Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho NTTS tại Việt Nam
2.2.2.1. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho NTTS tại huyện Cát Bà, Hải Phòng
Cát Bà, Hải Phòng là huyện có lợi thế về điều kiện khí hậu, diện tích mặt nước cũng như nhân lực cho phát triển ngành NTTS, đặc biệt là nghề nuôi hải sản lồng bè, những năm gần đây ở các vịnh ở đảo Cát Bà đang có tốc độ phát
triển vượt bậc, giúp đổi đời cho hàng nghìn ngư dân tại huyện. Tuy nhiên, vai trò của việc phát triển nhân lực cho nghề nuôi hải sản lồng bè của huyện hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải tiến.
Ở phía Bắc, có lẽ chẳng ở đâu thiên nhiên lại ưu ái kiến tạo ra những vịnh kín, thuận lợi cho nuôi hải sản như ở đảo Cát Bà. Suốt dọc từ vịnh Bến Bèo (thị trấn Cát Bà) đi thuyền máy hơn 30 phút trở ra vịnh Lan Hạ, những hòn đảo đá đẹp ngang ngửa Vịnh Hạ Long. Đây vừa là thiên đường cho du lịch, lại tạo thành những vòng cung chắn sóng, che chở cho các vũng vịnh phía trong. Mùa mưa bão, sóng gió ngoài cửa vịnh gào thét, nhưng vào trong vịnh thì vẫn lặng như tờ. Nhờ sự ưu đãi của tự nhiên, vịnh Bến Bèo và Lan Hạ hiện là nơi tập trung chủ yếu của nghề nuôi hải sản của huyện đảo Cát Hải, với khoảng 500 bè.
Vào thời điểm cuối năm là thời vụ thu hoạch chính của những bè nuôi hải sản ở Cát Bà, đặc biệt đối với loại cá chủ lực là cá song với mức giá cao và ổn định ở mức trung bình khoảng 200 nghìn đồng/kg, giúp người nuôi có lãi cao. Cơ cấu giống cá nuôi ở khu vực các vịnh Bến Bèo, Lan Hạ hiện khá đa dạng như cá vược, cá sủ, cá song, cá giò..., trong đó cá song và cá giò vẫn là đối tượng nuôi chính. Đặc biệt khoảng 2 năm trở lại đây, cá song lai là đối tượng nuôi mới nổi lên nhờ nhiều ưu điểm về sinh trưởng và dễ tiêu thụ, giá cả luôn ổn định.
Theo người nuôi hải sản ở Cát Bà thì ngoài điều kiện tự nhiên ít rủi ro, khu vực vịnh Cái Bèo cũng là nơi có cảng tàu cá neo đậu, vì vậy nguồn cung cá tạp (thường là cá trích, cá nục) dùng làm nguyên liệu cho nuôi cá lồng rất dồi dào. Ở đây đã hình thành khoảng trên dưới 10 chủ cơ sở chuyên thu mua, cung cấp cá tạp. Đối tượng thu mua ở đây dù không được tham gia các lớp đào tạo chuyên môn về kinh doanh nhưng đều là các hộ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động thu mua, cung cấp cá tạp và các đầu vào khác cho hoạt động nuôi trồng trên huyện.
Đối với các hộ đầu tiên đưa cá song lai vào nuôi ở vịnh Bến Bèo cách đây gần 3 năm thì hầu hết người dân đều phải tự học kinh nghiệm sản xuất loại cá này dựa trên cơ sở kinh nghiệm sản xuất từ trước trong nuôi trồng các loại con nuôi khác. Mặt khác, kỹ thuật sản xuất của các hộ nuôi trồng đều là do tự học, tự trao đổi kinh nghiệm giữa người nuôi với nhau và một phần là từ các hoạt động hỗ trợ đào tạo tập huấn của các đơn vị cung ứng đầu vào cho nuôi trồng hải sản. Chính vì vậy, số lượng lớp tập huấn ít, số lượt người tham gia tập huấn cũng
không được nhiều, đây là hạn chế rất lớn trong việc hỗ trợ, nâng cao kiến thức cho người nuôi trồng thủy hải sản của Cát Bà thời gian tới.
Hầu hết các hộ nuôi thủy sản ở Vịnh Bến Bèo trước đây đa số là ngư dân đi biển. Quê gốc của họ trước đây không phải ở huyện đảo Cát Hải mà là ở huyện Thủy Nguyên, nhiều nhất là các xã có nghề đánh bắt như Lập Lễ, Phả Lễ. Khoảng chục năm về trước, nghề nuôi hải sản ở Cát Bà manh nha, những ngư dân ở Thủy Nguyên dần bỏ nghề đi biển, chuyển hẳn sang nuôi lồng bè. Trong số gần 500 bè nuôi ở đảo Cát Bà thì dân gốc Thủy Nguyên chiếm tới 50-60%, số còn lại là ngư dân từ Quảng Ninh sang đầu tư nuôi và chỉ có một số ít là dân gốc ở đảo Cát Bà. Bây giờ, những ngư dân của Thủy Nguyên ra Cát Bà đầu tư nuôi lồng bè đã nhập hộ khẩu hẳn về huyện đảo Cát Hải, nhưng nhà cửa của họ thì vẫn ở Thủy Nguyên. Điều này là một trong những hạn chế của lao động NTTS ở đây vì một bộ phận không nhỏ có ít kinh nghiệm nuôi trồng nên hạn chế trong việc xử lý, ứng phó với các tình huống trong nuôi trồng hơn các hộ nhiều kinh nghiệm dễ dẫn tới thiệt hại lớn khi sản xuất kinh doanh (Thục Hiền, 2011).
