Khái quát về thuế nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát rủi ro trong công tác thu thuế thu nhập doanh nghiệp tại cục thuế bình dương​ (Trang 45)

2.3.1 Định nghĩa

Thuế là hình thức đóng góp theo nghĩa vụ do Luật quy định các tổ chức và cá nhân trong xã hội nộp cho Nhà nước bằng một phần thu nhập của mình, nhằm tập trung một bộ phận quyền lực, của cải xã hội vào Ngân sách Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước thích ứng với từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế xã hội

2.3.2 Đặc điểm của Thuế:

- Thuế là khoản thu không bồi hoàn, không mang tính hoàn trả trực tiếp. Nộp thuế cho Nhà nước không có nghĩa là cho Nhà nước mượn tiền hay gửi tiền vào

ngân sách Nhà nước hoặc là mua một dịch vụ công. Nộp thuế là một nghĩa vụ cơ bản nhất của công dân.

- Thuế là một khoản thu mang tính bắt buộc, để đảm bảo tập trung thuế trên phạm vi toàn xã hội. Chính phủ phải sử dụng hệ thống pháp luật để ban hành các sắc thuế, vì vậy thuế thường được quy định dưới dạng văn bản luật hay pháp lệnh. Cho nên trốn thuế hay gian lận thuế đều bị coi là những hành vi phạm pháp và phải chịu xử phạt về hành chính và hình sự.

- Các pháp nhân và thể nhân chỉ phải nộp cho Nhà nước các khoản thuế đã được pháp luật quy định.

2.3.3 Thuế TNDN

2.3.3.1 Khái niệm

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của doanh nghiệp sau khi đã trừ chi phí để tạo ra thu nhập trong mỗi kỳ tính thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong một kỳ tính thuế và được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế, nên chỉ khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kinh doanh có lợi nhuận mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, loại thuế này phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kinh doanh cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau của cả nước.

Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế cao sẽ phải nộp thuế nhiều, ngược lại những doanh nghiệp có thu nhập thấp sẽ nộp thuế thấp, thậm chí được giảm thuế, miễn thuế trong các trường hợp khó khăn theo quy định. Do đây là loại thuế trực thu có tính chất phức tạp nên song hành với việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp cần phải có hệ thống kiểm soát của cơ quan thuế.

Từ khái niệm trên, có thể thấy rằng thuế TNDN phụ thuộc vào cấu thành cơ bản của nó là doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thuế suất áp dụng. Do tính chất phức tạp của Luật thuế TNDN đòi hỏi NNT phải hiểu rõ luật thuế TNDN để

thực hiện sự tuân thủ một cách tốt nhất, đồng thời việc kiểm soát sự tuân thủ thuế TNDN từ phía CQT hết sức cần thiết nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

2.3.3.2 Vai trò của thuế TNDN

- Thuế TNDN là nguồn thu quan trọng của NSNN và là công cụ để Nhà nước huy động một bộ phận thu nhập của nền sản xuất xã hội về NSNN. Nền kinh tế thị trường nước ta ngày càng phát triển và ổn định, các chủ thể hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngày càng mang lại nhiều lợi nhuận thì khả năng huy động nguồn tài chính cho NSNN thông qua thuế TNDN ngày càng dồi dào và chiếm tỷ trọng tương đối lớn qua các năm (số liệu Bình Dương).

Bảng 2.1: Số thu thuế TNDN qua các năm 2011-2015

(ĐVT: triệu đồng)

Năm Số thu thuế TNDN

Tỷ trọng thuế TNDN/Tổng các nguồn thu thuế

2011 3.984.879 39,76%

2012 4.219.016 31,14%

2013 6.288.971 41.03%

2014 7.424.329 44.60%

2015 7.396.476 38.79%

Nguồn: Báo cáo công tác thuế năm 2011-2015 của Cục Thuế Bình Dương

- Thuế TNDN là công cụ quan trọng để góp phần khuyến khích thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo định hướng của Nhà nước. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế vì các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hoặc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội thường được lồng ghép, thiết kế trong quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp như hệ thống thuế suất và hệ thống ưu đãi miễn, giảm thuế khác nhau qua các thời kỳ. Đặc biệt, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào các vùng khó khăn, khuyến khích phát triển các lĩnh vực theo định hướng, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài thường được thể hiện trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của nhiều nước.

