Nội dung quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn huyện yên phong, tỉnh bắc ninh (Trang 29 - 33)

2.1.3.1. Quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Việc xác định đối tượng tham gia BHXH là một phần quan trọng trong công tác quản lý thu của cơ quan BHXH,đặc biệt là nguồn thu từ người lao động và người sử dụng lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp.

Theo quan điểm của tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì: “Đối tượng tham gia BHXH phải là những người lao động nằm trong độ tuổi được quy định trong luật định, đang làm việc, hoạt đông trong một lĩnh vực nào đó để tạo ra sản phẩm xã hội và tạo thu nhập cho bản thân”. Vì vậy, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm những người lao động nằm trong diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo luật định và có sự tham gia của người sử dụng lao động. Việc xác định người sử dụng lao động không khó khăn như việc xác định người lao động, do đó người sử dụng lao động phần lớn là các doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân, vì vậy cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan cấp phép cho các doanh nghiệp họa động sẽ nắm được thông tin của người sử dụng lao động.

2.1.3.2. Quản lý tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Căn cứ cơ bản để thu BHXH bắt buộc của người lao động là tiền lương, tiền công tháng. Đối với người sử dụng lao động là tổng quỹ lương của những người lao động tham gia BHXH trong các doanh nghiệp, tổ chức. Chính vì vậy, để tiến hành tốt công tác thu BHXH thì phải quản lý tốt quỹ tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH.

Mức thu BHXH đối với người sử dụng lao động được tính theo tỷ lệ % nhất định so với tổng quỹ lương của người lao động tham gia BHXH; đối với người lao động là tỷ lệ % mức tiền lương, tiền công.

Để quản lý được mức đóng, trước hết cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH phải xây dựng được mức đóng phù hợp với cả người sử dụng lao động và cả người lao động. Bên cạnh đó, mức đóng BHXH phải được xây dựng trên cơ sở khiến người sử dụng lao động không muốn trốn tránh, không thể trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động. Hơn nữa, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải quản lý, theo dõi chặt chẽ diễn biến thu nhập của từng cá nhân người lao động trong từng đơn vị sử dụng lao động. Thường xuyên thực hiện kiểm soát đối chiếu với tổng quỹ lương của đơn vị sử dụng lao động hàng tháng, trên cơ sở đó tính số tiền đơn vị sử dụng lao động phải nộp quỹ BHXH.

2.1.3.3. Quản lý tiền thu bảo hiểm xã hội bắt buộc

Người sử dụng lao động có thể nộp BHXH bằng tiền mặt, séc hay chuyển khoản ngân hàng. Trong quá trình thu nộp BHXH, cơ quan BHXH phải đảm bảo thủ tục thanh toán, ngăn chặn hiện tượng gian lận, lạm dụng quỹ BHXH. Chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng, đơn vị sử dụng lao động phải chuyển toàn bộ số tiền theo quy định vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH, nếu số tiền này không được chuyển đúng kỳ hạn sẽ được coi là nợ BHXH và số tiền nợ BHXH sẽ được tính lãi theo quy định.

Để thực hiện nguyên tắc trên các đơn vị BHXH cấp tỉnh, cấp huyện được mở các tài khoản chuyên thu BHXH ở hệ thống Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước để thu tiền nộp BHXH ở khu vực quản lý của mình và định kỳ chuyển số tiền thu lên BHXH cấp Trung ương. BHXH cấp tỉnh, cấp huyện không được sử dụng tiền thu BHXH vào mục đích khác, nhằm tránh thất thoát tiền thu và rủi ro xảy ra.

2.1.3.4. Quản lý nợ đọng và trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nợ đọng BHXH là việc các đơn vị sử dụng lao động, người lao động chậm đóng BHXH cho người lao động so với thời gian quy định của pháp luật BHXH.

Trốn đóng BHXH là việc các đơn vị sử dụng lao động, người lao động không tham gia BHXH theo các quy định của pháp luật về BHXH bắt buộc (không đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc).

- Phân loại theo thời gian: Nợ đọng BHXH ngắn hạn và nợ đọng BHXH dài hạn. Nợ đọng BHXH ngắn hạn là chậm đóng BHXH dưới 3 tháng so với thời gian quy định; Nợ đọng BHXH dài hạn là chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên so với thời gian quy định.

- Phân loại theo quy mô: đơn vị nợ BHXH với số tiền ít (dưới 100 triệu đồng) và nợ BHXH với số tiền lớn (trên 100 triệu đồng).

