7. Kết cấu của luận án
2.1. Cơ sở lý luận về xuất khẩu hàng công nghệ cao
2.1.1. Một số khái niệm liên quan đến đề tài luận án
a. Khái niệm về xuất khẩu
Xuất khẩu hàng hoá là hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hoá và dịch vụ cho một quốc gia khác trên cơ sở dùng tiền tệ làm phương tiện thanh toán. Nền tảng của hoạt động xuất khẩu xuất phát từ việc khai thác những lợi thế của mỗi quốc gia về lao động, tài nguyên...
Xuất khẩu là một hoạt động cơ bản trong thương mại quốc tế. Nó đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử phát triển của xã hội và ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Hình thức sơ khai của chúng chỉ là hoạt động trao đổi hàng hoá nhưng cho đến nay nó đã phát triển rất mạnh và được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Hoạt động xuất khẩu diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong mọi điều kiện của nền kinh tế, từ xuất khẩu hàng tiêu dùng cho đến tư liệu sản xuất, máy móc hàng hoá thiết bị công nghệ cao. Tất cả các hoạt động này đều nhằm mục tiêu đem lại lợi ích cho quốc gia nói chung và các doanh nghiệp tham gia nói riêng.
Trải qua nhiều năm, đến nay xuất khẩu vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động ngoại thương của mỗi quốc gia. Xuất khẩu được hiểu là hoạt động trao đổi hàng hoá và dịch vụ của một quốc gia với phần còn lại của thế giới thông qua mua bán nhằm khai thác triệt để lợi thế của quốc gia trong phân công lao động quốc tế.
Xuất khẩu được hiểu là hoạt động đưa các hàng hoá và dịch vụ từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm thu lợi nhuận. Dưới giác độ kinh doanh, xuất khẩu là việc bán các hàng hoá và dịch vụ giữa quốc gia này với quốc gia khác, còn dưới giác độ phi kinh doanh (làm quà tặng hoặc viện trợ không hoàn lại) thì hoạt động xuất khẩu chỉ là việc lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ qua biên giới quốc gia (Nguyễn Văn Tuân, 2009).
Theo Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”. Cụ thể một số trường hợp xuất khẩu quy định như sau:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật: + Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài
Như vậy, xuất khẩu được hiểu là việc mua bán với nước ngoài nhằm phát triển sản xuất kinh doanh. Song hoạt động mua bán ở đây có những nét riêng phức tạp hơn trong nước như giao dịch với người nước ngoài, thị trường giao dịch rộng lớn, khó kiểm soát, hoạt động mua bán chịu sự chi phối chung của luật pháp quốc tế và luật pháp của các bên tham gia hoạt động xuất khẩu, đồng tiền thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là ngoại tệ mạnh), do vậy chịu tác động của sự biến động tỷ giá,,.. Với các nước có trình độ kinh tế thấp như các nước đang phát triển thì xuất khẩu đóng vai trò rất lớn đối với nền kinh tế và đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.
Tóm lại, xuất khẩu là hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ra khỏi lãnh thổ một quốc gia và bao gồm các quan hệ mua bán có tổ chức cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ nhằm mục tiêu lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất hàng
hóa phát triển, chuyến dịch cơ cấu kinh tế, ổn định và từng bước nâng cao mức sống của nhân dân. Xuất khẩu là hình thức xâm nhập thị trường nước ngoài ít rủi ro và chi phí thấp nhất. Với các nước có trình độ kinh tế thấp như các nước đang phát triển thì xuất khẩu đóng vai trò rất lớn đối với nền kinh tế và đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.
b. Khái niệm về công nghệ cao
Công nghệ cao (CNC) là những công nghệ cho phép sản xuất với năng suất cao và sản phẩm có chất lượng cao, nghĩa là có thể mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn từ cùng một nguồn vốn và lao động. Bản thân công nghệ cao đã bao hàm “3 cao”: hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao và độ thâm nhập cao.
