Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho NTTS trên thế giới
2.2.1.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc phát triển NTTS căn cứ dựa trên việc thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như cho ngành NTTS trong đó đặc biệt là ban hành Luật quản lý và phát triển thủy sản. Theo quy định của điều luật này, việc phát triển NTTS nói chung và ngành thủy sản nói chung của Trung Quốc
được thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản. Do đó, lao động của ngành thủy sản được sự quan tâm rất lớn từ chính quyền địa phương các cấp để phát triển ngành hiện đại. Theo Yianliang (2000), Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều biện pháp như:
(1) Để hỗ trợ người NTTS chính phủ đã áp dụng chính sách đất đai để người dân mở rộng quy mô NTTS và tiến hành cải tiến cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, mở rộng việc khuyến khích áp dụng công nghệ mới cho người dân. Sản lượng NTTS của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn 2000-2010 gấp 7 lần sao với những năm 1980-2000. Chính phủ nước này tổ chức tập huấn các khóa đào tạo dài hạn, ngắn và trung hạn cho ngư dân để giúp họ tận dụng được kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động.
(2) Để nhân rộng ứng dụng công nghệ vào sản xuất nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ một phần học phí cho người dân trong việc tổ chức nghiên cứu các kỹ thuật mới tiến bộ để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân tiến hành trình diễn và nhân rộng các mô hình sản xuất giúp ngư dân có thể tiếp cận được với công nghệ mới và vận dụng khả năng của mình để nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.
(3) Để đảm bảo việc thực hiện chiến lược “khuyến khích phát triển nghề cá bằng khoa học và công nghệ”, cả chính quyền trung ương và địa phương đã đầu tư một số tiền khổng lồ để thiết lập mạng lưới khuyến nông và đào tạo kỹ thuật nuôi trồng thủy sản bao gồm các trạm khuyến nông ở cấp khu vực, cấp tỉnh, huyện, quận và làng. Hệ thống khuyến nông này bao gồm 37 trạm ở cấp tỉnh, 206 trạm ở cấp tỉnh, 116 ở cấp quận và 1 155 ở cấp thôn. Mỗi trạm được trang bị các dụng cụ và cơ sở đào tạo phù hợp. Các trạm khuyến nông này là đơn vị trực tiếp tư vấn, hỗ trợ người dân trong hoạt động NTTS đồng thời tiến hành kết hợp với các tổ chức, cá nhân khác để tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho lao động hoạt động trong ngành, giúp họ nâng cao trình độ và khả năng lao động.
(4) Chính phủ và các địa phương thành lập các cơ sở đào tạo cho lao động nông nghiệp cũng như lao động của ngành NTTS tại các khu vực trung tâm, tập trung hoạt động của ngành thủy sản để hỗ trợ người lao động trong việc muốn học tập với nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện về kinh tế để nâng cao khả
năng, trình độ trong việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nuôi trồng, chế biến thủy sản (Wang Yianling, 2000).
2.2.1.1. Kinh nghiệm của Thái lan
Ngành thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế của Thái Lan. Nó tạo việc làm cho khoảng 662.000 người cả trực tiếp trong các doanh nghiệp thủy sản và gián tiếp trong các ngành công nghiệp liên quan. Chỉ riêng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, Thái Lan có khoảng 400.000 người tham gia vào các trang trại nuôi cá và các ngành công nghiệp liên quan như các nhà cung cấp thức ăn, nhà phân phối, buôn bán cá; 78.000 người tham gia nuôi thủy sản nước lợ và 184.000 người ở các nhà máy chế biến và các ngành liên quan. Những người tham gia vào nuôi trồng thuỷ sản có nguồn gốc đa dạng và các cấp học vấn khác nhau.
Để phát triển nhân lực đủ về số lượng và có chất lượng cao, chính phủ Thái Lan đã đầu tư rất nhiều vào hoạt động khuyến nông và mở rộng các chương trình giáo dục đa dạng về hình thức đào tạo có tập trung và không tập trung, thời gian đào tạo (theo ngày, vài tháng hoặc 1 năm) và phương thức đào tạo đào tạo linh hoạt để hỗ trợ người dân trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất trong lĩnh vực NTTS. Bên cạnh đó, chính phủ còn rất chú trọng tới việc truyền đạt các kết quả nghiên cứu đến người dân nhằm giúp họ tiếp cận tốt hơn với các công nghệ mới, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực NTTS để có thể áp dụng tốt hơn vào sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nuôi trồng và góp phần tích cực cho phát triển kinh tế của hộ cũng như địa phương. Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ khác cho ngành nuôi trồng thủy sản bao gồm các hệ thống truy cập thông tin công cộng, các dịch vụ chăm sóc cây trồng và vật nuôi, dịch vụ tiếp thị, dịch vụ hỗ trợ thống kê và kinh tế, v.v. cũng được quan tâm đầu tư đào tạo lao động có trình độ, tay nghề, được đào tạo chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ (FAO, 2013)