Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về du lịch
2.2. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịc hở một số nơi có những điểm tương
2.2.3. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến đề tài đã được công bố
Một là, nhóm các tài liệu làm cơ sở lý luận cho đề tài trong nghiên cứu định hướng tăng cường vai trò của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, bao gồm: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX, X, XI, XII, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong các văn kiện, đặc biệt là trong Nghị quyết số 08-NQ/TW đã định hướng cho đề tài trong đánh giá thực trạng phát triển du lịch trên các mặt, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế và đặc biệt là những định hướng nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Nghị quyết nhấn mạnh đến những nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch, như: đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch… Trong các nhóm giải pháp, Nghị quyết đã nêu rõ những biện pháp quan trọng nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch, cụ thể là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan để tạo điều kiện cho phát triển du lịch; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển du lịch. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng cục Du lịch. Thành lập sở du lịch tại các địa phương có điều kiện phát triển du lịch theo nguyên tắc không tăng thêm biên chế. Nghiên cứu xác định mô hình, hệ thống tổ chức, quản lý ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống khách sạn, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên và các cơ sở dịch vụ du lịch; khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế, phí để chống thất thu trong hoạt động du lịch. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; xử lý dứt điểm các tệ nạn đeo bám, ép khách, cướp giật; bảo đảm
vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển, gắn kết du lịch Việt Nam với du lịch của các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam. Đây là những định hướng đặc biệt quan trọng để đề tài xác định những giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Hai là, nhóm các tài liệu làm cơ sở xác định nội dung quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch: Luật Du lịch (2017), Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2008), “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2016), “Toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch” của Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, Đại học Charles De Gaulle - Lile 3 (2015),
Quy hoạch du lịch của Bùi Hải Yến (2006), Tài nguyên du lịch của Bùi Hải Yến (2008). Trong những tài liệu trên, đề tài đã kế thừa các thức xác định những nội dung quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch bao gồm:
- Điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch. Quản lý tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch;
- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động du lịch; UBND các cấp ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển du lịch;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch.
Ba là, nhóm các tài liệu có tác dụng tham khảo về phương pháp phân tích các vấn đề thực trạng phát triển du lịch trên một phạm vi cụ thể, bao gồm các luận văn, luận án, như: Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình của Nguyễn Thị Thanh Hà (2012), Quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang của Phạm Ngọc Hiếu (2014), Quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn Hà Nội của Nguyễn
Thị Doan (2015), Quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam của Trần Như Đào (2017), Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ của Dương Hoàng Hương (2017).
Như vậy, có thể thấy, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn cả nước, cũng như một số tài liệu nghiên cứu về du lịch của huyện Cao Phong. Nhưng hiện tại chưa có một đề tài nào nghiên cứu cụ thể về quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện Cao Phong. Chính vì vậy, đề tài này thực hiện trên cơ sở kế thừa những kết quả các tài liệu khác đã nghiên cứu và lấp thêm vào khoảng trống trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện.
2.2.4. Bài học kinh nghiệm cho huyện Cao Phong trong quản lý Nhà nước về du lịch
Bài học qua nghiên cứu sự phát triển du lịch của Sa Pa cho phép rút ra được một số bài học về phát triển du lịch bền vững, dựa trên việc phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của huyện Cao Phong:
Một là, để phát triển du lịch cần phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch; chỉnh trang đô thị, chú trọng thu hút đầu tư các dự án từ nhiều thành phần kinh tế để phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ, nâng cấp và phát triển các điểm du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo chiều hướng chất lượng cao.
Hai là, cần chú trọng phát triển nguồn lực phục vụ phát triển du lịch để bảo tồn sinh thái gắn với công tác nghiên cứu.
Ba là, có phương pháp quản lý hiệu quả, tạo điều kiện tốt nhất đối với khách đi du lịch tại bản, làng dân tộc, phù hợp với qui định và xu thế phát triển chung của ngành du lịch.
Bốn là, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch.
Những bài học trong phát triển du lịch qua thực tế nghiên cứu kinh nghiệm của Mộc Châu trong phát huy lợi thế du lịch:
Một là, cần phải xây dựng, hình thành các điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch trọng điểm. Cùng với đó là thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch quan trọng…
Hai là, ưu tiên phát triển thị trường khách và các sản phẩm du lịch. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí; tập trung phát triển các sản phẩm chính: Du lịch nghỉ dưỡng và điều dưỡng chữa bệnh; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; đặc biệt chú trọng hình thức du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay)...
Bài học qua thực tế huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình trong phát triển du lịch: dù có nhiều lợi thế, tài nguyên du lịch nhưng nếu thiếu định hướng tổng thể thì du lịch cũng chỉ có thể phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch đối với cộng đồng dân cư còn thấp…
Trong phát triển du lịch của huyện Mai Châu đã đưa ra một gợi ý về mặt giải pháp liên quan đến quản lý Nhà nước về du lịch mà huyện Cao Phong có thể tham khảo, đó là, giải pháp về cơ chế, chính sách phải được quan tâm hàng đầu. Để thực hiện được điều này, cần phải nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện quan trọng cho phát triển du lịch. Xây dựng theo thẩm quyền hoặc đề xuất với các cơ quan có thầm quyền ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch trên địa bàn huyện. Tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư. Xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; ưu đãi đầu tư vào khai thác văn hóa bản địa cho phát triển du lịch cộng đồng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào du lịch và tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch. Có chính sách ưu đãi về đất đai, giải phóng mặt bằng cho các dự án du lịch có quy mô lớn, trọng điểm. Triển khai, hướng dẫn các quy chế về quản lý du lịch tại các địa bàn có hoạt động du lịch.