Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng công nghệ cao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xuất khẩu hàng công nghệ cao của việt nam (Trang 52 - 57)

7. Kết cấu của luận án

2.1. Cơ sở lý luận về xuất khẩu hàng công nghệ cao

2.1.8. Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng công nghệ cao

Trên cơ sở lý thuyết và thực nghiệm, có thể tổng kết được một số yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng công nghệ cao như sau:

* Quy mô nền kinh tế của nước xuất khẩu

Quy mô nền kinh tế, được đo bằng GDP hoặc GNP, tác động đến khối lượng thương mại. Nền kinh tế càng lớn, quy mô thị trường càng lớn và do vậy càng có khả năng tận dụng được lợi thế theo quy mô cũng như tăng tính đa dạng sản phẩm. Trong một thị trường rộng lớn, lợi thế theo quy mô sẽ đảm bảo việc sản xuất ở mức sản lượng lớn các sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của nhân tố này đối với kim ngạch xuất khẩu của từng nước và mặt hàng khác nhau lại có sự khác nhau. Chẳng hạn: với nền kinh tế lấy xuất khẩu làm động lực phát triển thì kim ngạch xuất khẩu và GDP có quan hệ thuận chiều với nhau. Ngược lại, với nền kinh tế không lấy xuất khẩu làm mục tiêu chính thì lượng hàng hóa, dịch vụ sản xuất ra trong nước chưa hẳn đã phục vụ cho hoạt động xuất khẩu - tức là kim ngạch xuất khẩu và GDP ít có liên quan tới nhau (Bergstrand, 1986; Anderson and Wincoop, 2003; Từ Thúy Anh và Đào Nguyên Thắng (2008); Wei và các cộng sự (2012); Ngô Thị Mỹ, 2016)..

* Quy mô nền kinh tế của nước nhập khẩu

Quy mô nền kinh tế phản ánh khả năng mua sắm hàng hóa của người dân. Nghĩa là GDP của nước nhập khẩu tăng cho thấy sự tăng lên trong nhu cầu mua sắm và nhập khẩu hàng hóa của nước đó. Tuy nhiên, GDP của một quốc gia tăng đồng nghĩa với việc khả năng sản xuất của quốc gia đó tăng theo. Vì thế cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu với sản phẩm nội địa sẽ càng gay gắt. Không chỉ vậy, mức cầu nước nhập khẩu của một quốc gia còn tùy thuộc vào mức thiết yếu của từng loại hàng hóa khác nhau. Với những hàng hóa thứ cấp khi mức sống tăng, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm. Với hàng hóa thông thường khi thu nhập tăng, cầu về hàng hóa đó cũng tăng theo, cùng với nó là sự tăng lên của chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, với hàng hóa xa xỉ thì cầu và thu nhập lại tỷ lệ thuận với nhau (Bergstrand, 1985; Anderson and Wincoop, 2003; Từ Thúy Anh và Đào Nguyên Thắng (2008); Wei và các cộng sự (2012); Ngô Thị Mỹ, 2016)..

* Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)

Nghiên cứu và phát triển có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển KH&CN của mỗi quốc gia nói chung và đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, đặc biệt là đối với phát triển công nghiệp công nghệ cao nói riêng. Những nước đi đầu về phát triển công nghệ cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore luôn dành một nguồn vốn lớn phục vụ cho hoạt động R&D. Họ cũng là những nước dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ cao trên thế giới (Balay, 2005; Ferragina và Pastore, 2007; Lê Xuân Định, 2015)

* Lạm phát

Lạm phát được hiểu là sự tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ so với mức giá thời điểm trước. Lạm phát xảy ra khi giá của hàng hóa và dịch vụ tăng lên dẫn đến sức mua của đồng tiền giảm đi. Khi đó, với cùng một lượng tiền nhưng người tiêu dùng mua được ít hàng hóa hơn so với trước đó. Khi đặt trong mối quan hệ với các nền kinh tế khác thì lạm phát được hiểu là sự làm giảm giá trị của đồng tiền của quốc gia này so với tiền tệ của quốc gia khác. Lạm phát sẽ gây ra tác động nhất định đến nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng do lạm phát sẽ đẩy giá hàng hóa trong nước tăng lên, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài qua đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa và ngược lại (Ngô Thị Mỹ, 2016). Như vậy, yếu tố lạm phát và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng công nghệ cao nói riêng có mối quan hệ nghịch chiều.

* Chính sách khuyến khích/quản lý xuất khẩu

Các chính sách tác động đến xuất khẩu khá đa dạng, tuy nhiên, những chính sách sau có tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của một quốc gia:

- Chính sách thuế quan và phi thuế quan

Thuế quan có tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia. Bên cạnh đó, các chính sách giảm hoặc miễn hoàn toàn thuế xuất khẩu, chính sách trợ cấp xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp có tác dụng khuyến khích

xuất khẩu (Đào Ngọc Tiến, 2009). Tuy nhiên, các chính sách này đôi khi sẽ vấp phải sự trả đũa của các quốc gia nhập khẩu. Chẳng hạn, các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, các cách thức đóng gói bao bì,… hay cuộc chiến tương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi 2 nước liên tục áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ phía đối tác, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của 2 nước.

