7. Cấu trúc
3.2.1. Ngôn ngữ giàu tính đối thoại, triết lý
Đối thoại thường được hiểu là là lời giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như là phản ứng đáp lại lời nói trước tuy nhiên cần lưu ý đối thoại trong tác phẩm văn học khác hoàn toàn với đối thoại thông thường. Trong tác phẩm văn học, đặc biệt là tác phẩm tự sự, đối thoại được coi là một phương tiện mà nhà văn sử dụng nhằm để khám phá hiện thực cuộc sống.
Mỗi tác phẩm văn học đều được tạo nên từ chất liệu ngôn từ nhưng ngôn từ ấy được tổ chức, xử lý như thế nào để truyền tải được thông điệp của tác phẩm một cách trọn vẹn thì hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của mỗi nhà văn. Đọc truyện ngắn Lê Minh Khuê đặc biệt là những tác phẩm viết sau năm 1975 và các sáng tác trong thời gian gần đây, người đọc bị cuốn vào những đối thoại với lớp ngôn ngữ sắc sảo, đúng như Hồ Anh Thái đã nhận xét “Lê Minh Khuê khéo viết đối thoại. Gọn gàng, chắc chắn, hiếm khi thừa lời và có ấn tượng”.
Chúng tôi cho rằng, ngôn ngữ trong truyện ngắn Lê Minh Khuê rất giàu tính đối thoại. Điều này không chỉ được thể hiện trực tiếp qua những đoạn đối thoại (ngôn ngữ đối thoại) của nhân vật - một phương tiện khắc họa tính cách, bộc lộ nội tâm nhân vật mà đó còn là thứ ngôn ngữ mang đậm tính chất tranh luận, trao đổi, chất vấn giữa các luồng quan điểm, luồng ý kiến giữa các nhân vật với nhau, giữa nhân vật với độc giả hoặc trong chính con người một nhân vật.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp thứ ngôn ngữ giàu tính đối thoại, triết lý trong hầu hết các truyện ngắn của Lê Minh Khuê: Trong tập truyện Nhiệt đới gió mùa: Nhiệt đới gió mùa, Chuyện bếp núc, Đồ cũ, Một mình, Nghĩ ngợi quẩn quanh, Ngày còn dài, Sống chậm, Ráp Việt.
Trong tập truyệnLàn gió chảy qua: Nhà cổ, Giưa chiều lạnh, Linh kiện điện tử, Một chút biển, Thằng Tommy về chơi, Căn nhà đơn chiếc, Những ngày nghĩa hiệp, Giữa hai đứa trai, Sương hồng, Làn gió chảy qua.
Nhận xét về ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Lê Minh Khuê, có tác giả cho rằng nhà văn chọn lọc lời thoại đạt tới mức độ cao trong cá thể hóa tính cách nhân vật và bộc lộ nội tâm nhân vật. Những đối thoại trong truyện Lê Minh Khuê có khi chỉ là những mẩu nhỏ, cô đọng, lược bỏ hết các thành phần phụ và các yếu tố rườm rà. Lời đối thoại hiện lên rất tự nhiên như những đối thoại trong cuộc sống đời
thường. Qua đối thoại mà đặc điểm, tính cách, nội tâm của các nhân vật dần dần được bộc lộ:
Chẳng hạn trong truyện ngắn Xe camry ba chấm, tính cách quê mùa những cô gái kệch cỡm học làm sang đã hiện lên qua những lời đối thoại sau: “ - Vâng, I yêm ra đây! - Đi cuôi tí thôi. Thăm quan mà có mần chi mô! - Đi thôi mịa. Chuyện mô vo
đúa đừng lua!...” [39, tr. 106]. Hay thái độ khi thì bực tức, phẫn nộ khi thì chưng
hửng của Tuyền; tính cách nhút nhát, ngây thơ của Cát cũng được thể hiện rõ qua ngôn ngữ đối thoại ngắn gọn, đầy cảm xúc: “- Sao thế anh ơi! - Chả sao cả! Mẹ! Chó
má! - Cái anh này. Dở hơi chưa?” [39, tr. 108], “Con Cát hỏi: - Họ báo số gì thế hả
anh? - Thời tiết. Đường sá. - Còn chữ gì xanh xanh kia? - Cái đó báo nồng độ chì trong không khí. Báo các thứ độc hại mà mình đang hít vào. - Hay nhỉ! Thế báo để làm gì? - Ừ nhỉ! Báo để làm gì? - Hả anh? Báo khí độc để làm gì? - Chả làm gì cả!
Hỏi lắm thế! Im đi!” [39, tr. 114-115].
