Những đặc điểm về cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảnh huống ngôn ngữ của người sán dìu ở thái nguyên (Trang 31 - 34)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.7. Những đặc điểm về cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam

Đặc điểm về số lượng dân tộc, ngôn ngữ ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Theo danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam (do Tổng cục Thống kê công bố ngày 21/3/1979) trên lãnh thổ nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, bao gồm: Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khơ Me, Nùng, Mông, Dao, Gia Rai, Ngái, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Sán Chay, Cơ Ho, Chăm, Sán Dìu, Hrê, Mnông, Ra Glai, Xtiêng, Bru - Vân Kiều, Thổ, Giáy, Cơ Tu. Gié - Triêng, Mạ, Khơ Mú, Co, Ta Ôi, Chơ Ro, Kháng, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru....Trong số 54 dân tộc anh em, dân tộc Kinh có số dân lớn nhất, chiếm tới 85,7% dân số cả nước; 53 dân tộc còn lại chiếm 14,3% dân số. Điều đáng chú ý là rất nhiều dân tộc ở nước ta có mặt ở các nước khác trong khu vực; đặc biệt có một số dân tộc có mặt ở nước ta là thiểu số nhưng ở các nước khác lại là chủ thể.

Theo cách hiểu phổ biến 54 dân tộc tương ứng với 54 ngôn ngữ khác nhau. Hiện nay, việc xác định một cách chính xác số lượng các ngôn ngữ đang đứng trước những khó khăn nhất định. Tuy nhiên từ thực tế nghiên cứu có thể chắc chắn ngôn ngữ Việt Nam phải có con số lớn hơn 54 dân tộc. Điều này cho thấy thành phần dân tộc tham gia vào cảnh huống ngôn ngữ ở nước ta là bức tranh đa thành tố hết sức phong phú.

Đặc điểm về quan hệ cội nguồn và loại hình của các ngôn ngữ ở Việt Nam

Các ngôn ngữ Việt Nam thuộc năm ngữ hệ:

- Ngữ hệ Nam Á: Bên cạnh Tiếng Việt, trong số 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam có 24 dân tộc cùng nói các ngôn ngữ khác nhau thuộc họ Nam Á đó là: Mường, Chứt, Thổ, Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng, Ơ Đu, Cơ Tu, Bru -

Vân Kiều, Ta Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm, Co, Cơ Ho, Xtiêng, Mạ, Mnông, Chơ Ro, Khơ Me.

- Ngữ hệ Nam Đảo: Các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ này thuộc 5 dân tộc: Chăm, Ra Glai, Gia Rai, Ê Đê, Chu Ru.

- Ngữ hệ Tai - Ka Đai: có 12 dân tộc nói ngôn ngữ của ngữ hệ này bao gồm: Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy, Bố Y, Cơ Lao, La Chí, Pu Péo, La Ha, Lào, Lự.

- Ngữ hệ Hmông - Miền: gồm 3 dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn.

- Ngữ hệ Hán - Tạng là cư dân của 9 dân tộc: Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La Hủ, Cống, Si La, Hoa, Ngái, Sán Dìu.

Như vậy về cội nguồn, bức tranh ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam là một bức tranh đa sắc. Bên cạnh đó các ngôn ngữ Việt Nam đều có một đặc điểm chung đều thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Chính điều này đã làm cho các ngôn ngữ ở Việt Nam xích lại gần nhai hơn.

Đặc điểm về sự hình thành và phát triển của các dân tộc, ngôn ngữ ở Việt Nam

Ngay từ buổi đầu hình thành, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, các dân tộc trên đất nước Việt Nam luôn chung sống với nhau một cách đoàn kết, thân thiện và hòa hợp. Không có chiến tranh sắc tộc, không có xung đột văn hóa, ngôn ngữ đó là hạnh phúc của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh ngôn ngữ của nước ta phát triển theo 2 xu hướng: Xu hướng phân li và xu hướng hòa nhập, quy tụ. Ở xu hướng thứ nhất các nhà nghiên cứu cho rằng rất nhiều ngôn ngữ hiện nay là kết quả của sự chia tách từ một ngôn ngữ mẹ trước đây. Ở xu hướng thứ hai do quá trình chung sống trên một địa bàn và giao lưu tiếp xúc lâu dài giữa các dân tộc nên một số ngôn ngữ có xu hướng xích lại gần nhau thậm chí thay thế lẫn nhau. Chính điều đó đã đặt ngôn ngữ trước nguy cơ bị mai một và mất đi.

