Tình yêu say đắm, nồng nàn, mãnh liệt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 49 - 53)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Tình yêu say đắm, nồng nàn, mãnh liệt

Tình yêu đôi lứa trong thơ Y Phương và Lò Ngân Sủn được thể hiện trước hết là một tình yêu say đắm, nồng nàn đến mãnh liệt, cuồng nhiệt. Trái tim yêu của những con người miềm núi mạnh mẽ, sôi nổi, ào ạt dữ dội yêu và sống cùng kiệt đến hết mình thể hiện qua các bài thơ: , Cháy, Một, Điều ước giản dị, Tình yêu trăm tuổi...của Y Phương; Có hai người, Bài thơ tình của đôi trai gái miền ngược, Bữa tình yêu, Và như thế, Vợ chồng mới cưới, Đôi mắt, Người đẹp....của Lò Ngân Sủn.

Tình yêu trong thơ Y Phương thể hiện một cách chân thật, đầy bản năng, yêu một cách sôi nổi cuồng nhiệt, chân thành, chung thủy, mãnh liệt vô biên tuyệt đích. Biên độ yêu cũng vô cùng phóng túng, yêu bất chấp thời gian, độ tuổi, yêu đến say đắm dạt dào cảm xúc. Điều đó xuất phát từ một trái tim luôn khao khát tình yêu. Y Phương đã từng nói “Nếu không yêu và làm thơ thì tôi chả còn biết làm gì nữa. Hãy yêu đi bạn ơi cuộc sống không có tình yêu khác nào khu vườn không có ánh nắng. Biết rằng mình đang yêu và đang được yêu làm cho cuộc sống ý nghĩa ấm áp giàu có - Điều đó ngoài tình yêu ra, không có gì có thể làm được”[19; tr.6]. Tình yêu là vượt qua muôn ngàn chông gai thử thách để đến với người mình yêu. Điều này khác với cách nói ví von bóng bẩy về những khó khăn trở ngại trong tình yêu của các nhà thơ dân tộc Kinh như: núi, sông, biển, thác, ghềnh, lửa...Thơ Y Phương có cách nói đầy hình ảnh gần gũi với đời sống của người đồng mình. Ông thể hiện tình yêu say đắm, nồng nàn, mãnh liệt không có gì có thể ngăn cản nổi bước chân tình yêu. Anh đã tìm đến em yêu bất chấp thiên tai, thú dữ rình rập, đe dọa tính mạng nhưng một khi con tim đã nung nấu thì quyết đi theo tiếng gọi của tình yêu:

Nước ngập đầu Anh vẫn đến Hổ báo đón đường Anh vẫn đến

Đến nơi tình yêu lớn

Để gặp vô vàn người trong một con người... (Một - Y Phương)

Thơ tình yêu Y Phương nồng nàn, say đắm, mãnh liệt đến mức cháy hết mình, cháy đến giọt cuối cùng, “lồng lên như bầy ngựa hoang”, “đạp tơi bời trên cánh đồng anh”. Với trái tim anh, tình yêu chính là “Cánh đồng ngập tràn bão lửa” (Cháy - Y Phương). Cả hai người muốn chạy trốn tất cả để được bên nhau với tình yêu ấy dường như chỉ có hai người cùng tồn tại trên thế gian. Tình yêu của họ luôn ngùn ngụt khói, rừng rực than hồng, cháy bùng lên khi nào chẳng biết: “Anh cũng không biết nữa/ Cánh đồng đang ngập tràn bão lửa/ Nào, anh cùng em đi trốn/ Trốn nơi đâu anh ơi/ Đừng hỏi nữa/ Không kịp rồi/ Kìa/ Cháy” (Cháy - Y Phương).

Với Y Phương, tình yêu vô cùng mãnh liệt, đến mức ước ao một cách giản dị, miễn được bên người mình yêu, dù có thịt nát xương tan vẫn cam lòng “đẹp hơn ngọc vỡ”:

Ước gì ta là ruồi

Đậu lên mái tóc người ta yêu

Nhỡ...Người yêu ta đập một nhát thì sao Chả sao

Yêu dù nát

Đẹp hơn ngọc vỡ

(Điều ước giản dị - Y Phương)

Nếu những vần thơ tình say đắm nồng nàn mãnh liệt của Y Phương có phần e dè, nhẹ nhàng, trong sáng tế nhị, thì Lò Ngân Sủn lại có phần táo bạo cuồng nhiệt, nóng bỏng đến trần trụi. Trong bài viết “Người con của núi”, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã nhận xét “Cái thật của Lò Ngân Sủn là cái thật hoang sơ, anh không ngần ngại ví mình là con hổ, con gấu, có trái tim người: Yêu say đắm yêu tới tận cùng...”[19; tr.429]. Những vần thơ tình của ông dâng trào dữ dội, mãnh liệt:

Anh yêu em/ Như con sói đói mồi/ Như con trâu đói cỏ/ Như con hổ đói ăn/ Như

con gấu đói mật” (Bài thơ tình của đôi trai gái miền ngược). “Yêu như là cướp giật/ Yêu như là sấm sét/ Thét lên bằng im lặng/ Nổ tung giữa đất trời” (Yêu như

là). Tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn được diễn tả chân thực, mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh thiên nhiên dữ dội hay những con vật khỏe mạnh hoang dã để so sánh ví von với cách thể hiện tình yêu nồng cháy và cuồng nhiệt nhất của người đàn ông miền núi.

Tình yêu say đắm, mãnh liệt, nồng nàn, dạt dào trong thơ Lò Ngân Sủn là tình yêu trần tục, đời thường, không mang tính bóng bẩy, hào nhoáng, cũng không phải lý thuyết suông. Đó là tình yêu dám bộc lộ thể hiện những nhu cầu khát vọng chân thành đến cháy bỏng. Tình yêu là phải có sự hòa hợp, dâng hiến cả về thể xác lẫn tâm hồn, nồng cháy đến tận cùng, đốt hết năng lượng để yêu: “Kìa có hai người đang ngó trước nhìn sau/ Rồi dắt nhau vào trong bụi rậm/ Họ bí mật yêu nhau, bí mật thương nhau/ Làm cho cả bầu trời ngả nghiêng,nghiêng ngả/ Làm cho cả rừng cây cũng cùng quay cuồng/ Mây cũng nổi cơn giông/ Suối cũng đổ cơn thác/ Gió cũng thổi cơn bão..../Yêu nhau..” (Có hai người - Lò Ngân Sủn).

Thơ Lò Ngân Sủn còn thể hiện những đam mê trong tình yêu chân thực đến mức bất ngờ. Trong tình yêu, yếu tố giao hòa về thể xác, hòa quyện cả về tâm hồn được Lò Ngân Sủn diễn đạt thật chân thực, táo bạo. Tình yêu là sự khao khát đến tột cùng của con tim“Dẫu có tan thành đất, nát thành bùn, vụn thành cát/ Vẫn còn khát yêu nhau” (Tình ca lều nương). Với nhà thơ dân tộc Giáy, tình yêu mãnh liệt ấy như một bữa tiệc cuồng nhiệt, say đắm đến cháy bỏng để hai người cùng thưởng thức:

Hai người

Chân tay quấn lấy nhau Buộc chặt nhau

Miệng húp nhau tới tấp....

(Bữa tình yêu - Lò Ngân Sủn)

Tình yêu say đắm, nồng nàn, mãnh liệt trong thơ Lò Ngân Sủn cũng được thể hiện như bản tình ca bất hủ, say đắm lòng người giống như những thi sĩ khác. Khi đọc những vần thơ tình nóng bỏng ấy, ta bắt gặp cảm xúc, tâm trạng như trong thơ Xuân Diệu: “Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi..”. Tuy nhiên, thơ Lò Ngân Sủn thể hiện màu sắc miền núi đậm nét, gần gũi như lời nói hằng ngày của người dân tộc thiểu số, chân thực, mộc

mạc, giản dị trong sáng đến vô ngần: “Anh hôn vào nóng bỏng/ Anh hôn vào dữ dội/ Hôn một lần chưa thỏa ước mong/ Hôn hai lần chưa nguôi khát vọng/ Lại hôn nữa - hôn cho đến quay cuồng trời đất/ Lại hôn nữa - hôn cho đến trời đất lịm câm” ( như thế - Lò Ngân Sủn).

Người ta vẫn thường nói, tình yêu bắt đầu từ đôi mắt mới đến con tim. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt được ví như những vì tinh tú. Bởi vậy, khi yêu đôi mắt là thứ ám ảnh lôi cuốn, si mê và say đắm mãnh liệt nhất. Ánh mắt thường làm ta say đến nửa đời người. Trong ánh mắt, có cái nhìn đầy luyến ái khiến ta đã mất cả một đời phiêu lãng để quên. Y Phương đã nói: “Anh vẫn nhớ/ Lời em dặn/ Ở chỗ đông người/

Tránh nhìn lâu vào trong mắt nhau/ Anh vẫn nhớ/ Nhưng làm sao nhịn được/ Thỉnh

thoảng/ Anh liếc trộm/ Và...ngắm thật lâu....” (Nhớ và quên - Y Phương).

Với Lò Ngân Sủn đôi mắt cũng có sức mạnh ma lực cuốn hút đến si mê điên dại. Ánh mắt đã làm điên đảo con tim chàng trai miền núi. Với sức mạnh vô song đầy uy lực, đôi mắt đã đánh cắp trái tim của chàng trai. Với cách nói đầy hình ảnh của người miền núi, Lò Ngân Sủn đã miêu tả hết sức tinh tế chân thực về đôi mắt. Đôi mắt đã thôi miên làm thổn thức, đánh cắp tâm hồn con tim yêu của chàng trai trong một phiên chợ. Kể từ đó, chàng thầm thương trộm nhớ ngày đêm mong ngóng da diết đến mãnh liệt về ánh mắt người thương. Ánh mắt được miêu tả về độ sâu, độ sắc, độ ngọt với sức nóng đốt cháy con tim.

...Tôi vừa bắt gặp một ánh mắt

Đôi mắt ướt như mỡ nóng trong chảo Đôi mắt ngọt như mật ong trong tổ Đôi mắt giòn như mía mòi ấy

Tôi chợt thấy đã cháy ruột cháy gan... Đôi mắt ấy

Đốt cháy mãi lòng tôi”.

(Mắt em - Lò Ngân Sủn)

Tình yêu mãnh liệt, dữ dội trong thơ Lò Ngân Sủn còn được thể hiện trong việc miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi. Vẻ đẹp ấy hiện lên một cách sinh động cụ thể, ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan, có thể “chạm vào, sờ vào, nếm

được, ăn được, uống được” hương thơm ngọt ngào toát ra từ hình thể người phụ nữ. Có lẽ rằng phải yêu nhiều lắm, cuồng nhiệt lắm, nhà thơ mới viết được những câu thơ lãng mạn xuất thần đến vậy:

Người đẹp trông như tuyết Chạm vào lại thấy nóng Người đẹp trông như lửa Sờ vào lại thấy mát...

(Người đẹp - Lò Ngân Sủn)

Y Phương và Lò Ngân Sủn là hai người con của núi, niềm tự hào của nền thơ ca dân tộc thiểu số hiện đại. Hai nhà thơ đã dành nhiều bài thơ, hình ảnh thơ đẹp đẽ để viết về tình yêu say đắm nồng nàn mãnh liệt dạt dào cảm xúc của những con người vùng cao. Tác giả Trần Thị Việt Trung trong cuốn Nghiên cứu phê bình Về văn học dân tộc thiểu số đã nhận xét: “Tuy mỗi người một vẻ, mỗi cách cảm nhận, mỗi cách diễn đạt, thể hiện về các sắc thái tình yêu, các dáng vẻ và cường độ của tình yêu nhưng có một điều họ rất giống nhau: yêu chân thật cuồng nhiệt, dữ dội và dâng hiến tới kiệt cùng sức lực vì tình yêu - thứ tình yêu vừa mang đậm vẻ đẹp tinh thần, vừa mang sắc màu nhục thể, nên rất khỏe mạnh và cường tráng rất đẹp, rất tự nhiên, rất người”[59; tr.298].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)