Giọng điệu trầm tư, ngậm ngùi, triết lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 100 - 108)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.4. Giọng điệu trầm tư, ngậm ngùi, triết lý

Giọng điệu trầm tư, ngậm ngùi, triết lý chiêm nghiệm trong thơ tình yêu của Y Phương và Lò Ngân Sủn, chiếm tỉ lệ lớn trong các sáng tác thơ tình. Chất giọng này không chỉ đơn thuần do các tác giả lớn tuổi đã có sự từng trải trong cuộc đời khi viết về tình yêu, mà thể hiện những triết lý của những con tim yêu, những trái tim đã bao lần thổn thức run rẩy vì sóng tình. Mỗi một tình yêu đi qua, con người lại có được những dấu ấn, hoài niệm để rồi trầm tư, ngâm ngùi, khái quát thành triết luận. Chúng ta có thể kể đến những bài thơ sau: Em - cơn mưa rào ngọn lửa, Buồn lấp lánh,

Bung buồn, Trả lời hộ tôi, Sóng, Tình yêu càng cho càng đầy, Đôi chân, Khúc quành, Giọt đàn. Lãi, Tựa...của Y Phương; Người đẹp, Những mũi tên và những tấm bia, Lần đầu tiên, Hoa hậu, Nàng......của Lò Ngân Sủn.

Trong thơ tình yêu, Y Phương và Lò Ngân Sủn không chỉ thể hiện tình yêu đắm say, nồng nàn, mãnh liệt mà gửi gắm vào đó giọng điệu triết lí, chiêm nghiệm đưa ra những khái niệm độc đáo, làm người đọc phải lắng đọng cảm xúc lặng mình suy nghĩ. Bản chất của tình yêu, xưa nay vốn làm cho các nhà thơ tình bối rối, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đắm say, tha thiết với tình yêu đến thế nhưng vẫn không lí giải cắt nghĩa được tình yêu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Với Y Phương và Lò Ngân Sủn, hai nhà thơ đưa ra khái niệm về tình yêu quả thật đơn giản, Y Phương định nghĩa về tình yêu rất thú vị và mới mẻ. Yêu là gắn liền với sự sống, sống ở đây được tăng cấp số nhân: “Yêu nghĩa là sống/ Nhân lên trăm nghìn lần/ Sống nghĩa là sung

sướng/ Sung sướng nghĩa là dâng mình cho tình yêu” (Vu vơ người). Lò Ngân Sủn

lại đưa ra cách hiểu về tình yêu vô cùng hóm hỉnh, độc đáo gắn với món ăn đặc sản quê hương, giàu hình ảnh tư duy của con người Tây Bắc: “Tình yêu/ Như cái chảo thắng cố/.../ Tình yêu/ Như cái chum rượu....”(Động trời, động đất).

Tình yêu, gắn liền với mùa xuân và tuổi trẻ. Hai nhà thơ đã viết lên những dòng thơ tình một cách say đắm, câu thơ tưởng như trùng xuống vì sức nặng. Nhiều bài thơ

giản dị nhưng trĩu nặng những chiêm nghiệm, suy tư trăn trở về tình yêu, chứa đựng trong đó những yếu tố nhân sinh quan, thế giới quan của con người dù trong hoàn cảnh nào vẫn tin vào sự kì diệu trong tình yêu, mang đến hy vọng niềm tin cho cuộc sống:

Khi tình yêu mủn rồi Những nụ hôn ra sao ồ không sao

Khi mặt trời rời bầu trời

Những đứa con của họ bắt đầu chín

(Buồn lấp lánh - Y Phương)

Bài thơ nói lên sự băn khoăn, bối rối, nuối tiếc trong tình yêu, tác giả đã có câu trả lời mình, tình yêu luôn vĩnh cửu, bất biến trên thế gian. Y Phương muốn gửi gắm triết lý, chiêm nghiệm, mang màu sắc vũ trụ. Sự nối tiếp tình yêu trong trái tim của những thế hệ con người, là một quy luật tất yếu. Chừng nào trái đất có sự tồn tại con người thì sẽ có tình yêu. Giọng điệu triết lí, chiêm nghiệm, được thể hiện sâu đậm trong bài thơ Trả lời hộ tôi. Bài thơ nói lên một chân lí đó là tiền bạc, danh phận, chức tước rồi cũng sẽ tan thành mây khói, chỉ còn tình yêu là mãi vẹn nguyên với thời gian. Trong bài thơ Gọi vía, Y Phương cũng muốn nói đến sự bất tử trong tình yêu. Với triết lí ẩn dấu bên trong, tuổi tác con người không tỉ lệ thuận với tâm hồn con người, dù tuổi cao nhưng trái tim tâm hồn (Vía) vẫn tươi trẻ thì tình yêu vẫn còn. Điều đó khẳng định, tình yêu là không tuổi. Những triết lí chiêm nghiệm, không phải xa lạ với một trái tim chỉ biết khao khát yêu nồng nàn, tha thiết như thế.

