Một gene có tác dụng ức chế u đã được nghiên cứu nhiều là gene P53. Gene này khu trú trên nhiễm sắc thể số 17, mã hoá protein P53 có kích thước 393 acid amin (aa), và trọng lượng phân tử là 53 kD. Protein P53 có chức năng điều hoà kiểm soát sự phát triển tế bào và ức chế sự hình thành u bằng con đường thúc đẩy tế bào chết theo chương trình và khả năng làm dừng sự
phân chia của tế bào ở bất kỳđiểm nào trong nhiều điểm kiểm soát của tế bào.
Đột biến gene P53 được tìm thấy với tỷ lệ khác nhau ở các khu vực khác nhau. Có nơi người ta gặp đột biến này lên tới hơn 50% các bệnh nhân UTG,
trong đó có hơn một nữa là đột biến điểm tại vị trí 249 (AGG → AGT, = hospot), đột biến này gây ra biến đổi axit amin serine thay thế arginine (249ser). Đột biến này ít gặp ở các bệnh nhân UTG ở Mỹ và Châu âu. Do vùng
điểm nóng của đột biến này có chuỗi trình tự nucleotid AGGCC là vị trí bám dính của Aflatoxin β1 (AFB1) nên từ trước tới nay các nghiên cứu chủ yếu tập trung trên các đối tượng bệnh nhân có liên quan chất độc này. Gần đây người ta thấy rằng quá trình sửa chữa chậm của đột biến này có thể do sự cản trở của HBx-protein, một thành phần của HBV [50]. Nghiên cứu gần đây của Kirk DG và cs, (2005) cho thấy đột biến điểm 249ser trên gene P53 gặp ở
24,6% bệnh nhân UTG có HBsAg (+) so với chỉ 0,3% trên nhóm chứng; nguy cơ tiến triển UTBGNP trên bệnh nhân nhiễm HBV là cao tương đương với nhiễm AFB1 với (OR: 10.0, 95% CI: 5.16–19.6 và OR: 13.2, 95% CI: 4.99– 35.0); tuy nhiên khi kết hợp cả 2 yếu tố thì nguy cơ là rất cao với (OR: 399, 95% CI: 48.6–3270) [51]. Vì vậy nghiên cứu xác định các đột biến xẩy ra trên gene mã hoá P53 ở bệnh nhân nhiễm HBV có thể sử dụng là một dấu ấn giúp chẩn đoán sớm tiền ung thư khi mới có tổn thương ở mức phân tử là cơ sở
cho chẩn đoán sớm UTG cũng như là một yếu tố dự báo và tiên lượng bệnh có ý nghĩa quan trọng trong áp dụng các biện pháp can thiệp sớm và nâng cao hiệu quảđiều trị kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
Gene P53 là một gene có kích thước lớn, do vậy chúng tôi chỉ khảo sát
đoạn gene có những đột biến đã được xác định trong các nghiên cứu trước
đây. Cụ thể chúng tôi khảo sát đoạn gene có vị trí từ 13970 đến vị trí 14176. Kết quả cho thấy trên đoạn gene này chỉ có một điểm đột biến điển hình tại vị
trí 14073 (G→G/T). Chính đột biến này đã làm thay đổi axit amin tại vị trí 249 (Arginine → Serine). Ngoài ra không tìm thấy đột biến nào khác trên
đoạn gene khảo sát. Kết quả phân tích cho thấy nhóm chứng chỉ có 1 mẫu phát hiện có đột biến tại điểm 249, tại nhóm NMVR chúng tôi không phát
hiện trường hợp nào, nhóm VGM có 1 bệnh nhân mang đột biến chiếm 2% và nhiều nhất là nhóm UTG có 10 bệnh nhân mang đột biến gene này chiếm 11.1%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm UTG với nhóm chứng, NMVR và VGM (P<0.01). Khi so sánh giữa 2 nhóm: UTG và không ung thư
(người khỏe, NMVR và VGM) cho thấy nguy cơ tiến triển thành ung thư gan trên bệnh nhân mang đột biến gene P53 là 12.37 lần. Như vậy, so với kết quả
của Kirk và cộng sự thì tần suất xuất hiện đột biến gene P53 trong quần thể
nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn (5.8% so với 26%). Và tương tự như vậy khi phân tích về nguy cơ xuất hiện UTG trên những bệnh nhân mang gene P53 đột biến thì chúng tôi thấy nguy cơ xuất hiện UTG trên nhóm nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn (OR = 12.37 so với 399). Như vậy, qua kết quả
nghiên cứu này cùng những kết quả của các nghiên cứu trước đây đều thống nhất rằng bên cạnh các nguyên nhân do virut viêm gan B và C thì đột biến gene P53 cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong sinh bệnh học của UTG [49].
