5. Kết cấu của luận văn
3.4.2. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
3.4.2.1. Về việc sử dụng thông tin và truyền/nhận dữ liệu
- Thông tin về số phải thu thuế xuất nhập khẩu tra cứu được chủ yếu từ các tờ khai luồng xanh; với những trường hợp tờ khai luồng vàng và luồng đỏ thì ngân hàng và Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên không thể truy vấn dữ liệu từ cổng thanh toán điện tử.
Nguyên nhân chủ yếu là do để có thể phục vụ cho công tác quản lý nợ thuế, hệ thống chỉ tạo đầu tờ khai và treo nợ thuế sau khi tờ khai được thông quan hoặc giải phóng hàng. Tuy nhiên, để được quyết định thông quan, giải phóng hàng, trước đó, doanh nghiệp cần phải hoàn tất các nghĩa vụ về thuế.
- Việc thiết kế cách sắp xếp và nội dung các cột trong bảng biểu thông tin nộp thuế từ ngân hàng và kho bạc đôi khi không được thích hợp với yêu cầu tra cứu của Hải quan Thái Nguyên. Dẫn đến khó tra cứu loại thuế xuất nhập khẩu.
- Do việc tổ chức dữ liệu của Tổng cục Hải quan theo mô hình tập trung, nên số lượng tờ khai Hải quan truyền nhận giữa các bên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hàng ngày quá lớn; trong khi đó, máy chủ truyền tin của Kho bạc Nhà nước theo dự án Hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước lại có cấu hình thấp. Vì vậy, việc nhận danh sách dữ liệu tờ khai Hải quan tại Kho bạc Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Đôi khi, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên không thể nhận được dữ liệu danh sách tờ khai Hải quan, đặc biệt là tại các điểm giao dịch của Kho bạc Nhà nước nên không được hỗ trợ trong quá trình nhập liệu.
Ngoài ra, theo quy định, đối với các trường hợp cổng thanh toán điện tử Hải quan chưa đáp ứng thì các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước nhận các thông tin khác từ trung tâm dữ liệu của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thông tin chỉ được cập nhật vào trung tâm dữ liệu của Bộ Tài chính 01 lần/ngày, do đó, không thể đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu tra cứu của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, nếu cổng thanh toán điện tử của cơ quan Hải quan không thể truy cập được thì cũng không có thông tin truyền sang Trung tâm công nghệ thông tin Bộ Tài chính.
Mặc dù nhiều ngân hàng đã thực hiện tốt công tác truyền thông tin về số đã thu đầy đủ, chính xác, sang Kho bạc Nhà nước; Tuy nhiên, một số chi nhánh Ngân hàng thương mại thực hiện việc truyền/nhận dữ liệu các khoản đã thu ngân sách nhà nước còn chậm, không đúng quy định dẫn đến chậm tổng hợp số liệu và truyền tin đến cơ quan Hải quan. Theo quy định của Bộ Tài chính, thời điểm tạm ngừng truyền nhận chứng từ thanh toán trong ngày để đối chiếu số liệu giữa Ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước (thời điểm cut of time) là 15h30, tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn còn thực hiện thu và truyền số liệu sau 17h.
Bên cạnh đó, việc truyền dữ liệu từ Ngân hàng thương mại trên địa bàn có lúc có lỗi xảy ra như truyền đi nhiều món nhưng dữ liệu nhận về từ Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên lại không đầy đủ hoặc truyền nhiều lần gây khó khăn cho việc nhận dữ liệu của Kho bạc. Những lần truyền lại này phải xóa bỏ thì mới có thể khóa sổ ngày được.
Chi cục Hải quan Thái Nguyên đã nhận được dữ liệu về số đã thu thuế xuất nhập khẩu từ các Ngân hàng thương mại và Kho bạc nhà nước, tuy nhiên, tính đến tháng 9 năm 2017, lượng dữ liệu về thông tin nộp thuế Chi cục nhận được từ ngân hàng mới chỉ đạt 80% trên tổng số tờ khai đã nộp thuế xuất nhập khẩu. Số liệu truyền tin đôi khi vẫn không chính xác. Ví dụ như truyền sai số tờ khai, số tiền, mã số thuế,… Đặc biệt, có một số trường hợp, Chi cục nhận được dữ liệu về số đã thu từ ngân hàng nhưng không nhận được dữ liệu về khoản nộp từ Kho bạc Thái Nguyên.
