Người kể chuyện ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn lê minh khuê (qua hai tập nhiệt đới gió mùa và làn gió chảy qua) (Trang 66 - 70)

7. Cấu trúc

3.1.1. Người kể chuyện ngôi thứ nhất

Như đã giới thuyết, truyện kể ở ngôi thứ nhất tương ứng với việc sử dụng trong văn bản các đại từ nhân xưng ngôi 1 - số ít: tôi, ta, tao, mình; số nhiều: chúng tôi, chúng ta, chúng tao, chúng mình… hoặc trực tiếp xưng tên họ mình. Hay nói cách khác, nếu người kể chuyện tham gia vào câu chuyện thì chuyện được kể ở ngôi thứ nhất. Các sự kiện được kể theo điểm nhìn của người kể chuyện, chính họ sẽ bình luận các sự việc ấy. Người kể chuyện có thể là nhân vật chính hoặc là nhân vật phụ đóng vai trò nhân chứng và chỉ kể lại những gì mình nhìn thấy và nghe thấy.

Trong 26 truyện ngắn chúng tôi tiến hành khảo sát, chỉ có truyện Thằng Tony về chơi (trong tập Làn gió chảy qua) là được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể chuyện xưng tôi là nhân vật chính đóng vai trò tự kể chuyện của mình, kể những gì liên quan đến mình. Truyện ngắn này có sự đan xen giữa các sự kiện, tình tiết và cả những dòng cảm xúc về đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người. Nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện về những biến cố trong gia đình mình theo dòng chảy của hồi ức. Mở đầu tác phẩm là hồi ức về bà nội: “Bà nội tôi khi về nhà chồng ở phía Nam mới ngoài bốn mươi tuổi kéo theo một bầy con. Nhếch nhác. Một xu không có. Kiểu gia đình cán bộ ngoài Bắc quanh năm nhớn nhác phiếu mì phiếu gạo. Bà lớn lên trong một gia đình đại nho, là con út. Cả nhà phía đó từng có người bị bắn có người đau khổ treo cổ tự tử. Cửa nhà tan nát theo nghĩa đen. Bà lại theo cách mạng một lòng thực tâm thành kính nhiều lần giảng bài ngất xỉu vì đói. Cả nhà hay ngồi chuyện tào lao, chuyện bên thẳng bên thua, chuyện người ta hành xử với nhau kỳ thị như người khác giống…Bà thường bảo tôi đi chỗ khác ngồi đấy làm gì nghe mấy chuyện linh tinh rồi thành ông cụ non. Bà nội là cô giáo dạy vật lý. Nhưng chuyện xã hội là

thứ được bà để tâm nhất. Hay thắng trong các cuộc tranh luận ở nhà.” [40, tr.106].

Nhân vật “tôi” là người “tò mò, hay để tâm đến mọi chuyện” lại là “cháu đích tôn” trong gia đình nên mọi biến cố trong gia đình đều khiến nhân vật “tôi” lưu tâm, ghi nhớ. Đây là lý do, tác phẩm có nhiều chi tiết kể về các sự kiện đan xen nhau theo tuyến thời gian từ quá khứ tới hiện tại và từ hiện tại trở về quá khứ. Những biến cố của gia đình trong chiến tranh cho tới khi giải phóng và lúc hòa bình lập lại được nhân vật tôi kể lại một cách tỉ mỉ, chi tiết.

Sau dòng hồi ức về bà nội, nhân vật tôi lái sang câu chuyện gây sốt của gia đình có liên quan đến người cô ruột - Cô Đin: “Cuối năm nay nhà có chuyện gây sốt. Cô Đin lại về. Mấy năm trước cô về một mình. Mỗi lần về cô điên một kiểu. Cô làm

cả nhà phát khiếp mà việc chả đi đến đâu. Cô vẫn không ký vào hồ sơ bán nhà”. [40,

tr. 106]. Cô Đin là một nạn nhân sâu đậm của cuộc chiến tranh mà theo lời của người kể chuyện thì chính “Chiến tranh đã xua đuổi cô khỏi kỷ niệm, khỏi ký ức, khỏi êm đềm gia đình. Cô cũng nổi nênh như hàng triệu người con Việt Nam tung ra khắp

hành tinh”. [40, tr. 119]. Những uẩn ức trong suy nghĩ, những căm hờn trong tình

cảm, những bế tắc và dữ dằn trong hành động của cô đều có nguyên nhân sâu xa từ những biến cố do chiến tranh gây ra. Cô thù hận và căm hờn chính những người thân trong gia đình, dòng họ mình và muốn “trả thù” họ (nhưng cũng tự làm khổ mình) theo cách riêng của cô.

