Cảm quan về lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết gia đình bé mọn (dạ ngân) và tiền đinh (đoàn lê) (Trang 59 - 63)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.1. Cảm quan về lịch sử

Tiểu thuyết tự truyện Gia đình bé mọnTiền định đều viết về số phận, về tình yêu hôn nhân của người phụ nữ đi qua những thăng trầm biến động của đất nước – thời chiến tranh và sau chiến tranh. Chính vì vậy, vấn đề chiến tranh, thời đại được đề cập đến trong tác phẩm, đặc biệt là vấn đề về chiến tranh – một yếu tố lịch sử đặc biệt của đất nước, có ảnh hưởng lớn và sâu sắc đối với số phận con người. Đầu thế kỷ XXI có khá nhiều nhà văn viết tiểu thuyết tự truyện trong đó có đề cập đến thời chiến tranh. Ở thời kỳ này, các nhà văn đã viết về thời chiến với cái nhìn đa chiều, nhìn thẳng vào sự thật. Không tô hồng lịch sử, các tác phẩm hầu như đều phản ánh về thời chiến một cách trung thực hơn, khách quan hơn. Ở thể loại tiểu thuyết tự truyện, các nhà

văn sử dụng chất liệu đời tư để sáng tác. Mỗi nhà văn có một cuộc sống riêng, một góc nhìn riêng, vì thế mỗi tác phẩm thể hiện một cách nhìn riêng, những quan niệm riêng về vấn đề chung này. Trong đó, yếu tố giới tính là một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt rõ nét giữa các sáng tác. Các nhà văn nam khi viết về thời thường quan tâm đến vấn đề lớn lao, có ý nghĩa trọng đại. Còn các nhà văn nữ thường chú ý đến những vấn đề “bé mọn”, đời thường. Trong tiểu thuyết tự truyện Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng, điều mà tác giả quan tâm là thời chiến – thời đại của những con người anh hùng, lớn lao như ông Quyết Định, ông Đồng … Trong tiểu thuyết Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, thời chiến là thời tôi luyện con người, những người còn sống vượt qua chết chóc, khó khăn như những kỳ tích. Nguyễn Khải chọn điểm nhìn từ chuyện đời thường, đời tư để nhìn nhận về chiến tranh, về thời cuộc. Điều mà nhà văn quan tâm là những nhận thức về thời cuộc, về chiến tranh, lịch sử, những vấn đề lớn lao có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Trong sáng tác của Đoàn Lê và Dạ Ngân, với cái nhìn, cảm quan của người phụ nữ, chiến tranh được đề cập, nhìn nhận theo một cách rất riêng, khác hẳn với các nhà văn nam. Đề cập đến vấn đề chiến tranh, Đoàn Lê và Dạ Ngân không có ý định dựng lại bức tranh hoành tráng mang tinh thần sử thi của cuộc chiến hay nói đến vai trò, tầm vóc của con người trong chiến tranh, Đoàn Lê và Dạ Ngân viết về chiến tranh để phát hiện về con người, khám phá số phận con người, quan tâm đến vấn đề đời tư, đời thường, nhỏ bé, quan tâm đến thân phận người phụ nữ trong chiến tranh.

Hơn ai hết, Đoàn Lê và Dạ Ngân thấm thía nỗi đau của những người phụ nữ trong chiến tranh. Hai nhà văn cùng xuất thân trong gia đình đông chị em gái, cùng sinh ra và lớn lên ở thời chiến tranh. Những nỗi đau của những người phụ nữ trong hai tiểu thuyết cũng là những nỗi đau mà Đoàn Lê và Dạ Ngân cảm nhận được từ chính mình và những người xung quanh mình. Nhìn về chiến tranh, thời cuộc từ phía những người phụ nữ, vấn đề Đoàn Lê và Dạ

Ngân quan tâm không phải là vấn đề lớn lao, to tát hay súng đạn, sự ác liệt ở chiến trường hay những chiến công, những người anh hung, những phẩm chất kiên cường bất khuất của con người trong thời chiến. Hai nữ nhà văn quan tâm tới những nỗi sợ hãi, đau thương mất mát ở hậu phương, của những người dân thường; những nỗi đau tinh thần, những gương mặt ghê rợn của chiến tranh in hằn lên cuộc đời của những người phụ nữ ở hậu phương dai dẳng, kéo dài, âm ỉ mà dữ dội.

Trong Tiền định, nỗi khổ vì chiến tranh của những người dân thường hiện lên qua cảm nhận, suy nghĩ của Chín khi còn là một bé gái. Nỗi khổ của gia đình Chín bồng bế dắt díu nhau đi tản cư, vật lộn để kiếm sống, để tồn tại. Chiến tranh là nỗi hoảng sợ đến mức những cái kẹo bọc giấy bóng xanh đỏ (sở thích, ước muốn của bất kì đứa trẻ nào khi đó) óng ánh dưới ánh sáng không thể dụ được Chín – đứa trẻ con 3 tuổi. Chiến tranh là nỗi khiếp sợ của cha Chín khi những cô con gái đang tuổi mới lớn bị giặc phát hiện nơi ẩn náu. Chiến tranh là loạn lạc, ly tán, là bom đạn, chết chóc luôn rình rập. Và dù khi tiếng bom đạn không còn thì nỗi đau chiến tranh đã in hằn cắt lớp trong cuộc đời của con người. Đó là nỗi đau của bà ngoại Chín. Bà có người con trai duy nhất là cậu Định nhưng “Năm hăm sáu tuổi cậu Định đã biến mất tăm trong

