Ngôn ngữ giản dị, gần gũi đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết gia đình bé mọn (dạ ngân) và tiền đinh (đoàn lê) (Trang 94 - 98)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.2. Ngôn ngữ giản dị, gần gũi đời thường

Ngôn ngữ tiểu thuyết vốn được đánh giá “là ngôn ngữ gần gũi tới mức tối đa với đời sống”. So với ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ tiểu thuyết có phạm vi hoạt động tự do, linh hoạt hơn. Trong văn học Việt Nam đương đại, cùng với sự thay đổi tư duy nghệ thuật và cảm hứng sáng tác, chất liệu đời thường đã ùa vào tác phẩm. Tiểu thuyết miêu tả hiện thực như “cái hiện tại đương thời của người trần thuật” với những nhân vật gần gũi. Điều đó đưa ngôn ngữ trở về với sự giản dị, chính xác thường ngày. Đồng thời, văn học có xu thế cá tính hóa về mặt ngôn ngữ, tiệm cận ngôn ngữ đời sống qua việc gia tăng thành phần khẩu ngữ, khác với lối sử dụng ngôn ngữ mực thước, quyền uy trước đây. Nhiều nhà văn hầu như “chối từ” ngôn ngữ kiểu cách, nghi thức.

Việc sử dụng ngôn ngữ bình dị phù hợp với hướng khai thác cuộc sống ở góc nhìn đời tư, số phận cá nhân trong các mối quan hệ phức tạp.

Có thể thấy trong tiểu thuyết đương đại tràn đầy ngôn ngữ đời thường, thô mộc, góc cạnh. Ngôn ngữ vì thế gần với đời sống sinh hoạt hàng ngày, rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm hiện thực. Hướng sử dụng ngôn ngữ này (ở mức độ không bị đẩy lên cực đoan, thái quá) khắc hoạ con người tự nhiên, chân thực, sinh động, nhiều màu sắc hơn. Không nằm ngoài dòng chảy chung đó, ngôn ngữ trong Gia đình bé mọnTiền định đều mộc mạc, giản dị, đậm chất đời thường với khẩu ngữ, phương ngữ.

Tác giả sử dụng ngôn ngữ trần thuật theo xu hướng đơn giản, hồn hậu như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Con tàu đưa mẹ con Tiệp trở về thị trấn trong quan sát của cô: “Quả tình hành khách quá lèo tèo như những con muỗi so

với trọng tải của tàu. Không nhìn thấy vợ chồng chủ tàu, chỉ nghe họ lục cục trong buồng lái, thỉnh thoảng bà vợ cười ré lên như bị chọc lét và ông chồng cũng thỉnh thoảng hé tấm ván giữa ra đếm khách.”[23, tr.13]

Và khi về đến nơi, khung cảnh thị trấn Điệp Vàng được miêu tả: “Nhà

chờ mái tôn thấp tè hầm hập khá sớm dưới ánh nắng le lói mà gay gắt của mùa mưa. Trên sàn xi măng lỗ chỗ, bàn bán nước giải khát với quầy bán vé và hai dãy người xếp hàng nhẫn nại trong mùi nước đái, mùi rác rến lưu cữu”

[23, tr.31].

Khu nhà ở thời bao cấp qua cái nhìn của Tiệp lần đầu ra Hà Nội là: “Khu

chung cư vàng gắt dưới màu xanh của những hàng xà cừ” với “mùi thum thủm rên rỉ trong mọi xó xỉnh”, “hành lang nhiều dây phơi, quần lót phụ nữ tự may, những cái khăn made quốc doanh thô nhám vàng khè, bếp lò để ở ngoài cửa, chuồng sắt để trồng mấy thứ rau gia vị … ” [23, tr.162]

Còn trong Tiền định, khung cảnh nhìn từ cầu Chương Dương - Hà Nội được miêu tả: “Dăm con thuyền mui rách, vá víu xanh đỏ đủ loại vật liệu, nép

bên doi cát nổi giữa dòng sông. Làn khói trắng lởn vởn bay trên mui thuyền đủ để thiên hạ hình dung những thân phận bập bềnh nghèo khổ, đang tồn tại chui lủi giữa đám thuyền nan ấy.” [18, tr.10]

Trải dài suốt tác phẩm này là ngôn ngữ trần thuật giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Độc giả thường xuyên bắt gặp những dòng trần thuật tự nhiên, không chau chuốt: “ Đang ngồi nhấm nháp từng thìa cháo trên cái ghế vải bé xinh, Chín bỗng giật mình vì tiếng trống thúc ầm ầm từ đâu đó tiến tới. Một xe ô tô chạy rì rì qua phố, thành xe chăng tấm vải quảng cáo chi chít chữ lẫn hình vẽ. Trên thùng xe không mui, một đám người ăn mặc kỳ quặc ra sức thổi kèn đánh trống ỏm tỏi”.[18, tr.198]

hoặc “Cái xe tậm tịt đi được một đoạn lại phải dắt một đoạn, ngay sau khi

qua Nam Định khoảng chục cây số. Cuối cùng nó không gắng gượng được nữa, hỏng hẳn. Thế đỡ sốt ruột hơn.” [18, tr.203]

Ngôn ngữ tiểu thuyết cho phép dung nạp tất cả các dạng thức lời nói của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội một cách nghệ thuật để nhà văn miêu tả cuộc đời như nó vốn có. Trong hai tiểu thuyết này, Dạ Ngân và Đoàn Lê sử dụng ngôn ngữ trần thuật một cách tự nhiên, dung dị nhất, gắn với thời đại, vùng miền mà nhân vật sinh sống.

