7. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Ngôi thứ ba – màu sắc lãng mạn
Trong các xu hướng sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba điểm đến ở trên thì trong Gia đình bé mọn và Tiền định kể theo xu hướng “tô đậm màu sắc lãng mạn nữ tính” khi sử dụng ngôi kể nàng. Trong văn học Việt Nam
hiện đại, sử dụng ngôi kể “chàng”, “nàng” được sử dụng phổ biến với màu sắc cổ điển trong tiểu thuyết lãng mạn đầu thế kỉ XX hoặc với sắc thái giễu nhại trong tiểu thuyết đương đại. Với hai tiểu thuyết này, bên cạnh việc sử dụng ngôi kể là tên nhân vật, cô, đại từ nàng được sử dụng với mật độ khá
lớn. Ngôi kể này gợi về những câu chuyện tài tử - giai nhân xưa và cũng toát lên tinh thần nữ tính, lãng mạn hoá câu chuyện qua lăng kính của nhân vật nữ.
Trong Gia đình bé mọn, câu chuyện được kể qua điểm nhìn của nhân vật nữ chính - Tiệp và có sự thay đổi uyển chuyển với cách gọi gián tiếp là
nàng. Phần đầu của tiểu thuyết sử dụng trực tiếp tên Tiệp nhiều hơn, về phần
sau thì nàng được sử dụng với mật độ nhiều gần như ngang bằng. Những
đoạn tả về tình cảm, tình yêu, thế giới nội tâm nhân vật chính thì ngôi kể lại chuyển thành nàng: “Một chặng xe buýt Tiệp đã từng ngồi trong lòng cô Ràng
hồi hai cô cháu vừa buôn bán vừa đi thăm nuôi ba nàng trước khi ông bị đày ra Côn Đảo và thành liệt sĩ trong xà lim cấm cố. Đặt chân xuống đầu kia của Sài Gòn, xa lạ thật nhưng năm đó Tiệp mới hai mươi ba tuổi, dạt dào sức mạnh dấn bước trong từng sự việc, trong tưởng tượng và trong khát vọng của đời mình, nàng kêu xa với Tuyên vì nàng không nghĩ mình lặn lội một mình chứ xa hơn Bà Điểm nữa nàng cũng đi được”[23, tr. 27]. Những đoạn miêu tả
Tiệp trong vòng xoáy tình yêu, cảnh sex chủ yếu được sử dụng đại từ nàng: “
Nhưng nàng không ngờ chuyện chung đụng lại diễn ra ngay, trong cái Nhà khách sừng sỏ ấy, như là sự chiếm đoạt. Nàng không thấy gì cả, ngoài cảm giác ngạc nhiên sao lại có thể đơn giản như vậy và sao lại chỉ có một mình Người ấy được lau chùi còn nàng thì nằm vắt trên thành giường, tê điếng vì xấu hổ ? Nhưng nàng đã bị tiếng sét xuyên vào tận tâm can, nàng tiếp tục vài lần như vậy với sự hy sinh một cách u mê như thần dân với vị vua của mình”
[23, tr.79].
Màu sắc lãng mạn gắn với ngôi kể nàng thể hiện ở cách nhìn, cảm nhận cuộc sống giàu xúc cảm, ở cách sống mãnh liệt dám vượt qua những ngăn trở, định kiến, đương đầu với thách thức để kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc của nhân vật chính. Nàng trong Gia đình bé mọn dám sống với sở thích, đam mê, tình yêu của mình dù luôn bị đeo bám bởi luân lí, trách nhiệm giữ truyền thống gia tộc, uy tín trước cơ quan, làm mẹ, làm vợ... Nhân vật nữ chính được khắc hoạ với lối hành động theo quy luật của cảm xúc chứ không phải lí trí nên việc sử dụng ngôi kể nàng phát huy tối đa hiệu ứng thẩm mĩ của nó.
