3.1.2.1. Địa hình
Hưng Yên nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng, với địa hình tương đối đơn điệu. Nhìn chung địa hình của tỉnh nghiêng chênh chếch từ tây bắc xuống Đông Nam và không thật bằng phẳng. Độ dốc trung bình là 8cm/1km. Về phía bắc, nổi lên loại địa hình cao, có hình vòng cung đi từ đông bắc sang tây bắc rồi men theo phía tây, dọc sông Hồng, bao gồm địa phận các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu. Đây là vùng đất cao trong đê, có độ cao tuyệt đối từ 4 đến 6m.
Liền kề với vùng đất cao và vùng đất thấp hơn, độ cao trung bình chừng 3m, phổ biến ở Ân Thi, Yên Mỹ, Mỹ Hào, nam Kim Động, Tiên Lữ và kéo dài xuống phía Nam (như Phù Cừ). Độ cao ở đây chỉ còn 2 mét.
Địa hình Hưng Yên ảnh hưởng rõ rệt đến việc canh tác. Trước kia thường xuyên xảy ra hạn hán và úng ngập. Vùng cao không giữ được nước, trong khi đó
vùng thấp lại tiêu nước không kịp trong mùa mưa. Với từng vùng cũng có sự phân hoá ít nhiều về địa hình. Vùng cao lại có chỗ trũng như ở Đại Hưng (Khoái Châu) và vùng thấp cũng có chỗ cao như ở Nhật Quang (Phù Cừ). Hiện nay, nhân dân Hưng Yên đã xây dựng một màng lưới thuỷ lợi dày đặc để kịp thời giải quyết những khó khăn do địa hình gây ra, bảo đảm cho việc sản xuất quanh năm, hạn chế mức thiệt hại do hạn hán và úng lụt. (VP UBND T.Hưng Yên, 2009).
3.1.2.2. Thổ nhưỡng
Đất đai trong tỉnh được hình thành do phù sa sông Hồng bồi đắp. Thành phần cơ giới của đất, từ đất thịt nhẹ đến đất thịt pha nhiễm chua. Có thể chia làm ba loại:
- Loại đất phù sa sông Hồng được bồi: Màu nâu thẫm, đất trung tính, ít chua, đây là loại đất tốt,
- Loại đất phù sa sông Hồng không được bồi lắng: Loại này có tầng phù sa dày, thành phần cơ giới từ đất thịt trung bình đến đất thịt nặng, đất trung tính, ít chua,
- Loại đất phù sa sông Hồng có tầng loang lổ, không được bồi lắng: Đất màu nâu nhạt, tầng phù sa mỏng, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, bị sét hóa mạnh, chất hữu cơ phân hủy chậm, thường bị chua. (VP UBND T.Hưng Yên, 2009).
3.1.2.3. Tài nguyên khoáng sản
Lâu nay, với khả năng công nghệ kỹ thuật thăm dò và khai thác khoáng sản như hiện có, Hưng Yên được xem là một trong những tỉnh tài nguyên khoáng sản rất hạn chế. Khoáng sản chính của Hưng Yên hiện nay là nguồn cát với trữ lượng lớn bên sông Hồng và trong nội đồng, có thể khai thác đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh. Các khoáng sản khác hầu như không đáng kể. Việc phát triển kinh tế của tỉnh chưa bao giờ dựa vào công nghiệp khai khoáng như địa phương khác.
Tuy nhiên, các nghiên cứu thăm đo địa chất cho thấy than nâu của Hưng Yên (thuộc bể than nâu vùng đồng bằng sông Hồng) được đánh giá có trữ lượng lớn (hơn 30 tỷ tấn), nhưng phân bố ở độ sâu trung bình từ 600 đến 1000 mét, điều kiện khai thác có nhiều vấn đề phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, nhất là về xử lý địa chất thủy văn, địa chất công trình, mặt đất NN,… Hiện nay, đang đặt ra vấn đề khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản này (VP UBND T.Hưng Yên, 2009).
3.1.2.4. Tài nguyên sinh thái
Hưng Yên là một tỉnh thuần nông, đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc hình thành các khu, điểm công nghiệp: Như Quỳnh, Phố Nối, Thị xã Hưng Yên và gần thủ đô Hà Nội, các phương tiện giao thông cơ giới hoạt động nhiều, bên cạnh đó việc sản xuất vật liệu xây dựng, nung gạch ngói cùng với chất thải trong sản xuất TTCN, kinh doanh dịch vụ, LN làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do vậy, cần sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ và phát triển cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái trong tỉnh và vùng (VP UBND T.Hưng Yên, 2009).
3.1.2.5. Tài nguyên du lịch, du lịch LN
Tài nguyên du lịch của Hưng Yên khá phong phú với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.210 di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có 159 di tích được xếp hạng quốc gia, cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật cổ có giá trị. Đặc biệt quần thể di tích Phố Hiến, Đa Hòa - Dạ Trạch, khu tưởng niệm Lương y Hải Thượng Lãn Ông, Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh; nhà thờ Bà Hoàng Thị Loan; ... là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa rất có giá trị cho phát triển du lịch.
Với vị trí gần Hà Nội và các khu vực đô thị lớn của vùng Đồng bằng Sông Hồng, Hưng Yên có khả năng gắn kết với các tuyến du lịch từ Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình.
Hiện nay tỉnh đang xây dựng khu đô thị mới thương mại- du lịch Văn Giang... là điều kiện tốt để phát triển du lịch lịch sử và nghỉ dưỡng nếu cơ sở hạ tầng phục vụ loại hình du lịch này được xây dựng tốt. Đây là một lợi thế quan trọng, nếu khai thác tốt và có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận vẫn sẽ tạo nên những tuyến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển nhanh các ngành du lịch dịch vụ, tăng xuất khẩu tại chỗ và tạo việc làm cho lao động trong tỉnh (VP UBND T.Hưng Yên, 2009).