Ngôn ngữ mang màu sắc văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 89 - 93)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.3. Ngôn ngữ mang màu sắc văn hóa

Văn hóa dân tộc chính là dòng sữa đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác. Khi đọc thơ viết về tình yêu đôi lứa của Y Phương và Lò Ngân Sủn, ta cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc Tày và dân tộc Giáy cùng các dân tộc anh em in đậm trong đó. Thơ tình yêu của hai nhà thơ chứa đựng nét văn hóa dân tộc từ văn hóa tinh thần phong tục, tập quán, lễ hội... đến văn hóa vật chất, từ nội dung đến hình thức thể hiện. Mỗi từ ngữ, hình ảnh câu thơ, cảnh tình đều mang hơi thở của đồng bào dân tộc Tây Bắc, sự hướng về cội nguồn, truyền thống văn hóa dân tộc luôn được coi là giá trị bất biến .

Qua vùng văn hóa dân tộc Tày, ta thấy trong thơ tình của Y Phương có hương vị “mèn mén” của ngô hay mùi cơm trắng. Đây đều là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp (Bung buồn). “Em là lúa/ Lợp lên anh từng hạt/ Em là bắp/ Đầy lên anh từng hạt” (Em là). Còn qua miền Tây Bắc, ta thấy thơ tình yêu của Lò Ngân Sủn có hương vị của “thắng cố” (Động đất, động trời, Khau vai), mùi thơm dẻo của “Cơm

lam”. Đây là những món ăn quen thuộc là đặc sản văn hóa ẩm thực Tây Bắc đã làm

nức lòng bao khách thập phương. “Đôi tay em như hai tấm cơm lam” (Tây Bắc). Món thắng cố được làm từ những nguyên liệu, gia vị, quy trình chế biến rồi đem đun trên một chảo lớn. Nhà thơ đã tưởng tượng ra chảo thắng cố ấy như hương vị của tình yêu.

Thơ viết về tình yêu của Y Phương và Lò Ngân Sủn có màu sắc của “chợ phiên”, sắc màu lễ hội: “Chợ Lồng Tồng/ Người sao mà đông..../ Sao không kẻ bán/ Không người mua/ Chỉ rặt người môi đỏ/ Những con mắt liếc nhau.../ Họ làm gì mà vòm lá rung/ Họ nói gì mà chùm quả chín” (Chín tháng - Y Phương). Chợ phiên là nét đẹp văn hóa truyền thống của người vùng cao, Cứ năm ngày chợ họp một lần. Đến phiên chợ là trai gái lại náo nức khấp khởi xuống chợ. Đi chợ có thể họ không bán cũng chẳng mua mà chỉ để tìm tình yêu, kiếm tìm những ánh mắt, trao nhau những nụ cười để thương để nhớ. Để rồi nhiều đôi trai gái đã phải lòng nhau qua

tiếng khèn điệu múa, qua tài năng ca hát bắn cung bắn nỏ để rồi mỗi phiên chợ lại là dịp hò hẹn gặp nhau:

Gặp nhau trong phiên chợ Tay truyền lửa sang nhau Hát những câu cháy bỏng Tỏ tình những đêm thâu

(Phiên chợ SaPa)

Rất nhiều những bài thơ của Lò Ngân Sủn được gợi cảm hứng từ những phiên chợ. Chợ phiên Bắc Hà, chợ phiên Sa Pa, chợ phiên Cốc Lếu, chợ phiên Bát Xát đều đi vào trong thơ Lò Ngân Sủn trở thành cảm hứng bất tận trong thơ tình yêu đôi lứa của ông. Trong phiên chợ đầy đủ các thành phần già trẻ gái trai, nhưng đông vui nhất là những chàng trai cô gái họ xuống chợ tìm bạn họ hát đối đáp, tung yếm, tung còn, kéo co, bắn nỏ, thổi kèn Pí Lè, thổi đàn môi mời gọi làm xao xuyến long người: “ Lè thổi gọi bình minh/ Kèn môi ngân giữa lung linh gọi mời” (Bắc Hà). Khi đi chợ những đôi trai gái đã tìm được ý chung nhân của mình họ cũng không ngại ngần trao yêu thương giữa thiên nhiên rừng núi:

Cái ngày đi chợ đung đưa bên đường Cái ngày đối đáp trong sương

Bụi cây cũng trở thành giường lứa đôi

(Thiên đường)

Chợ tình một là nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn của người vùng cao, đã đi vào những trang thơ tình của Lò Ngân Sủn đầy xúc động qua bài thơ : Khau Vai, Mỗi năm ta gặp nhau một lần....

Em ơi!