Trong truyện ngắn này, nhà văn cũng để cho nhân vật Đin tự xưng “tui” và bày tỏ những bức bối, uất nghẹn trong lòng mình khi nhớ về những biến cố của gia đình: “Đây là thư viện cha tui đọc sách. Đây là chỗ để cây piano của mẹ tui. Đây này. Chỗ này trưa hè cả nhà lăn trên sàn mát lạnh. Đây nữa. Đây nữa… Người ta

đang ở ấm đang yên bề mọi việc các bác đùng đùng kéo về. Giải phóng cái chi? Tui cần chi bác giải phóng tui? Giải phóng xong rồi bác cho tui cái chi? Mẹ tui phải chạy vô Sài Gòn rồi theo tàu qua Mỹ may mà cá mập nó tha. Ba tui không lên được tàu chui như chó ghẻ hết nơi này đến nơi kia cuối cùng kẹt lại cuối cùng vượt biên hai lần hai lần vào từ để sau rốt ba tui không muốn đi nữa… Má tui qua Mỹ phải nuôi bầy con phải cặp với ông Mỹ ba tui giận không qua nữa. Đâu phải lỗi của má? Lỗi ở mấy người. Mấy người ở đâu kéo cả đoàn về dơ cả nhà của tổ tiên. Một lũ trông như ăn mày… Tui kinh quá tui còn nhỏ tuổi mà phải ngồi co ro trong góc thuyền một tháng trời. Tui qua với má tui. Tui cũng muốn ký muốn bán nhà nhưng chắc các người phá hỏng mọi việc tui găm đó. Tui không ký. Để mấy người chui rúc

cho hợp với các người. Bọn cái bang dơ dáy” [40, tr.109-110]. Chính từ lối kể

chuyện sử dụng ngôi thứ nhất này, thay vì lấy tình tiết làm trọng tâm, Lê Minh Khuê đã giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được đời sống nội tâm vô cùng phong phú của nhân vật qua giọng điệu kể chuyện trầm buồn, suy tư và từng trải. Các thiên truyện của bà cũng vì thế mà có điểm nhấn và có sức lay động độc giả hơn.

Đọc tác phẩm, chúng ta thấy người kể không chỉ đơn thuần đóng vai trò kể mà còn là dựa vào điểm nhìn chủ quan của bản thân để hóa thân thành nhân vật với những biểu hiện, suy nghĩ, tình cảm, quan niệm, ngôn ngữ, giọng điệu của một con người cụ thể. Vì thế, câu chuyện không chỉ lôi cuốn sự chú ý của người đọc theo dòng sự kiện mà còn lôi cuốn người đọc vào cả lời kể, cách kể. Nhờ thế đã tạo ra hai hiệu quả: tạo ra ảo giác ở độc giả về tính khách quan của nội dung câu chuyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan của người kể chuyện. Chẳng hạn: “Tôi chở Tomy qua bên cầu. Gọi mấy thằng bạn. Cả bọn ngồi ở quán cà phê bên sông. Tomy thích chè bắp phải gọi sang quán chè mang cho nó hai lượt. Tomy kể cái phim bom tấn nó mới xem chưa kịp sang Việt nam bảo vui lắm. Phim này có một dàn sang hành động đóng chung coi rất đã. Có một phim cũng buồn cười. Một xác sống đẹp trai yêu một cô còn sống. Rồi xác sống có cơ trở lại làm người. Vui ghê… Mấy thằng bạn tôi nói chuyện bóng đá. Chúng tôi vạch kế hoạch đi chơi về phía biển. Tomy bảo về Việt nam vui ghê. Tôi thích Tomy nói “về Việt Nam”. Không như cô Đin. Cô nói “đi Việt Nam”.

Xa lạ như cô không sinh ra ở đây” [40, tr.118].

Tôi thực tình có háo hức cái vụ được xem cô chửi rủa đập phá như năm

ngoái còn không mong cô ký cót gì cả. Ở nhà cổ thế này vẫn thích hơn. Cô Đin những lúc la hét đó trông như hòn than. Mặt đỏ rực. Tay chân run lẩy bẩy. Cô không diễn.

Cô thật. Thành ra xem rất khoái” [40, tr.116].