3.4.2.3. Về tinh thần phối hợp thu và công nghệ máy móc
a. Về tinh thần phối hợp thu
- Việc phối hợp giữa các Ngân hàng thương mại với Chi cục Hải quan Thái Nguyên đôi khi còn chưa tốt. Một số chi nhánh Ngân hàng thương mại chưa thực sự tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan Hải quan Thái Nguyên để tổ chức triển khai tốt việc phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu. Một phần vì khối lượng công việc lớn, một phần do chưa được tuyên truyền, quán triệt tốt về nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong quy trình thu, do đó một số nhân viên ngân hàng vẫn dè dặt trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan trong trường hợp hệ thống gặp sự cố.
- Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm chắc thông tin về các khoản nộp dẫn đến khai sai thông tin nộp thuế; một vài trường hợp cán bộ của chi nhánh Ngân hàng thương mại chưa quen với nghiệp vụ thu nộp ngân sách nhà nước mới, có hiểu biết chưa sâu về tra cứu các thông tin nộp thuế của doanh nghiệp nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các thủ tục thu, nộp cho người nộp thuế và thao tác khi thực hiện quy trình thu thuế và truyền tin, việc nhập liệu chứng từ thu của cán bộ Ngân hàng thương mại còn sai sót về mục lục ngân sách nhà nước, mã số thuế,...
- Số lượng ngân hàng tham gia phối hợp thu với Tổng cục Hải quan Thái Nguyên còn ít, một số doanh nghiệp thường ngại mở mới tài khoản do làm tăng thêm
chi phí và thủ tục, do đó tỷ lệ doanh nghiệp tham gia quy trình nộp thuế theo quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước còn chưa cao.
b. Về công nghệ máy móc
- Máy chủ của Trung tâm trao đổi dữ liệu trung ương được thiết kế trong giai đoạn 1 chỉ để triển khai cho 30 tỉnh và trên 100 huyện. Song hiện nay để phục vụ cho việc triển khai TABMIS, thì đã phải triển khai mở rộng tới 63 tỉnh và 713 quận, huyện, nên cấu hình máy chủ hiện không đảm bảo đủ dẫn đến việc thông tin, dữ liệu truyền nhận giữa các đơn vị bị chậm hoặc đôi khi bị thất lạc,…
- Chương trình ứng dụng thu ngân sách nhà nước tại các Ngân hàng thương mại Thái Nguyên hiện mới chủ yếu phục vụ cho các hình thức nộp ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tại các trụ sở chi nhánh hoặc phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại. Việc phát triển các hình thức thu nộp ngân sách nhà nước khác như internet banking, uỷ nhiệm thu không chờ chấp thuận, hay hình thức thu qua các cây ATM còn được thực hiện hạn chế (hiện nay hình thức này mới chỉ được áp dụng đối với ngành Thuế nội địa), do vậy, chưa tạo thêm được các hình thức thu, nộp mới hiện đại nhằm phục vụ người nộp thuế.
- Việc thiết kế một số chức năng của các chương trình phần mềm phục vụ phối hợp thu ngân sách nhà nước còn rườm rà, nhất là các chức năng nhập liệu, đôi khi còn gây ra nhầm lẫn trong quá trình nhập liệu. Các chương trình chưa có chức năng cảnh báo trong trường hợp nhập thông tin sai dẫn đến rất nhiều trường hợp nhầm lẫn, ảnh hưởng đến việc truyền nhận thông tin và hạch toán kế toán.
Ví dụ: Trên chương trình Ari - Tax của ngân hàng chỉ nên đăng ký các tài khoản 7111, 3591, 3949, 3511, không nên đăng ký các tài khoản 7311, 7411 để tránh nhập nhầm tài khoản.
3.4.2.4. Về khối lượng công việc và biên chế nhân sự
Biên chế nhân sự thực hiện công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu hiện nay còn còn thiếu. Tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, công việc được giao cho một công chức đồng thời nhân viên này còn đảm nhiệm thêm nhiều mảng công việc khác; Tại Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên, có một công chức phụ trách nhận dữ liệu thu xuất nhập khẩu và một công chức phụ trách truyền dữ liệu sang cơ quan Hải quan
nhưng cả hai công chức này cũng đồng thời phải kiêm nhiệm thêm nhiều mảng công việc.
