7. Cấu trúc
3.1.2. Người kể chuyện ngôi thứ ba
Theo lí thuyết hội thoại, ngôi thứ ba là đối tượng được nói tới, nó có thể do cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai qui chiếu. Ngôi thứ ba này không thể ở vị trí phát hay nhận thông tin mà chỉ có thể là chủ thể của hành vi được kể lại (là chủ ngữ trong câu) chứ không thể là chủ thể của lời nói. Khác với người kể chuyện ngôi thứ nhất, người kể chuyện ngôi thứ ba không tham gia vào hành động câu chuyện mà chỉ đứng ngoài thế giới của hành động, đứng ngoài quan sát, chứng kiến, nhận xét, bình luận. Truyện kể ngôi ba tương ứng với các đại từ nhân xưng: nó, thằng, anh ta, bà ấy, ông ấy… hoặc gọi thẳng tên, gọi biệt danh, tục danh. Nói cách khác, người kể chuyện giữ một khoảng cách tương đối với câu chuyện được nhắc đến nhưng nó lại ẩn chứ không lộ diện rõ ràng như ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba không phải là tiêu chí quan trọng nhất, duy nhất xác định đặc trưng bản chất của truyện kể ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba mà còn phải căn cứ vào ngôn ngữ và đặc biệt là điểm nhìn của người kể chuyện. Căn cứ vào điểm nhìn, sẽ có hai loại chính: người kể chuyện đứng ngoài các sự vật, trình bày chúng không có bình luận; người kể chuyện chứng tỏ sự hiện diện của mình qua những đánh giá hoặc bình luận hay đó là người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn nhân vật và người kể
chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn của chính mình.
Có thể nói sự xuất hiện của người kể chuyện ngôi thứ ba đã làm đa dạng và chủ động hóa, linh hoạt hóa thêm lối trần thuật của văn xuôi tự sự. Ngôi kể thứ ba này được Lê Minh Khuê sử dụng khá phổ biến bởi nó góp phần gia tăng tính nghệ thuật cho câu chuyện. Tác giả sẽ có thêm nhiều vùng đất “trống” để thể hiện những lối tu từ nghệ thuật, thêm những đoạn trữ tình ngoại đề, những câu bình luận triết lí sắc sảo hay những cách nói châm biếm, hài hước.
Khảo sát 26 truyện ngắn trong hai tập truyện của Lê Minh Khuê, chúng tôi thấy có 10/26 tác phẩm người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ ba. Để làm rõ hơn về người kể chuyện ngôi thứ ba chúng tôi tiến hành khảo sát kỹ hơn và phân loại thành hai loại như trên. Đó là: người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn của chính mình
và người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn nhân vật.
Chúng tôi khảo sát được 8/26 truyện ngắn có người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn của chính mình. Kết quả cụ thể trong từng tập truyện như sau: Tập truyện
Nhiệt đới gió mùa: Xe Camry ba chấm, Nghĩ ngợi quẩn quanh, Chuyện bếp núc,
Trên đường đê, Ngày còn dài, ráp Việt (6 truyện); Tập truyện Làn gió chảy qua:
Một chút tháng tư, Cuối chiều (2 truyện).
Người kể chuyện ngôi thứ ba không tự mình trực tiếp tham gia vào các diễn biến của câu chuyện mà dường như đứng kín đáo ở một chỗ nào đó và là người thấy
hết, biết hết, thậm chí chứng kiến hết mọi sự việc xảy ra, đóng vai trò là người toàn năng để kể lại một cách khách quan, điềm đạm, thấu đáo. Trong truyện ngắn Xe Camry ba chấm, với cái nhìn khách quan, người kể chuyện tỏ ra am tường mọi sự thay đổi của đời sống kinh tế thị trường tại ngôi làng nhỏ có tiềm năng về du lịch suối khoáng - Làng Ngẳng. Tác giả kể lại câu chuyện theo điểm nhìn kèm theo những đánh giá của chính mình thông qua những lời dẫn nhập và kể chuyện quen thuộc:
“Vùng này có cái tên cực kỳ buồn cười. Làng Ngẳng. Chả có tích gì từ xưa truyền lại.
Con cháu bây giờ ngôn từ loạn xạ mỗi ngày một thứ chữ mới còn chữ gì cũ cũ thì bỏ không đoái hoài. Nên làng Ngẳng cũng có thể là chữ mới toe.
Bây giờ ít ai gọi con phe chỉ giới doanh nhân. Không ai còn tải từ trong Nam
ra tiếng hết sảy. Đẹp dễ sợ người ta quên từ khuya. Những từ ngữ phát sinh ra sau
ngày “miền Nam nhận họ miền Bắc nhận hàng” ấy một thời làm người ta bắt đầu hiểu về nhau và xích lại gần hơn bất chấp các thứ rào cản nọ kia chia cắt.
