5. Kết cấu của luận văn
3.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu giữa
Kho bạc nhà nước, Hải quan và Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
3.3.1. Nhân tố khách quan
3.3.1.1. Hệ thống văn bản pháp luật
Hệ thống văn bản pháp luật là yếu tố vô cùng quan trọng và có tác động trực tiếp đến quá trình thu thuế xuất nhập khẩu cũng như công tác phối hợp thu. Mọi hoạt động nghiệp vụ cụ thể trong lĩnh vực thu và công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu đều được tiến hành dựa trên căn cứ pháp lý là các văn bản, chế độ về công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Việc quy định đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu và mức nộp thuế xuất nhập khẩu là căn cứ nền tảng tiến hành thu và phối hợp thu qua Kho bạc nhà nước. Nếu việc quy định đối tượng thu thuế xuất nhập khẩu rõ ràng, chính xác thì việc phối hợp thu sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại nếu đối tượng không được xác định rõ ràng dễ dẫn đến cách hiểu và cách thu thuế xuất nhập khẩu không giống nhau, gây mâu thuẫn giữa cơ quan thu, cơ quan Kho bạc nhà nước, các Ngân hàng thương mại và đối tượng nộp.
Một số văn bản liên quan trực tiếp đến công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu như:
- Thông tư 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các Ngân hàng thương mại.
- Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016.
- Quyết định số 664/QĐ - KBNN ngày 16/7/2013 ban hành quy chế về quản trị chương trình song phương điện tử và công tác phối hợp thu giữa Kho bạc nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các Ngân hàng thương mại.
- Công văn số 328/KBNN - KTNN ngày 24/02/2014 của Kho bạc nhà nước v/v một số trao đổi thống nhất trong TTSPĐT, …
Cùng một số thông tư, nghị định, văn bản luật khác có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu và phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chung của Nhà nước có ảnh hưởng đến công tác phối hợp trong thu thuế xuất nhập khẩu thể hiện qua một số nội dung cụ thể sau:
Văn bản pháp luật quy định rõ các đối tượng phải chịu thuế xuất nhập khẩu, người nộp thuế và cách tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế đối với các hàng hóa chịu thuế xuất nhập khẩu.
- Về căn cứ tính thuế: Để bảo đảm tính khái quát và minh bạch, Luật thuế xuất nhập khẩu năm 2016 quy định cụ thể, tách biệt căn cứ tính thuế đối với từng loại thuế theo tỷ lệ phần trăm, thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp.
+ Khoản 1 Điều 5 của Luật quy định: “Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế”.
+ Điều 6 của Luật quy định:
“1. Số tiền thuế áp dụng xuất khẩu, nhập khẩu được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.
2. Số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với hàng hóa là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối theo quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Luật này.”
- Về áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi, để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế với các cam kết liên quan về thuế xuất khẩu, tạo điều kiện cho việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu trong khuôn khổ một số hiệp định thương mại tự do FTA quan trọng như Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU,… Luật thuế xuất nhập khẩu năm 2016 tại khoản 2 Điều 5 đã bổ sung nội dung: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì thực hiện theo các thỏa thuận này”.
Đồng thời, cũng đưa ra quy định về các mô hình tính thuế cho người nộp thuế lựa chọn: Cơ quan hải quan tính thuế và mô hình do người nộp thuế tự khai tự nộp thuế. So với việc cơ quan Hải quan tính thuế và thông báo cho đơn vị ra nộp thuế xuất nhập khẩu -mô hình mang tính áp đặt chủ yếu dựa và quyền lực cơ quan Hải quan để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp. Mô hình người nộp thuế tự khai tự nộp mang tính dân chủ và nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật của chủ thể.
Theo các văn bản quy định quy trình phối hợp thu cũng nêu lên được kế hoạch phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu.Kế hoạch phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu càng được lập có căn cứ vững chắc càng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức. Nếu không lập kế hoạch đủ chi tiết, Kho bạc nhà nước sẽ rất bị động trong điều hành phối hợp thu thuế nói chung và phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu nói riêng.Cũng như không chủ động cải tiến quá trình thu thuế xuất nhập khẩu sao cho có thể tập trung đúng chế độ, kịp thời và chính xác. Hơn nữa, nếu không có kế hoạch tốt, quá trình phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu sẽ rất lộn xộn, làm mất thời gian của người nộp thuế khiến họ phàn nàn và khó kiểm soát được các món tiền thu làm chậm hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình thông quan.
- Phương thức và quy trình thu thuế xuất nhập khẩu.
