vào đó, các doanh nghiệp đã tìm được các nhân tố cụ thể nhất, rõ nhất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình. Hiện nay mô hình này của M. Porter được các doanh nghiệp trên thế giới ứng dụng nhiều.
Năng lực cạnh tranh tiếp cận từ chuỗi giá trị được Porter đưa ra vào năm 1985 trong cuốn “Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance”. (Lợi thế cạnh tranh: Tạo và duy trì hiệu suất cao). Theo đó, chuỗi giá trị được cho là tổng thể các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hay hoạt động dịch vụ nào đó của doanh nghiệp. Trong chuỗi giá trị, quá trình tương tác của các yếu tố cần và đủ để tạo thành sản phẩm hoặc nhóm các sản phẩm, các hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện theo một phương thức nhất định. Giá trị của chuỗi bao hàm tổng số các giá trị của quá trình tạo ra sản phẩm, nhóm sản phẩm trong mỗi
công đoạn sản xuất nhất định, nó gồm 05 hoạt động cơ bản và 04 hoạt động phụ trợ tạo ra chuỗi.
M. Porter (1990) đã nghiên cứu xây dựng lý thuyết phát triển với mô hình cạnh tranh trong phạm vi ngành, gồm 4 nhân tố chính tác động đến doanh nghiệp là: Các đối thủ tiềm năng, Khách hàng, Nhà cung ứng và Sản phẩm thay thế. So với một số mô hình khác, mô hình này khá thu hẹp phạm vi nghiên cứu về cạnh tranh nhằm giúp doanh nghiệp vận dụng vào việc xem xét, phân tích rõ hơn, cụ thể hơn những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong phạm vi cùng một ngành, lĩnh vực hoạt động.
Mô hình cạnh tranh của doanh nghiệp “SWOT” được các nhà khoa học Marion Dosher, Otis Benepe, Albert Humphrey, Robert F.Stewart và Birger Lie (1960) đưa ra từ những năm 1960-1970. Mô hình này đã phân tích 4 yếu tố quan trọng trong một dự án kinh doanh, đó là: Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats). Mô hình SWOT có tác dụng giúp cho doanh nghiệp đánh giá được tình hình trực trạng của mình, kết hợp tác động của môi trường kinh doanh bên ngoài để có chiến lược phát triển phù hợp, giảm thiếu tối đa những khó khăn, nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp
Mô hình PEST (Lý thuyết môi trường vĩ mô) được sử dụng cho việc phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tố tầm vĩ mô bên ngoài doanh nghiệp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Với mô hình này, doanh nghiệp có thể: (1) Biết được cơ hội cũng như thách thức kinh doanh trên cơ sở phân tích, dự đoán môi trường kinh doanh, các yếu tố đã và đang tác động đến môi trường kinh doanh; (2) Nắm một cách tổng quan về những thay đổi của các yếu tố cơ bản nhất trong môi trường kinh doanh (như: chỉ số kinh tế, tình hình thị trường lao động, chính sách của nhà nước, điều kiện môi trường...) từng giai đoạn nhất định để có thể xác định phương hướng, giải pháp của mình đảm bảo thích nghi, phù hợp với sự thay đổi đó; tránh được nguy cơ rủi ro không kiểm soát nổi; (3) Có tầm nhìn tổng quan về thị trường trong nước, khu vực và thế giới để có những định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Theo mô hình PEST, tác động ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp có 4 yếu tố cơ bản là: (1) Yếu tố Thể chế, luật pháp (Political Factors); (2) Yếu tố Kinh tế (Economic Factors); (3) Yếu tố Văn hóa xã hội (Sociocultural Factors); (4) Yếu tố Công nghệ (Technological Factors). Đến nay, lý thuyết môi trường vĩ mô PEST đã được bổ sung thêm hai yếu tố vĩ mô có tác động rất lớn đối với doanh nghiệp là: Yếu tố môi trường (Environmental factors) và Yếu tố pháp luật (Legal factors).
Các tác giả Polat, S., & Çevik Onar, S. (2010) nghiên cứu về các nhân tố tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đã lựa chọn chiến lược kinh doanh của hơn 100 doanh nghiệp có niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán Istabul - Thổ Nhĩ Kỳ để khảo sát thông qua phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp, từ đó phân tích chỉ rõ các nhân tố tác động năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các tác giả đã đưa ra bao gồm 7 nhân tố ảnh hưởng cơ bản là: (1) Khả năng quản trị doanh nghiệp; (2) Khả năng sản xuất như điều kiện trang thiết bị về công nghệ thông tin, năng lực tài chính, nguồn nhân lực…; (3) Khả năng bán hàng-marketing; (4) Khả năng dịch vụ hậu cần - logistics; (5) Dịch vụ chăm sóc khách hàng; (6) Nghiên cứu và phát triển và quản trị công nghệ; (7) Tính năng của doanh nghiệp; công nghệ thông tin; quản trị công nghệ; đổi mới quan hệ khách hàng. Nghiên cứu cũng đưa ra yêu cầu cho doanh nghiệp là cần phải xây dựng chiến lược đúng đắn, phù hợp thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mới cao và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…[109]
Các tác giả Ambastha, A., & Momaya, K. (2004) với nghiên cứu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đã đưa ra các nhóm tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm: (1) Khách hàng, người cộng tác và khả năng phản ứng; (2) Khả năng khai thác sử dụng tài sản, nguồn nhân lực, cơ cấu doanh nghiệp, các nguồn lực là các yếu tố sản xuất như đất đai, lao động, các điều kiện tự nhiên và vốn văn hóa doanh nghiệp; (3) Khả năng điều hành của doanh nghiệp, quản lý, xây dựng chiến lược của doanh nghiệp, hệ thống thông tin, công nghệ, maketing, các mối quan hệ và khả năng cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh gồm các tiêu chí như năng suất, thị phần, sự khác biệt , mức sinh lời, giá cả, sự ra đời sản phẩm [90].
Tóm lại, các công trình nghiên cứu cho chúng ta thấy: các tác giả đều cho rằng trong cơ chế thị trường, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, quyết định tương lai của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chịu sự tác động, và ảnh hưởng của hai nhóm yếu tố chủ yếu: Nhóm yếu tố bên trong và nhóm yếu tố bên ngoài. Nhóm yếu tố bên trong bao gồm: Phần cứng (những yếu tố vật chất cần thiết để tạo nên sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp như nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, công nghệ,…); Phần mềm (nguồn nhân lực và hệ thống quản lý của doanh nghiệp). Nhóm yếu tố bên ngoài gồm: Điều kiện thị trường liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới; Môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả chính sách, pháp luật, quy định của quốc gia, địa phương (trong nước) và các vấn đề về luật pháp quốc tế; Mối quan
hệ của doanh nghiệp với đối tác: chủ hàng, khách hàng, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư,…