5. Kết cấu của luận văn
4.2.1. Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế
* Giải pháp về đổi mới chính sách khuyến khích hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các THT, HTX chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các THT, HTX chè phát triển thì việc hỗ trợ các THT, HTX chè trên địa bàn huyện về mặt bằng sản xuất là vô cùng quan trọng. Hiện mặt bằng sản xuất kinh doanh của các THT, HTX chè trên địa bàn huyện chủ yếu là tận dụng mặt bằng sản xuất của một số hộ thành viên HTX, hoặc tổ viên THT. Những THT, HTX chè có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ trực tiếp để phục vụ cho sản xuất, chế biến chè,... gần như chưa được giao đất. Trụ sở hoạt động của các THT, HTX cũng tận dụng ở nhà của chính các tổ viên và thành viên, sản phẩm do THT, HTX sản xuất ra chính vì vậy mà không có nơi chưng bày và giới thiệu sản phẩm, dẫn đến khó khăn trong việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các THT, HTX chè của huyện có thể thuê dài hạn mặt bằng sản xuất kinh doanh hoặc mặt bằng để xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm chè trên địa bàn.
Những địa phương không còn quỹ đất sạch thì xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các THT, HTX chè tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng để các đơn vị hoạt động.
* Giải pháp về vốn cho các THT, HTX chè trên địa bàn huyện
- Khuyến khích các thành viên HTX, tổ viên THT có nhiều hình thức góp vốn kể cả bằng tài sản, đất đai,... để tăng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các THT, HTX chè. Công khai, minh bạch các khoản đóng góp từ các tổ viên THT và các thành viên HTX chè, tạo niềm tin cho các thành viên tham gia THT, HTX chè trên địa bàn.
- Khuyến khích, hỗ trợ cho các THT, HTX chè vay vốn từ các tổ chức tín dụng, thông qua việc giảm bớt các thủ tục vay vốn đối với các THT, HTX chè trên địa bàn huyện. Đơn giản hóa thủ tục hành chính và thủ tục vay vốn thế chấp bằng tài sản đối với THT, HTX chè.
- Tỉnh Thái Nguyên cần bổ sung vốn điêu lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tăng cường mức cho vay và tạo điều kiện cho vay đối với các THT, HTX chè có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
- Huy động nguồn vốn phi chính phủ: Đây là những nguồn vốn do các tổ chức phi chính phủ áp dụng thực hiện các chương trình các dự án về an sinh xã hội. Đối với các THT, HTX chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ trong những năm qua còn ít được hỗ trợ từ nguồn vốn này nên cần phải tiếp cận tốt hơn nữa thông qua Liên minh HTX của tỉnh, thông qua phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện các dự án ưu đãi (phát triển THT, HTX chè theo mô hình chuỗi giá trị gia tăng) mà được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ. Làm được như này, các HTX vừa tiếp cận được khoa học mới, tiếp cận được thị trường mới, thậm chí được hỗ trợ sản xuất thông qua các tổ chức phi chính phủ. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ cho các THT, HTX chè trên địa bàn, nhằm giúp các THT, HTX chè đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.
* Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất chè của các THT, HTX chè trên địa bàn
- Nâng cao nhận thức của các tổ viên THT, thành viên HTX về vai trò của công nghệ trong sản xuất và chế biến chè. Khuyến kích, động viên các thành viên tham gia THT, HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm. Các THT, HTX tự tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn chè an toàn với chất lượng cao và với giá cao. Đây là tiền đề thúc đẩy các hộ thành viên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến chè.
- Tăng cường các hoạt động hỗ trợ và chuyển giao máy móc thiết bị từ trung ương và địa phương cho các THT, HTX chè. Các trung tâm Khuyến Công, khuyến Nông, sở Khoa học công nghệ, Hiệp hội Làng nghề, Liên minh HTX tỉnh ưu tiên tập huấn cho các tổ viên THT, thành viên HTX chè, người lao động làm nghề chè trên địa bàn huyện tiếp thu công nghệ mới, và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, chế biến cho các hộ trồng chè và các hộ thành viên HTX, tổ viên THT chè trên địa bàn huyện, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ trong quá trình sản xuất và chế biến chè của THT, HTX.
* Giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chè cho các THT, HTX chè trên địa bàn huyện
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của huyện cần phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương Mại (Sở Công Thương), Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên trong việc tìm kiếm, xác định nhu cầu thị trường về sản phẩm chè trong nước và nước ngoài, nhằm đưa ra những dự báo thích hợp về sản lượng, chất lượng sản phẩm chè cho các hộ thành viên.
- Hỗ trợ các THT, HTX chè tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè. Thông qua các hội chợ, triển lãm giúp cho các THT, HTX chè tìm kiếm và ký kết hợp đồng hợp tác đối với đối tác trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè.