Y Phương còn khái quát lên triết lý chiêm nghiệm về số phận những người phụ nữ cả cuộc đời tần tảo, lam lũ, gánh trên vai tất cả giang sơn, đối diện với bao khó khăn. Người đàn ông có điểm tựa là người phụ nữ, nhưng người đàn bà lại tựa vào biển cả vào nơi mênh mông, vô định với những cơn phong ba, bão táp của cuộc đời. Điều đó lí giải, vẻ đẹp tâm hồn cùng với sự hy của những người phụ nữ vùng cao thật to lớn:

Người đàn ông tựa lưng vào người đàn bà Người đàn bà tựa lưng vào biển cả

(Tựa - Y Phương)

Với Lò Ngân Sủn, cả cuộc đời ông là khao khát đi tìm cái đẹp, ước mơ cháy bỏng của ông là có những vần thơ thật đẹp, dâng cho đời. Ông luôn trăn trở suy tư chiêm nghiệm trước cái đẹp. Bài thơ Người đẹp đã nói lên tầm triết lí khái quát của loài người không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp của cô gái. “Cái đẹp” luôn là niềm ao ước, là đích đến của nhân loại của thế gian. Nhà thơ phát hiện ra tính triết lý cơ bản của vấn đề đó là “Cái đẹp” có sức mạnh cứu rỗi con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ: “Ơ!/ Người đẹp là ước mơ/ Treo trước mắt mọi người”(Người đẹp - Lò Ngân Sủn).Điều này đã tạo nên nét riêng trong thơ Lò Ngân Sủn, đúng như Lê Thiếu Nhơn đã từng nhận xét:“Ngoài giọng điệu đặc thù của một nhà thơ dân tộc thiểu số, Lò Ngân Sủn có khả năng biến hóa những quan sát ngả màu chiêm nghiệm. Những chiêm nghiệm rời rạc đưa vào thơ thì thường đơn điệu và hơi nhiều lời. Khi và chỉ khi ông dùng phương pháp quy nạp chiêm nghiệm mới có những bài thơ đóng dấu chất lượng “thương hiệu” Lò Ngân Sủn”[19; tr.461].

Như vậy qua thơ tình của Y Phương và Lò Ngân Sủn, ta thấy được giọng điệu rất đặc trưng của một số các nhà thơ dân tộc thiểu số là giọng điệu triết lý chiêm nghiệm. Với giọng điệu này, các nhà thơ đã chiếm được tình cảm của nhiều bạn đọc, tạo nên sự thành công trong nghệ thuật thể hiện tình yêu của người miền núi.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Qua việc tìm hiểu một số biểu hiện về phương diện nghệ thuật trong thơ tình yêu của Y Phương và Lò Ngân Sủn, chúng ta thấy được thơ tình yêu dân tộc thiểu số rất đặc sắc, hấp dẫn. Có được sự thành công đó là nhờ quá trình sử dụng thể thơ tự do, hệ thống ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống giàu hình ảnh và tính biểu cảm cao mang màu sắc văn hóa. Cùng với giọng điệu thiết tha, nồng nàn say đắm, ngợi ca, chiêm nghiệm, triết lí nhưng cũng có phần xót xa, day dứt, trăn trở cho thân phận tình yêu tan vỡ, hai nhà thơ vùng núi đã khẳng định vai trò quan trọng của mình góp phần tạo ra những giá trị nổi bật, sự thú vị độc đáo riêng biệt cho thơ tình yêu của các nhà thơ là người dân tộc. Hai tác giả đã góp phần đưa thơ tình dân tộc thiểu số tới gần hơn với độc giả cả nước, làm phong phú đa dạng thêm cho dòng chảy thơ tình Việt Nam hiện đại.