- Trong những năm gần đây thuế TNDN được sử dụng như công cụ hỗ trợ chính sách kinh tế đối ngoại của Nhà nước thông qua hiệp định tránh đánh thuế hai

lần giúp các nhà đầu tư an tâm sản xuất đạt lợi nhuận cao, tạo ra sự công bằng, tránh thất thoát thuế, thuế không chồng thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Do vậy, khi thực hiện các chính sách thuế đúng đắn, quản lý thu thuế theo đúng hoạch định sẽ thúc đẩy những vai trò trên phát huy tác dụng một cách rõ ràng.

2.4 Kiểm soát rủi ro trong hoạt động hành chính công của ngành thuế: 2.4.1Vai trò của thuế trong nền kinh tế

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước:

Một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân. Tất cả các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước đều được đáp ứng qua các nguồn thu từ thuế, phí và các hình thức thu khác như: Vay mượn, viện trợ nước ngoài, bán tài nguyên quốc gia, thu khác... Song thực tế các hình thức thu ngoài thuế đó có rất nhiều hạn chế, bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện. Do đó thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất vì khoản thu này mang tính chất ổn định và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tăng. Ở nước ta, Thuế thực sự trở thành nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước.

Thuế kích thích sự tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm:

Nội dung điều tiết của thuế gồm hai mặt: Kích thích và hạn chế. Nhà nước đã sử dụng chính sách thuế một cách linh hoạt trong từng thời kỳ nhất định, bằng việc tác động vào cung - cầu nhằm điều chỉnh chu kỳ kinh doanh - một đặc trưng vốn có của nền kinh tế thị trường.

Khi nền kinh tế suy thoái, tức là khi đầu tư ngừng trệ, sản xuất và tiêu dùng đều giảm thì nhà nước dùng thuế để kích thích đầu tư và khuyến khích tiêu dùng.

Bằng việc giảm thuế đánh vào sản xuất, giảm thuế đối với hàng sản xuất ra để khuyến khích tạo lợi nhuận, kích thích việc đầu tư vào sản xuất.

Bằng việc giảm thuế đánh vào tiêu dùng nhằm khuyến khích tiêu dùng.

Để hạn chế và gây áp lực đối với việc lưu giữ vốn không đưa vào đầu tư, có thể tăng thuế đánh vào thu nhập về tiền gửi tiết kiệm và thu nhập về tài sản dự trữ, từ đó sẽ khuyến khích việc đưa vốn vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Khi nền kinh tế hưng thịnh, để ngăn chặn nguy cơ một nền kinh tế “nóng” phát triển dẫn đến lạm phát và khủng hoảng thừa thì nhà nước dùng thuế để giảm tốc độ đầu tư ồ ạt và giảm bớt mức tiêu dùng của xã hội. Song việc tăng thuế phải được xem xét trong một giới hạn cho phép để đảm bảo vừa tăng nguồn thu cho NSNN vừa điều chỉnh cơ cấu ngành nghề hợp lý.

Thuế thực hiện vai trò tái phân phối các nguồn tài chính, góp phần đảm bảo công bằng xã hội:

Kinh tế thị trường làm gia tăng sự phân hoá giàu nghèo, sự phân hoá này có những khi bất hợp lý và làm giảm tính hiệu quả kinh tế - xã hội. Do vậy, cần phải có những biện pháp phân phối lại của cải xã hội nhằm hạn chế sự phân hoá này, làm lành mạnh xã hội.

Nhà nước dùng thuế để điều tiết phần chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, thông qua việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng. Thông qua thuế thu nhập, Nhà nước thực hiện vai trò điều chỉnh vĩ mô trong lĩnh vực tiền lương và thu nhập, hạn chế sự phân hoá giàu nghèo và tiến tới công bằng xã hội. Một khía cạnh khác của chính sách thuế nhằm điều chỉnh thu nhập là các khoản thuế đánh vào tiêu dùng: Thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng.

