Cảm quan về con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết gia đình bé mọn (dạ ngân) và tiền đinh (đoàn lê) (Trang 66 - 68)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.3. Cảm quan về con người

Từ câu chuyện về cuộc đời của hai nhân vật nữ chính trong hai tiểu thuyết, Đoàn Lê và Dạ Ngân đã mở ra trước mắt người đọc biết bao nhiêu số phận con người. Có những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua, có những nhân vật được nhắc đến khá nhiều. Qua các nhân vật trong tác phẩm, các nhà văn đã bày tỏ quan niệm, suy nghĩ của mình về con người.

Có thể thấy, nhân vật trong tác phẩm chủ yếu là những người phụ nữ. Họ là người thân, là đồng nghiệp là người thân quen, thậm chí là người vô tình gặp gỡ trong cuộc đời hai nhân vật chính. Thế giới phụ nữ ấy có một màu sắc chung: tối tăm, ảm đạm. Trong Gia đình bé mọn, những phụ nữ ruột thịt, đồng nghiệp của Tiệp hầu như đều góa bụa hoặc muộn chồng hoặc có những nỗi khổ riêng. Nỗi khổ của những người phụ nữ ấy là do hoàn cảnh, do xã hội và một phần do chính tính cách của họ. Tư tưởng nam quyền từ bao đời ăn sâu vào suy nghĩ, lối sống của họ, truyền từ đời này sang đời khác. Họ cam chịu, nhẫn nhục và họ mặc định trong tư tưởng suy nghĩ: phụ nữ là phải khổ, chịu khổ. Bản thân, họ chấp nhận, thậm chí ép mình chịu khổ, họ muốn mọi người cũng chịu đựng cái bổn phận đó. Suy nghĩ trăn trở về cuộc đời, số phận của mình, Tiệp nhận ra nỗi khổ, số phận và nguyên nhân khiến bao người phụ nữ quanh mình khổ cực. Trong Tiền định, Chín khổ; bà ngoại, mẹ cho đến chị em gái của Chín đều khổ; thậm chí là người vô tình quen biết như Tần, như cô bé làm mẫu vẽ cho Chín, cũng đều có số phận éo le. Chứng kiến những dâu bể trong cuộc đời Chín, anh nhà báo xót xa ”Anh thấy ngực mình

đau thắt. Cô ấy tội tình gì để trời đày đọa khốn khổ thế? Chín ơi, em chết mất thôi!” [18, tr.114]. Hồi tưởng về những người phụ nữ, Chín bao giờ cũng bộc

bạch những suy nghĩ, tình cảm của mình. Chín xót xa cho bà, cho mẹ, cho chị Tám, thương chị Sáu, thương Mười, tủi cho Tiếc, cay đắng cho Tần... Với chị Cả - người mà Chín cho rằng là người đàn bà duy nhất trong gia đình được coi là hạnh phúc – nhưng trong cảm nghĩ của Chín “Thôi cũng xong một đời

đàn bà. Nhìn chị lòng khòng ra vào ngôi nhà rộng với những đứa cháu nội ngoại, Chín tự hỏi ý nghĩa cuộc đời chị là gì nhỉ? Xem ra chị Cả mờ nhạt nhất trong mười hai con gái cụ Chi Lan chưa biết chừng lại là người hạnh phúc nhất” [18, tr.190 - 191]. Không một số phận nào yên ổn, tốt đẹp. Dường

như gắn với chữ đàn bà là cuộc đời gắn vào chữ khổ. Thông qua số phận của các nhân vật nữ trong hai tiểu thuyết, hai nhà văn đã đặt ra vấn đề nhức nhối

về thân phận người phụ nữ, bày tỏ sự cảm thương sâu sắc dành cho số phân của người phụ nữ.

Cùng là tiểu thuyết tự truyện, cùng để nhân vật hồi tưởng những câu chuyện trong cuộc đời, cùng phản ánh thế giới tinh thần phong phú, phức tạp của con người, từ đó nhà văn bộc lộ quan niệm, suy nghĩ, thái độ về con người nhưng trong Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng, các nhà văn có những mối quan tâm, những quan niệm, suy nghĩ về con người khác biệt với Đoàn Lê, Dạ Ngân. Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng. Vấn đề về con người mà nhà văn Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng quan tâm là con người với vai trò của họ trong cuộc đời, là con người với chiều sâu của tư tưởng. Các nhà văn, nhìn con người trong mối quan hệ với xã hội, thời cuộc, gắn với những sự kiện, soi từ nhiều chiều để khám phá sự vận động bí ẩn của đời sống tinh thần con người, mối quan hệ giữa đời sống tinh thần con người với hiện thực lịch sử, từ đó đúc kết lại những chân lý về thế sự, nhân sinh. Đoàn Lê, Dạ Ngân lại quan tâm tới số phận của những cá nhân, đặc biệt là số phận của người phụ nữ trong cuộc sống đời thường, từ đó phơi trải những nỗi niềm phụ nữ, những day dứt, trăn trở về số phận con người. Đó cũng là nét riêng trong đời sống của người phụ nữ nói chung, trong tiểu thuyết tự truyện của Đoàn Lê, Dạ Ngân nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết gia đình bé mọn (dạ ngân) và tiền đinh (đoàn lê) (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)