Trong các truyện ngắn khác của Lê Minh Khuê, người đọc còn bắt gặp nhiều đoạn đối thoại rất sinh động, chất chứa nhiều nỗi niềm của nhân vật. Chẳng hạn như những đối thoại liên tiếp giữa Bảo và bố trong truyện ngắn Nước trong: “Sao nhà mình nghèo mãi? - Biết được à? - Sao bố không đi học đại học? - Bố thì…Cứ nói như
người ở cõi nào ấy… - Phải đấy. Có lẽ bố không ở này lâu!” [39, tr.123] đã thể hiện
được tâm lí băn khoăn, trăn trở trong tâm hồn của một cô bé mới lớn ngây thơ, trong sáng nhưng cũng rất mực nhạy cảm trước cuộc sống.
Theo nghiên cứu của một số tác giả, trong các truyện ngắn của Lê Minh Khuê sáng tác ở giai đoạn sau 1975, đối thoại chiếm tỉ lệ khoảng 70% thì kết quả khảo sát của chúng tôi trong 25 truyện ngắn của 2 tập truyện này cho thấy tỉ lệ đối thoại của nhân vật được thể hiện rõ ràng về hình thức (sau dấu -) chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 10%/ tác phẩm). Và điều thú vị trong hai tập truyện ngắn này là tính chất đối thoại đậm đặc ngay trong ngôn ngữ lời kể chuyện. Lời thoại, lời kể dường như hòa trộn vào nhau. Trong 2 tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê, chúng ta đều có thể dễ dàng tìm thấy những đoạn văn có đặc điểm này. Trong truyện ngắn Linh kiện điện tử, tính chất đối thoại được thể hiện ở ngay những đoạn đầu của tác phẩm: “Vẻ đẹp của vợ làm Phúc tức giận vì nó chả làm gì cho nỗi đau của Phúc chấm dứt. Đẹp như trêu ngươi như cười nhạo ông hả con kia! Phúc đã có ngôn ngữ của cánh đàn ông cùng làm ăn ngoài ngã ba đường. Một cái tát nữa sang má bên kia của Mây. Mây cúi xuống. Cũng không hẳn vì đau… Phúc nghiến răng: Thưa bà tôi xin kính cẩn lậy bà. Rời tay thằng này thì lấy cứt đổ vào mồm cả lũ. Không lấy nước thì quỳ xuống liếm chân cho bố mày. Mây khóc. Em chưa kịp đi lấy nước cho anh không phải em không lấy! Kệ mẹ mày cúi xuống liếm chân cho ông! Người đàn bà đứng im. Đứa con trai mười hai tuổi nhìn mẹ khích lệ: mẹ đừng sợ! Nó không hiểu sao bố nó, từ một người
vui vẻ chỉ hay nói tục hay hút thuốc phun khói um nhà bỗng nhiên trở nên dữ tợn. Chỉ vài tuần nay. Bố bỏ nhà máy sắm xe đi chở khách cũng chả giải thích gì sất tối mịt
mới về nằm dài ngủ trên giường sếp. Mẹ càng rón rén ra vào bố càng tức giận”. [40,
tr.45]. Tính chất đối thoại nổi lên qua sự “đối đầu”, tranh luận giữa hai luồng quan điểm, hai luồng suy nghĩ, hai cách hành xử giữa hai vợ chồng (Mây nhẫn nhịn, tảo tần và Phúc dữ tợn, chao chát), giữa bố và các con (Phúc nổi giận vô cớ và Đức, Hạnh ngây thơ, nhạy cảm) hay giữa hai dì cháu Nhi trong truyện ngắn Sương hồng:
“Này. Dì không đi nữa đâu! Sao ạ. Dịp này thuận tiện mà dì. Tháng sau lại mưa. Dì
không gặp ông Nghĩa nữa. Đừng nói với ông ấy là dì ở đây. Sao thế. Không sao đâu nhưng dì không đi nữa! Thằng cháu sốc. Bỏ điện thoại xuống. Lát sau nó gọi lại. Phải có lý do chứ dì!. Không có lý do gì đâu. Nhưng cứ để mọi chuyện thế. Không có gì là khó hiểu với cháu cả. Chỉ biết là dì không thích đi nữa… Đừng đón dì… Nhớ
đừng nói với ông Nghĩa về dì” [40, tr.187].
Các sự kiện, những câu chuyện của thực tại thông thường chỉ đóng vai trò “chiếc kẹp” liên kết các đối thoại tạo nên một văn bản thống nhất. Đây là thế giới của những chủ thể với tiếng nói độc lập - thế giới đa âm. Điều ấy khiến kết cấu của tiểu thuyết phức điệu (đa âm) khác hoàn toàn với kết cấu tiểu thuyết đơn âm (hay độc thoại). Đó là một văn bản không hoàn kết vì trong thế giới đối thoại không có tiếng nói cuối cùng, văn bản kết thúc ở bình diện vật thể - chữ cuối cùng, dấu chấm hết cho một cuốn sách, nhưng những cuộc đối thoại thì vẫn tiếp tục, tiểu thuyết như vậy là “tác phẩm mở”. Lê Minh Khuê rất ưa kết thúc tác phẩm bằng những câu hỏi, chẳng hạn cái kết trong các truyện ngắn: Nhiệt đới gió mùa, Bốn người, Cuối chiều, Giữa hai đứa trai, Sống chậm… chính là những câu hỏi có tính chất đối thoại không chỉ với nhân vật mà với chính độc giả “Sáu năm trong cuộc đời ngắn ngủi của con người.
