Khuyến nông Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường công tác khuyến nông trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 34 - 40)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Khuyến nông Việt Nam

2.2.2.1. Sự hình thành và phát triển khuyến nông Việt Nam

Việt Nam là một nước nông nghiệp với số lượng dân số đông sống bằng nghề nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, do đó việc phát triển nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nước ta. Cùng với sự phát triên của nền nông nghiệp thì khuyến nông Việt Nam cũng được hình thành và phát triển từ rất sớm, qua mỗi thời kỳ lịch sử thì khuyến nông lại mang một tính chất khác (Hồ Thị Hợi, 2011).

- Khuyến nông trong thời kỳ phong kiến

lại với nhiều dẫn chứng cho thấy công tác khuyến nông đã được ông cha ta quan tâm từ rất sớm. Năm 981 thời Đinh – Lê đã có phong tục “Lễ Hạ Điền” của nhà vua, tức là nhà vua chọn ngày, giờ khắc đẹp đầu năm xuống đồng cày sá đất đầu tiên, còn hoàng hậu thì ngồi quay tơ dệt lụa. Hành động này của nhà vua nhằm khích lệ bà con nông dân ra sức tăng gia sản xuất, chúc một năm mới bội thu (Hồ Thị Hợi, 2011).

Năm 1226, Nhà Trần đã thành lập ba tổ chức: “Hà đê sứ”, “Đồn điền sứ”, “Khuyến nông sứ” giúp nông dân trong đời sống sản xuất nông nghiệp.

Năm 1444 – 1493 Vua Lê Nhân Tông và Vua Lê Thánh Tông có 17 lần ra chiếu dụ khuyến nông để tạo điều kiện khuyến khích nông dân ra sức tăng gia sản xuất. Vua Lê Thánh Tông cũng là nhà vua đầu tiên sử dụng từ “Khuyến nông” trong bộ luật Hồng Đức. Năm 1789 Vua Quang Trung đã xác định “Thực túc thì binh cường” tức là muốn quân đội vững mạnh thì lương thực phải đầy đủ. Ông cho miễn, giảm thuế nông nghiệp, tăng cường nạo vét kênh mương, phát triển chợ nông thôn, phục hồi ruộng hoang nên ngay khi có quân địch xâm chiếm thì sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định (Hồ Thị Hợi, 2011).

- Thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1858 - 1975) Ở thời kỳ đầu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta thì cũng là lúc nhân dân Việt Nam ta lâm vào cảnh lầm than, khổ cực, cuộc sống mất tự do, dưới sự cai trị đàn áp dã man của bọn thực dân phong kiến. Cũng chính vì thế mà giai đoạn này hoạt động khuyến nông không phát triển được. Tháng 4 năm 1945 trong lễ bế giảng khóa chỉnh huấn cán bộ ở Việt Bắc thì Bác Hồ đã căn dặn các cán bộ ta trước khi ra về là: “Các chú ra về phải làm tốt công tác khuyến nông, ra sức phát triển nông nghiệp, chống giặc đói, diệt giặc dốt”, người người thực hiện “Hũ gạo tiết kiệm” (Hồ Thị Hợi, 2011).

Trong những năm 1950 – 1975 nhưng chủ yếu là năm 1955 – 1956 chúng ta thực hiện cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Đây là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nông nghiệp nước ta, chúng ta đã tịch thu được hơn 81 ha ruộng đất và rất nhiều trâu bò, nông cụ khác đem chia cho nông dân lao động. Điều này làm cho người dân vô cùng phấn khởi và ra sức tăng gia sản xuất. Tiếp sau đó thì Chính phủ thực hiện “Đổi công, Vần công” thành lập các tổ hợp tác để giúp đỡ nhau trong sản xuất (Hồ Thị Hợi, 2011).

Năm 1960 ở Miền Bắc do nhu cầu của thực tế đất nước, Miền Bắc là hậu phương lớn của Miền Nam ruột thịt, giúp Miền Nam kháng chiến chống Đế quốc

Mỹ xâm lược thì chúng ta đã thành lập các Hợp tác xã Nông nghiệp, điều này đã huy động được tối đa sức người và sức của, sản xuất đủ lương thực và nhu yếu phẩm đáp ứng cho tiền tuyến Miền Nam. Khuyến nông trong thời gian này chủ yếu nằm trong HTX. Thời gian này thì đã có những kết quả rất tốt như năm 1966 tỉnh Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ ha, đến năm 1974 thì toàn Miền Bắc đạt mức 5 tấn/ ha (Hồ Thị Hợi, 2011).