Đặc điểm về dân số - tộc người và địa lý - tộc người của các ngôn ngữ ở Việt Nam

Thực tế cho thấy, trong các quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ số lượng người sử dụng từng ngôn ngữ là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến vị thế và khả năng sinh tồn và phát triển của ngôn ngữ đó. Xét về phương diện này tiếng Việt là ngôn ngữ chiếm ưu thế tuyệt đối với 73.594.427 người chiếm 85,7% (2009) dân số đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của tiếng Việt và cho sự chọn lựa ngôn ngữ giao tiếp ở nước ta. Bên cạnh đó điều đáng lo ngại là hiện nay nhiều ngôn ngữ ở nước ta có số lượng người sử dụng rất ít như tiếng Arem, Mã Liềng, Rục, Cơ Lao, Pà Dí, Thu Lao, Cuối, Pu Péo đây là những dân tộc ít người. Ngôn ngữ các dân tộc này đang có nguy cơ mai một rất lớn và nếu không có chính sách phù hợp thì sự biến mất của chúng là rất khó tránh khỏi.

Ngoài năng lực về dân số, cách phân bổ các nhóm cư dân, các dân tộc nói các ngôn ngữ khác nhau cũng có ảnh hưởng rất lớn tới cảnh huống ngôn ngữ ở nước ta hiện nay. Cụ thể như sự phân bố phân tán, đan xen của các ngôn ngữ - tộc người cũng làm cho sự phát triển của các ngôn ngữ phải đối diện với nhiều bất lợi nhất định: sự khác biệt giữa các phương ngữ của một ngôn ngữ ngày càng lớn; công tác xây dựng chữ viết, giáo dục tiếng mẹ đẻ và phổ biến chúng gặp nhiều khó khăn; các ngôn ngữ nhỏ đứng trước nguy cơ bị mai một.

Trình độ phát triển, vai trò vị thế của các ngôn ngữ ở Việt Nam

Trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiện nay, trình độ phát triển, vai trò vị thế của các ngôn ngữ hoàn toàn không giống nhau. Tiếng Việt là ngôn ngữ phát triển và có vai trò cao hơn cả so với các ngôn ngữ còn lại. Ở mức độ thấp hơn, một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta không chỉ được sử dụng trong nội bộ dân tộc mà còn được một số dân tộc vùng sử dụng để giao tiếp với nhau. Các ngôn ngữ còn lại là những ngôn ngữ phát triển chậm,

thậm chí không phát triển mà còn có nguy cơ bị mai một. Chúng chỉ tồn tại dưới hình thức nói và chỉ được sử dụng làm phương tiện giao tiếp trong phạm vi gia đình, làng bản, trong nội bộ dân tộc. Từ một góc độ khác, thực tế giao tiếp ngôn ngữ của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam cũng xác nhận rằng các ngôn ngữ có vị thế nổi trội ở nước ta như ngôn ngữ giao tiếp chung “tiếng phổ thông” giữa các dân tộc, có tư cách quốc gia và một số ngôn ngữ có tư cách là “ngôn ngữ phổ thông vùng” khác đều là những ngôn ngữ “bản địa”.

Thái độ ngôn ngữ ở các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam

Thái độ ngôn ngữ thường được hiểu là cách ứng xử là sự đánh giá về tính hữu ích của người bản ngữ đối với các ngôn ngữ tham gia vào cảnh huống. Với những ưu thế vượt trội về mọi phương diện: số lượng người sử dụng lớn, trình độ phát triển cao, có truyền thống chữ viết lâu đời, phạm vi giao tiếp rộng, tiếng Việt đã trở thành phương tiện giao tiếp chung giữa các dân tộc, có vai trò như một ngôn ngữ quốc gia một cách hết sức tự nhiên. Không những thế, bên cạnh người Kinh, cộng đồng 53 dân tộc thiểu số ở nước ta đều xem việc học tập, nắm bắt tiếng Việt không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm, quyền lợi của họ vì thế mà các dân tộc thiểu số ở nước ta thờ ơ với tiếng mẹ đẻ nhưng trong sâu thẳm tâm tư của đồng bào, họ vẫn luôn muốn tiếng nói của dân tộc mình được sử dụng một cách tích cực bên cạnh tiếng Việt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảnh huống ngôn ngữ của người sán dìu ở thái nguyên (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)