Đám thợ xây hồ làng Ngẳng ra phố ra tỉnh làm ăn về làng rinh theo đủ thử. Bệnh càng ngày càng lạ khó chữa khó lường. Thói hư vô thiên lủng. Bọn này ngồi
luận cái tên Ngẳng của làng nghe lạnh sống lưng” [39, tr.99].
Rõ ràng đoạn trích mở đầu truyện ngắn Xe Camry ba chấm được kể theo ngôi thứ ba nhưng không kể theo điểm nhìn của nhân vật nào mà ẩn chưa trong đó quan điểm, thái độ, cách đánh giá của chính người kể với hiện thực được nói đến trong tác phẩm: “Làng sôi lên như chảo dầu trăm ngàn độ. Làng Ngẳng. Tên nghe vui tai giờ
kêu ngăng ngẳng như bị chọc tiết” [39, tr.101].
Người kể chuyện trong tác phẩm này còn tỏ ra am hiểu tường tận mọi hành động, tình cảm, suy tính của nhân vật, chẳng hạn như nhân vật thằng Tuyền hay Lão Bòng:
“Thằng Tuyền cũng đào ở đầu hồi cái giếng lấy nước khoáng tắm. Vừa tắm nó vừa nghĩ
sâu xa. Nó đi làm ăn xa ít lâu nó biết ngửi mùi nước khoáng thể nào dân lắm tiền cũng
sẽ bâu đến như ruồi ngửi hơi mật. Có dễ làng sẽ biến thành cái hố rác”. [39, tr.100];
“Lão Bòng đang định xây nhà. Thằng con lão gửi tiền từ Malai về. Đất vườn bát ngát
tiền thì dư dả như người ta làm lấy cái nhà cho môn ra khoai lão không nghe nhất quyết
mái bằng cho kịp dân thị tứ” [39, tr.100].
Cũng trong tác phẩm này, chúng ta thấy người kể chuyện ngôi ba đứng ở một nơi nào đó khá gần với nhân vật mà quan sát, phân tích, thấu hiểu từng hành động, cử chỉ, thái độ của nhân vật. Người kể chuyện kể về thằng Tuyền với những nỗi niềm sâu kín trong suy nghĩ của nhân vật: “Nghĩ rồi buồn, Nó đến nhà con Cát ngồi nhìn con Cát đang cắt áo cho khách… Lên tiên luôn! Tuyền cứ nhìn con bạn gái thơm tho chưa biết mùi phố xá ấy mà sợ. Rồi đây bọn ruồi nhặng nó vo ve đến làm sao còn
được ngon mắt còn được thơm mùi sữa…” [39, tr.101], “Tuyền im lìm. Chả hiểu nên
buồn hay nên vui vì con mẹ kia thoát chết. Cái con mẹ đầu têu mang xe ủi về lấy đất
thực hiện tốt vai trò dẫn dắt câu chuyện và giới thiệu với người đọc: Ai làm? Làm cái gì? Lúc nào? Người đó ra sao?...
Trong truyện ngắn Nghĩ ngợi quẩn quanh, Lê Minh Khuê cũng vẫn dành nhiều trang văn cho ngôi kể thứ ba đứng ngoài nhân vật này: “Đôi mắt thằng xăm bạch tuộc kì lạ. Nó nhìn xoáy vào Hộ rồi lẩn đi. Khi cái nhìn của gã lẩn đi, Hộ thêm chột dạ. Hộ cũng còn nhớ cái nhìn ấy trong phòng xử án mấy năm trước. Cái nhìn chớp lên như
muốn lột của người ta cái gì đó rồi lại cụp xuống lẩn tránh” [39, tr. 199].
Như vậy, dễ dàng nhận thấy dù có vẻ như ở rất gần, thấu tỏ được hết mọi chuyện nhưng người kể chuyện ngôi thứ ba vẫn có vị trí quan sát ở bên ngoài thế giới nhân vật, không kể theo điểm nhìn của một nhân vật nào cả mà kể theo điểm nhìn của chính mình. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Một chút tháng tư, người kể chuyện đã tửng tưng kể lại câu chuyện về lớp luyện tiếng Đức cùng nhân vật chính của tác phẩm là thầy giáo Thanh: “Lớp tiếng Đức luyện nghe nói học năm tháng, tuần ba buổi. Nhì nhằng cũng gần kết thúc. Vào tháng tư. Toàn những kẻ cần mua chữ mua bằng đặng vào các thứ cửa cho trót lọt sau khâu “đầu tiên”. Tối thứ sáu này, buổi học cuối cùng chia tay thầy. Có ngài bây giờ mới biết tên thầy giáo. Thầy Thanh. Cái tên chung chung thế không nhớ cũng phải nhớ. Lớp có hai tám mống nhiều nơi tụ về. Nhiều
nhặn gì nhưng cũng không ai nhớ ai trừ nhóm ngồi gần nhau”. [40, tr.61].