- Thời kỳ giải phóng miền Nam 1975 đến nay

Sau giải phóng miền Nam từ 1975 – 1980 miền Bắc vẫn còn duy trì HTX sản xuất nông nghiệp là một thực tế bất cập mất cân đối giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất. Trước thực trạng đó thì vào tháng 1 năm 1981 Ban chấp hành TW Đảng đã ra Chỉ thị 100: “Khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”. Khoán 100 ra đời đã có tác dụng to lớn khích lệ nông dân sản xuất. Đến năm 1988 thì NQ 10 của Bộ Chính trị về “Đổi mới cơ chế quản lý trong sản xuất nông nghiệp” thừa nhận kinh tế hộ nông dân coi đó là một đơn vị sản xuất độc lập tự chủ, họ có quyền ra quyết định sản xuất kinh doanh. Lúc này đối tượng của khuyến nông là người nông dân (Hồ Thị Hợi, 2011).

Ngày 2/3/1993 Nghị Định 13/CP của Chính phủ ra đời, quyết định thành lập hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương, gồm có khuyến nông cấp TW (Cục khuyến nông), cấp tỉnh thành phố (Trung tâm Khuyến nông), cấp huyện (Trạm khuyến nông) và cấp xã. Hệ thống khyến nông hoạt động xuyên suốt chặt chẽ và đã có nhiều thành tích trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước (Hồ Thị Hợi, 2011).

2.2.2.2. Hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan khuyến nông nhà nước ở Việt Nam

Theo Đỗ Kim Chung (2012) thì hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan khuyến nông nhà nước ở Việt Nam bao gồm:

- Trung tâm khuyến nông quốc gia: TTKN Quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNT là cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác khuyến nông, về SXNN trên phạm vi cả nước. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trụ sở chính của Trung tâm đặt tại số 02 Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội và một văn phòng đại diện đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm có nhiệm vụ:

Xây dựng, chỉ đạo các chương trình khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi, BVTV, thú y, bảo quản chế biến nông sản theo từng lĩnh vực chuyên môn, từng

vùng sinh thái trong phạm vi cả nước; Hướng dẫn các địa phương, các tổ chức khuyến nông xây dựng và thực hiện các dự án khuyến nông; Tham gia thẩm định các chương trình, dự án khuyến nông theo quy định của Bộ NN&PTNT; Quan hệ với các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước để thu hút vốn hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động khuyến nông; Xây dựng, theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện các quy trình kỹ thuật trồng trọt - chăn nuôi; Quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, chất lượng thức ăn gia súc, phân bón trên thị trường; Theo dõi, đánh giá và thực hiên các chương trình dự án khuyến nông để tổng hợp tình hình báo cáo Chính phủ (Đỗ Kim Chung, 2012).

- Khuyến nông cấp tỉnh, thành phố: TTKN tỉnh trực thuộc Sở NN&PTNT, mỗi trung tâm thường có từ 3 - 5 phòng ban với số cán bộ biên chế từ 20 - 30 người. Nhiệm vụ của TTKN tỉnh bao gồm: Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trong tỉnh, từng tiểu vùng sinh thái, từng lĩnh vực SXNN tại địa phương; Phổ biến và chuyển giao TBKT về nông - lâm - ngư nghiệp và những kinh nghiệm điển hình trong sản xuất cho nông dân; Bồi dưỡng kỹ thuật, rèn luyện tay nghề và quản lý kinh tế cho CBKN cơ sở, cung cấp cho nông dân các thông tin thị trường, giá cả nông - lâm - thuỷ sản; Quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động khuyến nông ở địa phương; Tham gia xây dựng và phổ biến cho nông dân thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi, lâm sinh, thuỷ sản; Tổng kết đánh giá việc thực hiện các chương trình dự án khuyến nông cấp tỉnh (Đỗ Kim Chung, 2012).