Hai nhà văn đã đưa nhiều ngôn ngữ mang chất khẩu ngữ, thô mộc gắn liền với miêu tả con người với tính cách, số phận cá nhân làm cho nhân vật trở nên sinh động, đời thường hơn. Trong Gia đình bé mọnTiền định , nhiều đại từ nhân xưng kiểu: mụ, lão, gã, mày, tao, nhà cháu, các đĩ, thằng, lão … được sử dụng để tạo sự gần gũi, suồng sã, thân mật, dân dã... Câu chuyện về con người thời hậu chiến, thời bao cấp trở nên tự nhiên, tạo cảm giác chân thực hơn. Từ đó cho thấy nhà văn đương đại đã mở rộng quan niệm về ngôn ngữ văn chương: không có giới hạn, mọi loại ngôn ngữ đều có thể đưa vào tác phẩm, hiệu quả nghệ thuật đến đâu tuỳ thuộc vào người cầm bút.

Trong xu hướng kéo ngôn ngữ gần với hiện thực đời sống, trong Gia đình bé mọnTiền định, phương ngữ được dùng như một cách thức chuyển tải trọn vẹn câu chuyện số phận con người gắn với vùng miền họ sinh sống. Đó là ngôn ngữ của miền Trung của mẹ Đính, của người phụ nữ đi nghe điện thoại ở bưu điện; phương ngữ Nam Bộ trong câu chuyện về Tiệp và gia tộc, các từ ngữ địa phương của vùng Nam Định, Hải Phòng trong miêu tả cuộc đời cô Chín…

Việc sử dụng phương ngữ là sản phẩm của tương tác giữa ngôn ngữ đời sống với văn học. Phương ngữ ở đây được sử dụng một cách có chủ ý chứ không đơn thuần do đó là ngôn ngữ bản địa của Dạ Ngân hay Đoàn Lê . Qua đó, nhà văn khắc hoạ nhân vật gắn với văn hoá vùng miền họ sinh sống. Người đọc như được trải nghiệm trong môi trường giao tiếp của các vùng ngôn ngữ khác nhau với những cách biểu đạt đặc trưng đầy lý thú. Điều đó không những đem lại sự phong phú, đa dạng cho ngôn ngữ hai tiểu thuyết này mà còn góp phần “định danh” chính xác cách ứng xử đặc trưng của mỗi nhân vật ở những vùng quê khác nhau.

Ngôn ngữ nhân vật trong hai tiểu thuyết này cũng “thoát ly” khỏi tấm áo chỉn chu, cất lên tiếng nói suồng sã, mang màu sắc khẩu ngữ, đời thường. Ngôn ngữ giản dị giúp cho nhân vật trở nên gần gũi. Tiểu thuyết sử dụng thoải mái thành phần khẩu ngữ, sự “xô lệch cú pháp” có chủ ý tạo nên lối diễn đạt phóng khoáng, tự do. Từ đó lôi cuốn độc giả một cách tự nhiên vào câu chuyện như có thể gặp nhân vật ở bất cứ đâu trong cuộc sống.

Có thể bắt gặp ngôn ngữ kiểu này như trong cuộc nói chuyện giữa ông lão và bà bưu vụ sau đây:

“- Ai hẹn với bác đấy ? - giọng Bắc của mụ lua lua sục sạo.

Ông lão nhăn nhó:

- May là người nhà bác ở Nha Trang chứ ở xa hơn, thời tiết thế nầy chúng tôi không bảo đảm nối máy được đâu nhá !

- Nghĩa là sẽ liên lạc được hở đồng chí ?

- Đồng chí gì ở đây, khổ ! Mưa với gió khiếp !” [23, tr.4]

Hay như trong ngôn ngữ của nhân vật chị Ba với vợ Hiên (Hiên là hàng xóm thời tản cư của Chín):

“ - Đây là bác Hiên gái. Bác giai đi đâu rồi?

- Nhà cháu phải đi đến đêm mới về. Từ dạo sắm được cái xích lô máy chạy đường Cổ Lễ lên tỉnh, vất lắm bà ạ. Có khi ngủ đỗ luôn ngoài đó.

- Vâng, nuôi bảy đứa con lại chả vất!...” [18, tr.171]

Trong hai tiểu thuyết này, nhà văn chú ý tạo ra một giá trị mới cho ngôn ngữ, giải phóng ngôn từ khỏi những nghi thức và định kiến cũ mòn. Ngôn ngữ vì thế bớt đi vẻ mượt mà trau chuốt mà thô nhám, trực diện hơn, đưa độc giả đến bối cảnh thời đại mà nhà văn đã trải qua.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết gia đình bé mọn (dạ ngân) và tiền đinh (đoàn lê) (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)