Kích thước mẫu
Có nhiều quy ước về kích thước mẫu, chẳng hạn như Hair & ctg (1998) cho rằng kích thước mẫu phải tối thiểu từ 100 đến 150, theo Gorsuch (1983) cho rằng phân tích nhân tố cần ít nhất 200 quan sát. Tuy nhiên, tác giả theo quan điểm của Bollen (1989) cho rằng kích thước mẫu tối thiểu là 5 quan sát cho một câu hỏi cần ước lượng. Theo đó, nghiên cứu này có 33 câu hỏi, vì vậy kích thước mẫu tối thiểu là 33 x 5 = 165. Để đạt được tối thiểu 165 quan sát, tác giả đã gửi 330 bảng câu hỏi đến khách hàng có sử dụng dịch vụ du lịch tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến thành.
Đã có 330 phiếu điều tra được thu nhận, trong đó có 28 phiếu khảo sát bị loại do không hợp lệ. Do đó, số lượng quan sát còn lại để đưa vào phân tích là 302 phiếu.
Phương pháp chọn mẫu
Ở phạm vi nghiên cứu đề tài này, do hạn chế về thời gian và chi phí nghiên cứu nên tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất với phương pháp thuận tiện. Chọn mẫu phi xác suất là phương pháp chọn mẫu mà trong đó các phần tử tham gia vào mẫu không theo quy luật ngẫu nhiên.
Nhược điểm của phương pháp chọn mẫu phi xác suất:
- Không thể đo lường được mức độ chính xác của kết quả thu thập.
- Không phải lúc nào chọn mẫu phi xác suất đều mang tính đại diện cho tổng thể. - Chọn mẫu phải dựa vào kỹ năng của người nghiên cứu, trong khi với phương pháp chọn mẫu xác suất, kết quả không bị lệ thuộc vào người nghiên cứu.
- Tuy nhiên, khi điều tra, số lượng đối tượng càng nhiều, sai số do chọn mẫu càng nhỏ; và khi tổng điều tra mọi đối tượng sẽ không còn sai số do chọn mẫu. Do đó, với cùng chi phí cho cuộc nghiên cứu, thì sai số do chọn mẫu phi xác suất sẽ nhỏ hơn khi chọn mẫu xác suất.
- Phương pháp thuận tiện trong chọn mẫu phi xác suất: phương pháp này được thực hiện dựa trên sự thuận tiện hay việc dễ tiếp cận của tác giả đối với các đối tượng nghiên cứu.