Kinh nghiệm rút ra cho huyện Nam Sách trong phát triển nuôi cá lồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông tại huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 38 - 39)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nuôi cá lồng trên sông

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.4. Kinh nghiệm rút ra cho huyện Nam Sách trong phát triển nuôi cá lồng

trên sông

Thứ nhất, tăng cường vai trò định hướng của nhà nước, trước hết cần chú trọng công tác quy hoạch phát triển vùng nuôi cá lồng trên sông. Quy hoạch phát triển vùng nuôi của huyện phải nằm trong quy hoạch phát triển vùng nuôi cá lồng chung của tỉnh.

Thứ hai, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Trung ương với các nguồn vốn ngân sách địa phương; lồng ghép các chương trình, dự án của ngành giao thông đường thuỷ nội địa và ngành liên quan trong việc triển khai các dự án đầu tư hệ thống phao tiêu, đèn báo khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè; cải tạo luồng tuyến, công trình phòng, chống lụt, bão.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin về thị trường, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; làm tốt công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cá lồng của huyện; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn xây dựng và đăng ký thương hiệu cá lồng Nam Sách, Hải Dương.

Thứ tư, nhập khẩu công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, sản xuất giống sạch bệnh, các giống có giá trị kinh tế cao; hoàn thiện công nghệ nuôi các đối tượng đặc sản nuôi cá lồng; nghiên cứu các bệnh trên cá nuôi, ứng dụng các biện pháp tiên tiến trong phòng và trị bệnh cho cá lồng; công nghệ sản xuất và chế biến thức ăn; các giải pháp kỹ thuật sử dụng hoá chất, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước trong quá trình nuôi cá. Cải tiến chất liệu kết cấu lồng có tuổi thọ cao hơn nữa, chi phí thấp nhằm tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm cá lồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông tại huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 38 - 39)