Phần 3 Đặc điểm địa bàn, phương pháp nghiên cứu
3.2. Phương pháp nghiên cứu
3.2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
Phương pháp này sử dụng để thu thập thông tin về kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm ở Công ty TNHH dệt may xuất khẩu Thành Công. Thực hiện theo các bước như:
* Số liệu thứ cấp: Được thu thập từ sách báo, các tạp chí, các luận văn luận án, Internet, các số liệu được thu thập từ tài liệu các phòng như tổ chức hành chính, phòng kế toán và các phân xưởng sản xuất.
Để thực hiện phương pháp này, tác giả tiến hành sưu tầm, tìm kiếm các thông tin, tài liệu liên quan đến tổ chức công tác kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm nói riêng, từ đó tiến hành phân tích đối chiếu so sánh và đưa ra các kết luận.
* Số liệu sơ cấp: Được thu thập thông qua phỏng vấn, quan sát thực tế, điều tra tại doanh nghiệp.
Để thực hiện phương pháp phỏng vấn: Lên kế hoạch phỏng vấn (mục đích phỏng vấn, xác định thời gian địa điểm, xác định đối tượng phỏng vấn) phương pháp và nội dung phỏng vấn cụ thể: Phỏng vấn 21 người trong đó 02 là lãnh đạo công ty, 14 trưởng, phó phòng và tương đương, 05 tổ trưởng phân xưởng sản xuất những câu hỏi đã được chuẩn bị trước phục vụ cho quá trình nghiên cứu đề tài.
Tiến hành trong giờ hành chính với thời gian đã thỏa thuận trước tại các phòng ban của đối tượng phỏng vấn.
Tất cả các thông tin thu thập được thông qua các phương pháp nêu trên đều được chuyển qua khâu phân tích và xử lý dữ liệu.
3.2.2. Phương pháp thống kê mô tả
Phương pháp này nghiên cứu các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn, xảy ra ở nhiều nơi trong các điều kiện. Chính vì vậy với mục tiêu là tìm ra tính quy luật của những hiện tượng phức tạp đó, phương pháp đi sâu, tiến hành điều tra thu thập tài liệu trên cơ sở quan sát số lớn, tổng hợp và hệ thống các tài liệu trên cơ sở phân tổ thống kê và cuối cùng phân tích mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau giữa các hiện tượng. Áp dụng trong đề tài là các bảng so sánh tình hình thực hiện chi phí qua các thời kỳ.
3.2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Sau khi đã thu thập số liệu, sắp xếp theo các chỉ tiêu khác nhau phục vụ theo hướng nghiên cứu của đề tài. Các số liệu chủ yếu được xử lý qua phần mềm Excel.
Tất cả các thông tin thu thập được được lựa chọn, phân loại, sắp xếp một cách có hệ thống theo trình tự nội dung nghiên cứu. Những thông tin này sẽ làm cơ sở cho việc tổng hợp, phân tích, nhận xét, đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí nói chung và kế toán quản trị chi phí sản xuất và tính giá thành nói riêng.
Do quy trình sản xuất các loại sản phẩm khăn mặt là tương đối giống nhau nên Đề tài chọn nghiên cứu về KTQT chi phí và tính giá thành sản phẩm khăn mặt của Công ty TNHH dệt may xuất khẩu Thành Công qua 2 công đoạn: Công đoạn dệt khăn với 2 mã sản phẩm là: 75 g/cái (34x86) lỳ dệt và 375 g/tá (29 x33) lỳ dệt; Công đoạn may khăn với 2 mã sản phẩm là: 75g/cái (34x86) lỳ may và 312,5 g/cái (70x140) lỳ may. Đây là những mã sản phẩm có nhiều đơn đặt hàng và được khách hàng trên thị trường ưu chuộng.
3.2.4. Phương pháp so sánh
So sánh các chỉ tiêu qua các thời kỳ, tình hình tăng giảm như thế nào cả về số tuyệt đối và tương đối. So sánh giữa cơ sở lý luận về kế toán chi phí sản xuất, tính giá thành theo quy định của Luật, chuẩn mực chế độ kế toán với thực hiện công tác kế toán này tại công ty.
3.2.5. Hệ thống chỉ tiêu nghiên cứu
Tại Công ty TNHH dệt may xuất khẩu Thành Công sử dụng phương pháp trực tiếp (phương pháp giản đơn) trong tính giá thành sản phẩm. Phương pháp này được áp dụng trong các doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất giản đơn, số lượng mặt hàng ít, sản xuất với số lượng lớn và chu kỳ sản xuất ngắn.
Giá thành sản phẩm hoàn thành = CPSXKD DD đầu kỳ + Tổng CP sản xuất SP - CP SXDD cuối kỳ