Các hình thức trốn đóng bảo hiểm xã hội

Có nhiều hình thức trốn đóng BHXH, nhưng có thể khái quát các hình thức sau đây:

- Doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục gia nhập thị trường, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đã đi vào hoạt động nhưng cố ý không đóng BHXH cho người lao động hoặc cố ý kéo dài thời gian đăng ký tham gia BHXH. Với loại doanh nghiệp này, sau khi thành lập và hoạt động vẫn không chịu làm thủ tục đóng, khi không thể từ chối thì chỉ đóng cho một số ít người và không truy đóng cho thời gian trước đó.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH: Cố tình kê khai giảm số lao động, mức lương thấp hơn trong hợp đồng lao động để giảm chi phí BHXH phải nộp dù tiền công phải trả cao hơn rất nhiều. Xây dựng phương án trả lương không rõ ràng, thang bảng lương không phù hợp.

- Cố tình kéo dài thời gian thử việc, hợp đồng lao động dưới ba tháng để không đóng BHXH, thỏa thuận hợp đồng lao động không thành văn.

- Chấm dứt hợp đồng với người lao động đã làm việc lâu năm, có mức tiền lương cao, thay thế bằng lực lượng lao động mới để giảm chi phí tiền lương, trốn đóng BHXH.

Hiện nay, có quan điểm mới là khi Nhà nước giao quyền cho người sử dụng lao động chủ động trích tỷ lệ % tiền lương tháng của người lao động để đóng BHXH, nhưng người sử dụng lao động không đóng BHXH cho người lao động thì không có nghĩa là đã được người lao động đồng ý cho vay. Nên, trong trường hợp này, nếu không có sự thoả thuận, nhất trí của người lao động thì có thể hiểu là người sử dụng lao động “trốn đóng BHXH” hoặc “chiếm đoạt BHXH” chứ không coi là “nợ BHXH”.

2.1.3.5. Kiểm tra, giám sát về thu bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thu BHXH là một nội dung tài chính BHXH, mà thông thường bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tài chính đều rất dễ mắc phải tình trạng gây thất thoát, vô ý hoặc cố ý làm sai. Vì vậy, với nhiệm vụ mà người quản lý phải đảm bảo đó là: kiểm tra hoạt động thu BHXH đã được đánh giá một cách kịp thời và toàn diện. Nhờ có hoạt động quản lý sát sao mà công tác kiểm tra, đánh giá luôn được sát với thực tiễn quá trình thu, hoạt động thu sẽ được điều chỉnh kịp thời sau khi có sự đánh giá.

Nội dung này bao gồm việc thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động sự nghiệp BHXH theo quy định của pháp luật như hoạt động thu, chi trả các chế độ BHXH cho người lao động; giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về BHXH. Đây là một nội dung quan trọng vì trong hoạt động BHXH với sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động có những lợi ích khác nhau nên thường xảy ra những tình trạng trục lợi, lạm dụng. Việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động BHXH là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ cũng như bảo tồn quỹ BHXH, tránh tình trạng trục lợi quỹ BHXH.

Các hoạt động thanh tra, kiểm tra bao gồm:

- Thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH: Theo quy định của luật BHXH thì người lao động có trách nhiệm trích nộp một khoản tiền trên cơ sở tiền lương, tiền công của mình vào quỹ BHXH. Người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm đóng cho người lao động mà mình thuê mướn. Nhưng trên thực tế, người sử dụng lao động thường có hành vi lẩn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động như: khai giảm số lao động, giảm tiền lương, không ký hợp đồng.. .Bên cạnh đó, người lao động nhận thức về BHXH còn hạn chế nên cũng lẩn tránh trách nhiệm đóng BHXH. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra các cơ quan, các đơn vị sử dụng lao động, buộc người lao động và chủ sử dụng lao động phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

- Thanh tra việc thực hiện các chế độ BHXH: Đây là hoạt động quan trọng của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực BHXH. Qua đó người lao động khi được hưởng các chế độ BHXH phải được hưởng đúng, hưởng đủ. Đồng thời việc thanh tra, kiểm tra cũng ngăn chặn tình trạng làm giả hồ sơ để trục lợi quỹ BHXH của người lao động hoặc đơn vị sử dụng lao động, hoặc sự gian lận của

chủ sử dụng lao động không trả đúng, trả đủ khoản tiền trợ cấp BHXH mà người lao động được hưởng cho họ.

Giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về BHXH là một trong những hoạt động mang tính thường xuyên của quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH. Chính sách BHXH vận động qua nhiều giai đoạn và có điều chỉnh, bổ sung nên việc đảm bảo quyền lợi của người lao động không phải khi nào cũng giải quyết tốt. Người thụ hưởng có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước về những bất hợp lý khi thực hiện các chế độ BHXH, các cơ quan Nhà nước sẽ có trách nhiệm giải quyết những khiếu nại này theo thẩm quyền từ thấp đến cao.Hoạt động này góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH; Phát hiện những sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật của cơ quan BHXH. Nhiều khi cán bộ thực hiện chính sách không cập nhật kịp thời những thay đổi của chính sách dẫn đến việc giải quyết chế độ cho người lao động chưa đúng, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn huyện yên phong, tỉnh bắc ninh (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)