Yêu cầu của công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện cẩm giàng, tỉnh hải dương (Trang 27 - 33)

Tuy nhiên trên thực tế, đối tượng chịu sự quản lý trong quản lý vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN chính là các cơ quan được giao nhiệm vụ ở một khâu nào đó của công tác quản lý vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN đồng thời các cơ quan đó có thể là chủ thể quản lý trong mối quan hệ với một cơ quan khác trong chu trình đầu tư XDCB từ nguồn NSNN. Có thể nói trong bộ máy quản lý Nhà nước hiện nay, một cơ quan đồng thời vừa là đối tượng quản lý vừa là chủ thể quản lý, tùy thuộc chúng ta đặt chúng ở giai đoạn nào của hoạt động đầu tư XDCB từ nguồn NSNN hay đặt chúng trong mối quan hệ hay nghiên cứu nào, từ đó quyết định việc sử dụng hay áp dụng các công cụ hay biện pháp quản lý nào để phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN.

2.1.4. Yêu cầu của công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước nhà nước

Thứ nhất, quản lý vốn đầu tư xây dựng phải bảo đảm nguyên tắc sau đây: - Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư, bảo đảm trong phạm vi danh mục dự án đầu tư, dự án hỗ trợ đầu tư được duyệt;

- Bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu;

- Phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn, bảo đảm đúng tiến độ trong phạm vi tổng dự toán công trình;

- Bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đầu tư. Thứ hai, cơ quan, tổ chức quản lý vốn đầu tư xây dựng có trách nhiệm: - Xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý vốn đầu tư xây dựng để giao cho cơ quan, tổ chức sử dụng thực hiện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả;

- Bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả, bố trí vốn kịp thời, tiết kiệm;

- Thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nội bộ việc quản lý vốn trong cơ quan, tổ chức. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp lãng phí xảy ra.

2.1.5. Nội dung công tác quản lý nhà nước vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước

2.1.5.1. Quản lý xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN

Nội dung quản lý này thể hiện ở việc xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN kế hoạch hàng năm và trung hạn. Xây dựng danh mục đầu tư XDCB căn cứ vào chủ trương đầu tư, các dự án phải bám sát kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của tỉnh, của các ngành, các địa phương và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực được phê duyệt.

Việc phân bổ vốn đầu tư cũng phải bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm; các quy định của pháp luật hiện hành. Một nội dung không thể thiếu trong công tác quản lý danh mục và phân bổ vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN là các tiêu chí thực hiện phân bổ, nếu không làm rõ tiêu chí phân bổ sẽ dẫn đến những hệ lụy không đáng có trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN như có dự án thừa vốn, có dự án thiếu vốn, có dự án phân bổ vốn nhưng không triển khai được, ...

Việc phân bổ vốn trên cơ sở cân đối nguồn vốn khả thi, đảm bảo tập trung, không dàn trải, chủ yếu do các cơ quan tổng hợp và quản lý về nguồn vốn đầu tư XDCB là cơ quan Kế hoạch đầu tư và cơ quan Tài chính phối hợp với các chủ đầu tư cân đối nhu cầu và quy mô vốn để phân bổ. Để đánh giá kết quả phân bổ cần xem xét một số nội dung:

Nguyên tắc phân bổ và mức độ chấp hành nguyên tắc phân bổ: Đây là một chỉ tiêu định tính, xem xét mức độ tuân thủ các nguyên tắc phân bổ dựa trên các văn bản hướng dẫn của các cấp đối với một danh mục phân bổ kế hoạch vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN hàng năm.

Cơ cấu lĩnh vực trong tổng vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN hàng năm: Cơ cấu này phản ánh mức độ cân đối của việc phân bổ, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

2.1.5.2. Bộ máy tổ chức quản lý chi NSNN trong đầu tư XDCB

Theo qui định của Hiến pháp, quản lý chung về tài chính trên phạm vi cả nước thuộc Quốc hội và Chính phủ, ở địa phương là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, còn quản lý các hoạt động nghiệp vụ tài chính là trách nhiệm của bộ máy tổ chức các cơ quan tài chính (Sở Tài chính ở cấp tỉnh, phòng Tài chính - Kế hoạch ở cấp huyện và ban Tài chính ở cấp xã), các tổ chức quản lý tài chính chuyên ngành (Kho bạc nhà nước các cấp) thực hiện toàn bộ công tác quản lý tài chính công nói chung, trong đó có quản lý về chi ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng. Cụ thể chức năng của từng bộ phận trong bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản ở địa phương như sau:

* Ủy ban nhân dân các cấp

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thuộc phạm vi quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư, tiếp nhận và sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, đúng chế độ nhà nước.