Mỗi phương thức, quy trình thu thuế xuất khẩu và nhập khẩu có tác động trực tiếp đến tốc độ tập trung số tiền nộp thuế và có ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thu
thuế (thể hiện qua chi phí, thời gian phải tiêu phí cho việc thực hiện một khoản thu). Mỗi khoản thu thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu tương thức với từng hình thức thu và phải phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế cùng với nghĩa vụ nộp thuế xuất nhập khẩu .Ngược lại, nếu phương thức và quy trình thu không thích hợp và không phù hợp với văn bản pháp luật sẽ gây khó khăn cho các cơ quan hải quan trong việc quản lý số thu xuất nhập khẩu cũng như quản lý các doanh nghiệp cùng nghĩa vụ nộp thuế.
3.3.1.2. Cơ sở vật chất phục vụ việc truyền nhận công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu giữa Kho bạc nhà nước, Hải quan và Ngân hàng thương mại tại Thái Nguyên
Hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị là điều kiện cần để thực hiện công tác phối hợp thu thuế giữa Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên, Hải quan Thái Nguyên và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn. Để việc truyền nhận thông tin và giao dịch diễn ra một cách nhanh chóng và chính xác thì cần có một hệ thống thiết bị hiện đại, hoạt động tốt, thời gian xử lý nhanh. Đồng thời, một đường truyền tốc độ cao sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ truyền dữ liệu giữa các đơn vị tham gia phối hợp thu. Với hệ thống hiện đại thì quy trình thu thuế xuất nhập khẩu sẽ diễn ra suôn sẻ hơn và tạo sự thuận lợi cho cả bên thu thế và bên nộp thuế.
Cơ sở vật chất, hạ tầng truyền thông và việc áp dụng công nghệ thông tin cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới động lực thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.
Khi cơ sở vật chất khang trang hiện đại thì người nộp thuế sẽ có động lực đến Kho bạc nhà nước hoặc các Ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu để thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của mình. Môi trường làm việc đảm bảo an toàn, văn minh lịch sự làm cho người nộp thuế có hứng thú hơn. Việc áp dụng công nghệ thông tin và hạ tầng truyền thông sẽ giúp việc tra cứu các thông tin liên quan chính xác, thời gian thực hiện các giao dịch thu ngân sách nhà nước nhanh chóng, từ đó, người nộp thuế sẽ không phải chờ đợi lâu, đồng thời nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế sẽ được ghi nhận ngay lập tức thông qua việc hạch toán trên các chương trình phần mềm ứng dụng hiện đại,... Những cải tiến này sẽ góp phần to lớn vào quá trình nâng cao hiệu quả của việc quản lý thu ngân sách nhà nước.
Để thực hiện được những điều vừa nêu trên, các cơ quan Hải quan, Kho bạc nhà nước cùng các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần có những biện pháp cụ thể và sát với thực tế:
a. Về phía cơ quan Hải quan Thái Nguyên: Có Cổng thanh toán điện tử phục vụ kết nối, xử lý thông tin đặt tại trung tâm xử lý dữ liệu của Tổng cục Hải quan (Sau đây gọi là Cổng thanh toán điện tử của Hải quan) và hệ thống kế toán thuế tập trung của Tổng cục Hải quan.
- Cổng thanh toán điện tử của Hải quan là hệ thống kết nối, trao đổi, đối chiếu và cung cấp thông tin điện tử để phục vụ công tác thu nộp ngân sách nhà nước giữa Tổng cục Hải quan với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
- Hệ thống kế toán thuế tập trung Hải quan là chương trình ứng dụng quản lý kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tổng cục Hải quan. Hệ thống được vận hành trên cơ sở ứng dụng web với máy chủ xử lý tập trung đặt tại Tổng cục Hải quan. Các cục và chi cục Hải quan địa phương sử dụng hệ thống qua các trình duyệt web. Cơ quan Hải quan sử dụng hệ thống để thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ hạch toán kế toán thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; lưu trữ dữ liệu và tổng hợp các báo cáo liên quan đến công tác quản lý thuế. Chương trình được tích hợp với hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS để nhận thông tin về số tờ khai, và hệ thống VNACCS/VCIS tự động cấp phép thông quan đối với những tờ khai đã được hạch toán hết nợ thuế trên hệ thống kế toán tập trung.
b. Về phía Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên: Hệ thống phần mềm phục vụ thu nộp thuế bằng phương thức điện tử gồm:
- Ứng dụng thu thuế trực tiếp tại Kho bạc (TCS): là chương trình ứng dụng thu theo dự án Hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính tại các điểm thu của Kho bạc Nhà nước. Cũng như chương trình của kế toán thuế tập trung, chương trình TCS tập trung cũng được thiết lập dựa trên ứng dụng web với máy chủ đặt tại Kho bạc Nhà nước. Chương trình cho phép Kho bạc Nhà nước hạch toán tất cả các khoản thu qua kho bạc (trừ các khoản thu hộ và khoản thu bổ sung từ ngân sách cấp trên), lập, kiểm soát, in chứng từ, nhận dữ liệu từ các điểm thu và kết xuất dữ liệu chứng từ cho chương trình kế toán kho bạc TABMIS.
