Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.3. Định hướng cụ thể từng ngành từ năm 2017-2020
Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao - Tỷ trọng hàng hóa trong sản phẩm nông nghiệp từ 60 - 65%.
- Các mặt hàng nông sản có chất lượng và giá trị cao của hộ gia đình huyện Lâm Thao chiếm 50% thu nhập hộ.
- Giá trị hàng hóa nông sản trong hộ gia đình trong trổng giá trị sản phẩm hàng hóa nói chung của vùng ngày càng tăng, trong đó :
* Trồng trọt
Phát triển ngành trồng trọt, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp cụ thể như sau:
- Sản xuất lương thực: Phát triển ổn định sản xuất lương thực theo hướng ưu tiên diện tích chủ động nước tưới tiêu; phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 44.290 tấn. Đến năm 2020, duy trì tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 6.200 ha, trong đó: Vụ chiêm xuân 3.200 ha, vụ mùa 3.000 ha. Tiếp tục xây dựng và hình thành các vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất
cao theo hướng xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” để áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, tập trung trên địa bàn các Cao Xá, Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Hợp Hải, Tứ Xã, Sơn Dương,... Tập trung đưa các giống lúa chất lượng cao, lúa lai vào sản xuất, phấn đấu diện tích gieo trồng đạt 4.960 ha, chiếm 80% diện tích gieo trồng, trong đó lúa chất lượng cao phấn đấu đạt 2.500 ha phục vụ cho nhà máy chế biến xuất khẩu gạo của Nhật Bản (tại xã Cao Xá khi nhà máy đi vào hoạt động). Phấn đấu năng suất lúa bình quân cả năm đạt 65 tạ/ha, sản lượng đạt 40.300 tấn.
Phát triển cây ngô trên đất bãi, cây ngô đông, đất đồi cao hạn ở các xã miền núi; đưa các giống ngô mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất ngô giống với Viện Ngô Trung ương, Công ty giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao, Công ty sản xuất thức ăn gia súc Minh Hiếu nhằm cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Phấn đấu đến 2020 đạt diện tích gieo trồng ngô trên 700 ha, sản lượng đạt trên 3.990 tấn.
- Các cây trồng khác: Chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, tiếp tục xây dựng các công thức luân canh, xen canh cây trồng hợp lý để tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hoặc nuôi thủy sản.
Phát triển trồng các loại rau, củ, quả, đặc biệt là rau mầu vụ Đông và Đông Xuân, phấn đấu đến năm 2020, diện tích 1.500 ha, sản lượng đạt trên 37.500 tấn; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất rau, củ quả an toàn tập trung với tổng diện tích 300 ha, tại các xã: Bản Nguyên, Tứ Xã, Vĩnh Lại; ngoài diện tích quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 80% diện tích còn lại được sản xuất theo hướng an toàn phục vụ cho nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu (GOC) khi nhà máy đi vào hoạt động; xây dựng và từng bước hình thành các vùng nông nghiệp cận đô thị sản xuất rau an toàn.
Tiếp tục duy trì diện tích sắn từ 90 - 100 ha tại các xã, thị trấn vùng đồi: Tiên Kiên, Xuân Lũng, Xuân Huy, TT. Hùng Sơn cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi, đẩy mạnh đưa các giống sắn cao sản vào gieo trồng. Mở rộng diện tích trồng lạc, đậu tương, khoai tây, khoai lang trên đất chuyên màu, đất bãi, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
* Ngành chăn nuôi
Quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại tập trung công nghiệp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng bộ, theo chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y... đến giết mổ, tiêu thụ) gắn với thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận. Chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, hình thành được vùng chăn nuôi tập trung tại các xã vùng đồi, các xã có diện tích bãi bồi ven sông Hồng như: Tiên Kiên, Xuân Lũng, Cao Xá, Bản Nguyên, Xuân Huy, Vĩnh Lại, Thạch Sơn, Kinh Kệ; Phát triển trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt làm nguồn thức ăn bổ sung; phấn đấu đến năm 2020 đàn bò đạt khoảng 8.000 con (tỷ lệ bò lai đạt trên 95%); đàn trâu ổn định khoảng 1000 con.
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển đàn lợn theo qui mô trang trại, gia trại theo 2 hướng: chuyên lợn thịt chất lượng cao hướng nạc và sản xuất con giống (giống ngoại) đảm bảo nhu cầu tiêu thụ thị trường và đầu vào con giống phục vụ tái đàn; chăn nuôi lợn theo qui mô trang trại tập trung tại các xã: Tứ Xã, Sơn Vi, Tiên Kiên... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và thị trường các tỉnh lân cận. Phấn đấu tổng đàn lợn đạt 50.000 con, sản lượng thịt hơi đạt khoảng 10.000 tấn.
Phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng, gà thịt chất lượng cao, vịt đẻ trứng; chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn tại các xã, thị trấn vùng đồi, các trang trại tổng hợp theo hướng hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học và qui trình nuôi công nghiệp, đến năm 2020 tổng đàn gia cầm đạt 500.000 con.
* Thuỷ sản
Tiến hành đầu tư nâng cấp, cải tạo các hồ đầm tự nhiên, diện tích ruộng sâu trũng trồng trọt kém hiệu quả chuyển sang nuôi thủy sản thực hiện theo công thức một lúa - một cá. Rà soát quy hoạch vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản từ 350 - 400ha với các loại thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế cao (như: Cá bỗng, cá chiên, cá lăng, cá nheo...) tại các xã: Xuân Lũng, Xuân Huy, Thạch Sơn, Sơn Vi, Tứ Xã, Sơn Dương, Vĩnh Lại. Tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản truyền thống có khả năng thâm canh và giá trị như: trắm, trôi, chép lai, rô phi... mở rộng diện tích nuôi thủy sản giống mới (chép lai, rô phi lai xa...).