Giọng điệu trong truyện ngắn Lê Minh Khuê

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn lê minh khuê (qua hai tập nhiệt đới gió mùa và làn gió chảy qua) (Trang 84 - 85)

7. Cấu trúc

3.3. Giọng điệu trong truyện ngắn Lê Minh Khuê

Trong nghệ thuật tự sự, bên cạnh hình tượng người kể chuyện được thể hiện qua các ngôi kể, gắn với các điểm nhìn thì giọng điệu cũng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhân vật và tạo nên phong cách của nhà văn bởi đó là một hiện tượng nghệ thuật mang tính cá nhân cao độ, một phương diện cơ bản tạo nên hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Giọng điệu không chỉ có vai trò liên kết các yếu tố hình thức của tác phẩm tạo thành một âm hưởng, một tiếng nói với nhiều cấp độ mà nó còn biểu thị thái độ, cảm xúc, tư thế và tình cảm của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật. M.B.Khrapchencô cho rằng: “Một nhà văn tài năng bao giờ cũng tạo ra cho mình một giọng điệu riêng, độc đáo và “đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường và giọng điệu nhất định đối với đối tượng sáng tác… Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể

thống nhất hoàn chỉnh.” [38, tr167-168.]. Khi trần thuật, tác giả tạo ra những sắc thái

giọng điệu khác nhau, hay đó chính là “tính đa thanh trong giọng điệu” theo cách gọi của M.Bakhtin. Theo cách hiểu như trên, tìm hiểu giọng điệu nói chung và giọng điệu trần thuật của thể loại tự sự nói riêng là nhằm tìm hiểu ngôn ngữ chủ thể, cách nói của chủ thể về vấn đề được nói đến và đối tượng mà lời văn muốn nhắm đến.

Kết quả khảo sát 26 truyện trong 2 tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê, chúng tôi nhận thấy giọng điệu trần thuật được thể hiện dưới nhiều “giọng” khác nhau tạo nên một sự phong phú, đa dạng của các giọng kể. Giọng của tác giả khi thì hòa lẫn với giọng nhân vật, khi lại hóa thân vào nhân vật thể hiện tinh thần tính đối thoại, tranh biện; khi lại lạnh lùng, tửng tưng như đứng ngoài cuộc nhưng “biết tất cả” để triết lý và bình luận. Lê Minh Khuê dường như trao ngòi bút cho nhân vật để tự nó nói lên giọng điệu đa thanh của mình. Nổi bật trong truyện ngắn của Lê Minh Khuê là các giọng điệu trần thuật cơ bản sau: giọng suy tư, triết lý; giọng trữ tình, lãng mạn,

ngợi ca và giọng mỉa mai, châm biếm, hài hước. Tuy nhiên, sự biểu hiện của các

giọng điệu chủ yếu trên cũng có sự đan cài, chuyển chỗ một cách khá linh hoạt trong các tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn lê minh khuê (qua hai tập nhiệt đới gió mùa và làn gió chảy qua) (Trang 84 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)