Cũng có nét tương đồng với Gia đình bé mọn, những trường đoạn kể về nhân vật nữ chính trong Tiền định từ bé, tản cư chạy giặc, với gia đình, công việc, tác giả thường để nguyên tên nhân vật người kể chuyện là Chín, cô, đôi chỗ là tôi. Qua đó, đan xen với câu chuyện tình yêu hiện tại với anh nhà báo là câu chuyện bao mảnh đời trong kí ức, những biến cố theo suốt chiều dài cuộc đời nhân vật: “Lên bốn tuổi, Chín khao khát được đi học. Hàng ngày nó
lấy quết trầu của bà trẻ Tôm học viết chữ trên sân gạch. Bà trẻ Tôm là một bà goá to béo, đẫy đà, cả người thơm lừng mùi trầu. Nhà bà ngay sát ngõ nhà Chín. Sáng nào bà cũng nhổ quết trầu vào cái bát mẻ cho Chín cùng thằng Hiên chấm que tập viết” [18, tr.168]. Mặt khác, những diễn biến cốt truyện
liên quan đến tâm tư tình cảm, đặc trưng giới tính nữ hay những phong ba tình trường, ngôi kể chuyển sang nàng: “ Ai ngờ, thuở dậy thì nàng thường có
những giấc mơ quái dị. Nàng thấy mình trở thành đàn ông, vè vè lượn quanh các cô gái đẹp… Có bận, nàng tỉnh giấc trong sự hoang mang xấu hổ đến chết đi được”[18, tr.57]; “Vào giây phút nàng muốn nhắm nghiền mắt, ngửa cổ đón nghe đôi môi anh lần xuống bầu ngực mình… bỗng nhiên nàng rùng mình. Ai? Đôi mắt kia in hằn trên nền ri đô nhung xanh trong đêm? Đôi mắt ấy rõ nét lắm, đăm đắm, mở to nghiêm nghị nhìn nàng không chớp.” [18, 207]
Cuộc đời nhân vật Chín dù nhiều chìm nổi, truân chuyên từ tấm bé sống trong thời tao loạn đến cuộc hôn nhân không tình yêu, đau đớn và đổ vỡ trong mối tình không danh chính ngôn thuận, làm mẹ đơn thân… nhưng ngôi kể
nàng tạo hiệu ứng như xoa dịu, làm tôn lên người phụ nữ có sức quyến rũ bí
ẩn, nghị lực sống bền bỉ.
Nếu hai tác phẩm chỉ sử dụng ngôi xưng trung tính là Tiệp, Chín, cô, chị…thì không ảnh hưởng gì đến cốt truyện nhưng làm thay đổi sắc thái đánh giá của tác giả với câu chuyện được kể. Sử dụng ngôi kể nàng, Dạ Ngân và
Đoàn Lê đã ngầm gửi vào đó thái độ khẳng định, nâng niu, trân trọng, xót xa và cũng tôn lên nhân vật của mình. Bởi nhân vật mang dấu ấn tự thuật của tác giả nên qua đó nhà văn cũng thể hiện cái tôi cá nhân. Sắc thái biểu cảm của đại từ nhân xưng này dẫn người đọc vào thế giới của tiểu thuyết lãng mạn, gợi lên những liên tưởng khác nhau; nhân vật được nhào nặn từ chất liệu đời tư tác giả nhưng có sự vượt thoát, bay bổng hơn. Nếu trong tiểu thuyết tự truyện của nhà văn nam thường bắt đầu bằng ngôi kể “hắn” hoặc tên nhân vật mà ít khi dùng “chàng” với sắc thái lãng mạn thì trong tác phẩm của nhà văn nữ, ngôi kể “nàng” được sử dụng khá phổ biến. Phải chăng đó là dấu ấn của tư duy văn học nữ tính.
Cách kể mang màu sắc lãng mạn hoá trong hai tiểu thuyết này trở nên có chiều sâu hơn bởi người thai nghén, sản sinh ra nó là những nhà văn nữ, cái nhìn cuộc sống từ những điều bình dị và tinh tế.