- Thực hiện quản lý trong quyền hạn được giao, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật nhà nước về những quyết định của mình.

* Cơ quan tài chính các cấp

- Đảm bảo nguồn vốn theo quy định của Bộ Tài chính để Kho bạc nhà nước thanh toán cho dự án.

- Thực hiện quyết toán vốn đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn và kiểm tra các chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước, các nhà thầu thực hiện dự án về việc chấp hành chế độ, chính sách tài chính trong đầu tư phát triển, tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư, tình hình thanh toán vốn đầu tư để có giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm, ra quyết định thu hồi các khoản, nội dung chi sai quy định.

- Được quyền yêu cầu Kho bạc nhà nước, chủ đầu tư cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài chính trong đầu tư phát triển, bao gồm các tài liệu phục vụ cho thẩm định dự án đầu tư và bố trí kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, tài liệu báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch và thực hiện vốn đầu tư theo quy định về chế độ thông tin báo cáo, các tài liệu phục vụ thẩm tra quyết toán vốn đầu tư.

* Kho bạc nhà nước các cấp

- Ban hành quy trình thanh toán vốn đầu tư để thực hiện thống nhất trong cả nước.

- Hướng dẫn chủ đầu tư mở tài khoản để tạm ứng và thanh toán vốn. - Kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ cho dự án khi đã có đủ điều kiện và đúng thời gian quy định.

- Có ý kiến rõ ràng bằng văn bản cho chủ đầu tư đối với những khoản giảm thanh toán, trả lời các thắc mắc của chủ đầu tư trong việc thanh toán vốn.

- Trường hợp phát hiện quyết định của các cấp có thẩm quyền trái với quy định hiện hành, phải có văn bản đề nghị xem xét lại và nên rõ ý kiến đề xuất. Nếu quá thời gian quy định mà không được trả lời thì được quyền giải quyết theo đề xuất của mình; nếu được trả lời mà xét thấy không thỏa đáng thì vẫn giải quyết theo ý kiến của cấp có thẩm quyền, đồng thời phải báo cáo lên cơ quan thẩm quyền cao hơn và báo cáo cơ quan tài chính để xem xét, xử lý.

- Đôn đốc chủ đầu tư thanh toán dứt điểm công nợ khi dự án đã quyết toán và tất toán tài khoản.

- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và quyết toán sử dụng vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Được quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin theo chế độ quy định để phục vụ cho công tác kiểm soát, thanh toán vốn. Khi cần thiết được nắm tình hình thực tế tại hiện trường.

- Định kỳ và đột xuất kiểm tra các chủ đầu tư về tình hình thực hiện dự án, việc chấp hành chế độ, chính sách tài chính đầu tư phát triển, tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư; được phép tạm ngừng thanh toán vốn hoặc thu hồi số vốn mà chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, sai đối tượng hoặc trái với chế độ quản lý tài chính của Nhà nước, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính để xử lý.

- Không tham gia vào các Hội đồng nghiệm thu ở các công trình, dự án. - Tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán vốn theo quy trình, nghiệp vụ thống nhất, đơn giản thủ tục hành chính nhưng đảm bảo quản lý vốn chặt chẽ, thanh toán kịp thời, đầy đủ, thuận tiện cho chủ đầu tư.

- Hết năm kế hoạch, xác nhận số thanh toán trong năm, lũy kế số thanh toán từ khởi công đến hết niên độ ngân sách nhà nước cho từng dự án, nhận xét

về kết quả chấp hành chế độ quản lý, chấp hành định mức, đơn giá, các chế độ chính sách theo quy định.

* Chủ đầu tư

- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định. Tiếp nhận và sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính đầu tư phát triển.

- Chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, sự đúng đắn, hợp pháp của khối lượng dự án hoặc tiến độ thực hiện khi thanh toán; đảm bảo chính xác, trung thực, hợp pháp của các số liệu, tài liệu trong hồ sơ cung cấp cho Kho bạc nhà nước và cơ quan chức năng Nhà nước.

- Khi có khối lượng đã đủ điều kiện theo hợp đồng, tiến hành nghiệm thu kịp thời, lập đầy đủ hồ sơ thanh toán và đề nghị thanh toán cho nhà thầu trong thời hạn quy định.

- Báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định cho cơ quan quyết định đầu tư và các cơ quan nhà nước có liên quan; cung cấp hồ sơ, tài liệu, tình hình theo quy định cho Kho bạc nhà nước và cơ quan tài chính để phục vụ cho công tác quản lý và thanh toán vốn; chịu sự kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quyết định đầu tư về tình hình sử dụng vốn đầu tư và chấp hành chính sách, chế độ tài chính đầu tư phát triển của Nhà nước.

- Thực hiện kế toán đơn vị chủ đầu tư; quyết toán vốn đầu tư theo đơn vị hiện hành.

- Được yêu cầu thanh toán vốn khi đã có đủ điều kiện và yêu cầu Kho bạc nhà nước trả lời, giải thích.

2.1.5.3. Quản lý tổ chức thực hiện về quản lý vốn đầu tư từ nguồn NSNN

- Lập, thẩm định, quyết định dự án đầu từ nguồn NSNN

Quản lý vốn ở giai đoạn này bao gồm các bước từ khâu nghiên cứu xác định sự cần thiết phải đầu tư, chủ trương đầu tư, lập dự án, thẩm định dự án và bước cuối cùng là ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

- Quản lý tạm ứng, thanh toán vốn NSNN cho đầu tư XDCB

Mức vốn tạm ứng cho nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà

nước; công văn số 16989/BTC-ĐT ngày 13/12/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2012 và văn bản sửa đổi, bổ sung.

- Quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thanh toán vốn NSNN cho đầu tư XDCB

- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của công trình thuộc dự án đầu tư do mình quản lý. Được quyền yêu cầu những đơn vị liên quan, theo hợp đồng, giải trình về chất lượng vật liệu, thiết bị, công việc,... và có quyền từ chối nghiệm thu.

- Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá trị đề nghị thanh toán với tổ chức cấp phát, cho vay vốn (về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng thực hiện, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, chất lượng công trình), KBNN không chịu trách nhiệm về các vấn đề này. KBNN căn cứ vào hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư và thực hiện thanh toán theo hợp đồng. KBNN chỉ kiểm soát trên cơ sở các tài liệu do chủ đầu tư cung cấp và theo nguyên tắc thanh toán đã quy định.

- KBNN có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thanh toán, đảm bảo thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Định kỳ và đột xuất kiểm tra các chủ đầu tư tình hình chấp hành chế độ chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, về tình hình sử dụng vốn đầu tư. Được phép tạm dừng thanh toán vốn hoặc thu hồi số vốn mà chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng hoặc trái với chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

- Quản lý quyết toán vốn NSNN cho đầu tư XDCB

Để đánh giá kết quả của quá trình đầu tư, rút kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư và xây dựng, tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước bao gồm: vốn NSNN, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, vốn Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn Trái phiếu (Chính phủ, chính quyền địa phương), đều phải quyết toán sau khi hoàn thành hoặc khi kết thúc năm kế hoạch. Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là chi phí được thực hiện trong phạm vi thiết kế, dự toán đã phê duyệt kể cả phần điều chỉnh, bổ sung, đúng với hợp đồng đã ký kết, phù hợp với các quy định của pháp luật. Đối với các dự án sử dụng vốn NSNN thì vốn đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt..

- Thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành

Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán vốn đầu tư đối với dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Đối với dự án thuộc các cơ quan trung ương quản lý, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán giao cho đơn vị có chức năng thuộc quyền quản lý tổ chức thẩm tra. Đối với các dự án thuộc tỉnh, thành phố thuộc trung ương quản lý, sở Tài chính thẩm tra. Đối với các dự án thuộc cấp quận, huyện phòng Tài chính thẩm tra. Đối với các dự án còn lại, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán giao cho đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý tổ chức thẩm tra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện cẩm giàng, tỉnh hải dương (Trang 27 - 33)