6. Cấu trúc luận văn
3.3.4. Dùng từ sai phong cách
Từ sai phong cách ngôn ngữ văn bản là những từ mà giá trị phong cách của nó không phù hợp với phong cách ngôn ngữ văn bản.
Trong tiếng Việt, không phải tất cả các đơn vị từ vựng và cụm từ cố định đều có thể sử dụng trong tất cả các lĩnh vực giao tiếp. Hay nói cách khác có hiện tượng chuyên dùng, tức là việc ưu tiên sử dụng từ, cụm từ cố định hay có xu hướng cố định hóa trong từng lĩnh vực giao tiếp khác nhau. Giá trị phong cách của từ là nét nghĩa phụ của từ, cho biết từ thường được ưu tiên sử dụng trong phạm vi giao tiếp nào, tức là phong cách ngôn ngữ nào. Nếu một từ, ngữ nào đó vốn được chuyên dùng trong phong cách ngôn ngữ này, nhưng học sinh lại sử dụng trong phong cách khác, thì đó chính là hiện tượng dùng từ sai phong cách.
Cụ thể:
(72) Mụ dì ghẻ ăn hết hũ mắm nhìn thấy đầu lâu của Cám thì lăn đùng ra chết
(Bùi Xuân Hoàn -10C5)
Trong câu trên, cụm từ lăn đùng ra chết thường xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, tức là thuộc phong cách khẩu ngữ tự nhiên. Dùng từ này trong bài viết là sai phong cách ngôn ngữ văn bản.
Câu trên cần chữa lại như sau:
* Mụ dì ghẻ ăn hết hũ mắm nhìn thấy đầu lâu của Cám thì lăn ra chết.
(73) Hình ảnh An Dương Vương được rùa vàng rẽ nước dẫn đi xuống biển có âm hưởng thật là bi tráng.
“Thật là bi tráng” là cách nói khẩu ngữ không dùng trong văn viết, cần thay bằng “thật bi tráng”.
Câu trên cần chữa lại như sau:
* Hình ảnh An Dương Vương được rùa vàng rẽ nước dẫn đi xuống biển có âm hưởng thật bi tráng.
(74) Tràng Giang của Huy Cẫn hẵn còn những thi liệu của văn học trung đại.
(Nguyễn Quang Kiên- 11 B9) Hẵn còn cũng có nghĩa là hãy còn, vẫn còn nhưng mang phong cách khẩu ngữ, vì vậy dùng trong văn viết là sai phong cách.
Câu trên cần chữa lại như sau:
* Tràng Giang của Huy Cẫn vẫn còn những thi liệu của văn học trung đại. (75) Sự liều lĩnh, coi thường hiểm nguy, xông vào đồn giặc của những nghĩa sĩ đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
(Nguyễn Tuấn An- 11B12) Liều lĩnh (làm việc gì) bất chấp nguy hiểm hoặc hậu quả tai hại có thể xảy ra. Tuy nhiên để nói về hành động vì đại nghĩa mà đứng lên đánh giặc cứu nước của những nghĩa sĩ Cần Giuộc thì không phù hợp.Vì vậy cần thay bằng từ gan dạ có nghĩa là có tinh thần không lùi bước trước nguy hiểm, không sợ nguy hiểm.
Câu trên cần chữa lại như sau:
* Sự gan dạ, coi thường hiểm nguy, xông vào đồn giặc của những nghĩa sĩ đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Hiện tượng chọn từ, ngữ sai phong cách ngôn ngữ văn bản trong bài viết của học sinh còn khá nhiều. Lỗi này chỉ tập trung nhiều ở học sinh khối 10 và 11.Tỉ lệ học sinh khối 12 mắc lỗi này đã giảm hẳn so với hai khối còn lại.