- Khuyến nông cấp huyện, thị xã: Trạm khuyến nông huyện trực thuộc TTKN tỉnh, thành phố, mỗi trạm có từ 5 - 10 nhân viên làm việc theo phòng ban hoặc theo ngành sản xuất được phân công. Trạm khuyến nông huyện có nhiệm vụ sau: Đưa những KTTB theo các chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư vào sản xuất đại trà trện địa bàn huyện; Xây dựng các mô hình trình diễn phục vụ cho các chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông - lâm - ngư dân theo mùa vụ hoặc theo yêu cầu của sản xuất; Tổ chức tham quan học tập các điển hình tiên tiến trong và ngoài huyện; Bồi dưỡng kỹ thuật và tập huấn nghiệp vụ cho khuyến nông viên cơ sở và cho nông dân; Xây dựng CLBKN, nhóm nông dân sản xuất giỏi, nhóm hộ nông dân cùng sở thích; Hợp tác với các tổ chức và cá nhân thực hiện hoạt động khuyến nông (Đỗ Kim Chung, 2012).

- Mạng lưới khuyến nông cơ sở: CBKN ở cơ sở không thuộc biên chế nhà nước, làm việc theo chế độ hợp đồng dài hạn hoặc ngắn hạn. CBKN cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng cơ bản gồm: Tự bồi dưỡng nâng cao trình độ và hiểu biết về chuyên môn, kinh tế xã hội, nghiệp vụ khuyến nông; Cố vấn kỹ thuật và thông tin thị trường cho nông dân; Thực thi các dự án khuyến nông trên địa bàn phụ trách; Thực hiện, tổ chức và theo dõi các mô hình sản xuất tiên tiến; Điều tra thu thập thông tin làm cơ sở cho xây dựng và triển khai dự án khuyến nông; Hàng tháng tổng hợp tình hình hoạt động khuyến nông viết và trình bày báo cáo tại các kỳ họp giao ban thường niên; Như vậy hệ thống tổ chức khuyến nông Nhà nước ở Việt Nam được tổ chức theo kiểu hình tháp, thống nhất chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở. Hệ thống này có nhiệm vụ vừa kết hợp vừa tạo điều kiện cho hệ thống khuyến nông ngoài Nhà nước hoạt động vì một mục tiêu chung là khuyến khích mở rộng sản xuất ngành nông nghiệp trên phạm vi cả nước (Đỗ Kim Chung, 2012).

* Tổ chức khuyến nông tự nguyện: Bên cạnh hệ thống khuyến nông Nhà nước thì có các tổ chức khuyến nông tự nguyện, các tổ chức quốc tế phi Chính phủ cũng góp phần rất lớn trong hoạt động khuyến nông của nước ta. Phần lớn các dịch vụ này có nguồn kinh phí từ trong và ngoài nước và không cấp cho nông dân (Đỗ Kim Chung, 2012).

Các tổ chức phi Chính phủ quốc tế đã và đang có nhiều hoạt động đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghệp và nông thôn Việt Nam. Mỗi tổ chức có một cách tiếp cận và quy tắc hoạt động riêng. Các tổ chức này hoạt động với nguồn ngân sách của chính tổ chức đó cấp theo kế hoạch hàng năm, định kỳ hoặc đấu thầu quản lý các chương trình, dự án phát triển do nước ngoài tài trợ (Đỗ Kim Chung, 2012).

2.2.2.3. Công tác quản lý Nhà nước về khuyến nông của Việt Nam

Theo Nguyễn Lê (2015) thì công tác quản lý Nhà nước về khuyến nông của Việt Nam qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển đã có được một số kết quả nổi bật sau:

* Những kết quả đạt được

Xây dựng được hệ thống tổ chức và mạng lưới khuyến nông tương đối hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở. Ở Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị đầu mối quản lý Nhà nước về khuyến nông – khuyến ngư,

hướng dẫn triển khai các chủ trương, chính sách và hoạt động khuyến nông, phát triển nguồn nhân lực thông qua các khoá đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin về hợp tác quốc tế về lĩnh vực khuyến nông, thực hiện thống nhất nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương. Ở cơ sở, triển khai các hoạt động khuyến nông trên địa bàn dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nguyễn Lê, 2015).