Yêu nhau không lấy được nhau Hẹn nhau đi chợ Khau Vai Mỗi năm ta gặp nhau một lần

(Mỗi năm ta gặp nhau một lần)

Ngôn ngữ Giáy cũng đi vào thơ tình yêu Lò Ngân Sủn một cách mộc mạc giản dị trong sáng vô ngần, như những bài thơ tình trong trẻo thuần khiết. Nếu như

không có sự tư duy, vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc Giáy sẽ không hiểu hết cái hay cái đẹp của bài thơ đó là cả một kho trầm tích văn hóa được đắp bồi của dân tộc: “Đi chợ là đi đối đáp nhau/ Tiếng ca rứt ném sang nhau thách gọi/ Câu đối bật ra từ cơn khát/ Lời đáp phát ra từ thẳm sâu....” (Đi chợ), (Ca rứt: là tiếng mời gọi hát đối đáp nhau). Ông yêu tiếng mẹ đẻ của mình tha thiết. Ông rất quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc bởi nó cả một bầu trời tuổi thơ là niềm tự hào tự tôn của người Giáy. Ông đưa vào thơ tình yêu của mình những từ ngữ dân tộc một cách dung dị, đời thường. Trong bài thơ Hoa Má Po, tình yêu trong trắng thủy chung của cô gái vùng cao quyết tâm chờ ngày người yêu trở về “Em sẽ làm rừng xanh mong đợi/ Làm Má

Po nở giữa đồi nương”. Hoa Má Po là hoa ngựa núi một loài hoa màu trắng nở về

mùa xuân. Hoa được những chàng trai cô gái người Giáy hái về múa xòe, múa then trong hội xuân. Điều đó nói lên sự am hiểu của nhà thơ về văn hóa dân tộc, nói lên lòng yêu quê hương yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình. Lò Ngân Sủn còn có tập thơ

Đầu nguồn cuối nước là tập thơ song ngữ Việt - Giáy có rất nhiều bài thơ viết về tình yêu đôi lứa đặc sắc như: (Bài thơ tình của đôi trai gái miền ngược, Trở lại câu Pí Lè bên nhau, Đi chợ, Con gái vùng cao...). Lời ví của người dân tộc Giáy cũng đi vào trong thơ Lò Ngân Sủn. Trong bài thơ Y như chuyện cổ tích có câu “Vợ chồng không tự nên/ Vàng bạc không tự đến”. Trong bài thơ Ngồi cũng lấy cảm hứng từ lời của người Giáy với câu: “Không có ghế ngồi chân/ Không có cỏ ngồi đất”. Ông còn vân dụng những ngôn từ của các dân tộc khác vào trong các bài thơ. Bài thơ Ngày xuân đi hội hoa ban có lời của người Thái “Hát tình yêu là hát làm

người”. Văn học dân gian Giáy cũng ảnh hưởng lớn đén các sãng tác thơ tình yêu

của Lò Ngân Sủn như thành ngữ, tực ngữ...những câu hat dân gian. Những yếu tố đó trở thành cảm hứng sáng tác của thơ ông. Tuy nhiên, mảng thơ viết về tình yêu đôi lứa thì rất ít.

Những câu hát dân ca của dân tộc Tày và dân tộc Giáy nói riêng và dân ca các dân tộc thiểu số khác nói chung cũng là yếu tố gợi cảm hứng trong sáng tác thơ tình của Y Phương và Lò Ngân Sủn. Bài thơ Vũ khúc Tày của Y Phương ta thấy âm vang êm đềm của làn điệu hát dân ca Tày trong lễ hội Nàng Hai, điệu hát Hà Lều, điệu hát của dân tộc Nùng cũng trở thành cảm hứng đi vào thơ ca của Y Phương: “Ta múa

điệu Nàng Hai/ Ta hát điệu Hà Lều/ Cong vênh trời và đất” (Vũ khúc Tày - Y Phương)

Trong thơ tình của Y Phương có nhịp điệu của đàn tính hòa vào làn điệu dân ca như những bài hát Then, hát Lượn nàng Hai: “Tiếng lượn không đi vòng/ Tiếng lượn

chui vào quả lê ngọt/ Làm người ăn cũng xinh” (Y Phương). Nhạc cụ của người Tày

được Y Phương đưa vào trang thơ tình vô cùng độc đáo: Bởi thương em nên ngây thơ cây đàn Hộp đàn mỏng đựng nỗi buồn trong đáy

Chưa thể nói với em điều này dù rằng muốn đấy Vỏ bầu khô đốt cháy tâm can

(Y Phương)

Bài thơ Đi chợ được viết lên bởi ý của bài dân ca Mông với câu ca “Nghe nơi ấy có cô em lừng danh xinh đẹp/ Anh mới làm họa mi cất bước ra đi”. Trong bài thơ Hồi tỉnh lại cũng được Lò Ngân Sủn lấy cảm hứng từ làn điệu dân ca Giáy “Hai ta yêu nhau không thành đôi/ Hẹn nhau đến Mường Tiên sẽ lấy”.

