7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị
Trong thơ tình, Y Phương sử dụng ngôn ngữ như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người miền núi, mộc mạc dung dị mà chân thật. Đó là cách nói trực tiếp không vòng vo, dấu diếm, bằng những hình ảnh cụ thể trực quan. Bằng việc quan sát những hiện tượng cuộc sống trên miền núi, những hình ảnh “bò nhầm chuồng, quả chuông điếc, gà trụi lông” đã được nhà thơ đã cụ thể hóa nỗi nhớ, sự thiếu vắng hình ảnh người yêu trong cuộc sống của chàng trai miền núi: “Một ngày em đi vắng/ Anh như bò nhầm chuồng/ Một tuần anh đi vắng/ Anh như quả chuông điếc/ Một năm em đi vắng/ Anh như gà chụi lông” (Gần hoa)
Những hình ảnh so sánh này rất quen thuộc với người miền núi. Nó đã cụ thể hóa nỗi nhớ tâm hồn bằng những hình ảnh trực quan sinh động. Nỗi nhớ trong tình yêu đã được diễn tả với ngôn từ rất mộc mạc, giản dị, nhưng da diết mãnh liệt.
Diễn tả tình yêu sự chờ đợi chỉ bằng hình ảnh gần gũi đo bằng bước chân như lời nói bình thường hằng ngày: “Từ anh sang em/ Bằng đi hỏng một đôi giày” (Đi tìm). Cách diễn đạt ấy chỉ có thể là sự tiếp nối từ cách nói của cha ông được lựa chọn và sinh động hóa trong hoàn cảnh cụ thể. Cha ông ta thường nói : “Mặt trời cách núi
một con sào”, “Từ đây vào đó bằng mấy lần quăng dao”. Y phương đã so sánh đối
tượng thẩm mỹ “em” với những hình ảnh bình dị đời thường: “Em là mực trong ngòi, là cơm trong nồi /Là gà gáy nhưng cũng là quả ớt” (Em - cơn mưa rào, ngọn lửa). Qua đó khẳng định, sự tồn tại của em quan trọng với sự sống của anh. Khi nói đến khát vọng trong tình yêu cũng thật mộc mạc giản dị: “Về đi mà/ Về mau yêu nhau kẻo vía già” (Gọi vía).
Có thể nói rằng, thơ viết về tình yêu của Y Phương mang cách cảm, cách nghĩ của người miền núi.Với ngôn từ mộc mạc, giản dị, chân thành mà vẫn đằm thắm, nhà thơ đã mang đến vẻ mới lạ, độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.Mỗi câu chữ đều mang hơi thở núi rừng, đều được nhà thơ lựa chọn tỉ mỉ, tạo nên phong cách đặc biệt hấp dẫn trong thơ Y Phương
Cũng như nhà thơ Y Phương, thơ tình yêu của Lò Ngân Sủn mang phong cách nói năng của người miền núi mộc mạc, chân thật, dung dị như suối nguồn Tây Bắc. Nhà thơ chủ động đem lời ăn tiếng nói của người miền núi vào trong thơ làm cho
tiếng thơ của ông gần gũi đậm đà bản sắn văn hóa dân tộc: “Xa nhau/ Nhớ nhau quá/ Ta đi chợ phiên thôi/ Để ta được đi bên nhau/ Để ta được ngửi hơi của nhau/ Dẫu chỉ một buổi một ngày” (Chợ Phiên)