- Ứng dụng truyền tin· Tại mỗi điểm triển khai hệ thống sẽ được cài đặt ứng dụng truyền tin phục vụ cho việc đóng gói dữ liệu theo cấu trúc file chuẩn, đưa dữ liệu lên Queue, và lấy dữ liệu từ Queue để đưa vào hệ thống.
- Ứng dụng quản trị truyền tin: Ứng dụng theo dõi quá trình truyền nhận của các gói dữ liệu trao đổi giữa điểm thu ngoài của Kho bạc với điểm thu tại VP Kho bạc; giữa Kho bạc và các cơ quan thu (Thuế, Hải quan, Tài chính); giữa hệ thống TCS của Kho bạc và hệ thống Tabmis. Ứng dụng quản trị truyền tin được cài đặt tại tất cả các điểm triển khai của hệ thống.
- Ứng dụng tham số: Ứng dụng này được dùng để cấu hình tham số tại các điểm trển khai
c. Về phía các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - Hệ thống core banking (Core Banking System): Là ứng dụng xử lý dữ liệu back - end để xử lý tất cả các giao dịch và cập nhật trên số dư tài khoản vào cơ sở dữ liệu khách hàng trên hệ thống máy chủ. Hệ thống Ngân hàng thường bao gồm các phân hệ tài khoản tiền gửi, cho vay, giao diện với các sổ kế toán nói chung và công cụ báo cáo.
- Chương trình TCS - NHTM: Trên cơ sở chương trình ứng dụng TCS của Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng thương mại đã đầu tư xây dựng ứng dụng thu ngân sách nhà nước theo mô hình tập trung trên công nghệ web, có gắn với hệ thống Corebanking và có đầy đủ các chức năng tương tự như ứng dụng TCS tại Kho bạc Nhà nước.
3.3.2. Nhân tố chủ quan
3.3.2.1. Mối quan hệ giữa Kho bạc nhà nước, Hải quan và Ngân hàng thương mại
Việc vận hành được bộ máy phối hợp thu thuế nói chung và thu thuế xuất nhập khẩu của Hải quan nói riêng có liên quan đến rất nhiều các cơ quan khác nhau. Trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị đều có những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau. Vì thế, để hệ thống phối hợp thu được vận hàng thuận lợi, rất cần có một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan tham gia.
Mối quan hệ giữa các đơn vị diễn ra tốt đẹp thì việc hỗ trợ lẫn nhau sẽ diễn ra suôn sẻ và tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên sẽ luôn phấn chấn, từ đó sẽ nâng
cao hiệu quả công việc. Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa Kho bạc, Hải quan và ngân hàng không thuận lợi thì sẽ nảy sinh nhiều rắc rối trong quá trình phối hợp và gây ra nhiều chậm trễ trong việc thu ngân sách nhà nước.
Giữa các cơ quan tham gia là Hải Quan, các Ngân hàng Thương mại và Kho bạc nhà nước Thái Nguyên cần giữ mối quan hệ hợp tác, lịch sự, thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau trên mọi phương diện. Các cơ quan cần có sự tin tưởng lẫn nhau và cùng giúp đỡ nhau giải quyết các khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình phối hợp thu thuế. Ngoài ra giữa các bên cần tổ chức thêm các buổi tọa đàm trao đổi nghiệp vụ để cùng giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Theo thống kê của tổng cục Hải quan và Kho bạc nhà nước, từ khi bắt đầu thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước nói chung và thu thuế xuất nhập khẩu nói riêng, lúc bắt đầu đầu triển khai từ năm 2014, chỉ có bốn ngân hàng lớn tham gia hợp tác là BIDV, Agribank, Vietinbank, và Vietcombank. Chỉ sau một năm, tức đến năm 2015, số lượng ngân hàng tham gia phối hợp thu giữa tổng cục Hải quan, Kho bạc nhà nước đã lên tới con số 27 đơn vị và tính đến cuối năm 2017 số lượng Ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu đã là 35 ngân hàng.
Cũng không nằm ngoài sự phát triển đó thì năm 2014 đến năm 2017, số lượng ngân hàng ký kết phối hợp thu nói chung và thuế xuất nhập khẩu nói riêng với Kho bạc nhà nước, Hải quan từ một ngân hàng là BIDV đến nay đã lên tới năm ngân hàng là BIDV, Vietinbank, MB, Vietcombank và Agribank.
Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu, mối quan hệ giữa các bên liên quan luôn luôn diễn ra rất tốt đẹp, bầu không khí thân thiện với tinh thần tương trợ hợp công, cùng giúp đỡ nhau, tin tưởng lẫn nhau nhằm hướng tới mục tiêu cao cả là cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.