- Chính sách tỷ giá hối đoái

Là một trong những chính sách vĩ mô then chốt của nhà nước, chính sách tỷ giá hối đoái có tác động trực tiếp đến giá hàng xuất khẩu - yếu tố quan trọng trong việc xác định mức cầu của thị trường và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Khi đồng tiền của một quốc gia giảm giá so với các đồng ngoại tệ khác tức là giá cả của hàng hóa xuất khẩu tính theo ngoại tệ sẽ giảm, hàng hóa xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn so với hàng nội địa của nước nhập khẩu, khi đó cầu của hàng hóa này tăng làm cho sản lượng xuất khẩu tăng. Ngược lại, nếu đồng nội tệ tăng giá so với ngoại tệ thì sẽ khiến cho sản lượng xuất khẩu giảm. Do vậy, chính phá giá hoặc nâng giá đồng tiền có thể sẽ là một giải pháp tạm thời để cải thiện xuất khẩu (Gbetnkom và Khan, 2002; Ngô Thị Mỹ, 2016). Đây cũng là một trong những trọng tâm của cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời gian gần đây.

* Khoảng cách giữa hai quốc gia

Trong phạm vi đề tài này, khoảng cách giữa hai quốc gia bao hàm khoảng cách về địa lý và khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế:

- Khoảng cách về địa lý

Khoảng cách về địa lý là một rào cản tự nhiên đối với hoạt động thương mại quốc tế nói chung, hoạt động xuất khẩu nói riêng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới cước phí vận chuyển hàng hóa cũng như rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Mà cước phí vận chuyển lại là một bộ phận cấu thành nên giá thành của hàng hóa. Khi khoảng cách giữa hai quốc gia càng xa, chi phí vận chuyển càng lớn, giá thành hàng xuất khẩu càng cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu (Đào Ngọc Tiến, 2009; Hatab và cộng sự, 2010; Wei và cộng sự, 2012).;

- Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế

Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế được biểu hiện chủ yếu bằng thu nhập đầu người, chỉ ra sự khác biệt về cấu trúc cầu. Người dân ở quốc gia có trình độ phát triển kinh tế thấp có xu hướng tiêu dùng những sản phẩm đơn giản và rẻ tiền. Ngược lại, người dân ở quốc gia có trình độ phát triển cao có xu hướng tiêu dùng những sản phẩm phức tạp và cao cấp hơn. Do vậy, theo Học thuyết của Linder, các nước có cùng trình độ phát triển sẽ có xu hướng tiêu dùng các loại hàng hóa giống nhau và ngược lại. Sẽ ít có sự trùng lặp về cấu trúc cầu giữa hai nước có trình độ phát triển khác nhau (Yoon Heo và Trần Nhuận Kiên, 2012). Vì thế khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế càng hẹp, càng tạo thuận lợi cho xuất khẩu và ngược lại.

* Các liên kết kinh tế quốc tế và khu vực

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, việc tham gia vào các liên kết kinh tế quốc tế và khu vực đã tạo điều kiện cho thương mại quốc tế diễn ra thuận lợi hơn. Nhiều liên minh kinh tế ở các mức độ khác nhau như AFTA, NAFTA, APEC, EU,…được hình thành, nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa các nước và các khối kinh tế đã được ký kết với mục tiêu là loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm hướng tới tự do hóa thương mại trong khu vực và trên thế giới (Yoon Heo và Trần Nhuận Kiên 2012; Ngô Thị Mỹ, 2016).

* Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mang tính ổn định và lâu dài hơn so với các nguồn vốn đầu tư theo hạng mục. Bởi vì để thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ đầu tư nước ngoài đầu tư toàn bộ hay một phần vốn đủ lớn vào các dự án nhằm giành quyền điều hành đối tượng mà họ bỏ vốn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thường kèm theo chuyển giao công nghệ đến nước tiếp nhận vốn. Vì vậy, nguồn vốn này góp phần giải quyết các khó khăn về kinh

tế, xã hội, như giải quyết việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nước tiếp nhận vốn có điều kiện tiếp thu khoa học, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và tác phong làm việc công nghiệp. Nhờ vậy, có thể thấy rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển đi kèm với công nghệ cao sẽ góp phần hình thành các khu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghệ cao tại nước chủ nhà (Tebaldi, 2011; Gokmen và Turen, 2013; Kabaklarli, 2017).

Tóm lại, từ lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, có thể đưa ra những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng công nghệ cao của một quốc gia như đã phân tích ở trên. Có thể tóm tắt các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng công nghệ cao thông qua nghiên cứu của Đào Ngọc Tiến (2008) về mô phỏng được các yếu tố ảnh hưởng đến luồng TMQT bằng 3 nhóm nhân tố chính là nhóm nhân tố ảnh hưởng đến cung, nhóm nhân tố ảnh hưởng đến cầu và nhóm nhân tố hấp dẫn hoặc cản trở đến xuất khẩu.

Trong đó, nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến cung của nước xuất khẩu (thể hiện năng lực sản xuất của nước xuất khẩu) bao gồm: quy mô nền kinh tế (GDP) nước xuất khẩu, nguồn nhân lực, chi phí cho NC&PT, khoa học công nghệ…; nhóm nhân tố ảnh hưởng đến cầu của nước nhập khẩu (thể hiện sức mua của thị trường nước nhập khẩu) bao gồm thu nhập bình quân đầu người, GDP nước nhập khẩu; nhóm các nhân tố hấp dẫn/cản trở bao gồm các chính sách quản lý hoặc khuyến khích xuất/nhập khẩu, khoảng cách giữa hai quốc gia (thường xét trên hai khía cạnh là khoảng cách địa lý và khoảng cách trình độ phát triển kinh tế). Cả ba nhóm nhân tố trên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động trao đổi, lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, chúng vừa có tác động hút (nước nhập khẩu) và cũng có tác động đẩy (nước xuất khẩu) giúp quá trình lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xuất khẩu hàng công nghệ cao của việt nam (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)