7. Cấu trúc của luận văn
2.4. Những dự cảm cô đơn khắc khoải, buồn đau xót xa trong tình yêu
2.4.1 Những dự cảm cô đơn khắc khoải
Tình yêu không phải lúc nào cũng mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho con người mà ngược lại nó còn gây ra không ít những bi kịch, những nỗi buồn đau bất hạnh đó mới là hương vị của tình yêu. Trong thơ Y Phương, tình yêu đôi lứa có cả những nỗi niềm cá nhân bâng khuâng, dự cảm cô đơn, lo âu, khắc khoải, nhớ nhung da diết, buồn đau, hoang hoải, heo hắt hanh hao, đắng đót đến thắt lòng, điều này được thể hiện qua những bài thơ: Giọt đàn, Buồn lấp lánh, Cô đơn, Khúc chiều,
Biển tím, Bung buồn, Ly biệt, Gửi người vào chốn rừng sâu, Giận thương... Tình yêu đôi lứa trong thơ Y Phương xuất hiện đa sắc màu cung bậc cảm xúc. Khi đọc những vần thơ tình của Y Phương, nhà văn Lê Thị Bích Hồng nhận xét: “Cái tình trong thơ Y Phương xuất hiện trong nhiều trạng thái khi trầm khi bổng; trong nhiều tâm trạng vui, buồn, khi bâng khuâng, khi nghẹn ngào....trái tim nhà thơ cực kỳ nhạy để thấy mình đôi khi giống như một ốc đảo cô đơn một cách kiêu hãnh giữa một xã hội xô bồ chen chúc”[39; tr.13].
Thơ Y Phương viết về tình yêu trong dự cảm cô đơn và nỗi lo âu khắc khoải hoang hoải, đắng đót thắt lòng. Cũng giống như Xuân Diệu, Y Phương cũng bị ám ảnh bởi thời gian. Ông lo sợ quy luật trôi chảy của thời gian. Ông biết rằng thời gian là thứ một đi không trở lại, tuổi xuân của đời người cũng chẳng thể thắm lại hai lần. Thế nên, trái tim người con của núi ấy rất mực nhạy cảm, ông khắc khoải lo âu đầy dự cảm: “Từng giọt đàn như a xít/ Nhỏ vào ruột/ Từng lời hát như muối xát vào gan/ Em ơi/ Tình chưa hợp sao vội tan” (Giọt đàn). Nếu như “ông hoàng thơ tình” nói “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” (Vội vàng). Nữ sĩ Xuân Quỳnh lại nói “Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa” (Sóng) hay “Thời gian như ngọn gió/ mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi” (Thư tình cuối mùa thu). Y Phương lại diễn tả những dự cảm cô đơn lo âu khắc khoải ấy như một câu hỏi xoáy sâu vào tâm can người đọc đến đắng đót thắt lòng:
Khi tình yêu mủn rồi Những nụ hôn ra sao
(Buồn lấp lánh)
Trước câu hỏi lớn lo âu khắc khoải cho tình yêu con người, nhà thơ đã tự tìm ra lời giải đáp. Nhà thơ nhìn thấy sự thay đổi của tạo hóa trong “nhập nhoạng hoàng hôn đã le lói bình minh”: “Ồ không sao/ Khi mặt trời rời bầu trời/ Những đứa con của họ bắt đầu chín”. Nhà thơ thể hiện tình yêu có lúc làm cho con người cô đơn đến đáng sợ. Nỗi cô đơn không chỉ được thể hiện theo chiều sâu, chiều dài mà được diễn tả theo chiều cao, “Thế mới biết ở chốn người đông/ Cô đơn lên chót vót” (Cô đơn). Những dự cảm cô đơn đó, không ai có thể thấu hiểu nổi. Nhìn bằng mắt thường sao thấy được hiểu được: “Gió làm sao hiểu nổi/ Lá làm sao hiểu nổi/ Người làm sao hiểu nổi” (Khúc quành). Nỗi niềm khắc khoải, sự cô đơn trong thơ tình yêu của Y Phương bắt nguồi từ mây núi, suối ngàn, non nước Cao Bằng - Mảnh đất Cô Sầu. Sự cô đơn còn được biểu hiện ở chỗ ông tự gọi mình bằng những cái tên mang theo những dự cảm “Người đá”, “Người sông”, “Ông già trăm năm cô đơn”. Ông tự nhận mình là cô đơn, cô sầu: “Ta giàu có cô đơn/ Chạm vào đâu cũng buồn”, hay: “Đời người có mấy khúc/ Sao tôi luôn khúc chiều” (Khúc chiều)