Câu chữ không hề chau chuốt giống như lời nói có nhịp, gặp nhau để đi bên nhau, ngồi bên nhau, ngửi hơi nhau. Ngôn từ giản dị nhưng diễn tả nỗi nhớ mãnh liệt trong tình yêu của người miền núi. Lời thơ chân thành, thiết tha mà vẫn dâng trào cảm xúc yêu thương. Khi diễn tả mối tình đầu của chàng trai miền núi, tác giả cũng sử dụng ngôn từ giản dị mộc mạc đến thô sơ để gợi cho người đọc những tình cảm đầu đời e ấp run run, trong sáng, dịu dàng, chân thành, sâu lắng: “Mối tình đầu của tôi/ Rón rén như kẻ trộm/ Lén lút như đi buôn/ Sợ sệt như có lỗi” (Mối tình đầu của tôi). Ta có thể soi mình vào đó để thấy được những cảm xúc khi trái tim bắt đầu biết rung động với những nhịp đập yêu thương đầu đời: “Lần đầu tiên/ Đi, đứng ngồi bên một người con gái/ Cái chân tôi run run/ Hai môi tôi run run/ Hơi thở tôi run run/ Lời nói tôi run run/ Cả người tôi run run/ Nóng rực lên như lửa/ Bởi chưa một lần,chưa một lần..../ Ôi mối tình đầu vụng dại/ Tôi sợ hãi với cả người tôi yêu”(Lần đầu tiên)
Trong tình yêu, những chàng trai miền núi yêu một cách mãnh liệt, cuồng nhiệt tha thiết. Khi giãi bày tình yêu, họ cũng vô cùng chân thật mộc mạc không ví von trên trời dưới biển mà bằng những hình ảnh gần gũi quen thuộc với núi rừng. Lời nói của họ xuất phát tận đáy lòng, nên vô cùng sâu sắc, đúng với bản chất những chàng trai miền núi mạnh mẽ, cường tráng, tràn đầy sinh lực với trái tim yêu bốc lửa (Bài thơ tình của đôi trai gái miền ngược).
Thể hiện tấm lòng yêu thương tôn quý người phụ nữ của mình, đối tượng thẩm mỹ em cũng được so sánh ví von với hình ảnh rất đỗi bình dị quen thuộc hằng ngày. Bằng những ngôn từ mộc mạc chân chất đơn sơ, tác giả sử dụng những hình ảnh rất đỗi bình thường như những vật dụng trong cuộc sống nhưng “Em” là tất cả là nguồn sống của cuộc đời anh. Trong cuộc sống, người miền núi không thể thiếu “Lửa, nước, cơm”. Đó là những thứ thiết yếu để loài người tồn tại
Em là bếp lửa nhà anh Em là vại nước nhà anh
Em là chõ cơm nhà anh Em là ánh đèn nhà anh
(Em là nỗi đam mê của đời anh)
Tình yêu đôi lứa trong thơ Lò Ngân Sủn mộc mạc, giản dị. Cách bày tỏ trong tình yêu cũng như thể hiện vô cùng gần gũi với lời nói của người dân miền núi. Cách nói rất chân thật, thô mộc nhưng tình cảm không kém phần mãnh liệt, dạt dào. Thể hiện một tình yêu nồng nàn, yêu khao khát đến tột cùng luôn cảm thấy thiếu thốn trong tình yêu: “Em - con chim rừng/ Để ta săn, ta đuổi, ta bắt, ta vồ” (Nhớ về em). Với anh, em luôn gợi lên niềm khao khát cháy bỏng không bao giờ nguội tắt. Cách nói rất thật như cách cảm cách nghĩ cách tư duy của người miền núi:
Đứng trước em
Anh như con chuột đứng trước hũ gạo
Anh như con gấu đứng trước tổ ong trên cao Anh như con hổ đói đứng trước miếng mồi ngon
(Đứng trước em)
Như vậy, tình yêu trong thơ Y Phương và Lò Ngân Sủn được thể hiện phần lớn bằng những ngôn từ vô cùng giản dị, mộc mạc nguyên sơ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người miền núi. Những ngôn từ ấy bắt nguồn từ đời sống hằng ngày, từ vốn văn hóa của dân tộc với ý thức tự hào, tự tôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy cách nói vô cùng chân thật mộc mạc nhưng không hề thô nhám đã tạo cho tiếng thơ tình của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại một phong vị đặc sắc, mang phong cách riêng và đậm đà bản sắc văn hóa của người miền núi.