CNC còn có khả năng mở rộng phạm vi, hiệu quả của các loại hình công nghệ khác nhờ tích hợp các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) tiên tiến. Mức độ CNC có thể được đo bằng độ ngắn của chu kỳ sống sản phẩm. Hiện nay, đối với ngành công nghiệp máy tính, chu kỳ sống của sản phẩm là dưới hai năm.
Theo Luật Công nghệ Cao (2008) “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hoá ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”. Hiện nay, Nhà nước đang tập trung đầu tư phát triển CNC trong 4 lĩnh vực chủ yếu là: 1) Công nghệ thông tin; 2) Công nghệ sinh học; 3) Công nghệ vật liệu mới và 4) Công nghệ tự động hóa.
Theo Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), CNC là các công nghệ có tỷ lệ chi cho NC&PT lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với quốc gia, các sản phẩm và quy trình công nghệ được đổi mới nhanh chóng, có tác động mạnh mẽ đối với sự hợp tác và cạnh tranh quốc tế trong NC&PT, sản xuất và chiếm lĩnh thị trường trên quy mô thế giới.
Tại Mỹ và Nhật Bản công nghệ cao được hiểu là công nghệ tiên tiến, công nghệ hàng đầu với ba đặc điểm:
- Là công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, có đổi mới quan trọng;
- Là công nghệ đòi hỏi nhân lực trình độ cao xuyên suốt quá trình từ nghiên cứu - thiết kế - chế tạo sản phẩm;
- Là công nghệ đòi hỏi chi phí lớn cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, thương mại hoá, sản xuất và phân phối sản phẩm.
Tại các nước trong khu vực Châu Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,...) những nội dung chủ yếu của CNC cũng được thống nhất như khái niệm của OECD. Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế và ý chí của các nhà lãnh đạo của mỗi nước khác nhau nên những tiêu chí về công nghệ cao như tỷ lệ chi cho NC&PT, nhân lực nghiên cứu KH&CN được quy định ở những mức khác nhau.
Do vậy, có thể hiểu công nghệ cao là: công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; tạo ra các sản phẩm có tính năng vượt trội, chất lượng và giá trị gia tăng cao; có khả năng hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới; tác động mạnh đến sự phát triển nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh; đòi hỏi chi phí lớn và nhân lực trình độ cao cho nghiên cứu và phát triển.
c. Hàng hóa chế tạo
Theo Eurostat (2019), hàng hóa chế tạo là loại hàng hóa được sản xuất chủ yếu bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu thô và các đầu vào trung gian khác kết hợp với sử dụng sức lao động và tư bản (vốn).
Như vậy, hàng hóa chế tạo là hàng hóa hữu hình và đối nghịch với hàng hóa thô, nhưng bao gồm cả hàng hóa trung gian và hàng hóa cuối cùng. Hàng hóa chế tạo được sử dụng cho cả mục đích tiêu dùng của hộ và mục đích kinh doanh. Ví dụ về hàng hóa chế tạo có thể bao gồm các loại như: thép, hóa chất, giấy, máy móc, quần áo, vải, phương tiện vận chuyển, thiết bị điện, điện tử...
d. Hàng công nghệ cao
Trên thế giới có một số cách xác định hàng CNC khác nhau, nhưng các cách này đều coi hàng công nghệ cao là các hàng hóa trong lĩnh vực chế tạo (công nghiệp). Davis (1982) định nghĩa hàng công nghệ cao trong lĩnh vực chế tạo là những sản phẩm chế tạo mà có mức độ chi cho R&D cao nhất so với lượng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Định nghĩa này của Davis dựa trên các sản phẩm thuộc Phân loại công nghiệp tiêu chuẩn (Standard Industrial Classification, SIC) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Hatter (1985) cũng sử dụng định nghĩa của Davis, tuy nhiên có sự thay đổi khi chuyển các sản phẩm thuộc SIC sang sử dụng các sản phẩm thuộc Phân loại công nghiệp tiêu chuẩn quốc tế (SITC) để có thể so sánh được giữa các quốc gia. Trên cơ sở đó, World Bank (1999) đã sử dụng phương pháp này đối với bộ số liệu thương mại hàng hóa của Liên Hợp Quốc (UN) để đánh giá xuất khẩu hàng công nghệ cao cho hơn 70 nước phát triển và đang phát triển trên thế giới.
