Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Yếu tố ảnh hưởng đến quản lý cho vay vốn của Ngân hàng chính sách xã
xã hội thông qua Hội phụ nữ
2.1.4.1. Các yếu tố khách quan
Một là, cơ chế, chính sách cho vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ nói chung và của Ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng
Chính sách cho vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ và của Ngân hàng có ảnh hưởng đến sự tham gia vay vốn của người dân, qua đó, ảnh hưởng đến sự tham gia của Hội phụ nữ trong hoạt động nhận ủy thác cho vay từ Ngân hàng. Khi chính sách tín dụng ưu đãi phát triển theo xu hướng có lợi cho người vay về các khâu từ điều kiện cho vay, mức vốn vay, thời gian vay, lãi suất cho vay... thì sẽ ngày một thu hút sự tham gia vay vốn đông đảo từ phía người vay (Đinh Hương Sơn, 2014).
Hai là, mức độ phát triển của mạng lưới Ngân hàng Chính sách – xã hội Để người vay, trong đó đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo (thường ở các vùng sâu vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, các dịch vụ xã hội không đảm bảo) và các gia đình thuộc đối tượng chính sách có cơ hội được tiếp cận và tham gia vay vốn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đòi hỏi Ngân hàng phải có sự phát triển về mạng lưới, đặc biệt là ở các cấp địa phương như xã, thị trấn phải có các điểm giao dịch thường xuyên hoạt động để kịp thời tư vấn, trả lời các thắc mắc của người dân khi có nhu cầu tham gia vay vốn từ Ngân hàng. Nếu chỉ dừng lại ở việc phát triển hoạt động ủy thác cho vay vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương mà không quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới Ngân hàng thì sự tham
gia của các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương trong việc nhận ủy thác cho vay cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Sự phát triển của mạng lưới Ngân hàng cũng là điều kiện để cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện tiếp cận với cán bộ Ngân hàng, để được hướng dẫn về các nghiệp vụ có liên quan đến vay vốn. Cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương thường là những người kiêm nhiệm nhiều công việc ở địa phương nên về chuyên môn nghiệp vụ cho vay vốn của Ngân hàng họ có những hạn chế nhất định, sự phát triển của mạng lưới Ngân hàng sẽ giúp củng cố về lỗ hổng kiến thức này cho cán bộ Hội các cấp để họ có thể hiểu đầy đủ và hiểu đúng về các nội dung trong nhận ủy thác cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, qua đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho người dân mới thật sự có hiệu quả (Đỗ Tất Ngọc, 2016).
Ba là, tập quán vay vốn của người dân
Tập quán vay vốn và sử dụng vốn của người dân cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến sự tham gia của Hội phụ nữ trong hoạt động cho vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với hoạt động cho vay tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thì đối tượng và địa bàn cho vay chủ yếu ở khu vực nông thôn (tập trung nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn) và mục đích vay chủ yếu là phục vụ sản xuất nông nghiệp (vay mua giống vật nuôi cây trồng, vay mua vật tư phân bón...). Do đó, các hoạt động vay vốn cũng bị ảnh hưởng bởi các điều kiện khách quan này, việc vay và trả nợ vốn sau vay thường mang tính thời vụ phụ thuộc vào thời vụ trong nông nghiệp, chỉ khi đến thời vụ thu hoạch nông sản thì người vay mới có tiền để trả nợ Ngân hàng. Sự tham gia của Hội phụ nữ trong hoạt động cho vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội có các nội dung tham gia liên quan đến việc thu nợ (bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi) khi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác. Tuy nhiên, với việc vay vốn đầu tư sản xuất mang tính thời vụ của người dân thì việc trả nợ Ngân hàng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng đến sự tham gia của tổ chức Hội phụ nữ trong việc thu nợ (Đỗ Tất Ngọc, 2016).