2.2.2.2 Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực NTTS ở huyện Hải Hậu, Nam Định
Với 32km bờ biển, huyện Hải Hậu có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020", đến nay huyện Hải Hậu đã phát triển được diện tích nuôi trồng thủy sản rộng 2.321ha (gồm 1.865ha nuôi nước ngọt và 456ha nước mặn lợ). Tổng sản lượng thủy sản năm 2017 của huyện đạt gần 13 nghìn tấn. Các diện tích nuôi đa số tập trung thành các vùng lớn như: vùng ven đê xã Hải Nam có diện tích 39ha; xã Hải Phúc có 32ha; xóm Hợp Thành, xã Hải Đông trên 30ha; xóm Tang Điền, xã Hải Chính trên 40ha; xóm Tây Bình, xã Hải Triều 15ha; xóm Hưng Thịnh, xã Hải Hòa 12ha...
Để các vùng nuôi thủy sản tập trung phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp với các phòng chuyên môn, căn cứ vào các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, quy hoạch, chuyển đổi các diện tích đất trũng, sản xuất nông nghiệp khó khăn, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Phòng NN và PTNT đã
tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt nguồn giống, thức ăn, hoá chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong công tác nuôi thủy sản. Vận động các hộ trong vùng nuôi thành lập HTX, tổ hợp tác, dịch vụ để hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi. Hệ thống hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt tại các vùng nuôi tôm công nghiệp, đang được quan tâm, từng bước được cải tạo và nâng cấp. Nhờ đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh thủy sản tiếp tục duy trì, phát triển về quy mô và diện tích, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành NTTS của huyện, công tác tập huấn, dạy nghề rất được quan tâm đầu tư. Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn có lợi thế trong NTTS tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân để tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề có lồng ghép với chương trình dạy nghề 1956 của Chính Phủ để tổ chức thường xuyên 1 – 2 lớp / năm cho các đối tượng nuôi ở các địa phương trong huyện. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn cũng kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và chế biến nông thủy sản trên địa bàn tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh cho người dân đáp ứng nhu cầu của giai đoạn mới.
Một trong những giải pháp huyện Hải Hậu rất coi trọng đó là tiến hành chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản được tăng cường nhằm trang bị, cập nhật kiến thức giúp người nuôi chủ động trong sản xuất, đảm bảo hiệu quả, hạn chế rủi ro. Đặc biệt là áp dụng các trang thiết bị mới, hiện đại và áp dụng kỹ thuật nuôi công nghệ cao vào sản xuất nuôi trồng thủy sản trên diện rộng như công nghệ nuôi tôm bằng bể, sử dụng bể lắng cho khu vực nuôi riêng…. Người nuôi thủy sản nước ngọt đã từng bước chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi quảng canh cải tiến, kết hợp cho ăn bổ sung thức ăn công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 110ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt kết hợp giữa nuôi tôm thẻ chân trắng với cá diêu hồng cho hiệu quả kinh tế cao. Một đối tượng nuôi nước ngọt khác cũng cho hiệu quả kinh tế cao là cá lóc bông với tổng diện tích khoảng 15ha được nuôi tập trung ở 2 vùng chính là xóm Xuân Phong (xã Hải Hòa) và khu 7 (thị trấn Thịnh Long). Với thời gian nuôi trong 6 tháng, cá lóc bông đạt trọng lượng 1 kg/con, mỗi ha đạt năng suất 30 tấn, với giá bán từ 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha cá cho thu nhập từ 350-400 triệu đồng/năm.
Năm 2017 diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 540ha, tăng 77ha so với năm trước với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao là: tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng, cá lóc bông. Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện, diện tích nuôi thủy sản theo phương thức thâm canh cho thu nhập thực tế bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha/năm (gấp từ 4-6 lần so với nuôi quảng canh); nuôi bán thâm canh cho thu nhập từ 200-230 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng nếu thuận lợi có thể cho thu nhập đến 800-900 triệu đồng/ha/năm.
Phát huy hiệu quả các vùng nuôi tập trung, thời gian tới huyện Hải Hậu tiếp tục chủ trương quản lý phát triển nuôi thuỷ sản bền vững theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung gồm: xây dựng đồng bộ các công trình thuỷ lợi, công trình điện, đường giao thông đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi diện tích đất làm muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành diện tích chuyển đổi từ đất làm muối. Tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất theo chuỗi trong nuôi trồng thuỷ sản. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống trong huyện đẩy mạnh sản xuất các con giống truyền thống, kết hợp giống nuôi mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với môi trường, điều kiện tự nhiên của huyện; quản lý chặt các nguồn giống thuỷ sản nhập về đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ và được kiểm dịch, những đối tượng giống mới phải được nuôi khảo nghiệm trước khi nhân ra diện rộng. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch bệnh, khi có dịch bệnh phát sinh phải kịp thời khoanh vùng dập tắt, không để dịch bệnh lây lan, hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường, sử dụng thuốc phòng, chữa bệnh của các hãng sản xuất có uy tín đúng hướng dẫn đảm bảo không để lại dư lượng hoá chất độc hại trong sản phẩm nuôi trồng.
Hải Hậu hiện đang nỗ lực hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực có khối lượng hàng hóa lớn. Hỗ trợ các trang trại, Hợp tác xã, các hộ sản xuất liên kết với nhau hoặc liên kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị để cung ứng các dịch vụ đầu vào sản xuất, hoặc tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường nông sản, truyền thông, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, sự kiện ở trong và ngoài nước có liên quan đến sản phẩm nông nghiệp của huyện. Tăng cường liên
kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao…(Thành Trung, 2018).