Với những hàng hóa dịch vụ thiết yếu việc giảm thuế sẽ có lợi cho người nghèo hơn và sự chênh lệch về thu nhập cũng được giảm bớt. Trái lại những mặt hàng xa xỉ, cao cấp việc tăng thuế sẽ góp phần phân phối lại một bộ phận thu nhập của người giàu trong xã hội. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh thu nhập, mức thu nên xây dựng hợp lý tránh tình trạng điều tiết quá lớn làm giảm khát vọng làm giàu của nhà kinh doanh và giảm khả năng tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thuế là công cụ kiềm chế lạm phát:

Nguyên nhân của lạm phát có thể do cung cầu làm cho giá cả hàng hoá tăng lên hoặc do chi phí đầu vào tăng. Thuế được sử dụng để điều chỉnh lạm phát, ổn định giá cả thị trường. Nếu cung nhỏ hơn cầu thì nhà nước dùng thuế để điều chỉnh bằng cách giảm thuế đối với các yếu tố sản xuất, giảm thuế thu nhập để kích thích

đầu tư sản xuất ra nhiều khối lượng sản phẩm nhiều hơn. Đồng thời tăng thuế đối với hàng hoá tiêu dùng để giảm bớt cầu. Nếu lạm phát do chi phí tăng, gia tăng thất nghiệp, sự trì trệ của tốc độ phát triển kinh tế, giá cả đầu vào tăng, nhà nước dùng thuế hạn chế tăng chi phí bằng cách cắt giảm thuế đánh vào chi phí, kích thích tăng năng suất lao động.

Thuế góp phần bảo hộ sản xuất trong nước và tạo điều kiện hoà nhập nền kinh tế thế giới:

Bảo hộ hợp lý nền sản xuất trong nước tránh khỏi sự cạnh tranh khốc kiệt từ bên ngoài được coi là hết sức cần thiết đối với các nước. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua thuế xuất nhập khẩu. Để kích thích sản xuất trong nước phát triển, kích thích sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nhà nước đánh thuế rất thấp hoặc không đánh thuế vào hàng xuất khẩu. Khuyến khích xuất khẩu hàng hoá đã qua chế biến, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Đánh thuế nhập khẩu thấp đối với hàng hoá máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được và đánh thuế nhập khẩu cao đối với hàng hoá máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được hoặc hàng hoá tiêu dùng xa xỉ.

Hiện nay, xu hướng hội nhập kinh tế đang phát triển mạnh mẽ ở trong khu vực và trên thế giới. Sự ưu đãi, các hiệp định về thuế, tính thông lệ quốc tế của chính sách thuế có thể làm gia tăng sự hoà nhập kinh tế giữa một số quốc gia với khu vực và cộng đồng quốc tế.

2.4.2Nhận diện rủi ro và Kiểm soát rủi ro trong hoạt động thu thuế TNDN TNDN

Tình hình kinh tế trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, do đó cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với hoạt động thu NSNN nói chung, hoạt động thu thuế TNDN nói riêng. Tùy theo đặc điểm của mỗi quốc gia sẽ có những thách thức, rủi ro riêng. Tuy nhiên có thể chia rủi ro dẫn đến việc thất thu thuế TNDN thành hai loại: Rủi ro bên ngoài và rủi ro bên trong ngành thuế. Trong đó, rủi ro bên trong chủ yếu xuất phát từ sự suy thoái đạo đức của cán bộ thuế lợi dụng quyền hạn chức năng để tiếp tay cho DN làm thất thu NSNN, mô hình tổ chức còn chưa phù hợp,

tình hình nhân sự còn hạn chế về số lượng và chất lượng, hay sự không rõ ràng trong các văn bản luật, nghị định về thuế TNDN. Rủi ro bên ngoài xuất phát từ sự thiếu ý thức của NNT luôn tìm mọi cách trốn thuế nhằm giảm tối thiểu số thuế phải nộp, hiện nay hành vi trốn thuế nói chung, trốn thuế TNDN nói riêng ngày càng đa dạng và tinh vi, đặc biệt là hoạt động chuyển giá, bên cạnh đó còn có sự tinh vi trong việc làm giả sổ sách chứng từ nhằm khai tăng chi phí, ghi giảm doanh thu nhằm gian lận số thuế TNDN phải nộp.