4.8. Đột biến gene IFN alpha R
Cho đến hiện nay đã có nhiều nghiên cứu khảo sát các dấu ấn phân tử
liên quan đến diễn biến bệnh do nhiễm HBV [52], [53]. Các đột biến điểm trên vùng khởi động nhân của các gene mã hóa TNF hoặc TGF1ß đã được chứng minh là có vai trò quan trọng trong sinh bệnh học nhiễm HBV. Nguyên nhân là những đột biến này gây biểu hiện gene ở cả mức độ mRNA và protein của các cytokine. Một mặt khác, các đột biến điểm của mannose binding lectin (MBL) [101], và IFNα [54] đã được coi là có liên quan đến làm sự tiến triển bệnh. IFN alpha đã được đưa vào điều trị bệnh viêm gan B mạn tính từ
hơn 10 năm nay, hiệu quả điều trị đã được chứng minh trên một số các bệnh nhân, nhưng lại không có tác dụng trên hơn 50% bệnh nhân còn lại. Vậy
nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó, cho đến hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Một nguyên nhân có thể là do sự khác nhau về mức độ biểu hiện và liên kết của các thụ cảm thể IFN với IFN. Mà sự khác nhau này có thể do nguyên nhân từ sự khác biệt về gene mã hóa các thụ cảm thể này. Gần đây khi nghiên cứu khảo sát mức độ biểu hiện của hàng nghìn gene trên các gia đình nhiễm HBV người ta đã chứng minh một vùng tại nhiễm sắc thể 21 (chromosome 21q22) là có liên quan đến sự tồn tại mạn tính của HBV [58]. Trong nghiên cứu đó người ta đã chứng minh sự biến đổi gene IFNAR2 và IL10RB là nguyên nhân gây nên sự tồn tại của virut.
Trong nghiên cứu này chúng tôi khảo sát sự biến đổi gene IFNAR1,
đây là một phần trong phức hợp các gene được mô tả ở trên. Một đột biến tại vùng intron, và một đột biến làm thay đổi axit amin Leucine thành Valine. Người ta cũng biết rằng các đột biến điểm trên vùng intron có thể ảnh hưởng
đến mức độ liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp giữa intron và exon. Khi có đột biến thì sẽ tạo ra các vị trí cắt đoạn mới hoặc làm thay đổi hoàn toàn các đoạn cắt trên gene [102]. Sự thay đổi này sẽ làm thay đổi chức năng của protein do gene này mã hóa, thay đổi mức độ biểu hiện gene ở mức độ mRNA trên các tế
bào [103].
Trong nghiên cứu của chúng tôi đột biến điểm tại vị trí 17470 của gene IFN R có liên quan đến mức độ cảm nhiễm HBV. Biểu hiện là so với nhóm người khỏe mạnh thì nhóm bệnh nhân nhiễm HBV có kiểu gene C/C chiếm tỷ
lệ cao hơn có ý nghĩa. Trong khi đó thì không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về
các kiểu gene C/G và G/G. Giữa các nhóm NMVR, VGM và UTG không có sự khác biệt về sự xuất hiện các kiểu gene IFN R. Tại vị trí 168 chúng tôi thấy so với nhóm người khỏe mạnh thì nhóm nhiễm HBV có tỷ lệ mang kiểu gene G/G thấp hơn và có kiểu gene C/G cao hơn có ý nghĩa. Trong khi đó không có
sự khác biệt giữa các nhóm còn lại về sự phân bố các kiểu gene. Phân tích sâu thêm chúng tôi thấy khi bệnh nhân mang kiểu gene C/C tại vị trí 17470 thì có khả năng tăng tính cảm thụ với HBV. Đặc biệt, nếu mang kiểu gene C/C thì có nguy cơ viêm gan mạn tính hơn. Tuy nhiên chúng tôi không tìm thấy có mối liên quan giữa mang kiểu gene C/C với tiến triển thành ung thư gan. Ngược lại, khi cá thể mang kiểu gene G/G tại vị trí 169 thì nguy cơ cảm nhiễm HBV giảm hơn cá thể mang các kiểu gene C/G và C/C. Đặc biệt khi cá thể mang kiểu gene G/G thì nguy cơ ung thư gan cũng thấp hơn so với khi mang kiểu gene C/G và C/C. Như vậy kiểu gene G/G tại vị trí 168 có tác dụng bảo vệ đối với nhiễm HBV cũng như có tác dụng ngăn chặn sự tiến triển thành ung thư gan. Cụ thể nguy cơ tiến triển thành ung thư gan trên các bệnh nhân mang kiểu gene G/G giảm ½ lần so với các cá thể mang kiểu gene C/G và C/C.
Như vậy, các kiểu gene khác nhau thì có ảnh hưởng khác nhau lên sự
hình thành ung thư gan trên bệnh nhân nhiễm HBV. Nhận định này đã được làm rõ thêm trong một nghiên cứu gần đây khi người ta tiến hành phân tích trên 663 bệnh nhân nhiễm HBV tại Trung Quốc. Trong nghiên cứu đó người ta thấy đột biến điểm trên gene mã hóa thụ thể IFN đã làm tăng nguy cơ tiến triển nặng của bệnh nhiễm HBV, với nguy cơ tiến triển thành ung thư gan trên bệnh nhân mang kiểu gene C/C là 2.47 lần (OR = 2.475; 95% CI = 1.435, 4.426; p < 0.001) [104].