Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Vai trò của thực thi chính sách bảo vệ môi trườngcủa doanh nghiệp
trong khu công nghiệp
Để bảo vệ môi trường (BVMT), con người phải sử dụng tổng hợp các biện pháp như chính trị, tuyên truyền, giáo dục, kinh tế, công nghệ, hệ thống pháp luật... Các biện pháp BVMT nói trên tuy có tác động nhưng chắc chắn không phát huy tác dụng nếu không có sự trợ giúp của pháp luật và pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng. Môi trường bị hủy hoại chủ yếu là do sự tàn phá của con người và đối tượng để thực hiện việc BVMT cũng chính là con người. Vì vậy, muốn BVMT trước hết là tác động đến hành vi con người. Pháp luật thông qua các hệ thống quy phạm để điều chỉnh hành vi xử sự của con người và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước sẽ có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường bằng việc thể chế hóa các chính sách, kế hoạch của Đảng, nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường và quy định các phương tiện, biện pháp, nhân lực,... để đảm bảo thực hiện các chính sách, kế hoạch đó. Chính vì thế, pháp luật về bảo vệ môi trường đã trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thời gian qua pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện, góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực môi trường. Như vậy ta có thể đánh giá vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay cụ thể như sau:
- Định hướng các hành vi con người theo hướng có lợi cho môi trường, đảm bảo các hành vi của con người không xâm hại tới môi trường, hạn chế những tác hại, ngăn chặn suy thoái và ô nhiễm môi trường.
Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật; Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loại thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường; Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước; Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép; Nhập khẩu, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức... (Quốc hội, 2014).
- Bảo vệ lợi ích của chính tổ chức, cá nhân và lợi ích chung lâu dài của xã hội. Các chế tài đó không chỉ là biện pháp trừng phạt vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa, giáo dục cải tạo chủ thể vi phạm mà còn răn đe chủ thể khác để họ tự giác tuân theo các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, qua đó ngăn ngừa và hạn chế tác động xấu do con người gây ra cho môi trường.
Vì thế, pháp luật quy định các chế tài hành chính, dân sự, hình sự để buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật trong việc khai thác và sử dụng các yếu tố môi trường.
- Tạo ra cơ chế hoạt động cho các tổ chức, cơ quan bảo vệ môi trường. Cụ thể là nhờ có pháp luật, nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường với các nội dung như: kiểm soát ô nhiễm, suy thoái sự cố môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược; kiểm soát ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, suy thoái đất, suy thoái rừng, nguồn thủy sinh, nguồn gen và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động có ảnh hưởng đặc biệt tới môi trường; thanh tra và kiểm tra xử lý và giải quyết tranh chấp về môi trường; thực thi các công ước quốc tể về kiểm soát ô nhiễm ở Việt Nam, thực thi các điều ước quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Việc ban hành các văn bản pháp luật tạo ra cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, đảm bảo hoàn thành tốt công tác quản lý Nhà nước đối với môi trường. Pháp luật cũng phân chia nhiệm vụ giữa các cơ quan, tránh việc quản lý chồng chéo, đồng thời tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan, nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước về môi trường.