KẾT LUẬN

1. Trải qua bao thời gian, thơ tình yêu của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại như mạch ngầm không ngừng tuôn chảy trong đời sống văn học dân tộc thiểu số nói riêng trong nền văn học nước nhà nói chung. Bất kỳ giai đoạn nào, thơ ca dân tộc đều ghi nhận những sáng tác thơ tình làm say đắm lòng người của các nhà thơ dân tộc thiểu số. Tuy nhiên dựa vào từng thời điểm lịch sử, từng hoàn cảnh nhiệm vụ khác nhau mà tiếng thơ tình của họ tạm lắng để nhường chỗ cho nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, ngọn lửa tình vẫn được nhen nhóm trong trái tim của các thi sĩ dân tộc thiểu số. Viết về tình yêu đôi lứa, chúng ta phải kể đến đội ngũ đông đảo các nhà thơ là người dân tộc thiểu số tiêu biểu như: Vương Anh, Cầm Biêu, Bàn Tài Đoàn, Dư Thị Hoàn, Bùi Thị Tuyết Mai, Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Thanh Hương, Chu Thùy Liên, Mai Liễu, Dương Thuấn, Nông Minh Châu, Triệu Lam Châu, Dương Khau Luông, Mã A Lềnh, Vi Thùy Linh, Inrasara, Nga Rivê. Thanh Pon.... Trong đó phải kể đến hai cây bút thơ tình đặc sắc là Y Phương và Lò Ngân Sủn. Hai nhà thơ là hai tiếng thơ tình mang nét đặc trưng, tiêu biểu của hai dân tộc đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thơ tình dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

2. Bằng trái tim luôn rung động, rạo rực, thiết tha với tình yêu, hai nhà thơ đã phác họa một cách chân thực, cụ thể bức tranh phong phú muôn sắc màu trong thế giới tình yêu. Từ đó, các tác giả đã làm nổi bật đời sống tâm hồn của những con người miền núi. Trong đó, tình yêu được thể hiện trước hết là một tình yêu say đắm, nồng nàn mãnh liệt gắn với những nỗi nhớ cồn cào, da diết; Tình yêu ấy luôn gắn với niềm khao khát cháy bỏng, hòa hợp cả về thể xác lẫn tâm hồn, gắn với sự hi sinh dâng hiến một cách đắm đuối, si mê; Tình yêu chân thành gắn với sự ngợi ca yêu thương trân trọng người mình yêu, gắn với tình cảm, cảm xúc chân thật từ sâu thẳm đáy lòng, con tim. Ngoài ra, thơ tình của hai nhà thơ Y Phương và Lò Ngân Sủn còn là tiếng nói thiết tha với những nỗi niềm khát khao cháy bỏng về cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Nỗi niềm khát khao cháy bỏng trong tình yêu, được thể hiện trước hết là ở khát vọng yêu và được yêu một cách chân thành, tha thiết của những chàng trai cô gái miền núi. Từ việc cảm nhận sâu sắc vai trò vị trí quan trọng của tình yêu đối với cuộc sống con người, những vần thơ tình của hai nhà thơ là tiếng nói khao khát được sống để yêu, dâng hiến hết mình cho tình yêu. Khát vọng về một hạnh phúc lứa đôi thật sự, hạnh phúc được tạo dựng bởi một tình yêu chân chính, thủy chung. Bên cạnh đó hai nhà thơ của núi cũng đã thể hiện thành công những mặt trái trong tình yêu, đó là những bi kịch tình yêu lỡ dở, nỗi niềm cá nhân với những dự cảm lo âu, khắc khoải,

buồn đau, đắng đót đến thắt lòng, sự hoài nghi về những giới hạn mong manh trong tình yêu, nỗi niềm xót xa day dứt cho số phận tình yêu éo le, tan vỡ. Đặc biệt và vô cùng độc đáo hơn, thơ tình yêu của hai nhà thơ còn giàu yếu tố phồn thực. Đó là tình yêu mang nét đẹp khỏe khoắn, đầy bản năng yêu, làm vợ, làm mẹ của những cô gái và nét cường tráng mạnh mẽ ào ạt như suối nguồn của những chàng trai miền núi. Họ chính là cội nguồn của sự sống, sự sinh sôi, nảy nở. Qua những vần thơ tình nóng bỏng đó, Y Phương và Lò Ngân Sủn đã phần nào giúp cho bạn đọc cảm nhận một cách toàn vẹn, sâu sắc về tất cả những nỗi niềm, tâm tư, tình cảm, khát vọng trong tình yêu, trong đời sống của những con người miền núi thuần hậu, mộc mạc, giản dị nhưng trong tình yêu lại mãnh liệt, đầy đam mê sống và yêu hết mình.