Với lòng tự hào về văn hóa dân tộc, nhà thơ Y Phương đưa vào trang thơ của mình bằng hình ảnh “Tấm thổ cẩm” trong bài thơ Thổ cẩm:“Rực rỡ/ Tấm thổ cẩm/ Đẹp mê hồn/ Tấm thổ cẩm”. Nhà thơ Lò Ngân Sủn lại đưa vào trong sáng tác thơ tình của mình những hình ảnh rất thú vị đầy bản sắc văn hóa dân tộc đó là hình ảnh từ chính không gian sinh hoạt của đời sống, đến cách nói cách ứng xử rất riêng để miêu tả những người phụ nữ vùng cao hay nỗi nhớ trong tình yêu. Từ hình ảnh cuộc sống đời thường, nhà thơ có sự ví von người con gái như: Mận, Đào, Mật ong, Củ mài, Cơm lam, Bó củi, Bắp chuối...Những hình ảnh đó được thể hiện trong các bài: Con gái bản Tông, Yêu, Em.....Văn hóa ứng xử giữa vợ và chồng của con người vùng cao cũng được nhà thơ thể hiện trong bài Vợ chồng người Mông. Văn hóa trang phục của các dân tộc thiểu số cũng được Lò Ngân Sủn đưa vào trang thơ tình của mình một cách đằm thắm duyên dáng, mềm mại, dịu dàng khéo léo trong bài Gái. Tiếng kèn Pí Lè gợi lên tình yêu nỗi nhớ, những ước mong khao khát trong tình yêu Trở lại câu Pì Lè bên nhau....Khi đọc thơ tình của Lò Ngân Sủn tác giả Sần Cháng đã nhận xét : “Tôi thấy trong thơ Lò Ngân Sủn thường có núi, có cây, có hoa, có suối sông, có

nước mạch, có mây, có mưa, nắng, rừng, trăng, thung lũng....Là hình ảnh nằm trong kho tàng dân ca dân tộc Giáy và Lò Ngân Sủn đã từ dòng suối dân ca đó mà cất cánh. Tôi còn thấy trong thơ Lò Ngân Sủn có nhịp nhanh của kèn Pí Lè, có sự chậm rãi thướt tha của “Vườn Giáy”, có nhấn, có trầm bổng của Then làng”[19; tr.439]. Với Y Phương khát vọng về cội nguồn văn hóa dân tộc từ sâu trong tâm khảm, nhà thơ đã sáng tác tập thơ “Vũ Khúc Tày” bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là tiếng Tày và được dịch sang tiếng Việt. Tập thơ gồm 108 bài thơ toàn bộ đều là thơ tình yêu. Với niềm tự hào tự tôn dân tộc, Y Phương yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ với khao khát quảng bá cho thế hệ trẻ biết được bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Đây là tập thơ tình Song ngữ Tày - Việt thành công nhất của Y Phương. Nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã nhận xét: “Tôi thấy vũ khúc Tày mướt mát như cỏ, mềm mại như gió, sáng long lanh như sương, ấm nồng màu tình yêu, ngọt ngào hương cánh đồng con gái...trên từng con chữ bỗng nghe thanh âm trong trẻo của giọt đàn, của vũ điệu Nàng Hai, câu hát Hà Lều rất ngọt ngào...”[39; tr15].

Như vậy, ngôn ngữ trong thơ Y Phương và Lò Ngân Sủn mang màu sắc văn hóa dân tộc cùng các dân tộc anh em thiểu số khác. Hai nhà thơ đã vận dụng những thành tựu văn hóa dân tộc một cách linh hoạt tài tình khéo léo trong những sáng tác thơ viết về tình yêu. Đọc thơ hai ông ta có thể hiểu và cảm nhận được lớp trầm tích văn hóa ở trong đó và những đặc điểm văn hóa Tày và Giáy nói riêng và các dân tộc anh em nói chung. Hai nhà thơ chính là những người con tiêu biểu với nỗi niềm khao khát văn hóa của dân tộc mình. Hai nhà thơ đã thể hiện sự trân trọng, yêu quý ngôn ngữ dân tộc từ đó đưa vào trong sáng tác của mình bằng cách khai thác những từ ngữ độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nét khác biệt trong thơ tình của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 89 - 93)