Sau khi đã đánh giá các rủi ro liên quan, đơn vị xác định các cách thức để phản ứng với các rủi ro đó. Các cách thức để phản ứng với rủi ro bao gồm:
Né tránh rủi ro: Không thực hiện các hoạt động mà có rủi ro cao như sản
xuất một mặt hàng mới, giảm doanh số ở một số khu vực của thị trường, bán bớt một số ngành hàng hoạt động,…
Giảm bớt rủi ro: Các hoạt động nhằm làm giảm thiểu khả năng xuất hiện
hoặc mức độ tác động của rủi ro hoặc cả hai. Các hoạt động này liên quan đến việc điều hành hàng ngày tại đơn vị.
Chuyển giao rủi ro: Làm giảm thiểu khả năng xuất hiện và mức độ tác
động của rủi ro bằng cách chuyển giao hoặc chia sẽ một phần rủi ro. Các kỹ thuật này bao gồm: Mua bảo hiểm cho tổn thất, sử dụng các công cụ về tài chính để dự phòng cho tổn thất, các hoạt động thuê ngoài,…
Chấp nhận rủi ro: Đơn vị không làm gì cả đối với rủi ro. Né tránh rủi ro
được sử dụng khi các phản ứng khác không thể làm giảm khả năng xảy ra của sự kiện hoặc tác động của sự kiện đó xuống mức có thể chấp nhận được. Giảm thiểu rủi ro và chuyển giao rủi ro được sử dụng để làm giảm rủi ro kiểm soát xuống mức phù hợp với từng mức độ rủi ro bộ phận.
Chấp nhận rủi ro khi rủi ro tiềm tàng của sự kiện nằm trong phạm vi của rủi ro bộ phận. Khi lựa chọn một phản ứng đối với rủi ro, cần xem xét các vấn đề sau:
- Xác định các phản ứng: Đối với nhiều loại rủi ro, việc xác định phương thức
phản ứng tương đối dễ dàng. Ví dụ, đối với rủi ro về lỗi của hệ thống máy tính thì phản ứng thông thường là sửa chữa, phục hồi hệ thống máy tính. Nhưng đối với một số loại rủi ro thì việc lựa chọn phản ứng không hề dễ dàng, đòi hỏi sự điều tra và phân tích. Ví dụ để xác định được phản ứng đối với rủi ro từ các hoạt động của đối thủ cạnh tranh tác động đến giá trị của một nhãn hiệu hàng hoá, đòi hỏi đơn vị phải tiến hành nghiên cứu và phân tích thị trường,… Trong việc xác định các phản ứng đối với rủi ro, cần xem xét các vấn đề sau:
- Ảnh hưởng của phản ứng của đơn vị đến khả năng và tác động của rủi ro, và phản ứng nào nằm trong phạm vi của rủi ro bộ phận.
- Lợi ích và chi phí của từng loại phản ứng.
- Cơ hội có thể có đối với việc thực hiện mục tiêu chung của đơn vị khi phản ứng với các rủi ro cụ thể.
- Lựa chọn phản ứng: Sau khi đã đánh giá các phản ứng khác nhau đối với rủi ro, đơn vị quyết định phải quản lý rủi ro như thế nào, lựa chọn phản ứng để đối phó với rủi ro trong phạm vi rủi ro bộ phận, lưu ý rằng phản ứng được lựa chọn không phải là phản ứng có rủi ro kiểm soát nhỏ nhất. Tuy nhiên, khi rủi ro kiểm soát vượt ra khỏi giới hạn của rủi ro bộ phận, đơn vị cần phải xem xét lại phản ứng đã chọn, hoặc trong một số trường hợp thì đơn vị có thể điều chỉnh lại rủi ro bộ phận đã được thiết lập trước đây.
- Việc lựa chọn phản ứng đòi hỏi đơn vị phải xem xét các rủi ro mới, phát sinh từ việc áp dụng phản ứng đó. Điều này phát sinh một chu trình kế tiếp và đơn vị phải xem xét tiếp rủi ro trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
- Nhìn nhận hệ thống: Hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp đòi hỏi đơn vị nhìn nhận rủi ro trên bình diện toàn đơn vị, hay nhìn nhận có tính hệ thống. Để nhìn nhận rủi ro có tính hệ thống, đòi hỏi đơn vị phải: Xem xét rủi ro kiểm soát có phù hợp với mục tiêu và có nằm trong phạm vi của rủi ro có thể chấp nhận của bộ
phận đó hay không, kết hợp các rủi ro kiểm soát của các bộ phận lại và xem xét có phù hợp với rủi ro có thể chấp nhận của toàn đơn vị hay không.
- Các rủi ro khác nhau liên quan đến mỗi bộ phận có thể nằm trong phạm vi rủi ro bộ phận của các bộ phận đó, nhưng khi kết hợp lại với nhau chúng sẽ vượt quá giới hạn của rủi ro có thể chấp nhận của toàn đơn vị. Trong các trường hợp như vậy, đòi hỏi đơn vị phải có những phản ứng đối với rủi ro một cách phù hợp nhằm đưa rủi ro trở về phạm vi có thể chấp nhận.
- Nhìn nhận rủi ro một cách hệ thống có thể được diễn tả theo nhiều cách khác nhau như: Kết hợp các sự kiện hoặc rủi ro quan trọng và xem xét sự tác động đến các bộ phận của đơn vị; xem xét tác động của các rủi ro đơn lẻ đến toàn bộ đơn vị bằng cách định lượng sự tác động của rủi ro đến việc đạt mục tiêu của đơn vị;… Với cách nhìn nhận định lượng này, đơn vị có những thông tin hữu ích để phân bổ nguồn vốn hợp lý giữa các bộ phận, và thực hiện các điều chỉnh về chiến lược.