Đâu có ít?” [39, tr.97], “Một người như anh Biên đâu có dễ tìm” [40, tr.238], “Thằng
Nghĩa đột ngột giậm chân tiến đến sát gã đàn ông. Nó nhìn tận mặt gã kia. Rồi cái giọng non tơ trong trẻo thường ngày của nó bỗng như khàn đục. Nó nói như rít lên. - Sao mà ông sống được? Làm những việc đó xong mà ông còn dám sống ông còn dám
đi dám nhìn. Sao thế?” [40, tr.223], “Ngoài kia là thành phố rì rầm hung dữ với mỏng
manh con người. Chú thợ nhìn đôi vai người đàn ông tốt bụng. Tựa vào vai đâu đó có
thể chỉ là người đàn bà?” [40, tr.167], “Tường lặng im tính toán. Bên kia bàn người
bàn bà qua chiến tranh mang ký ức bao nhiêu lãng mạn. Người trẻ nhìn người già.
Bất lực. Thì cái xứ mình nó đã ra nông nỗi như vậy biết kêu ai?” [39, tr.234]. Những
câu hỏi khiến người ta phải suy nghĩ, phải tự “đối thoại” để tìm ra câu trả lời cho lẽ sống của chính mình.
Như vậy, trong truyện ngắn Lê Minh Khuê, ngôn ngữ giàu tính đối thoại không chỉ là một phương tiện giúp nhà văn dựng lên hình ảnh các nhân vật dường như đang hành động, ứng xử trước mắt người đọc mà nó còn giúp cho hiện thực cuộc
sống được mổ xẻ, soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau, được nhìn nhận từ nhiều luồng quan điểm khác nhau.
Ngôn ngữ giàu tính triết lý xuất hiện khá phổ biến và cũng là một nét nổi bật trong nghệ thuật tự sự của nữ nhà văn tài năng và bảnh lĩnh Lê Minh Khuê. Nhiều truyện ngắn trong hai tập truyện của bà đều ẩn chứa những suy tư, chiêm nghiệm về mình, về người, về cuộc đời. Ta dễ dàng bắt gặp trong truyện ngắn của bà những câu văn hàm súc, sâu sắc như những triết lý sống: “Buổi chiều đó ngắn như giấc mơ. Lại
dài với năm mươi năm sau đó”, “kết hôn vì sống một mình mãi cũng kỳ kỳ”. 40,
tr.81], “Thực ra người ta cũng chả phải nguội từ tim gan nguội ra. Người nghợm bao
giờ chả xưa như trái đất.” [39, tr.142]. Nhiệt đới gió mùa là truyện ngắn chứa đựng
rất nhiều đoạn văn mang tính triết lý về chiến tranh và thân phận con người: “Vì sao người ta vẫn quyết định cái trận thứ hai khi trận đầu máu còn chưa khô trên các bức tường thành phố. Phải là máu trong những con tim người mẹ chảy ra cho cuộc chiến qua những đứa con mới thật sự đau xót. Cuộc chiến chỉ tính nó là thắng lợi là chiến thuật là đấu trí mất ai đong đếm máu người mấy ai nhòm ngó đến nỗi đau nhỏ nhoi
cụ thể?”. [39, tr.36], “Mẹ, sự dịu dàng sau chót, tình yêu còn lại qua cả chiến cuộc
làm một gã giết người hy vọng còn được sống lạ một cuộc đời khác”. [39, tr.60],
“Hiếu muốn phong nếm cảm giác bị quên lãng. Nó kinh khủng hơn cái chết”. [39,
tr.76]. Trong truyện ngắn Thằng Tomy về chơi, ta cũng bắt gặp những câu triết lý thấm thía về chiến tranh: “Chiến tranh đã xua đuổi cô khỏi kỷ niệm khỏi ký ức khỏi êm đềm gia đình. Cô cũng nổi nênh như hàng triệu con người Việt Nam tung ra khắp
hành tinh.” [40, tr.119].
Việc sử dụng lớp ngôn ngữ giàu tính đối thoại, triết lý không chỉ giúp nhà văn tạo ra tính mạch lạc về nội dung, giúp khắc họa tính cách, nội tâm nhân vật mà qua đó nhà văn còn gửi gắm kín đáo những thông điệp nghệ thuật, quan niệm và tư tưởng của chính mình về các vấn đề của đời sống.