Định nghĩa thứ 2 được đưa ra bởi Hatzichronoglou (1997) sử dụng số liệu SITC phiên bản 3 ở cấp độ 3 chữ số (three-digit SITC Rev. 3) để đánh giá sản phẩm công nghệ cao. Phương pháp này tương đối rõ khi đưa ra danh sách các sản phẩm cụ thể thuộc danh mục SITC phiên bản 3. Phương pháp này được OECD sử dụng để đánh giá hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm sản xuất của các nước thành viên.
Đây là 2 định nghĩa được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Trong đó, phương pháp của OECD được sử dụng tương đối rộng rãi trong nghiên cứu và bởi các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới (Diop và Ghali, 2012). Cả hai định nghĩa trên đều giới hạn hàng công nghệ cao trong lĩnh vực chế tạo, được xác định trên cơ sở sắp xếp lại số liệu của các thống kê chính thức có sẵn. Các định nghĩa này cũng đều căn cứ vào hàm lượng chi tiêu R&D đối với các sản phẩm tạo ra.
Ngoài ra, phương pháp của Lall (2000) cũng là một trong những phương pháp để xác định hàm lượng công nghệ đối với hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia, trong đó có các sản phẩm là hàng CNC. Phương pháp này sử dụng Tiêu chuẩn phân loại ngoại thương đối với hàng hóa phiên bản 2 (SITC Rev.2) và phân chia tất cả sản phẩm hàng hóa thành 5 nhóm sản phẩm: sản phẩm thô, sản phẩm công nghệ chế biến, sản phẩm dựa vào tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp, sản phẩm có hàm lượng công nghệ trung bình và sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Phương pháp phân loại này phù hợp để nghiên cứu mức độ công nghệ đối với hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia và đã được sử dụng ở rất nhiều các nghiên cứu trước đây (Gallagher và Porzecanski, 2008; Tran Nhuan Kien, 2011).
Hàng CNC thường phải có các đặc điểm sau đây: (i) Chứa đựng nỗ lực quan trọng về NC&PT; (ii) Có ý nghĩa chiến lược đối với quốc gia; (iii) Sản phẩm được đổi mới nhanh chóng; (iv) Đầu tư lớn, độ rủi ro cao, nhưng khi thành công sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ; (v) Thúc đẩy năng lực cạnh tranh và hợp tác trong NC&PT, sản xuất và tìm kiếm thị trường trên quy mô toàn cầu. Tiêu chí quan trọng nhất để xác định một sản phẩm CNC là hàm lượng NC&PT cao trong sản phẩm. Các đặc điểm và tiêu chí trên đây về CNC được chấp nhận một cách rộng rãi, song việc xác định các ngành CNC lại phụ thuộc khá nhiều vào quan niệm của từng quốc gia, từng nhóm quốc gia về ý nghĩa chiến lược của các ngành cụ thể đối với mỗi nước trong từng thời kỳ xác định. Theo Luật Công nghệ cao (2008), “Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm do công nghệ cao tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường”.
Hàng hóa là sản phẩm hữu hình trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào việc thỏa mãn nhu cầu của con người. Như vậy, hàng hóa được hiểu là sản phẩm của lao động thông qua trao đổi, mua bán (Nguyễn Văn Ngọc, 2006).
Như vậy, có thể thấy hàng CNC là những sản phẩm được tạo ra nhờ CNC thông qua quá trình thiết kế hoặc sản xuất sản phẩm được mang đi trao đổi, mua bán với các quốc gia khác.
Xuất phát từ những yếu tố trên, có thể hiểu hàng công nghệ cao là sản phẩm mới, có chất lượng và tính năng vượt trội, hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao, được sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ cao.