Yêu với con tim chân thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 55 - 57)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Yêu với con tim chân thành

Tình yêu với trăm vạn sắc thái bên cạnh yêu thương say đắm, cồn cào, mãnh liệt, nhớ nhung da diết thì tình yêu luôn gắn với sự chân thành. Tình yêu chân thành là một tình yêu xuất phát từ sự rung động trái tim của mỗi người rất chân thật không vụ lợi, không toan tính, không dối trá tự nguyện đến bên cạnh cuộc đời của nhau mà không hề bị chi phối bởi những thứ khác.Trong khi nhiều nhà thơ viết về tình yêu đôi lứa đều ảnh hưởng ít nhiều của các trào lưu thơ lãng mạn thi vị hóa tình yêu lên tột đỉnh thì tình yêu đôi lứa trong thơ Y Phương và Lò Ngân Sủn cũng mang trong mình sự chân thành, mộc mạc, sâu sắc: Trả lời hộ tôi, Đừng hỏi, Tình yêu càng cho càng đầy, Sa mạc yêu, Người đá, Tình yêu trăm tuổi....của Y Phương; Lần đầu tiên, Mối tình đầu, Đứng trước em, Trở lại câu Pí Lèng, Chuyện vợ chồng mới cưới...của Lò Ngân Sủn.

Trong những bài thơ tình yêu của Y Phương dường như chúng ta thấy bài nào cũng thể hiện yêu bằng cả con tin chân thành trân trọng bởi lẽ ông là một người mang nặng trái tim yêu. Y Phương được mệnh danh là “Thủ lĩnh vương quốc ái tình”. Điều đó cho chúng ta thấy cả cuộc đời này ông đã dành hết tất cả tuổi thanh xuân để yêu và sáng tác thơ. Trong những năm tháng cầm bút của Y Phương thì thơ và tình yêu luôn song hành xoắn bện, đan cài vào nhau. Tình yêu giúp ông phiêu hơn, thăng hoa mãnh liệt hơn để sáng tác thơ. Ngược lại Thơ lại là là nơi lắng đọng diệu kỳ những cảm xúc khi yêu, cụ thể hóa những trạng thái cung bậc cảm xúc trong tình yêu làm cho tình yêu không bao giờ bất biến với vai trò hương sắc trên trần gian. Tình yêu đôi lứa trong thơ Y Phương là tình yêu chân thành bằng cả trái tim tha thiết giàu lòng vị tha. Yêu một cách chân thật không toan tính, vượt lên trên tất cả “danh phận chức tước tiền bạc”. Ngay từ những bài đầu của tập thơ “Vũ Khúc Tày” Y Phương đã khẳng định điều đó. Chỉ có tình yêu là còn mãi với thời gian vì thế hà cớ gì chúng ta không yêu với cả con tim chân thành của mình. Một khi đã yêu bằng con tim chân thành thì tình yêu luôn vẹn nguyên với thời gian, bất tử nơi hồng trần: “Tình yêu/ Tình yêu/ Tình yêu/ Sẽ lắng đọng/ Trầm tích” (Trả lời hộ tôi).

Trong thơ tình của Y Phương luôn chứa đựng một tình yêu chân thành, đằm thắm, thiết tha, rạo rực của một trái tim khao khát yêu thương và cũng rất giàu lòng vị tha, yêu thương trìu mến với người con gái của cuộc đời mình. Bằng trái tim yêu chân thành tha thiết người con trai đã cảm nhận được những băn khoăn dự cảm của người yêu mình. Người con gái không còn phải hoài nghi trăn trở về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi: “Những gì trái tim nói/ Chỉ mình anh biết thôi/ Thầm thì lời em gọi/ Chỉ mình anh nghe thôi/ Từ giờ em đừng hỏi/ Yêu nhau nhiều chừng nào” (Đừng hỏi - Y Phương)

Tình yêu phải đi với con tim chân thành, quan tâm chăm sóc, từ việc rất nhỏ bé để làm cho người con gái mình yêu được vui, hạnh phúc. Người mình thương yêu sẽ cảm nhận được hơi ấm tình yêu của mình trong đó: “Tự tay anh nhặt rau cho em/ Tự tay anh lau mồ hôi cho em/ Tự tay anh dọn nhà cho em/ Để hơi thở anh ấm trong từng việc làm trong từng đồ vật....” (Sa mạc yêu - Y Phương).

