7. Cấu trúc của luận văn
3.3.2. Giọng điệu ngợi ca
Giọng điệu ngợi ca cũng là giọng điệu chủ đạo trong thơ tình của văn học dân tộc thiểu số nói chung và hai nhà thơ Y Phương và Lò Ngân Sủn nói riêng. Giọng điệu ngợi ca xuất phát từ tình yêu chân thành, tha thiết, đắm say mãnh liệt trong tình yêu. Nó bắt nguồn từ sự biết ơn người mình yêu. Giọng điệu ngợi ca thể hiện qua các bài thơ: Em - cơn mưa rào ngọn lửa, Gần hoa, Sen, Cơm, Em là....của Y Phương;
Con gái vùng cao, Người đẹp, Em, Đợi chờ, Em như là ngày tết, Lửa tình yêu, Tây Bắc, Con gái bản Tông...của Lò Ngân Sủn
Đối tượng thẫm mỹ được ngợi ca trong thơ tình của hai nhà thơ là “Em”. Người con gái miền núi mang trong mình vẻ đẹp nguyên sơ, trong trắng, rực rỡ, thơm ngát như những bông hoa núi rừng.
Giọng điệu ngợi ca trong thơ Y Phương thể hiện việc nhà thơ sử dùng từ ngữ giàu hình ảnh ví von. “Em” được ví với những hình ảnh đẹp đẽ: Sen, Hoa, Mùa thu...“Em” được ví như những thứ giản dị bình thường gần gũi nhưng không thể
thiếu trong cuộc sống. Y Phương ngợi ca “Em” là Sen, loài hoa tôn quý vẻ đẹp thanh khiết trong trắng vô ngần và giàu đức hy sinh: “Em là Sen/ Sen của đời thường/ Sen nhận hết về mình/ Bùn đen/ Nước đục” (Sen - Y Phương).
Bằng tình yêu chân thành đằm thắm, thiết tha, Y Phương ngợi ca “ Em” với vẻ đẹp vốn có, Em có thể cảm hóa làm thay đổi tất cả thế giới: “Em như cây hoa/ Ai gần em cũng đẹp/ Em như chum rượu/ Ai gần em cũng say/ Em như bếp lửa/ Ai gần em cũng ấm...” (Gần hoa - Y Phương). Con người một khi đã yêu từ tâm hồm đến trái tim đều trở nên đẹp hơn. Chính vì thế bằng giọng điệu ngợi ca, Y Phương đã ca ngợi tình yêu luôn làm con người tốt lên, hoàn thiện hơn. Em đã cảm hóa, thay đổi cuộc đời anh. Từ đó, ông thể hiện tình yêu lòng biết ơn trân trọng với người mình yêu:
Có em về
Anh mất dần thói xấu
Biết ăn năn trước lúc bình minh.... Những gì anh có được
Đều bắt đầu từ em
(Em - cơn mưa rào ngọn lửa - Y Phương)
Trong thơ Lò Ngân Sủn, giọng điệu ngợi ca có phần cụ thể gắn với cuộc sống thường hằng hơn. Bằng giọng điệu ngợi ca, ông thể hiện cái đẹp là linh hồn của cuộc sống. Cái đẹp luôn cứu rỗi thế giời:
Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết - gặp người đẹp lại không muốn chết nữa
(Người đẹp - Lò Ngân Sủn)
Với giọng điệu ngợi ca Lò Ngân Sủn cũng ví “Em” như những gì thanh tao, trong sáng, đẹp đẽ nhất. Em được ví như: “Vầng trăng, Rừng hoa, Dòng suối, Chăn bông, Tiếng Pí Lè, Làn điệu Then,..., Chum rượu ngọt, Tấm cơm lam, Ngày tết, Bánh chưng....” (Em như là ngày tết). Vẻ đẹp người con gái vùng cao đã được ông ca ngợi bằng tình cảm yêu mến trân trọng. Dù ví em với những hình ảnh trong cuộc sống nhưng vẫn toát lên giọng điệu ngợi ca. Khẳng định Em có vị trí quan trọng trong sự sống của anh: “Em là bếp lửa nhà anh/ Em là vại nước nhà anh/ Em là chõ cơm nhà
anh/ Em là ánh đèn nhà anh” (Em là nỗi đam mê của đời anh). Người con gái chủ thể của tình yêu, với phẩm chất vị tha, giàu đức hy sinh, yêu chân thành chung thủy luôn được ngợi ca đi vào thơ tình với vị trí xứng đáng.
Như vậy bằng giọng điệu ngợi ca yêu thương, hai nhà thơ đã tạo ra những vần thơ tình và những hình ảnh thơ tuyệt đẹp. Người phụ nữ trong mọi thời đại nào cũng luôn được tôn vinh trân trọng. Y Phương và Lò Ngân Sủn đã góp phần tạo nên sự thành công, sức hút kì diệu trong thơ tình yêu của các nhà thơ dân tộc thiểu số.