Yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng tại ngân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thái nguyên (Trang 39 - 42)

5. Kết cấu luận văn

1.1.4. Yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng tại ngân

hàng thương mại

1.1.4.1 Yếu tố khách quan

* Môi trường pháp lý

Môi trường pháp lý bao gồm hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước là một nhân tố có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại. Mọi thành phần kinh tế đều có quyền tự do kinh doanh nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại cũng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật dân sự và các quy định khác. Nếu những văn bản quy định pháp luật nếu không rõ ràng, đầy đủ sẽ tạo những khe hở pháp luật gây rắc rối và tổn hại đến lợi ích cho các bên tham gia quan hệ tín dụng. Ngược lại, sự chặt chẽ và đồng bộ của luật pháp sẽ góp phần tạo một trường cạnh tranh lành mạnh, tạo tính trật tự và ổn định của thị trường để hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng và hoạt động kinh tế - xã hội nói chung được diễn ra thông suốt.

* Môi trường kinh tế

Nền kinh tế là một hệ thống bao gồm nhiều hoạt động có liên quan biện chứng, ràng buộc lẫn nhau. Cho nên, bất kỳ sự biến động nào của nền kinh tế cũng gây ra những biến động trong tất cả các lĩnh vực khác. Sự ổn định hay bất thường, sự tăng trưởng nhanh hay chậm của nền kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng trong đó có cho vay tiêu dùng. Cho vay tiêu dùng có tính nhạy cảm rất cao đối với những biến động của môi trường kinh tế. Khi nền kinh tế ở thời kỳ hưng thịnh, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, người dân yên tâm và mức thu nhập của họ trong tương lai, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại có cơ hội phát triển. Ngược lại, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, mất ổn định thì phần lớn người tiêu dùng chỉ mong muốn đảm bảo được cuộc sống ở mức bình thường mà không nghĩ tới việc đi vay thoả mãn nhu cầu cao hơn.

* Môi trường xã hội

Môi trường xã hội mà đặc trưng gồm các yếu tố như: tình hình xã hội, thói quen, tâm lý, trình độ học vấn, bản sắc dân tộc hoặc các yếu tố về nơi ở, nơi làm việc…cũng ảnh hưởng lớn đến thói quen chỉ dùng của người dân. Thông thường, nơi nào tập trung nhiều người có địa vị trong xã hội, trình độ cao thì chắc chắn nhu cầu tiêu dùng ở đó lớn, do vậy, nhu cầu vốn vay cao hơn nơi khác, từ đó tạo ra khả năng mở rộng cho vay tiêu dùng. Còn phần lớn những người lao động chân tay thì chỉ mong muốn đảm bảo cuộc sống ở mức bình thường, họ không nghĩ tới chuyện đi vay để mua sắm hàng hóa, nâng cao mức sống. Do vậy, khu vực dân cư thu nhập thấp thì hoạt động phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng cũng gặp khó khăn hơn.

* Đối thủ cạnh tranh

Đối thủ cạnh tranh cũng là yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại. Trong môi trường kinh doanh, nếu số lượng đối thủ cạnh tranh nhiều thì hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh cho vay bán lẻ nói riêng gặp nhiều thách thức. Từ đó việc gia tăng doanh số, mở rộng quy mô khách hàng của ngân hàng sẽ gặp khó khăn ảnh hưởng đến phát triển cho vay tiêu dùng của ngân hàng.

1.1.4.2. Yếu tố chủ quan

Sự phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng ở ngân hàng thương mại chủ yếu do chính nột lực của ngân hàng quyết định, nhân tố tiên quyết là định hướng phát triển của ngân hàng. Nếu ngân hàng không có một định hướng toàn thể về phát triển cho vay tiêu dùng thì chắc chắn nó sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Những nhân tố có vai trò quyết định đến phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại gồm:

(1) Năng lực tài chính của ngân hàng

Năng lực tài chính của ngân hàng thương mại là một trong những yếu tố được các nhà lãnh đạo ngân hàng xem xét khi đưa ra các quyết định trong đó có các quyết định về phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng. Năng lực tài chính của ngân hàng được xác định dựa trên một số yếu tố như số lượng vốn chủ sở hữu, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận năm sau so với năm trước, tỷ trọng nợ quá hạn trong tổng dư nợ, số lượng tài sản thanh khoản. Nếu ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận lớn, nợ quá hạn thấp và có số lượng tài sản thanh khoản lớn, khả năng huy động vốn lớn trong thời gian ngắn thì có thể coi là có sức mạnh về tài chính. Khi ngân hàng có sức mạnh tài chính lớn thì ngân hàng có thể đầu tư vào các danh mục mà ngân hàng quan tâm hơn, từ đó hoạt động cho vay tiêu dùng có cơ hội phát triển, nhưng ngược lại, nếu ngân hàng không có được số vốn cần thiết để tài trợ cho các sản phẩm cho vay tiêu dùng được ưu tiên thì hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ ít có cơ hội phát triển, mở rộng.

(2) Trình độ khoa học công nghệ và khả năng quản lý của ngân hàng, Yếu tố này cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng. Nếu một ngân hàng được trang bị các công nghệ hiện đại thì họ có thể tăng tiện ích cho khách hàng và các dịch vụ của họ sẽ được biết đến nhiều hơn. Ví dụ, một ngân hàng có điều kiện đầu tư vào dịch vụ thẻ thanh toán, đặt các máy rút tiền, có thể giao dịch với khách hàng thông qua mạng internet... thì ngân hàng đó có thể mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng của mình thông qua các tài khoản mà các khách hàng đã sử dụng dịch vụ trên của ngân hàng như cho vay thấu chi, thẻ tín dụng… Hơn nữa, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến các ngân hàng có thể quản lý danh sách khách hàng một cách dễ

dàng hơn, họ có thể tiết kiệm được nhân công cũng như chi phí quản lý góp phần giảm giá thành dịch vụ. Thêm vào đó, khi có các công nghệ hiện đại hỗ trợ thì việc giải quyết các thủ tục của ngân hàng được nhanh chóng, chính xác, giảm bớt các thủ tục rườm rà cho khách hàng.

(4)Định hướng phát triển của ngân hàng

Định hướng phát triển là điều kiện tiên quyết để phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng. Nếu trong kế hoạch phát triển của mình các ngân hàng không quan tâm đến hoạt động này thì các khách hàng có nhu cầu về cho vay tiêu dùng cũng sẽ không được quan tâm. Ngược lại, nếu ngân hàng muốn phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng thì họ sẽ đưa ra những chiến lược cụ thể để thu hút những người có nhu cầu đến với mình. Và khi đó cung cầu sẽ có điều kiện thuận lợi để gặp nhau cũng có nghĩa là cho vay tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thái nguyên (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)