3. Hai nhà thơ Y Phương và Lò Ngân Sủn không chỉ đóng góp về nội dung một cách phong phú mới mẻ, làm giàu có thêm cho thơ tình dân tộc thiểu số, mà họ còn có những đóng góp quan trọng về mặt nghệ thuật thơ vô cùng đặc sắc. Hai ông đã mang đến cho vườn thơ tình một giọng thơ thiết tha, nồng nàn, say đắm cùng với giọng điệu yêu thương, trân trọng, ngợi ca. Bên cạnh đó, hai nhà thơ còn sử dụng giọng điệu xót xa, day dứt, trăn trở cho thân phận tình yêu éo le, trắc trở. Qua đó, hai nhà thơ cũng gửi gắm giọng điệu triết lí suy tư, chiêm nghiệm, về tình yêu. Với ngôn ngữ mộc mạc, chân thực, giản dị, gần gũi với cách cảm, cách nghĩ, cách tư duy của người miền núi, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu giá trị biểu cảm, mang đậm màu sắc văn hóa độc đáo, thể hiện qua thể thơ tự do, hai nhà thơ đã thể hiện được tình yêu của con người miền núi, tự do, phóng khoáng, chân thành, dữ dội đầy bản năng nhưng cũng rất lãng mạn, tinh tế. Chính vì vậy, hai nhà thơ góp phần tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt, cho thơ tình của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

4. Với niềm đam mê, hứng thú tìm hiểu thế giới tình yêu trong thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số cùng với lòng yêu mến hai tác giả Y Phương và Lò Ngân Sủn, chúng tôi đã đi tìm hiểu những đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong thơ tình yêu của họ. Qua đó, chúng tôi muốn thể hiện thái độ trân trọng của mình với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của hai nhà thơ, đồng thời hy vọng góp thêm một tiếng nói khẳng định vị trí, những đóng góp quý báu của hai nhà thơ dân tộc thiểu số vào sự vận động thơ ca dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Văn An (2003), Nét đẹp văn hóa trong thơ văn và ngôn ngữ dân tộc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Hoàng Văn An (2013), Nghiên cứu lý luận phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

3. Nông Quốc Chấn (1995), Văn học thiểu số Việt Nam, Nxb Giáo dục.

4. Nông Quốc Chấn (1998), Tuyển tập văn học dân tộc miền núi, Nxb Giáo dục. 5. Nông Quốc Chấn (2000), Hành trang sang thế kỷ 21, Tập tiểu luận phê bình, Nxb

Văn hóa dân tộc

6. Nông Quốc Chấn (1972), Đường ta đi, Nxb Việt Bắc.

7. Huy Cận (1994), Suy ngĩ về bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Nguyễn Khoa Điềm (1994), “Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam” trong Văn hóa Việt Nam một chặng đường, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

9. Nguyễn Đăng Điệp (2014), Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng, Nxb Văn Học.

10. Hà Minh Đức (2001), Lí luận văn học, Nxb Giáo Dục.

11. Hà Minh Đức (1974), Thơ và mấy vấn đề trong thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

12. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ Điển thuật ngữ văn học,

Nxb Đại học Quốc Gia, Hà Nội.

13. Nguyễn Văn Huy (1998), Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo Dục.

14. Trần Đình Hượu (1995), Từ hiện đại đến truyền thống, Nxb Văn hóa.

15. Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (1999), Văn học các dân tộc - Từ một diễn đàn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

16. Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2003), Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam đời và văn, Hà Nội.

17. Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2007), Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới, Nxb Văn hóa dân tộc.

18. Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2007), Từ đại hội đến đại hội.

19. Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2012), Tuyển tập thơ Lò

Ngân Sủn, Nxb Văn học.

20. Lê Thị Bích Hồng (2015), Những người đục đá kê cao quê hương, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

21. Hoàng Ngọc La, Hoàng Hoa Toàn, Vũ Anh Tuấn (2002), Văn hóa dân gian Tày,

sở văn hóa thông tin Thái Nguyên.

22. Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng (1968) Những trang sử vẻ vang của các dân tộc thiểu số miền Bắc.

23. Tạ Ngọc Liễn (1999), Chân dung văn hóa Việt Nam, Nxb Thanh Niên.

24. Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ (2002), Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao Động.

25. Phong Lê (2001), Văn học Việt Nam hiện đại - Những chân dung tiêu biểu, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.

26. Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình yêu đôi lứa trong tơ dân tộc thiểu số việt nam hiện đại (qua thơ y phương và lò ngân sủn) (Trang 100 - 108)