Trong hai tập truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa và Làn gió chảy qua, chúng tôi còn thấy có kiểu người kể chuyện đứng ngoài các sự vật, trình bày sự việc mà không bình luận hay đó là người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn nhân vật. Tức là người kể chuyện đã khéo léo trao cho nhân vật nhiệm vụ kể chuyện. Người kể chuyện đã hòa vào nhân vật đến mức ta khó phân biệt được giọng kể của người kể chuyện với giọng kể của nhân vật. Và thường thì chỉ nhận thấy giọng nhân vật nổi trội hơn. Đây là một trong những yếu tố khiến cho ngòi bút của Lê Minh Khuê luôn đa dạng, linh hoạt và biến ảo. Bà không chấp nhận một cách viết sáo mòn mà ưa tạo nên những trải nghiệm sinh động, mới mẻ trên mỗi trang viết. Chính vì thế, kiểu người kể chuyện ngôi thứ ba “tựa vào điểm nhìn nhân vật để kể” được bà ưa dùng hơn cả.
Trong truyện ngắn Một chút tháng tư, người kể chuyện đã tựa vào hành động của nhân vật Yến để kể: “Yến nhìn gã kế toán công ty trách nhiệm hữu hạn xuất thân sông nước, nghe nói quê gã không có nhà xí dù xây nhà cả tỷ cũng rủ nhau đi ỉa bờ
sông cả lũ ngồi như vượn”, “Yến lầm nhẩm cầu cho xe máy của gã kế toán nói không
chấm câu chết máy trong vũng nước cho rồi”, “Chiều thứ sáu, Yến lang thang phố cổ
tìm được chiếc cà vạt lụa, thứ không đắt mấy hợp túi tiền sinh viên. Chiếc cà vạt trong hộp dán giấy màu trông trang nhã. Yến bỏ hộp quà trong túi nghĩ tới những người học cùng lớp tiếng Đức, cảm thấy bối rối không biết mình làm thế này có lố bịch” [40, tr.70-71].
Một số truyện ngắn tiêu biểu có kiểu người kể truyện nói trên là: Tập truyện
Nhiệt đới gió mùa: Nước trong, Lãng mạn nửa mùa (2 truyện); Tập truyện Làn gió
chảy qua: Nhà cổ, Bốn người, Một chút tháng tư (3 truyện). Trong các truyện ngắn này, người kể chuyện ngôi thứ ba có vai trò là người quan sát và đưa ra những cảm nhận theo cảm nhận của nhân vật trong tác phẩm. Cũng trong truyện ngắn Một chút tháng tư nói trên, nhà văn lại dựa theo cảm nhận của thầy giáo Thanh để kể: “Thầy tiếng Đức nhìn cô học trò có đôi bàn tay tuyệt đẹp và dáng vẻ con nhà lành rất hiếm thấy. Thầy dạy nhiều quá. Gặp gỡ nhiều quá nhưng để nhớ một khuôn mặt thì có lẽ là không. Cũng như buổi học cuối này. Lần đầu tiên thầy chú ý đến một cô trong đám ăn bánh trả tiền. Thầy cười. Hết giờ rồi bao giờ chả vắng. Thôi. Bốn người ta cũng
học nhé. Để cho hết tiền của các anh chị” [40, tr.68].
Phân tích các ngữ liệu trong truyện chúng ta thấy, trước hết Yến và thầy Thanh là những nhân vật hành động, là chủ thể của hành động được kể lại, thường là chủ ngữ trong câu, thuộc về hiện thực được nói đến. Nhưng mặt khác, đọc tác phẩm này ta cũng thấy xuyên suốt câu chuyện, Yến và thầy Thanh cũng không phải là người kể chuyện xưng bằng tên riêng mà có một người nào đó nữa đang kể về họ và kể về các nhân vật khác trong truyện. Như vậy, khi nói về câu chuyện của Yến, của thầy Thanh trong mối quan hệ với các nhân vật còn lại thì phải có một người khác đóng vai trò là người “ghi biên bản, kể lại” những điều đó. Người ghi lại biên bản trong trường hợp này không ai khác chính là người kể hàm ẩn. Người kể chuyện đã ẩn đi, đứng đằng sau nhân vật và các sự kiện để kể bằng cách đẩy nhân vật ra mắt độc giả. Và vì thế, trước mắt độc giả không thấy người nói mà chỉ thấy hiện thực được trình bày.
