Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.3. Một số nghiên cứu có liên quan
- Nghị định của Chính phủ ngày 27/07/2004 quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước đã nhấn mạnh sự phối hợp hoạt động giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Tài chính. Các điều khoản của Nghị định cũgn chỉ ra rằng: việc cấp
phép xả thải vào nguồn nước phải căn cứ vào quy hoạch lưu vực sông, tiêu chuẩn nước thải và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước. Trong đó, việc phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan cấp phép và chủ giấy phép trong nghị định sẽ góp phần đảm bảo không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước trên mặt và dưới đất của Việt Nam.
- Nguyễn Trung Dũng (Đại học Thuỷ lợi Hà Nội), 2005, trong nghiên cứu về “Tác động của việc sử dụng nước thải ô nhiễm nặng cho tưới tiêu tới sản phẩm gạo và môi trường trên hệ thống sông Nhuệ và sông Đáy Việt Nam”, đã chỉ ra rằng nước thải được coi là nguồn nước có giá trị trong điều kiện khan hiếm nước như hiện nay và ước tính có tới 80% lượng nước thải được sử dụng để tưới tiêu tại các nước đang phát triển. Đặc biệt, ở Việt Nam việc tái sử dụng nước thải trong cả nông nghiệp và thuỷ sản đã được áp dụng từ một thế kỷ trước. Nghiên cứu cũng đưa ra biện pháp để tối thiểu hoá rủi ro môi trường như thu phí xả thải, tuy nhiên ông cũng cho rằng rất khó có thể áp dụng nguyên tắc trả phí ô nhiễm và thực thi những chính sách môi trường bắt buộc như trong Nghị định số 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/04/2006, phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020” theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, đã đưa ra quan điểm về sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý của Tài nguyên nước; mọi tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho nhu cầu đời sống và sản xuất, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, phát triển bề vững tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật.
- Hội thảo quốc tế bàn về các biện pháp cải tạo, khắc phục ô nhiễm và khôi phục cảnh quan môi trường lưu vực sông do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) tổ chức ngày 23/12/2008 tại Hà Nội đưa ra ý kiến của Giáo sư Trương Chí Quý, Trường Đại học Khoa học và công nghệ Tây Nam (Trung Quốc) giới thiệu kinh nghiệm cải tạo sông phủ Nam, Thành Đô (Trung Quốc) và Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về xây dựng luật kiểm soát ô nhiễm, khuyến khích cá biện pháp chủ động trên nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm nước, tiêu chuẩn xả thải thống nhất với mọi loại hình công nghiệp trên quy mô toàn quốc, quy định về tiêu chuẩn xả thải chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương. Do đó áp dụng vào Việt Nam, Hội thảo nhấn mạnh biện pháp trước mắt để cải tạo, khắc phục ô nhiễm và khôi phục cảnh quan môi trường lưu vực sông là cần
xử lý ngay nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề và sinh hoạt tại Hà Nội, Hà Nam, Nam Định… Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm.
- Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 16/3/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” (BVMTĐVNT) do TCMT tổ chức ngày 5/5/2010 tại Hà Nội: TS Phạm Văn Lợi- Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý môi trường (Tổng cục Môi trường) cho rằng sở dĩ số lượng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng là do các quy định xử phạt còn quá nhẹ. Ông đề xuất việc nhanh chóng thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự, để các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường với mức độ nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.