Những điều trên có thể dẫn đến hậu quả là gây chậm trễ, sai sót trong quá trình truyền nhận, cập nhật, kiểm tra, đối chiếu,…
3.4.2.5. Về hạch toán kế toán
Việc áp dụng quy trình phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu đã làm phát sinh tài khoản tiền đang đi đường. Với khối lượng nộp thuế lớn, việc kiểm tra và đối chiếu tài khoản còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Ngoài ra, trong trường hợp Hải quan Thái Nguyên thu tiền mặt trực tiếp tại Chi cục, cơ quan Hải quan phải hạch toán qua tài khoản tiền mặt và giảm nợ thuế đối với tờ khai. Tuy nhiên, trong thời gian 8 tiếng, khi cơ quan Hải quan nộp khoản thuế đã thu vào ngân sách nhà nước qua Ngân hàng thương mại ủy nhiệm thu, hệ thống không thể phân biệt khoản nộp này với các khoản nộp khác do doanh nghiệp nộp qua Ngân hàng thương mại và một lần nữa định khoản giảm nợ thuế cho doanh nghiệp. Như vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp được định khoản giảm nợ hai lần gây ra hiện tượng thừa tiền ảo trên hệ thống kế toán của cơ quan Hải quan.
Một số doanh nghiệp nộp tiền thuế qua ngân hàng vào cuối tháng và đã được hạch toán vào tài khoản tiền 1171, tuy nhiên vì một số lý do (do truyền nhầm, thiếu thông tin, phải thực hiện tra soát, do lỗi đường truyền...) khoản nộp được Kho bạc nhà nước Thái Nguyên báo có sau khi đã khóa sổ kế toán, khi công chức Hải quan nhập máy bút toán Giấy nộp tiền nhận từ Kho bạc, hệ thống báo lỗi khóa sổ kế toán. Thời điểm khóa sổ kế toán của các cơ quan Hải quan hiện nay vào ngày 05 hàng tháng, đối với những trường hợp ngày lễ, tết hoặc thứ 7, chủ nhật vào những ngày đầu tháng, thời gian này là không đảm bảo cho việc đối chiếu, cân đối số liệu giữa hai các cơ quan, đồng thời, thời điểm này cũng không phù hợp với thời gian khóa sổ của Kho bạc Nhà nước.
3.4.2.6. Về quy trình giải quyết vướng mắc
Các vướng mắc vượt thẩm quyền phát sinh thường được Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên, và các chi nhánh Ngân hàng thương mại báo cáo lên cấp trên và được trao đổi, giải quyết tại cấp Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước trung ương và Hiệp hội Ngân hàng.
Như tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, khi gặp vướng mắc vượt thẩm quyền, Chi cục sẽ làm công văn báo cáo Cục Hải quan quản lý; Cục Hải quan tập hợp vướng mắc từ các chi cục trực thuộc và báo cáo Tổng cục Hải quan; Tổng cục Hải quan dựa trên các báo cáo vướng mắc của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc trao đổi với Kho bạc Nhà nước Trung ương hoặc Hiệp hội Ngân hàng.
Như vậy, quy trình giải quyết vướng mắc còn phức tạp và đôi khi gây nên tình trạng chậm giải quyết.
Tóm lại, quá trình triển khai thực hiện công tác phối hợp thu đối với thuế xuất nhập khẩu giữa Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên - cơ quan Hải quan Thái Nguyên - các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu nộp ngân sách nhà nước; nâng cao vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan Hải quan và Kho bạc Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế; góp phần xây dựng hệ thống thông tin tài chính tích hợp (IFMIS) và hình thành Chính phủ điện tử. Tuy vậy, công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu với các Ngân hàng thương mại cũng còn một số tồn tại, vướng mắc,… Những vấn đề này đòi hỏi cần sớm được khắc phục, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp thu trong thời gian tới.
Có thể nói, nộp thuế và công tác phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu qua các Ngân hàng thương mại là bước đột phá của ngành Hải quan và các cơ quan liên quan trong công cuộc hiện đại hóa, cải cách công tác thuế, bước đầu triển khai không thể tránh khỏi những khó khăn đòi hỏi ngành Hải quan phải nổ lực vượt qua. Trong quá trình triển khai thực tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đơn vị tham gia vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm đồng thời thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của các nước đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, qua đó từng bước áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Nhiệm vụ này thực sự là một thách thức đối với các đơn vị thực hiện công tác thu thuế xuất nhập khẩu Thái Nguyên.
Chương 4
HOÀN THIỆN CÔNG TÁC PHỐI HỢP THU THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU