7. Kết cấu của luận án
1.2. Các nghiên cứu về xuất khẩu hàng công nghệ cao tại Việt Nam
Tại Việt Nam, có nhiều nghiên cứu khác nhau về xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu một số mặt hàng cụ thể nói riêng. Một số nghiên cứu điển hình được công bố trong thời gian vừa qua được phân tích dưới dây:
Trần Trung Hiếu và Phạm Thị Thanh Thủy (2010) nghiên cứu các yếu tố tác động đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên cơ sở ứng dụng mô hình trọng lực hấp dẫn. Nghiên cứu cho rằng, GDP của Việt Nam và nước nhập khẩu, khoảng cách, tỷ giá hối đoái, FDI và độ mở cửa thương mại đều ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các nghiên cứu của Đào Ngọc Tiến (2013), Nguyễn Việt Tiến và Henry (2016) về các yếu tố ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên TPP đã chỉ ra rằng các yếu tố GDP, dân số, khoảng cách giữa các nước, tỷ giá hối đoái, thuế nhập khẩu và độ mở của thương mại các nước TPP có ảnh hưởng đến xuất
khẩu của Việt Nam. Cũng sử dụng mô hình trọng lực, nghiên cứu của Phạm văn Nhớ và Vũ Thanh Hương (2014) tập trung làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ giữa Việt Nam và các nước Châu Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy dân số nước đối tác, khoảng cách về GDP, tỷ giá hối đoái, biến giả về thuộc địa có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ giữa Việt Nam và Châu Âu, tuy nhiên biến về khoảng cách địa lý và dân số của Việt Nam lại không có ảnh hưởng đến trao đổi thương mại dịch vụ giữa hai bên.
Mô hình trọng lực cũng được áp dụng rộng rãi để phân tích ảnh hưởng của các yếu tố đến xuất khẩu của một ngành, mặt hàng cụ thể. Cùng sử dụng phương pháp ước lượng FE (hiệu ứng ngẫu nhiên), Trần Thanh Long, Phan Thị Quỳnh Hoa (2015) và Phạm Thị Ngân, Nguyễn Thanh Tú (2015) nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Trần Thanh Long, Phan Thị Quỳnh Hoa (2015) cho rằng GDP của nước xuất khẩu và nhập khẩu, GDP bình quân đầu người của nước nhập khẩu, tỷ giá hối đoái và biến giả về hiệp định thương mại FTA có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam với đối tác lại không có ảnh hưởng. Ngược lại, trong nghiên cứu của Phạm Thị Ngân, Nguyễn Thanh Tú (2015), ngoài các yếu tố về GDP của 2 nước, tỷ giá hối đoái, khoảng cách địa lý giữa 2 nước lại có ảnh hưởng mạnh(-) đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ. Nghiên cứu của Trần Nhuận Kiên và Ngô Thị Mỹ (2015) đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong giai đoạn 1997-2013. Từ kết quả mô hình trọng lực, các yếu tố ảnh hưởng gồm có GDP, dân số, diện tích đất nông nghiệp, khoảng cách về kinh tế và địa lý, tỷ giá hối đoái, độ mở thương mại, WTO và FTA.
Đối với các nghiên cứu về hàng CNC, ngược lại với các nghiên cứu ở trên, hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam về xuất khẩu hàng CNC. Một vài nghiên cứu về hàng CNC có thể được tóm tắt như sau:
Trần Nhuận Kiên (2011) nghiên cứu sự chuyển biến trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ thấp (8% đối với năm 2008) và ít hơn so với nhập khẩu hàng công nghệ cao từ Trung Quốc (17,3%), đặc biệt là các sản phẩm điện, điện tử với khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2008. Tuy nhiên nghiên cứu không đi sâu nghiên cứu về xuất khẩu hàng CNC của Việt Nam mà chỉ chủ yếu mang tính so sánh thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó cóxuất khẩu hàng CNC.
Nghiên cứu của Lê Danh Vĩnh và Hồ Trung Thanh (2012) về phát triển xuất nhập khẩu nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam đã chỉ ra rằng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam ít thay đổi trong thập kỷ vừa qua. Tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, cụ thể tỷ trọng này chỉ chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009. Trong khi đó, tỷ lệ này của Trung Quốc là 35%, Thái Lan là 40%, Malaysia là 60%.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xuất khẩu hàng công nghệ cao nói riêng và nhóm hàng chế tạo nói chung tăng mạnh. Theo nghiên cứu của World Bank (2015), xuất khẩu hàng chế tạo tăng mạnh và chiếm 84% năm 2015. Những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao như điện thoại, máy tính và những linh kiện liên quan tăng từ dưới mức dưới 5% 10 năm trước đây lên mức khoảng 1/3 như hiện nay.