2.1.4.2. Các yếu tố chủ quan
Sự tham gia của tổ chức Hội phụ nữ trong hoạt động nhận ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan từ phía cán bộ tổ chức Hội và người vay vốn. Cụ thể:
Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trong đó phải kể đến nghiệp vụ trong cho vay vốn tín dụng ưu đãi có ảnh hưởng rất lớn đến sự tham gia của tổ chức Hội phụ nữ trong hoạt động nhận ủy thác cho vay từ phía Ngân hàng. Khi người cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và nghiệp vụ trong cho vay vốn và quản lý vốn vay thì hiệu quả của sự tham gia sẽ cao hơn trong 6 nội dung mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã ủy thác. Ngược lại, khi trình độ năng lực của cán bộ tổ chức Hội còn hạn chế thì hiệu quả của sự tham gia sẽ giảm, họ sẽ không nhận thức hết được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cũng như quyền lợi của người vay để trên cơ sở đó có những tư vấn khuyến khích người dân vay vốn khi đã đủ điều kiện cũng như việc hướng dẫn họ sử dụng đồng vốn có hiệu quả sau vay (Đinh Hương Sơn, 2014).
Sự am hiểu của cán bộ Hội về hoạt động cho vay tín dụng ưu đãi, cho vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội
Điều này có vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sự tham gia của tổ chức Hội trong hoạt động nhận ủy thác cho vay. Khi cán bộ hội cơ sở có sự am hiểu về quy trình cho vay vốn ủy thác của Ngân hàng thì việc tham gia thực hiện các công đoạn của quy trình cho vay sẽ nhanh chóng, chính xác và đạt hiệu quả cao. Ngược lại, khi sự am hiểu này còn hạn chế thì sẽ rất khó khăn để cán bộ hội có thể tuyên tuyền được đến cho người có nhu cầu vay vốn hiểu được ý nghĩa của chương trình cho vay tín dụng ưu đãi cũng như những quyền lợi mà người dân sẽ được hưởng khi tham gia vay vốn (Đinh Hương Sơn, 2014).
Hai là, năng lực của hội viên hội phụ nữ/người vay và sử dụng vốn vay Năng lực của hội viên HPN có ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng vốn sau khi vay: liệu họ có sử dụng vốn vay theo đúng mục đích xin vay để đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ? Người vay chủ yếu thuộc nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thuộc gia đình chính sách... do hoàn cảnh và điều kiện họ có những hạn chế nhất định trong việc quản lý đồng vốn sau khi vay để có thể đem lại được hiệu quả kinh tế như mong muốn (Đinh Hương Sơn, 2014).
Ba là, công tác tuyên truyền chính sách
Công tác phổ biến tuyên truyền luôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành hoạt động của HPN các cấp. Công tác phổ biến tuyên truyền là phương tiện hữu hiệu nhằm xây dựng, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tri thức, văn hóa, đạo đức, niềm vui cho cán bộ, hội viên HPN, góp
phần đắc lực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Hội (Lê Văn Long, 2014).
Bốn là, sự phối hợp giữa cán bộ tổ chức HPN với cán bộ Ngân hàng Chính sách và chính quyền địa phương
Sự phối hợp giữa tổ chức Hội với Ngân hàng với chính quyền địa phương có ảnh hưởng rất lớn trong việc quản lý, giám sát vốn sau khi cho vay. Sự phối hợp giữa cán bộ tổ chức Hội và Ngân hàng được thể hiện thông qua các hoạt động tập huấn đào tạo nghiệp vụ vay vốn do Ngân hàng tổ chức cho cán bộ hội các cấp để nâng cao trình độ năng lực trong quản lý vốn vay của cán bộ hội cơ cở, việc này không chỉ mang lại lợi ích cho cán bộ Hội mà về phía Ngân hàng, cũng giúp họ quản lý vốn vay hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa tổ chức Hội và chính quyền địa phương thông qua việc quản lý, giám sát người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và đem lại hiệu quả kinh tế cao, cán bộ tổ chức Hội và cán bộ chính quyền địa phương là những người nòng cốt để có thể thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc người vay để kịp thời có những góp ý, tư vấn điều chỉnh hợp lý trong việc sử dụng vốn vay của hộ (Lê Văn Long, 2014).