chiến sự hỗn độn đánh Pháp kháng Nhật” [18,tr54], Chín vẫn hay gặp “bà ngoại ngồi âm thầm khóc một mình” dù bà được con rể hết sức chiều ý, chăm

chút chu đáo. Bà lo không có con trai cúng giỗ. Nỗi lo ăn hớp cháo lá đa cứ đeo đẳng bà, ám ảnh cả Chín sau này. Nỗi đau của mợ Định. Cậu Định mất khi mợ Định vừa làm dâu được ba tháng, gần chồng vẻn vẹn được mười hai đêm. “Mợ chưa kịp lưu giữ hạt máu nào của người mình yêu. Mười chín tuổi

đầu, mợ cố sống với bà bà ngoại nàng chờ chồng đủ mười năm thanh xuân. Sau mợ về nhà mẹ đẻ, tiếp tục sống cuộc đời góa phụ đến tận khi mái tóc bạc phơ…” [18,tr.54]. Một người ra đi hai người đàn bà, một già một trẻ khốn khổ

Và nhức nhối hơn cả, dai dẳng hơn, có những nỗi đau tưởng như đã phủ mờ bụi thời gian nhưng hóa ra nó đã ăn sâu vào tâm thức, vào nếp sống, nếp nghĩ của con người. Có nỗi đau do chiến tranh để lại khiến con người đóng đinh tính cách, đóng đinh số phận của mình và của mọi người. Trong Gia đình bé mọn, ba Mỹ Tiệp đi làm cách mạng, bị bắt và hy sinh trong nhà lao để lại một bầy con nhỏ khiến cô Tư Ràng phải từ bỏ hạnh phúc riêng tư thay anh gánh vác gia đình - gồng mình để lo lắng, gồng gánh và chống chọi. Má Chín khổ nỗi khổ người vợ có chồng đi biền biệt rồi hy sinh trong nhà lao. Chị Hoài đau nỗi đau của người mẹ sinh con lành lặn nhưng thằng Hớn con chị bị gẫy xương chân vì chất nổ sót trong vườn nhà. Mỹ út đau đớn, hụt hẫng “nhận được tin báo tử chồng, lúc đó con gái nó mới có biết đi”, chịu “cảnh

góa mới, góa một cách tức tưởi”. Và bởi một gia đình như thế, bởi cha là liệt

sỹ, bởi má, bởi cô, bởi chị em trong gia đình đã phải chịu những mất mát bởi chiến tranh nên người thân Tiệp dù thương Tiệp vẫn phản đối con đường đi tìm hạnh phúc của Tiệp. Với Mỹ Tiệp, chính chiến tranh đã đưa đẩy cô đến với Tuyên. Tại bởi chiến tranh tác thành cuộc hôn nhân ấy mà Mỹ Tiệp chịu bao tổn thương, cuộc đời chịu bao ngang trái, cay đắng. Sự hiện diện của chiến tranh ở phía hậu phương, ở thời hậu chiến trong góc nhìn và cách phản ánh của các nhà văn nữ là những vết thương không thể lành, là những nỗi đau âm ỉ lớn dần theo năm tháng, mà nạn nhân phải hứng chịu tổn thương dai dẳng nhất chính là những người không trực tiếp cầm súng xông pha ngoài trận mạc, những người ở hậu phương, những người phụ nữ.

Hậu quả chiến tranh để lại còn hiện hữu trong những sản phẩm tật nguyền bởi chiến tranh – những con người đi ra từ chiến tranh nhưng không cởi bỏ tấm áo khoác của chiến tranh. Họ giữ chức vị hiện tại nhưng vẫn nhìn cuộc sống và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống hiện tại theo cách của thời chiến tranh: nguyên tắc đến mức vô cảm gây bao tổn thương cho người thân, đồng nghiệp, cấp dưới của họ. Tiêu biểu như: Hai Khâm, Tuyên trong Gia

đình bé mọn; trưởng phòng Tổ chức trong Tiền định. Với cách nhìn cuộc sống, giải quyết những vấn đề của cuộc sống theo cách của họ, cuộc sống sau chiến tranh vốn đã khó khăn càng trở nên ngột ngạt.

Từ góc nhìn của giới nữ, sự thật đau đớn về chiến tranh được phơi bày. Trong hai tiểu thuyết của hai nhà văn nữ, không thấy sự vinh danh hay những cảm xúc vui mừng thắng lợi, thay vào đó là những nỗi đau kéo dài, thầm lặng mà nhức nhối. Đặc biệt, câu chuyện chiến tranh gắn với câu chuyện cuộc đời của nhân vật, các nữ nhà văn đã phản ánh về chiến tranh để nhìn về số phận con người, khám phá con người. Từ góc nhìn đó, người đọc có thể nhận diện rõ hơn bộ mặt của chiến tranh, hiểu hơn về nỗi đau do chiến tranh, đặc biệt là nỗi đau do chiến tranh gây ra đối với người phụ nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết gia đình bé mọn (dạ ngân) và tiền đinh (đoàn lê) (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)