Vì thế để thực hiện mục tiêu thu đúng, thu đủ NSNN và kiểm soát được hoạt động thu, thông thường tại Cục thuế cũng như Chi cục thuế luôn luôn phải có quy trình KSRR trong hoạt động thu thuế. Ở mỗi quốc gia, quy trình KSRR có thể khác nhau tùy theo đặc điểm tuy nhiên quy trình KSRR thông qua hệ thống QTRR đều được các quốc gia thực hiện dựa trên tám yếu tố cấu thành đó là: Môi trường quản lý, Thiết lập mục tiêu, Nhận dạng sự kiện tiềm tàng, Đánh giá rủi ro, Phản ứng với rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và truyền thông và Giám sát.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong chương 2 tác giả đã lựa chọn lý thuyết theo COSO 2004 mà không chọn COSO 1992, vì COSO 2004 đi sâu vào hệ thống QTRR, trong đó có đề cập đến KSRR. Mặc khác vì các đơn vị quản lý thuế là hoạt động công, nên lý luận cũng đề cập đến INTOSAI, một lý thuyết triển khai từ COSO ứng dụng trong hoạt động công. KSRR có những lợi ích nhưng cũng có những hạn chế còn tồn tại, qua đó cung cấp những kiến thức cơ bản về tám yếu tố cấu hành hệ thống KSRR bao gồm: Môi trường quản lý, Thiết lập mục tiêu, Nhận dạng sự kiện tiềm tàng, Đánh giá rủi ro, Phản ứng với rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và truyền thông và Giám sát.

Thuế giữ một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế vì thế mục tiêu thu đúng và đủ số thuế là vấn đề cấp thiết mà tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm, vì vậy thiết lập được hệ thống KSRR tại đơn vị thu thuế nhằm nhận diện, ngăn ngừa và phản ứng với rủi ro một cách hiệu quả nhất.

CHƯƠNG 3

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Luận văn được xây dựng từ các công cụ nghiên cứu nhằm tìm kiếm một phương pháp giải quyết các vấn đề khoa học, có độ tin cậy cao. Một công cụ nghiên cứu đầy đủ đòi hỏi phải có khung nghiên cứu hay mô hình nghiên cứu thích hợp, sau đó tìm ra các phương pháp nghiên cứu thích hợp với mô hình và thu thập dữ liệu phù hợp có độ tin cậy để xử lý.

3.1 Mô hình nghiên cứu đề nghị

Từ những nghiên cứu trước đây, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu dự kiến : Y = β0 + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + β5X5 + β6X6 + β7X7 + β8X8 + α

Biến phụ thuộc: Y = Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế Biến độc lập:

X1 = Môi trường quản lý X2 = Thiết lập mục tiêu X3 = Nhận dạng sự tiềm tàng X4 = Đánh giá rủi ro

X5 = Phản ứng với rủi ro X6 = Hoạt động kiểm soát X7 = Thông tin và truyền thông X8 = Giám sát

Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế được khái quát theo hình 3.1 như sau:

Hình 3.1: Mô hình nghiên cứu

Đồng thời, tác giả đưa ra các giả thuyết nhằm kiểm định về các nhân tố ảnh hưởng đến Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế trong bảng 2.2 như sau:

Bảng 3.1: Giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết Nội dung

H1 Môi trường quản lý có ảnh hưởng đến Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế (+)

H2 Thiết lập mục tiêu có ảnh hưởng đến Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế (+)

H3 Nhận dạng sự tiềm tàng có ảnh hưởng đến Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế (+)

H4 Đánh giá rủi ro có ảnh hưởng đến Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế (+)

H5 Phản ứng với rủi ro có ảnh hưởng đến Kiểm soát rủi ro hoạt động thu thuế (+)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát rủi ro trong công tác thu thuế thu nhập doanh nghiệp tại cục thuế bình dương​ (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)