Yêu chân thành tha thiết đến hóa “Người đá” cũng là một trạng thái cảm xúc trong thơ tình yêu đôi lứa của Y Phương. Trạng thái mong ngóng hóa đá chỉ có khi yêu chân thành sâu sắc đến tột cùng nỗi nhớ: “Có một người đá/ Đang ngóng em” (Người đá - Y Phương). Dù ở độ tuổi nào, nếu yêu bằng con tim chân thành thì “tình yêu trăm tuổi ngàn đời vẫn xanh”. Vì tình yêu con người dám đương đầu với mọi thử thách để có được người mình yêu và minh chứng cho tình yêu đó thì mới là yêu chân thành, mãnh liệt, tha thiết.

Tình yêu chân thành trong thơ Lò Ngân Sủn không phải là sự lựa chọn của lý trí mà là sự rung động của trái tim. Khi yêu không vì lý do, không nhất thiết phải nghĩ cho bằng được lý do để yêu, chỉ là ở bên người ấy luôn cảm thấy hạnh phúc. Dù biết hết cả những tính tốt thói xấu của người ấy nhưng vẫn muốn yêu và vẫn muốn bên cạnh người ấy, dù vui hay buồn hạnh phúc hay khổ đau thì vẫn luôn muốn ở bên người mình yêu chẳng muốn rời. Thế nên trong thơ ông người đọc thấy được tình yêu chân thành bắt đầu bằng tiếng lòng của con tim rung động, đó cũng chính là trạng thái cảm xúc của một tâm hồn dè dặt mới chớm yêu, là mối tình đầu ngây dại trong sáng đến vô ngần “Lần đâu tiên/ Đi bên một người con gái/ chân tôi run run/ Tay tôi run run/ Môi tôi run run/ Hơi thở tôi run run/ Lời nói tôi run run/ Cả người tôi run run

(Lần đầu tiên). Mối tình đầu là mối tình mà chúng ta thực sự yêu chân thành, dại khờ không toan tính. Mối tình đầu là những năm tháng không thể nào quên dù có đi đâu về đâu ta vẫn mãi hoài niệm. Mối tình đầu chân thành ấy được Lò Ngân Sủn diễn tả với những hình ảnh trong sáng mộc mạc thú vị như “bông hoa chớm nở, ngọn lửa mới nhen, bông hoa xấu hổ....” (Mối tình đầu). Với ông, mối tình đầu chân thành mãi là kỷ niệm đẹp theo ta suốt năm tháng cuộc đời.

Sự chân thành của tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn thể hiện qua sự mộc mạc giản dị như tiếng lòng và tâm hồn của người miền núi. Tình yêu chân thành như tiếng khèn của núi, e ấp, đến dịu dàng: “Em như tiếng Pí Lè/ Anh nghe lòng xốn xang/ Em như làn điệu then/ Anh nghe hồn tươi xanh” (Trở lại câu Pí Lèng).

Tình yêu trong thơ của Lò Ngân Sủn được diễn tả mới lạ, gần gũi với lời ăn tiếng nói, cách cảm cách nghĩ của những người dân tộc. “Em con chim rừng/ Để ta săn, ta đuổi, ta bắt, ta vồ” (Nhớ về em). Với anh, em luôn là ước muốn trong tim, là sự sống là niềm tin: “Đứng trước em/ Anh như con chuột đứng trước hũ gạo/ Anh như con gấu đứng trước tổ ong trên cao/ Anh như con hổ đói đứng trước miếng mồi ngon” (Đứng trước em).

Như vậy, tình yêu trong thơ Y Phương và Lò Ngân sủn luôn chứa đựng những tình cảm chân thành, đằm thắm. Tình yêu đó xuất phát từ đáy lòng và sự rung động của con tim.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)