- Quản lý nội dung, kế hoạch giảng dạy, học tập thực hành
1.5.2 Yếu tố chủ quan
Là nhóm yếu tố bên trong các cơ sở đào tạo, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, bao gồm:
1.5.2.1 Nhóm các yếu tố về điều kiện đảm bảo
Trong trường dạy nghề, các yếu tố về điều kiện đảm bảo ảnh hưởng đến quản lý hoạt động dạy học thực hành công nghệ ô tô bao gồm:
* Đội ngũ GV và CBQL.
Đội ngũ GV và CBQL giữ vai trò quan trọng đối với quản lý hoạt động dạy học thực hành công nghệ ô tô. Đối với GV, đặc biệt là GV hướng dẫn thực hành, ngoài những yêu cầu về trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm; yêu cầu về đạo đức tác phong…, người GV còn phải là một người thợ lành nghề, làm chủ được các công nghệ mới, hiện đại. Có như vậy, trong quá trình hướng dẫn HS thực hành người GV mới không bị bỡ ngỡ trước các tình huống kỹ thuật nảy sinh trong thực tế, đồng thời có thể làm mẫu một cách chính xác cho HS.
Đối với CBQL, ngoài những kỹ năng quản lý cơ bản cũng đòi người quản lý có một nhận thức đầy đủ về quản lý hoạt động thực hành nghề, trong đó có thực hành công nghệ ô tô, bao gồm: quản lý nội dung, kế hoạch, chương trình dạy học thực hành; quản lý phương pháp dạy học thực hành, quản lý hoạt động dạy và học thực hành của GV và HS; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thực hành…có như vậy, hoạt động dạy học thực hành nghề nói chung và thực hành nghề công nghệ ô tô mới đạt được kết quả mỹ mãn.
* HS, SV tham gia học chương trình đào tạo nghề công nghệ ô tô. Đây chính là chủ thể của hoạt động thực hành nghề. Trước hết, người học phải có được nhận thức đầy đủ về ngành học, về tầm quan trọng của thực hành để từ đó xác định được động cơ đúng đắn trong học tập, có thái độ nghiêm túc trong thực hành. Có như vậy người học mới mau chóng nắm bắt được những kỹ năng thực hành, hình thành được kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp.
* Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với quản lý hoạt động dạy học thực hành công nghệ ô tô. Nếu cơ sở vật chất đầy đủ, bắt kịp được với sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ góp phần rất lớn cho việc thực hành nghề, giúp cho HS có nhiều cơ hội thực hành, không bị bỡ ngỡ trước công nghệ mới và sẽ vững vàng với công việc sau khi ra trường. Ngược lại, nếu cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo thực hành thiếu, lạc hậu sẽ dẫn tới hiện tượng học chay, HS không được thực hành theo đúng chương trình và lạc hậu đối với công nghệ mới, đó chính là nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo không đạt được theo đúng yêu cầu.
* Nguồn tài chính.
Một trong những hiện tượng phổ biến ở các trường cao đẳng nghề hiện nay là trang thiết bị, cơ sở vật chất vừa thiếu vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu thực hành của HS. Nguyên nhân chính chính là nguồn tài chính hạn hẹp. Ngân sách của các nhà trường chủ yếu từ nguồn học phí, trong khi đó học phí lại không được thu cao, số lượng HS theo học hàng năm lại ít. Ngược lại, các trang thiết bị phục vụ cho ngành công nghệ ô tô hầu hết lại rất đắt, do đó các nhà trường hầu như phải tận dụng các thiết bị có sẵn, và các thiết bị này đều đã cũ và lạc hậu. Như vậy, một nguồn tài
chính dồi dào, cân bằng có một ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động thực hành nghề công nghệ ô tô.
* Gắn đào tạo với sử dụng nhân lực, khuyến khích HS học nghề.
Một trong những yếu tố quan trọng nữa đối với đào tạo nghề công nghệ ô tô chính là phải biết gắn đào tạo với sử dụng và làm tốt công tác khuyến khích HS yêu nghề, học nghề. Có rất nhiều HS khi mới bước chân vào học nghề chưa có động cơ học tập rõ ràng, coi học nghề như một giải pháp tình thế. Do đó, trong quá trình đào tạo cần phải gắn đào tạo với sử dụng nhằm giúp HS được rõ ràng hơn về con đường học tập của mình, tin tưởng hơn về ngành nghề mình lựa chọn. Muốn làm được như vậy cần phải có những việc làm cụ thể nhằm giúp HS hiểu hơn về nghề, có tình cảm với nghề và từ đó hăng say trong học tập, rèn luyện tay nghề.
Tất cả các nhân tố trên đều có ảnh hưởng nhất định đối với quản lý hoạt động dạy học thực hành công nghệ ô tô và chúng được gắn kết với nhau bởi yếu tố quản lý.
1.5.2.2 Nhóm các yếu tố về quá trình đào tạo
Bao gồm các yếu tố như:
Nội dung chương trình đào tạo có phù hợp với mục tiêu đào tạo đã được thiết kế, phù hợp với nhu cầu của thị trường, yêu cầu của người học hay không?
Phương pháp đào tạo có được đổi mới, có phát huy được tính tích cực, chủ động của người học, có phát huy cao nhất khả năng học tập của từng đối tượng HS hay không?
Hình thức tổ chức đào tạo có linh hoạt, thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người học không? Có đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học không?
Môi trường học tập trong nhà trường có an toàn không? Các dịch vụ phục vụ học tập và sinh hoạt trong nhà trường có sẵn sàng và tiện lợi không?
Môi trường văn hóa trong nhà trường có tốt không? Người học có dễ dàng có được các thông tin về kết quả học tập, lịch học, kế hoạch học và các hoạt động khác của nhà trường hay không?