7. Kết cấu của luận án
2.1. Cơ sở lý luận về xuất khẩu hàng công nghệ cao
2.1.3. Vai trò của xuất khẩu hàng công nghệ cao
Ngày nay, mức độ lợi thế cạnh tranh mà một quốc gia có thể đạt được trong thương mại quốc tế không nhất thiết phụ thuộc vào mức tài nguyên mà nó có thể tạo ra thông qua tầm nhìn xa, kiên trì và liên kết với nền kinh tế thế giới. Trong đó, các lĩnh vực công nghệ cao thể hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong thương mại quốc tế và cung cấp cơ sở cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá ngày nay. Vai trò đó được thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, xuất khẩu hàng công nghệ cao có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế của một quốc gia
Hàng công nghệ cao giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của mỗi quốc gia, dù quốc gia đó là quốc gia có nền kinh tế phát triển hay đang phát triển. Hàng công nghệ cao hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo trong nền xuất khẩu của một số nước, trong đó Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng điện tử lớn 12 thế giới, và top 4 quốc gia xuất khẩu hàng công nghệ cao sang EU. Thông qua xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng CNC, có thể làm gia tăng ngoại tệ thu được, cải thiện cán cân thanh toán, tăng thu ngân sách, kích thích đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm và nâng cao mức sống của người dân.
Đối với những nước có trình độ kinh tế còn thấp, những nhân tố tiềm năng là tài nguyên thiên nhiên và lao động, những yếu tố thiếu hụt như vốn, thị trường và khả năng quản lý, thì chiến lược hướng về xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng CNC nói riêng thực chất là giải pháp mở của nền kinh tế nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật của nước ngoài, kết hợp chúng với tiềm năng trong nước về lao động và tài nguyên thiên nhiên để tạo ra sự tăng trưởng mạnh cho nền kinh tế, góp phần rút ngắn khoảng cách với nước phát triển.
Thứ hai, xuất khẩu hàng CNC thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Xuất khẩu hàng công nghệ cao trên thế giới đã và đang phát triển mạnh, giúp cơ cấu kinh tế của các quốc gia xuất khẩu có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Thực tế, phát triển công nghệ cao giúp cho chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất tập trung quy mô lớn; hiệu quả kinh tế xã hội cao; đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Cơ cấu diện tích các loại cây trồng thay đổi tích cực theo tiêu chuẩn công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu.
Xuất khẩu hàng CNC giúp chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tự động hóa, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm,... Thông qua xuất khẩu hàng CNC, các nhà sản xuất trong nước buộc phải thay đổi để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, qua đó giúp các doanh nghiệp phát huy được nội lực, tạo điều kiện đổi mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng CNC xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng CNC còn góp phần thu hút đầu tư toàn xã hội vào sản xuất các sản phẩm CNC và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào sản xuất sản phẩm CNC, tạo điều kiện đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đến đầu tư vào sản xuất những sản phẩm công nghệ cao để xuất khẩu đến thị trường trên thế giới.
Thứ ba, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao cho lao động phổ thông và lao động trí thức tại các doanh nghiệp sản xuất hàng CNC
Ở những nước có nguồn lao động dồi dào với tỷ lệ lao động nông thôn lớn, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng CNC không chỉ giải quyết được một lượng lớn lao động không có việc làm và lao động nông thôn, mà còn tạo nên sự ổn định về thu nhập cho những người dân sống ở nông thôn và giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế người dân ở xung quanh khu vực các khu công nghiệp có các doanh nghiệp sản xuất hàng CNC xuất khẩu theo hướng dịch vụ.
Bên cạnh đó, sản xuất sản phẩm CNC đòi hỏi người lao động phải làm chủ được công nghệ trong quá trình sản xuất, dẫn tới người lao động phải nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu. Như vậy, đẩy mạnh xuất khẩu hàng CNC có tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động cả về tính chất ngành nghề và chất lượng lao động, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Thứ tư, xuất khẩu hàng CNC góp phần mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường địa vị kinh tế của quốc gia trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng CNC nói riêng là một hoạt động kinh tế đối ngoại và có vai trò thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển. Thông qua hoạt động xuất khẩu hàng CNC, một loạt các lĩnh vực khác
liên quan phát triển: thanh toán quốc tế, đầu tư tài chính, bảo hiểm, vận tải quốc tế, chuyển giao công nghệ,... đồng thời, khi các hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển sẽ thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Qua đó, mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại thông qua việc xuất khẩu hàng CNC, từ đó, các nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau rất cao và đó là một điểm quan trọng. Ví dụ như: Việt Nam xuất khẩu vào EU hàng điện tử, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, … còn mặt hàng chính từ EU xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là máy công nghiệp, dược phẩm,...
Thứ năm, xuất khẩu hàng CNC góp phần cải tiến cơ chế quản lý, chính sách kinh tế của nhà nước cho phù hợp với luật pháp và các thông lệ quốc tế.
Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đã, đang là xu thế phát triển chung của toàn thế giới, nó tác động sâu sắc và toàn diện đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia, làm cho nền kinh tế mỗi nước ngày càng gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu.
Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi ngành khi tham gia vào thương mại quốc tế là đã tham gia vào một sân chơi với luật chơi chung, sức ép cạnh tranh lớn song cũng rất bình đẳng. Trong khi, hàng CNC xuất khẩu tại các quốc gia phần lớn là của các doanh nghiệp FDI. Để thu hút các doanh nghiệp này thì đòi hỏi quốc gia đó cần có các chính sách mở cửa, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư và các chính sách tài chính và chính sách quản lý phù hợp... Do đó, để xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu hàng CNC nói riêng ngày một phát triển thì việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành cho phù hợp với những cam kết quốc tế là vấn đề cần giải quyết cấp bách hiện nay.