Hay trong truyện ngắn Nhà cổ, người kể chuyện hàm ẩn đã tựa vào điểm nhìn của các nhân vật chính (Đài, Cúc) để kể lại câu chuyện trong gia đình mình. Dường như, người kể chuyện đã thâm nhập vào đời sống nội tâm của từng nhân vật để kể theo góc nhìn của mỗi nhân vật ấy: “Cái sự cố vở vẩn tầm thường làm Đài càng giận. Buổi chiều năm ngoái Đài về nhà nhìn qua cửa sổ từ vườn vào và thấy choáng. Như bị búa đạp vào trán. Đến mức lúc đó đứng như trời trồng nhìn cô vợ yêu quý cổ áo chưa cài
hết váy kéo lên tận ngực đang nằm trong tay gã hàng xóm xưa nay thân thiết” [40,
tr.9]; “Cúc sướt mướt nhưng rồi nguôi ngoai. Đài kiếm ra tiền các con đỡ khổ. Cúc mới hơn ba mươi tuổi khát khao như tuổi mới lớn khối đàn ông trẻ nhìn theo cái mông tròn vo đôi chân thẳng tắp xưa nay ở ngôi nhà cổ vùi đời vào cơm nước, con cái chả biết gì bên ngoài nên phải táp vào ông Vực có gì lạ. Đài hẹp như cái khe cửa sao không tiếc cho người khác. Nghĩ thế nên Cúc thấy nhẹ. …Nhưng đêm Cúc lật bên này bên kia mà giấc ngủ không đến ngay. Thương hai đứa. Rồi thương cả Đài. Rõ cái sự vẩn vơ mà
mình quàng vào người” [40, tr.16].
Còn trong truyện Nước trong, người kể chuyện hàm ẩn cũng đã mượn giọng của một nhân vật trong truyện để kể - nhân vật Bảo. Từ điểm nhìn của Bảo, ta hình
dung mối quan hệ giữa những nhân vật trong truyện kể với nhau như thế nào: ông bà nội, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, Vĩnh, Thanh, ông bà chủ quán cơm được nhìn từ Bảo, trong mối quan hệ với Bảo: “Cả nhà. Ông bà nội. Cha và mẹ. Thời đấy phong trào kinh tế mới xây dựng miền núi kéo tất cả lên đó khi ông nội mới mãn hạn quản thúc. Một tội gì đó thuộc sách vở thuộc chủ nghĩa thuộc các vấn đề rối tinh thời đại…Khi cả nhà đi kinh tế mới bà nội trầm lặng như đêm mỗi ngày nói không quá hai mươi từ nhưng vùng khoai hoang chứa dân tứ xứ người tù tội người nghèo khổ lại yên ổn họp hành tổ xóm không khua gươm múa đao không đe dọa không vu khống không gắp lửa bỏ tay người như ở thành phố thời ấy. Khi ông bà nội qua đời nhiều người cùng cảnh ngộ đưa tiễn. Ông bà nằm cạnh nhau trên đồi khô thoáng. Nhìn cỏ trên mộ đã thấy sạch.”. [39, tr.120-121], “Nghe cha nuôi nói về cái bếp không có lửa. Bảo vội lại gần bếp. Bếp miền núi có sẵn để nướng. Thanh lại ngồi bên chị. Hai chị em có ba bộ quần áo lành. Mặc thay nhau xem như mới”, “Cả một núi vất vả chờ ở cổng trường đại học. Bảo tết bím tóc cho em nói thì thầm vào tai Thanh. Thôi thì đi. Chị nghe nói ở thành phố có người còn mất cả cây vàng mới vào được đại học. Đi. Có chị rồi mà!”, “Bà chủ quán cơm sinh viên cao lớn tóc nhuộm vàng rực nhìn hai chị em rất kỹ. Nhìn lại bàn tay có vẻ tin được là người quán xuyến không ngại việc.”, “Tất cả những điều đó diễn ra ở quán cơm hằng ngày. Thường, Bảo tinh nhanh hơn Thanh. Cháu nội của ông đâu phải ù lì”, “Mấy hôm rồi bà chủ có vẻ trầm lặng ít nói đi. Thường nhìn trộm Bảo khi Bảo nhìn lại bà quay đi thở dài. Thấy ông chủ viên chức nhà nước ngành xã hội đoàn thể một lần đá vào chân và chủ làm bà này khuỵu xuống chới với. Hai vợ chồng cãi nhau gì đó. Bảo thấy dội lên cái tình thương như là vô lý với người đàn bà xốc vác tốt bụng kia cả đời phải sống với một kẻ chắc là vô dụng.
Nhìn tay ông ta thấy ông ta vô dụng.” [39, tr.129 -130- 131].
Với kiểu kể này, người kể chuyện đã dễ dàng nắm bắt được đời sống nội tâm của các nhân vật, dễ dàng hòa vào gia đình của Bảo và đặt từng thành viên của gia đình ấy trước độc giả mà không cần một lời giới thiệu nào. Kiểu kể này còn tạo nên ở