Rõ ràng, đọc tác phẩm này chúng ta dễ nhận thấy nhân vật “tôi” là một chàng thanh niên rất tò mò, am tường và khắc ghi rất sâu mọi chuyện trong gia đình. Nhưng hơn hết, qua ngôn ngữ của người kể chuyện ngôi thứ nhất, nhân vật tôi cũng hiện lên là một thanh niên trong sáng, tinh nghịch và giàu tình cảm. So sánh với một số tác

phẩm khác của Lê Minh Khuê, chúng tôi thấy một điều thú vị đó là: Người kể chuyện xưng “tôi” trong tác phẩm của Lê Minh Khuê không phải là cái “tôi” tự truyện mà thường là cái “tôi” đội lốt. Có nghĩa là cái tôi là một nhân vật trong truyện chứ không đồng nhất với hình bóng của tác giả, cũng không phải là sự phân thân của cái “tôi” nào đó. Hay nói cách khác, người kể chuyện ngôi thứ nhất trong truyện ngắn của Lê Minh Khuê thường có tính độc lập với tác giả bởi người kể chuyện được xây dựng khác nhau ở các truyện khác nhau. Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất này xuất hiện nhiều ở những tác phẩm thời kì đầu và giảm dần ở các tác phẩm gần đây của bà.

Như vậy, trong truyện ngắn Thằng Tomy về chơi, người kể chuyện không chỉ đóng vai trò người dẫn chuyện mà còn trực tiếp tham gia vào các sự kiện, tình huống trong truyện. Người kể chuyện vừa là người quan sát, cảm nhận và kể lại những điều nhìn thấy hoặc nghe thấy được. Từ đó, gợi cho người đọc cảm giác tin tưởng về tính chân thật của câu chuyện, đồng thời gián tiếp thừa nhận rằng những câu chuyện được kể lại xuất phát từ cảm nhận của cá nhân người kể. Người kể chuyện trong truyện ngắn này sau khi giới thiệu hoàn cảnh trần thuật của mình thì đóng vai trò là người kể chuyện từ cả điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong. Vì thế, tính cách, phẩm chất của các nhân vật vừa hiện lên thông qua sự miêu tả khách quan ngoại hình, hành động, lời nói trong mối quan hệ với các nhân vật khác vừa có cả sự “tự bộc lộ” của chính nhân vật. Câu chuyện được kể ở đan xen giữa thì quá khứ và thì hiện tại. Do đó, bên cạnh các dòng sự kiện còn có những đoạn thể hiện cảm xúc, tâm trạng và sự hồi cố của nhân vật. Lời kể lúc này không chỉ là lời tả mà còn chứa đựng cả những quan niệm và đánh giá của chính người kể chuyện. Chính cách lựa chọn người kể chuyện ngôi thứ nhất như trên đã tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm.

Thông thường có hai loại người kể chuyện ngôi thứ nhất: một là kiểu người kể chuyện ngôi “tôi” trùng khít hoàn toàn với nhân vật chính của sự việc, hai là người kể chuyện chỉ là nhân chứng, người đồng hành kể lại câu chuyện của nhân vật chính. So sánh hai tập truyện này với các sáng tác khác của Lê Minh Khuê chúng tôi thấy, trong sáng tác của bà có cả hai loại người kể chuyện ngôi thứ nhất này. Tuy vậy, kiểu người kể chuyện cách xa tiêu điểm được bà ưa dùng hơn cả bởi nó có một độ gián cách nhất định với bản thân câu chuyện chính nên sẽ tạo tính khách quan cao hơn. Nhiều truyện ngắn của bà xuất hiện người kể chuyện xưng “tôi” song họ không kể câu chuyện của mình mà là của một người khác, hoặc vừa kể chuyện mình vừa kể chuyện người khác. Trong truyện ngắn Thằng Tomy về chơi, người kể chuyện tự soi chiếu vào mình và đồng thời cũng phóng tầm nhìn để soi chiếu sang những nhân vật khác (bà nội, cô Đin, ông Trình, thằng Tomy, ba, cô Hiền). Đây cũng chính là “chất xúc tác” góp phần làm bộc lộ tính cách của các nhân vật và làm cho tác phẩm không nhàm chán mà trở nên phong phú, sống động hơn. Đồng thời, thông qua kiểu nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”, Lê Minh Khuê cũng đã phát huy được hết thế mạnh

của mình khi thể hiện thành công quan điểm cá nhân cũng như tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn lê minh khuê (qua hai tập nhiệt đới gió mùa và làn gió chảy qua) (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)