Với Y Phương, tình yêu được làm bằng nỗi nhớ “Tình yêu làm bằng gì/ Bằng nỗi nhớ” (Biển tím). Tình yêu là những cung bậc cấp độ của nỗi nhớ. Nỗi nhớ da diết, mãnh liệt, tạo thành nỗi đau héo hon ngay khi bên nhau và cả khi người trở gót:
“Người thương vừa gót/ Bỗng hoang hoải vô hồn/ Người kéo lê li biệt/ Người ngồi
đau héo hon” (Li biệt). Nỗi nhớ trong tình yêu đôi khi làm con người ta nghẹt thở, nỗi nhớ không chỉ dày vò về tinh thần, còn gây nên nỗi đau thể xác: “Có nỗi nhớ làm ta tức thở/ Dù không nghe, không nói, không nhìn” (Hòn mây). Nỗi nhớ đã giày vò tâm can, đốt lòng đến nhức buốt, hoang hoải lên tận cùng nỗi nhớ thể hiện qua ánh mắt nhiu nhíu đau:
Ngày làm như không biết nhau Mình nhìn thấy ta
Ta nhìn thấy mình Cùng nhiu nhíu đau
(Gửi người vào chốn rừng sâu)
Y Phương cũng diễn tả trạng thái cảm xúc giận hờn trong tình yêu hết sức độc đáo. Cơn giận thương tràn trào mãnh liệt lên đến đỉnh điểm, để rồi hai trái tim cùng câm nín, gặm nhấm nỗi đau, mà chưa tìm được tiếng nói: “Gần trọn một buổi sáng/ Em ngồi im như bóng/ Gần một buổi sáng/ Anh tan ra như mật/ Trọn một ngày đắng ngắt/ Chúng ta ngồi câm đau” (Câm). Nỗi thương nhớ giận hờn buồn đau trong tình yêu cũng được Y Phương diễn tả một cách tinh tế, gần gũi với đời sống tình cảm người miềm núi. Tình yêu khi trái gió trở trời thường “làm ta buồn”. với Y Phương, ông lại có cách nói độc đáo là “Bung buồn”. Nỗi buồn trong tình yêu diễn ra như là một quá trình. Nỗi buồn được bung lên, lúc đầu là trạng thái âm ỉ, thường trực, sau đó lên đến cao trào, sục sôi, rồi dịu bớt lắng xuống, om kín, liu diu, nhưng đủ để chín nhừ tan chảy ra. Nỗi buồn đã được cụ thể hóa thật sự sinh động:
Ta thương người của trước Sao người mênh mông xa Ta yêu người cửa sau Sao người bung buồn ta
Thơ tình yêu của Y Phương, có những bài tưởng trừng lặng yên thì bên trong vẫn trái gió, rạo rực, phun trào. Tình yêu tồn tại như một loài hoa bất tử: “Sinh con rồi/ Tình yêu ta chưa sinh/ Sinh cháu rồi/ Tình yêu ta mới đến” (Hoa bất tử). Với Y Phương, tình yêu tồn tại dưới những cung bậc cảm xúc nào thì ông vẫn dốc hết hơi thở cuộc đời để yêu.
Trong thơ tình yêu của Lò Ngân Sủn, ông cũng diễn tả những nỗi dự cảm lo lắng, chất chứa trong tình yêu, đó là một tình yêu mong manh tan vỡ “Nếu như anh không có em/ Anh cũng không còn là anh” (Nếu như anh không em).
Thơ tình yêu của Y Phương và Lò Ngân Sủn không chỉ diễn tả niềm vui, niềm hạnh phúc, những khát khao cháy bỏng mà sâu kín trong tình yêu ấy là những dự cảm cô đơn, lo âu, khắc khoải trong tình yêu, để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc khó quên.