Bên cạnh khuyến nông Nhà nước còn hệ thống khuyến nông – khuyến ngư tự nguyện của các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo, các doanh nghiệp, các nhóm sở thích, các đoàn thể, các tổ chức và cá nhân khác, đặc biệt là các tổ chức cá nhân của doanh nghiệp và nông dân như Hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ nông dân… Hệ thống khuyến nông đã đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của các cấp Đảng uỷ và chính quyền, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của bà con nông dân trên cả nước (Nguyễn Lê, 2015).

Bước đầu đã thiết lập được mối liên kết giữa hệ thống khuyến nông Nhà nước, khối tư nhân và các tổ chức có liên quan để thúc đẩy quá trình xã hội hoá công tác khuyến nông. Các văn bản pháp lý về khuyến nông thường xuyên được rà soát, xây dựng, điều chỉnh kịp thời để phù hợp với sản xuất, nhu cầu thực tiễn của người dân. Vì vậy hoạt động khuyến nông trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí, trình độ kỹ thuật, tổ chức quản lý sản xuất thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo định hướng phát triển của Nhà nước và các ngành tại địa phương. Hệ thống kiểm tra, giám sát, đánh giá ngày càng được hoàn thiện. Hàng năm, Vụ khoa học công nghệ và môi trường cùng các vụ có liên quan, các cục quản lý chuyên ngành phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện và kiểm tra sau nghiệm thu nhằm đánh giá chính xác, khách quan hiệu quả của hoạt động khuyến nông (Nguyễn Lê, 2015).

* Những hạn chế

Công tác khuyến nông mới chỉ “phủ sóng” đến những người có điều kiện, còn người nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa vẫn khó tiếp cận. Nguyên nhân là do cơ chế tài chính, bởi khuyến nông hoạt động theo hình thức Nhà nước và nông dân cùng đóng góp. Chẳng hạn, mức hỗ trợ bình quân của Nhà nước cho khu vực đồng bằng là 30%, trung du miền núi 50%, vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo 80%... Muốn làm mô hình, bà con phải đóng góp, vì thế người nghèo ít có cơ hội hưởng lợi (Nguyễn Lê, 2015).

Số lượng cán bộ khuyến nông cũng đang thiếu. Trong tổng số hơn 86 triệu nông dân mới có hơn bốn nghìn cán bộ khuyến nông chuyên trách hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; hơn 10 nghìn cán bộ khuyến nông không chuyên trách và hơn 15 nghìn cộng tác viên thôn, bản. Không những thiếu về nhân lực, đặc biệt là cấp cơ sở, đội ngũ khuyến nông còn nhiều hạn chế về trình độ, số cán bộ khuyến nông có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 31,9%. Mặt khác, cán bộ khuyến nông chủ yếu tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, còn các lĩnh vực như lâm nghiệp, thuỷ lợi, khuyến công, khuyến diêm...đều rất ít hoặc chưa có. Tỷ lệ cán bộ khuyến nông được đào tạo về nghiệp vụ khuyến pháp lý về khuyến nông trong nhiều năm qua chưa được cập nhật thường xuyên nên các hình thức hoạt động như hệ thống tổ chức, đối tượng thụ hưởng, nội dung và cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa kịp thời điều chỉnh, sửa đổi để thống nhất, phù hợp với dân trí, tâm lý của người nông dân ở các vùng khác nhau (Nguyễn Lê, 2015).

Hoạt động hợp tác quốc tế (trao đổi kinh nghiệm về hệ thống tổ chức, phương thức quản lý, cơ chế chính sách, phương pháp khuyến nông…) còn nhiều hạn chế. Ngoài ra còn một số hạn chế như thiếu cơ chế cụ thể về cung cấp dịch vụ khuyến nông có thu trước xu hướng xã hội hóa hoạt động khuyến nông; liên kết giữa khuyến nông Nhà nước và các tổ chức khuyến nông nước ngoài chưa mạnh; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động khuyến nông còn thiếu và yếu... Tất cả những điều đó đã tạo thành lực cản, khiến công tác khuyến nông thời gian qua chưa đạt được hiệu quả mong muốn (Nguyễn Lê).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường công tác khuyến nông trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 34 - 40)