5. Kết cấu luận văn
3.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
3.3.2.1. Hạn chế
Giai đoạn 2012-2017, BIDV có nhiều thay đổi, cải tiến trong quy trình tín dụng khách hàng cá nhân nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi cơ cấu tín dụng từ bán buôn sang bán lẻ. Bên cạnh những thành quả đạt được còn một số hạn chế sau đây:
a) Lập hồ sơ tín dụng
Đây là bước đầu tiên trong quy trình tín dụng, trong bước này cán bộ tín dụng và khách hàng gặp gỡ trao đổi về nhu cầu vay vốn, từ đó cán bộ tín dụng hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Mặc dù BIDV đã có hướng dẫn cụ thể về số lượng hồ sơ cung cấp đối với từng sản phẩm tín dụng và đối tượng khách hàng, nhưng hồ sơ tín dụng vẫn còn một số lỗi như: (i) Hồ sơ tín dụng mà khách hàng cung cấp thiếu đóng dấu “sao y bản chính” hay “đã đối chiếu bản chính”; (ii) Chứng minh thư, hợp đồng lao động của
khách hàng chưa được xác thực; (iii) Hồ sơ chưa hoàn thiện (ví dụ: món vay mua ô
tô cũ, nhưng thiếu giấy tờ sang tên…)
b) Phân tích tín dụng
Đây là bước thứ hai trong quy trình tín dụng, bước này được thực hiện chủ yếu bởi cán bộ tín dụng với các công việc như: Đánh giá, phân tích khách hàng, khoản cấp tín dụng; đánh giá về tài sản đảm bảo; lập đề xuất tín dụng và nhận phê duyệt tín dụng. Với từng công việc, cán bộ tín dụng lại có những sai sót như:
Bước đánh giá, phân tích khách hàng, khoản cấp tín dụng, cán bộ tín dụng tại Chi nhánh Thái Nguyên cũng gặp phải những sai sót trong từng sản phẩm vay cụ
thể như: Sản phẩm cho vay bổ sung kinh doanh: Mục đích vay vốn không phù hợp với ngành nghề trong đăng ký kinh doanh; địa điểm kinh doanh không đúng như đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh; hay cho vay đối với những khoản chi phí đã
hoàn thành… Sản phẩm cho vay mua nhà: Mục đích xây sửa nhà không phù hợp
với giấy phép xây dựng được cấp….
Bước đánh giá về tài sản đảm bảo, khi xem xét đảm bảo tiền vay, vẫn còn một số hồ sơ thế chấp tài sản được ký sau ngày ký hợp đồng tín dụng. Điều này có thể vẫn đảm bảo khả năng thanh toán cho món vay nhưng về nguyên tắc ra quyết định tín dụng đã bị vi phạm.
c) Quyết định tín dụng
Việc ra quyết định tín dụng ở cấp nào tại BIDV tùy thuộc vào đặc điểm món vay và quy mô món vay. Với đặc điểm món vay khách hàng cá nhân thường nhỏ, thời gian đáo hạn ngắn nên thường do chi nhánh giữ thẩm quyền phê duyệt. Trong giai đoạn 2012-2017, Chi nhánh cũng vướng phải một số lỗi sau khi phê duyệt tín dụng: Đề nghị và phê duyệt tín dụng vượt quá giá trị tài sản đảm bảo; Cho vay vượt nhu cầu vay vốn của khách hàng; Ngân hàng xác định thời gian cho vay quá dài đối với vòng quay vốn; Ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và xác định số tiền trả nợ gốc/kỳ theo kỳ hạn mới nhưng không đánh giá được khả năng tài chính và phương án trả nợ của khách hàng vay sau khi cơ cấu lại.
d) Giải ngân
Để giải ngân, khách hàng cần cung cấp chứng từ để tiến hành giải ngân. Tuy nhiên, một số cán bộ tín dụng còn non yếu về kinh nghiệm, dễ dàng chấp nhận hồ sơ chưa hợp lệ, có thể lấy ví dụ như: (i) Nhiều trường hợp cho vay khách hàng cá nhân, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn là hóa đơn bán lẻ không hợp lệ; (ii) Một số trường hợp, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay còn là những Hóa đơn được đánh máy và in trên giấy A4 theo một khuôn mẫu nhất định chỉ thay đổi tên đơn vị bán hàng; (iii) Một số trường hợp cho vay khách hàng cá nhân, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay là hóa đơn bán lẻ không ghi ngày, tháng, năm; không có chữ ký của bên bán hàng; hóa đơn phát sinh trước thời điểm cho vay quá dài nhưng không có chứng từ chứng minh hàng hóa được chậm trả hoặc chưa thanh toán; hóa đơn sửa chữa ngày.
e) Giám sát tín dụng
Một số hồ sơ tín dụng khách hàng cá nhân còn thiếu biên bản kiểm tra sau vay vốn. Điều này chứng tỏ công tác giám sát tín dụng vẫn bị coi nhẹ ở một số cán bộ tín dụng.
3.3.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân từ phía BIDV Chi nhánh Thái Nguyên
- Nền kinh tế luôn mang nhiều biến động đỏi hỏi các thành phần trong nó luôn phải biến đổi, vận động không ngừng. Nhu cầu vay vốn của khách hàng nói chung và khách hàng cá nhân nói riêng cũng vậy. Do đó, quy trình tín dụng cũng cần có thay đổi để đảm bảo chất lượng tín dụng cũng như giải quyết thỏa đáng nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, việc xây dựng quy trình tín dụng tại BIDV chủ yếu tập trung vào một số ít cán bộ song việc áp dụng này do cả bộ máy thực hiện nên đôi khi không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập.
- Cán bộ tín dụng tại BIDV Chi nhánh Thái Nguyên là nguồn nhân lực có chất lượng cao, song chất lượng chưa thật sự đồng đều. Một vài cán bộ còn trẻ về tuổi đời, non nớt về kinh nghiệm… dễ dàng bị khách hàng cá nhân qua mặt, trong công tác thẩm định hồ sơ vay vốn.
Nguyên nhân từ phía khách hàng cá nhân
Khách hàng cá nhân (trừ khách hàng vay bổ sung vốn kinh doanh) là đối
tượng vay vốn có đặc điểm: quy mô vốn vay nhỏ, số lần vay vốn ngân hàng không nhiều do đó, khó năm bắt được về quy trình thủ tục vay vốn tại ngân hàng. Điều nay gây khó khăn cho cán bộ tín dụng và ngân hàng trong việc thực hiện.
Bên cạnh đó, một số khách hàng lợi dụng sự non kém của cán bộ tín dụng, không cung cấp hoặc cung cấp chưa đủ hoặc cung cấp giấy tờ vay không hợp lệ… gây cản trở quá trình thẩm định, phân tích tín dụng.
Chương 4
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY TRÌNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN
VIỆT NAM CHI NHÁNH THÁI NGUYÊN
4.1. Định hướng và mục tiêu hoàn thiện quy trình tín dụng đối với khách hàng cá nhân của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên đến năm 2020