- Hỗ trợ các THT, HTX chè về đăng ký nhãn hiệu chè cho THT, HTX chè. Qua đó nâng cao uy tín và vị thế của THT, HTX chè trên địa bàn.
- Đào tạo, nâng cao kỹ năng thị trường và kỹ năng xuất khẩu cho các tổ viên THT, thành viên HTX, đặc biệt là tổ trưởng THT và ban giám đốc HTX chè trên địa bàn thông qua các lớp đào tạo năng lực quản lý cho THT, HTX chè trển địa bàn huyện.
* Giải pháp tăng cường liên kết dọc giữa THT, HTX chè với doanh nghiệp xuất khẩu
THT, HTX chè có vai trò quan trọng trong việc liên kết giữa các tổ viên THT, thành viên HTX với doanh nghiệp, do doanh nghiệp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm chè của từng hộ trồng chè. Những năm gần đây, vai trò của liên kết ngang và liên kết dọc đã và đang được các cấp chính quyền địa phương huyện Đồng Hỷ đặc biệt quan tâm, song công tác tuyên truyền, hỗ trợ các THT, HTX chè liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu còn chưa nhiều. Kết quả khảo sát hiện nay chỉ có 4/9 Hợp tác xã chè có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè với một số doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn. Tuy nhiên, sản lượng chè xuất khẩu chưa nhiều, giá trị xuất khẩu chưa cao. Do vậy, cần có liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với các THT, HTX chè nhằm hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong đó thúc đẩy thị trường xuất khẩu.
* Giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về THT, HTX chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và của huyện Đồng Hỷ
- Nâng cao vai trò của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên trong việt phát triển THT, HTX chè. Củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên để đảm bảo đủ năng lực để làm tròn vai trò của tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các THT, HTX chè. Nâng cao năng lực và tính chủ động của Liên minh HTX trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển THT, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung và trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nói riêng. Liên minh
HTX tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ phát triển đối với các THT, HTX: đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý THT, HTX và dạy nghề cho các tổ viên THT, thành viên HTX, dự báo và cung cấp thông tin thị trường và các hoạt động hỗ trợ tiếp thị cho các THT, HTX,... hỗ trợ tín dụng, tư vấn khoa học công nghệ cho các THT, HTX chè, tổ chức các hoạt động triển lãm giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu,...
- Liên minh các HTX cần kết hợp với các cấp chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn hướng dẫn các cán bộ về cách thức quản lý THT, HTX của mình, nâng cao trình độ quản lý trong quá trình hội nhập và cạnh tranh.
- Mở các lớp nâng cao trình độ khoa học công nghệ cho các tổ viên THT, thànhviên HTX, cán bộ là những người trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất chè, đặc biệt là các thành viên tham gia THT, HTX thực hiện sản xuất, chế biến chè. Bởi vậy, trước hết yêu cần cán bộ phải có trình độ chuyên môn cao, có nghiệp vụ sư phạm để hướng dẫn các THT, HTX chè và làm theo hướng dẫn.
- Các cấp chính quyền cần mời các lãnh đạo các THT, HTX chè tham gia vào các chương trình giới thiệu và quảng bá các công nghệ sản xuất mới. Đây là bước đầu để các cán bộ tiếp cận được với kiến thực khoa học để có thể từng bước tiếp cận và áp dụng.
- Liên minh hợp tác xã cũng cần vào cuộc đó là cũng cần định hướng, vận động những thành viên có trình độ, đạo đức tham vào lãnh đạo THT, HTX chè. Đặc biệt vận động những THT đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi sang HTX chè nhằm nâng cao tính liên kết và mở rộng sản xuất kinh doanh cho các THT chè trên địa bàn.
- Các sở ban ngành, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa các thành viên nhất là ban lãnh đạo tiếp cận nguồn văn hóa và tri thức mới như: tại các trụ sở của THT, HTX cần yêu cầu kết nối internet, có các sách hướng dẫn người dân sản xuất... để các thành viên cũng có thể tự bản thân nâng cao trình độ của mình.
* Giải pháp về hoàn thiện chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với THT, HTX chè trên địa bàn
Hiện nay trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển THT, HTX chè trên địa bàn: chính sách hỗ trợ giống chè mới cho năng suất và chất lượng cao đối với các tổ viên THT, thành viên HTX và các hộ trồng chè; chính sách hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè an toàn; chính sách hỗ trợ máy móc thiết bị; chính sách xúc tiến và hỗ trợ phát triển thị trường;... Tuy nhiên, khâu hỗ trợ còn rườm rà, đối tượng được hỗ trợ còn hạn chế,... đặc biệt từ khâu ban hành các văn bản, các quy định đến khâu thực thi còn mất rất nhiều thời gian. Do vậy, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đối với THT, HTX chè trên địa bàn theo hướng đơn giản và dễ thực thi.