Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3. Nội dung quản lý cho vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội thông
qua Hội phụ nữ
2.1.3.1. Kế hoạch vay vốn
Căn cứ vào các quy định và nội dung các chương dự án được vay vốn của NHCSXH, HPN cấp quận, huyện căn cứ vào các đơn đề nghị vay vốn của các tổ viên tổ TK&VV, sự bình xét đủ tiêu chuẩn hay không của các đơn vị đề nghị, ban quản lý các tổ TK&VV thuộc sự quản lý của Hội Phụ nữ quận, huyện lập kế hoạch về nhu cầu vốn vay hàng năm ở địa phương trình cấp Trung ương phê duyệt (Hà Chung, 2016).
Sau khi Hội Phụ nữ quận, huyện lập kế hoạch về nhu cầu vay vốn của các đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi do Hội Phụ nữ phụ trách quản lý, tổ chức Hội Phụ nữ sẽ lập kế hoạch về các đối tượng được vay đó là các hộ gia đình nghèo theo chuẩn nghèo do Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ và các đối tượng chính sách khác như: học sinh sinh viên đi học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, vay vốn SXKD theo dự án,... (Hà Chung, 2016).
2.1.3.2. Tổ chức thực hiện kế hoạch vay vốn
Để thực hiện nhận ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác thì các cấp Hội và Ngân hàng chính sách xã hội phải ký kết các văn bản đối với cấp Trung ương, cấp tỉnh và huyện gọi là văn bản Liên tịch, đối với cấp phường gọi là Hợp đồng ủy thác (Ngân hàng chính sách xã hội, 2009).
Cấp Trung ương: Hội sở chính NHCSXH ký văn bản với cấp Trung ương của cấp Hội. Tại NHCSXH TW: Tổng giám đốc trực tiếp ký các văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận với các tổ chức hội cấp TW.
Cấp tỉnh: Tổng Giám đốc ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh ký kết văn bản Liên tịch với tổ chức Hội Phụ nữ cấp tỉnh về nội dung ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác (Ngân hàng chính sách xã hội, 2009).
Cấp Phường: Tổng Giám đốc ủy quyền cho Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH cấp quận ký kết: Văn bản Liên tịch với tổ chức Hội Phụ nữ cấp quận về nội dung ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; Ký hợp đồng ủy thác với tổ chức Hội Phụ nữ cấp phường nội dung ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác (Ngân hàng chính sách xã hội, 2009).
2.1.3.3. Theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm
a. Kiểm tra chọn đối tượng cho vay
Người vay vốn đầu tiên phải là tổ viên của tổ TK&VV trên địa bàn của mình. Người vay vốn làm đơn xin vay vốn bao gồm các nội dung: mục đích sử dụng vốn, số lượng vốn vay, thời gian vay (Hà Chung, 2016).
Người vay vốn nộp đơn cho tổ trưởng tổ TK&VV, ban quản lý tổ TK&VV cùng với cán bộ Hội cơ sở phụ trách chương trình ủy thác cho vay tín dụng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, xét duyệt xem có đủ tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn do Chính phủ qui định được vay vốn hay không, từ đó lập danh sách đối tượng được vay gửi lên NHCSXH trên địa bàn huyện. NHCSXH căn cứ vào sự xét duyệt của ban quản lý tổ TK&VV, cán bộ Hội cơ sở phụ trách và chính quyền địa phương sẽ ra quyết định đối tượng được vay và không được vay (Hà Chung, 2016).
b. Kiểm tra chất lượng tín dụng
Hướng dẫn vay theo mục đích sử dụng: Căn cứ vào đơn đề nghị vay vốn của các tổ viên tổ TK&VV, ban quản lý tổ phối hợp với người quản lý tổ chức Hội Phụ nữ cùng cấp để hướng dẫn cho các đối tượng vay vốn về các mục đích sử dụng vốn vay (Ngân hàng chính sách xã hội, 2009).
Hướng dẫn sử dụng vốn vay: Tổ chức Hội Phụ nữ kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các tổ TK&VV mà Hội Phụ nữ đã đứng ra thành lập. Giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các hộ Hội Phụ nữ phụ trách cho vay. Đồng thời phối hợp với ban quản lý tổ TK&VV của mình đôn đốc các tổ viên trong tổ sử dụng vốn vay đúng mục đích, người vay trả nợ gốc, lãi theo định kỳ đã thỏa thuận. Trong phạm vi 30 ngày kể từ khi nhận tiền vay, ban quản lý tổ phải kiểm tra việc sử dụng vốn vay của 100% thành viên trong tổ theo mẫu 06/TD và gửi ngân hàng. Trường hợp hộ vay sử dụng vốn vay sai mục đích thì lập biên bản và yêu cầu hộ vay trả nợ trước hạn. Thông báo kịp thời cho ngân hàng nơi cho vay về các trường hợp sử dụng vốn vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, chết, mất tích,...) và rủi ro do nguyên nhân chủ quan như: sử dụng vốn vay sai mục đích, người vay vốn.... để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời. Phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn và hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan (nếu có) (Ngân hàng chính sách xã hội, 2009).
Hướng dẫn trả nợ đúng hạn: Hội Phụ nữ chỉ đạo và giám sát ban quản lý tổ TK&VV trong các việc: đôn đốc các tổ viên đem tiền đến điểm giao dịch của NHCSXH để trả nợ gốc theo kế hoạch trả nợ đã thỏa thuận; Thực hiện việc thu lãi, thu tiền tiết kiệm; chỉ đạo ban quản lý tổ TK&VV đôn đốc các tổ viên đem tiền đến điểm giao dịch của NHCSXH để trả lãi, gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ đã thỏa thuận (Ngân hàng chính sách xã hội, 2009).
2.1.3.4. Đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm
Căn cứ theo quy định về cho vay ủy thác giữa các tổ chức hội và NHCSXH. Công tác đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm được thực hiện thường xuyên, theo đó:
a. Về công tác tổ chức giao ban định kỳ:
Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện với Hội, đoàn thể cấp huyện: giao ban 2 tháng/lần. NHCSXH cấp tỉnh với Hội, đoàn thể cấp tỉnh: giao ban 3
tháng/lần. NHCSXH cấp TW với Hội, đoàn thể cấp Trung ương: giao ban 6 tháng/lần (Hà Chung, 2016).
b. Về công tác sơ kết, tổng kết:
Định kỳ, NHCSXH cùng tổ chức Hội, đoàn thể tổ chức tổng kết đánh giá kết quả uỷ thác: cấp tỉnh, cấp huyện định kỳ tổ chức tổng kết 1 năm/lần, cấp Trung ương định kỳ tổ chức tổng kết 2-3 năm/lần (Hà Chung, 2016).
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì đối với Hội Phụ nữ cấp huyện và NHCSXH giao ban 2 tháng/lần và định kỳ 6 tháng có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay đối với Hội Phụ nữ, Tổ TK&VV (có thể lồng ghép với nội dung công tác kiểm tra định kỳ của Hội Phụ nữ).