Các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển nuôi cá lồng trên sông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông tại huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 27 - 29)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nuôi cá lồng trên sông

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển nuôi cá lồng trên sông

2.1.5.1. Công tác tuyên truyền nuôi cá lồng trên sông

Công tác tuyền truyền trong thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước là yếu tố cần thiết, nhờ có các hoạt động tuyên truyền người dân có thể tiếp cận chính sách thuận lợi hơn, hiểu sâu hơn. Hoạt động tuyên truyền trong phát triển nuôi cá lồng trên sông không chỉ để người dân, các tổ chức xã hội biết đến hoạt động nuôi

cá lồng mà còn để phổ biến các chương trình, dự án, các hình thức tổ chức, các hoạt động kĩ thuật trong nuôi cá lồng. Công tác tuyên truyền phát triển nuôi cá lồng đạt hiệu quả khi quy mô nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao trong nuôi cá lồng và mang tính bền vững (Phạm Thị Ngọc và cs., 2016).

2.1.5.2. Đặc điểm của hộ nuôi cá lồng

- Chủ hộ: Trong hộ nông dân, chủ hộ là người có vai trò rất quan trọng, quyết định các phương thức sản xuất của hộ, phương hướng phát triển sản xuất của hộ trong tương lai. Trong nuôi cá lồng việc lựa chọn phương thức sản xuất, với qui mô nào phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất thì phần lớn các quyết định là do chủ hộ. trình độ chuyên môn, quản lý của các chủ hộ cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định sản xuất và hiệu quả sản xuất của các hộ. Những chủ hộ nào có trình độ chuyên môn, học vấn cao, có trình độ quản lý tốt thì sẽ dễ dàng áp dụng các công nghệ tiến bộ vào nuôi cá, dám đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý và sử dụng các nguồn lực vào sản xuất một cách hợp lý và có hiệu quả hơn các chủ hộ có trình độ học vấn và trình độ quản lý thấp hơn (Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).

- Lao động: Lao động là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến quy mô nuôi cá lồng. Số lao động trong các hộ nuôi càng nhiều thì việc đầu tư vào quy mô sản xuất lớn càng thuận tiện. Ngoài lao động của gia đình tham gia vào quá trình nuôi cá, các hộ nuôi cá lồng có thể thuê thêm lao động ngoài để tăng khả năng sản xuất (Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).

- Vốn: Vốn là yếu tố tiên quyết cho tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng vốn quyết định đến quy mô, hình thức sản xuất, số lượng vốn đi vay càng nhiều thì chi phí vay vốn càng lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất kinh doanh (Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).

- Quy mô nuôi cá lồng: Trong các quy mô nuôi trồng nên áp dụng quy mô nào mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho từng vùng, từng địa phương. Diện tích và số lồng nuôi là một chỉ tiêu phản ánh quy mô, phản ánh tình hình nuôi cá lồng trong chu kỳ nuôi, phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của hộ cũng như các cấp, các ngành, là thông tin đầu vào phục vụ việc tính sản lượng, năng suất nuôi cá lồng, tính giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích nuôi cá lồng và các chỉ tiêu liên quan khác. Quy mô nuôi cá lồng của hộ lớn hay nhỏ phụ thuộc vào diện tích mặt sông tự nhiên hoặc nhân tạo được sử dụng để nuôi cá trong thời kỳ (Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).

2.1.5.3. Trình độ của lãnh đạo và nguồn lực của địa phương

Trình độ của lãnh đạo địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi cá của các hộ. Những người lãnh đạo có trình độ chuyên môn cao được đào tạo về kỹ thuật nuôi cá lồng, nắm rõ các chủ trương chính sách về phát triển nuôi cá lồng trên sông để tuyên truyền tới các hộ sản xuất. Bên cạnh đó họ còn được trang bị kiến thức pháp luật về những vấn đề liên quan đến hoạt đồng nuôi cá lồng trên sông góp phần cho nuôi cá lồng phát triển (Danh Minh Khải và cs., 2006).

2.1.5.4. Điều kiện tự nhiên, chiều dài sông của địa phương

Sông là tư liệu sản xuất không thể thiếu trong hoạt động nuôi cá lồng trên sông, hệ thống sông nhiều, đa dạng sẽ góp phần thuận lợi cho phát triển nuôi các trên sông (Danh Minh Khải và cs., 2006).

2.1.5.5. Chính sách của địa phương

Phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện các giải pháp phát triển nuôi cá lồng thì ngoài các chính sách của Đảng và nhà nước thì những cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương nói chung đóng vai trò chủ đạo trong quá trình thực hiện. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ của tỉnh Hải Dương và huyện Nam Sách có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các giải pháp Phát triển nuôi cá lồng (Danh Minh Khải và cs., 2006).

2.1.5.6. Thị trường tiêu thụ cá lồng

Thị trường nông thuỷ sản là sự tổng hòa của mối quan hệ giữa cung và cầu nông thuỷ sản. Với nền kinh tế thị trường hiện nay, thị trường nông thuỷ sản trở nên “ khó tính “ hơn. Với lượng cung nông sản ngày càng nhiều, mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày được cải thiện, nhất là các sản phẩm nông nghiệp được nhập khẩu từ nước ngoài vào, bên cạnh đó, mức sống của xã hội nâng cao nên cầu có xu hướng sử dụng hàng hoa chất lượng cao, đòi hỏi người sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong nước (Vũ Đình Thắng và cs., 2005).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông tại huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 27 - 29)